Trang

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Đến núi Bình San, thăm lăng Mạc Cữu



LTQ

Núi Bình San còn gọi là núi Lăng nằm cách nội ô Thị xã Hà Tiên khoảng hơn 1km về hướng tây bắc. Như tên gọi “Bình San Điệp Thúy”, một trong mười cảnh đẹp của Hà Tiên được mô tả trong Hà Tiên thập vịnh ; núi Bình San tựa như muôn ngàn chiếc lá xanh tươi phủ đầy ngọn núi bằng phẵng như tấm bình phong tạo cho người đến tham quan một cảm giác yên bình. Đây là nơi yên nghĩ của dòng họ Mạc mà đứng đầu là Mạc Cữu (1655-1735), người  đã có công khai phá và xây dựng đất Phương Thành ( Hà Tiên ngày nay ) và các thành phố khác ở biển Tây chạy dài từ Kiên Giang đến Siêm Rệp của Campuchia hiện nay.
Hình 1 : Tượng đài Mạc Cữu trên đường vào Hà Tiên
Trước sự xâm lược của nhà Thanh đến từ Mãn Châu vào trung nguyên, những cựu thần nhà Minh và dân chúng không chịu khuất phục ; họ chỉ còn chọn con đường là ly hương đến vùng đất mới. Trên những chiếc thuyền lên đênh trên biển trôi dạt về đất phương Nam, nhóm người này ghé vào Phú Xuân tìm đến chúa Nguyễn để xin tá túc. Lợi dụng cơ hội vùng đất mới ở phía Nam còn hoang vu chưa có người khai phá, Chúa Nguyễn Phúc Tần đưa những người này vào lập nghiệp để mở rộng bờ cõi. Trần Thượng Xuyên ( Trần Thắng Tài, nguyên tổng binh phủ Cao, Lôi Liêm)  và phó tướng Trần An Bình đến vùng cù lao Phố ( Biên Hòa ), Dương Ngạn Địch nguyên tổng binh Long Môn cùng phó tướng Hoàng Tiến đến vùng Mỹ Tho, Bạc Liêu sinh sống. Khác với những người này, Mạc Cữu chỉ là một thương nhân. Ông thường đi lại buôn bán trên các tuyến đường từ Trung Quốc đến Philippine, Batavia (Indonesia )…..Trong lúc buôn bán có lẻ ông đã cộng tác với Trịnh Thành Công ở Đài Loan. Nhận thấy nhà Minh không thể nào phục hưng được, ông lập nghiệp luôn ở đất Mang Khảm ( tên gọi của Hà Tiên lúc ấy ). Nhờ tài tháo vác, lanh lợi trong việc buôn bán lại biết rành thổ ngữ của Chân Lạp, ông được quốc vương nước này là Nặc Nộn ( Nặc Ông Non ) tin tưởng và phong làm Ốc Nha (1) của vùng đất Mang Khảm thuộc tỉnh Peam ( tiếng Hoa gọi là Phương Thành ). Ông xây dựng đất Mang Khảm thành một thương cảng lớn, tiếp nhận những thuyền bè từ các nơi đến buôn bán, trao đổi với các mặt hàng thổ sản của địa phương như hồ tiêu, đồi mồi…. Ông lại mở các sòng bạc để lấy xâu làm kinh phí để xây dựng tòa thành trên bờ biển, mở phố xá, chiêu mộ lưu dân đến khai phá tại các nơi như Phú Quốc (Koh Tral), Cần Bột               ( Kampot), Rạch Giá ( Lai Khê), Luống Cày ( Lũng kỳ), Hương Úc ( Vũng Thơm, Kompong   Som )…..
Nhận thấy lợi nhuận lớn lao từ vùng đất mới  này, khoảng năm 1687 quân Xiêm đến cướp phá Hà Tiên bắt ông cùng gia quyến đem về giam tại Muang Galapuri ( Vạn Tuế sơn ). Hai năm sau, nhân lúc nước Xiêm có loạn ông mới trốn về Mang Khảm và bắt tay vào khôi phục vùng này. Biết không thể nào đứng vững một mình và nhờ vào sự bảo trợ của nước Chân Lạp vốn đã suy yếu vì nội chiến và sự xâm lược của quân Xiêm, năm 1708 ông đem đất Mang Khảm dâng cho chúa Nguyễn Phúc Chu và xin thần phục chúa Nguyễn(2). Chúa Nguyễn Phúc Chu phong cho ông làm Tổng Binh và đặt tên mới là trấn Hà Tiên. Chúa Nguyễn còn cho trấn Hà Tiên còn được phép đúc tiền riêng để lưu thông. Từ đó dân đến ở ngày càng đông và vùng đất hoang vu này biến thành nơi đô hội.
 
Hình 2 : Tượng Phật Thích Ca đang giảng đạo nơi chùa Tam Bảo.
Mẹ của ông là bà Thái thị vì nhớ con mà lặn lội từ Lôi Châu vượt biển đến đất Mang Khảm để tìm. Ông phụng dưỡng cho bà đầy đủ và cất một ngôi chùa cho bà tu hành  đặt tên là chùa Tam Bảo. Một hôm đang ngồi lễ Phật tại chùa này bà bổng nhiên hóa. Ông cho người đúc tượng bà để thờ trong chùa đồng thời cũng cho đúc một đại hồng chung để kỷ niệm. Ngôi chùa cũ này bị phá hủy hoàn toàn do loạn lạc còn ngôi chùa mới hiện nay do hòa thượng Phước Ân  xây năm 1930 tuy không còn dáng vẽ ban đầu nhưng vẫn giữ được không khí u tịch của chốn thiền lâm. Hiện nay chùa được tôn tạo và trở thành nơi hành hương của du khách khi đến viếng Hà Tiên.
Ông mất năm 1735, thọ hơn 80 tuổi được triều đình phong tặng Khai Trấn Thượng trụ Quốc Đại tướng quân Vũ nghị công, tước Cữu Ngọc Hầu
Con trai trưởng của ông là Mạc Thiên Tích(1706-1780) còn có tên khác là Mạc Thiên Tứ, Mạc Tông…. lên nối nghiệp cha vốn là người văn võ song toàn. Tương truyền khi sinh ra ông tại Lũng kè ( Peam )  trong đầm tại đây nổi lên một tượng Phật cao bảy thước, tỏa hào quang rực rỡ. Lúc đó có một nhà sư Chân Lạp đi ngang qua thấy vậy bảo đó là điềm tốt, báo hiệu sẽ có một hiền nhân xuất hiện. Mạc Cữu sai người vớt lên nhưng bao nhiêu người cũng không khiêng lên được. Ông đành xây một ngôi chùa nhỏ ngay trên bờ đầm để thờ. Ít lâu sau, phu nhân của ông sinh hạ được một cậu trai mặt mày khôi ngô tuấn tú. Thấy hợp với điềm lành, Mạc Cữu đặt tên con trai là Thiên Tứ ( nghĩa là trời ban tặng ). Khi lên nối nghiệp cha, ông được chúa Nguyễn phong làm Tổng Binh Đại Đô Đốc trấn Hà Tiên và ban tặng bảy chữ lót cho các đời nối tiếp nhau là : Thiên, Tử, Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Về sau ông mới đổi tên là Thiên Tích vì chữ Tích cũng có nghĩa là ban cho nhưng bên trái có bộ Kim ( chỉ hành kim trong ngũ hành ).
Ngoài việc mở mang thành lũy, luyện tập quân đội để đề phòng sự xâm lấn, cướp phá của quân Xiêm, Mạc Thiên Tích còn là một văn nhân. Ông xây dựng Khổng Tử miếu tại Hà Tiên, chiêu nạp hiền tài địa phương và từ nơi khác đến và mở Chiêu Anh các để cùng các văn nhân ngày ngày đến giảng sách, xướng họa thi thơ. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của tao đàn Chiêu Anh các là bài “ Hà Tiên thập vịnh”(4) mô tả mười cảnh đẹp của Hà Tiên được người dân truyền tụng đến ngày nay. Một số người cho rằng chùa Phù Dung ngày nay vốn được xây dựng trên di tích nền Chiêu Anh các ngày xưa. Vấn đề này đang được các nhà nghiên cứu về lịch sử và văn hóa của Hà Tiên làm rõ.
Năm 1756, quốc vương nước Chân Lạp là Nặc Nguyên uy hiếp người Côn Man (4) nhưng bị đánh bại phải sang nương nhờ họ Mạc. Mạc Thiên Tích dâng thư lên chúa Nguyễn để xin viện binh. Chúa Nguyễn chấp thuận và cho người hộ tống Nặc Nguyên về nước. Nặc Nguyên lâng đất Tầm Bôn, Bôi lạp để chuộc tội . Hai phần đất đó trở thành hai phủ Tân An và Gò Công.
Năm 1757, Nặc Nguyên mất, nước Chân Lạp có nội loạn, Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên cầu cứu. Mạc Thiên Tích đứng ra sắp xếp xin chúa Nguyễn cho Nặc Tôn làm vua đất Chân Lạp. Chúa Nguyễn sai Mạc Thiên Tích cùng tướng sĩ năm dinh hộ tống Nặc Tôn về nước. Để tạ ơn, Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long ( bao gồm Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh... ) cho chúa Nguyễn . Riêng đối với họ Mạc, Nặc Tôn dâng năm châu Hương Úc, Cần Bột, Trực sâm, Sài Mạc, Lình Quỳnh để đền ơn giúp đở. Mạc Thiên Tích dâng hết đết này cho chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn cho sát nhập vào Hà Tiên và chia vùng đất mới này thành hai đạo : xứ Rạch Giá là Kiên Giang đạo, xứ Cà Mau là Long Xuyên đạo .
Trong thời gian đầu của Mạc Thiên Tích làm tổng trấn đất Hà Tiên, vùng đất này trở nên phồn thịnh nhưng nó cũng chính là miếng mồi ngon béo bở cho các thế lực ngoại bang. Chúng tìm cách xâm chiếm và cướp phá mỗi khi có dịp. Quân Xiêm đã nhiều lần tấn công đất Hà Tiên nhưng chuốc lấy thất bại đành phải kéo quân về nước.
Vào đời chúa Nguyễn Phúc Thuần, do quyền thần Trương Phúc Loan tiếm quyền khiến nhân dân bất mãn và ngã về phía Tây Sơn. Dòng họ Mạc vẫn trung thành với chúa Nguyễn vì nhớ ơn họ đã từng cưu mang mình trong bước đầu lập nghiệp tại đất Hà Tiên. Khi Nguyễn Phúc Thuần bị quân Tây Sơn đánh bại và bị bắt tại đạo Long Xuyên ( Cà Mau ngày nay ), ông đem quân tới ứng cứu nhưng không kịp đành phải quay về đất Hà Tiên. Định Vương Nguyễn Phúc Thuần được giải về Gia Định và bị giết ở đó. Năm 1780, bất đắc dĩ Mạc Thiên Tích phải cùng gia đình đi lánh nạn tại Xiêm La. Lúc đầu Trịnh Nhã Tân đối xữ với ông rất tử tế nhưng sau đó bị kế ly gián của Tây Sơn nên giết các con của ông là Mạc Tử Dung, Tử Hoàng và Tử Thượng.Gia quyến chỉ còn sót lại một vài người như Mạc Tử Sanh thì bị bắt đi đày. Quá phẩn uất ông uống thuốc độc tự tử (5). Năm 1788, Mạc Công Bính là con trai út của Mạc Tử Hoàng mới đem hài cốt của Mạc Thiên Tích cùng các gia quyến đem về an táng tại núi Bình San. Triều đình nhà Nguyễn nhớ công lao của họ Mạc đã tận trung nên cho xây một ngôi đền gọi là Mạc Công Từ để cho con cháu họ Mạc và nhân dân thờ cúng. Ngôi đền cũ trước đây ở gần chùa Tam Bảo được lợp bằng tre lá do Mạc Công Du là cháu 4 đời của Mạc Cữu lúc đó làm Hiệp Trấn Hà Tiên lập vào khoảng năm 1816-1818. Khoảng năm 1833, Mạc Công Du theo Lê văn Khôi chống lại vua Minh Mạng nên bị tội, con cháu tản lạc nên ngôi đền bị hủy hoại. Đến năm 1845, Tổng Đốc An Giang là Doãn Uẩn thấy Mạc Cữu và con là Mạc Thiên Tích có công lao rất lớn trong việc khai phá đất Hà Tiên nên mới tâu lên vua Thiệu Trị xin lưu dụng lại con cháu họ Mạc và xây dựng lại ngôi đền tại địa điểm mới dưới chân núi Bình San. Ngôi đền mới này được xây dựng bằng gỗ lợp ngói, kiên cố và đẹp đẽ hơn được hoàn thành vào năm 1847 còn có tên gọi là Trung Nghĩa Từ và giao cho con cháu họ Mạc phụ trách việc thờ cúng. Từ đó đến nay nó nhiều lần được trùng tu do công lao quyên góp của nhân dân đất Hà Tiên.
 
Hình 3 : Cổng vào Mạc Công miếu ( Trung Nghĩa Từ ).
Đến Trung Nghĩa từ vào mùa hạ, du khách có thể cảm nhận được mùi hương tỏa ra từ những đóa sen hồng trồng ở hai ao sen trước cổng đền. Ao sen này tương truyền là do Mạc Thiên Tích đào để lấy nước ngọt cho dân địa phương dùng vì nơi này gần biển nên khan hiếm nước ngọt, để nấu ăn chỉ có thể dùng nước mưa nên nhà nào cũng có lu khạp để dự trữ nước. 
Hình 4 : Đôi sư tử trước tiền đình.
Đền có kiến trúc theo hình chữ quốc, chung quanh có tường dày bao bọc còn ở chính giữa là điện thờ. Bước qua khỏi cổng là con đường nhỏ lát gạch, hai bên trồng cây xanh dẫn đến một tiểu đình có đôi sư tử bằng đá uy nghi. Trên các cột đều có những câu đối viết bằng các kiểu chữ khác nhau. Trước điện thờ chính còn có một biển thờ đề bốn chữ  “ Khai Trấn Trụ Quốc” và bức hoành ´Nghị Võ Công”.
Gian thờ chính thờ bài vị của Mạc Cữu, Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Sanh, Mạc Tử Hoàng... còn ở hai bên thì thờ Thái phu nhân (mẹ Mạc Cữu), phu nhân Nguyễn Hiểu Túc ( Vợ Mạc Thiên Tích ), Mạc Mi Cô  ( con Mạc Thiên Tích) cùng các học sĩ, thuộc tướng và con cháu họ Mạc. Vì vậy ngôi đền này còn có tên gọi khác là Mạc Công Miếu hay đền họ Mạc. Bên vách phải gian thờ là tiểu sử dòng họ Mạc được viết bằng chữ quốc ngữ để khách tham quan có thể hiểu thêm về công lao của họ Mạc tại đất Hà Tiên.
Đi vòng theo phía phải Mạc Công Miếu, men theo những bậc đá hướng về lưng chừng núi sẽ đưa ta đến nơi an táng của của dòng họ Mạc. Mộ Mạc Cữu nằm ở trên cao được xây dựng theo kiểu Trung Quốc có hình bán nguyệt khoét sâu vào bên trong núi được làm bằng hỗn hợp đá vôi, cát, đường và nhựa ô dước nên vẫn bền vững dù trãi qua nhiều năm tháng. Mộ được bố cục theo thế tọa ngưu ( hình con trâu đang nằm), phía trước có hai tượng đá cầm gươm đứng hầu còn phía sau lưng là một rừng cây thẳng tắp che chở cho ngôi mộ. Ngoài ra trước mộ còn có một khoảng sân rộng với các bậc thềm cẩn bằng đá xanh, tương truyền là do các nhà buôn Trung Hoa thời bấy giờ chở từ Quãng Tây sang. Tiếc thay ngôi mộ hiện nay lại được tân trang bằng cách quét lên lớp vôi màu vàng, làm mất đi vẽ cổ kính so với mộ của Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Hoàng nằm ở bên dưới.
Hình 5 : Lăng mộ mạc Cữu trên núi Bình San.
 
Hình 6 : Bia mộ Mạc Cữu.

Mộ của Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Hoàng trông có vẽ khiêm tốn hơn. Vẫn bố cục theo thế tọa ngưu nhưng chỉ có vòng cung phía trước làm bằng đá xanh còn nấm mộ chỉ là nấm đất bình thường, bên trên có trồng hoa phủ xanh ngôi mộ. Ngoài ra xung quanh đó còn có nhiều ngôi mộ của con cháu họ Mạc và gia quyến của họ. Đặc biệt còn có các ngôi mộ của những gia tướng mà lúc sinh thời đã cùng với họ Mạc khai phá và gìn giữ đất Hà Tiên. Tất cả có gần 40 ngôi mộ chia làm 4 khu nằm rãi rác khắp núi Bình San. 
Hình 7 Mộ Mạc Thiên Tích nơi núi Bình San.
Chùa Phù Dung (6) và mộ Mạc Mi Cô ( còn gọi là mộ cô Năm) nằm trong quần thể di tích họ Mạc tại núi Bình San cũng là nơi mà khách hành hương quan tâm tới khi ghé thăm Hà Tiên.
Chùa Phù Dung hiện nay được cho là xây dựng trên nền của Tao đàn Chiêu Anh các ngày trước. Sự tích của nó gắn liền với chuyện tình của Mạc Thiên Tích và nàng thứ cơ Nguyễn thị Xuân, hiệu là Phù Cừ.
Hình 8 : Chùa Phù Dung nơi chân núi Bình San.
Tương truyền bà là thứ nữ của một di thần nhà Lê tên là Nguyễn Đình lưu lạc đến đất Hà Tiên này. Bà rất giỏi về văn thơ nên được Mạc Thiên Tích yêu dấu khiến chánh thất là Nguyễn phu nhân ghen tức. Lợi dụng lúc ông đi duyệt binh vắng nhà, Chánh thất cho người bắt nàng thứ cơ nhốt trong chiếc chậu lật úp lại. Khi Mạc Công trở về thì trời cũng vừa đổ cơn mưa . Ông truyền lệnh cho gia nhân lật chậu lên để hứng nước mưa thì bắt gặp nàng thứ cơ thoi thóp trong chậu sắp đứt hơi. May mắn thay nhờ cứu chữa kịp thời nên nàng thoát chết. Chán nãn trước tình đời, nàng xin Mạc Công được đi tu. Trước tình cảnh đó. Mạc Công dành chiều ý cất một am tự cho nàng thứ cơ được an tâm tu hành. Bên cạnh am tự đó, cho đào ao trồng hoa sen để kỷ niệm mối tình xưa. Khi nàng chết, ông xây một ngôi mộ kiên cố đẹp đẽ để tỏ lòng thương tiếc người vợ đã vì mình mà chịu khổ. Chuyện tình này được nữ sĩ Mộng Tuyết tiểu thuyết hóa thành “ Chuyện nàng Ái Cơ trong chiếc chậu úp “ và soạn giả Kiên Giang viết lên vở cải lương nổi tiếng “ Áo cưới trước cổng chùa”.
Trước sân chùa là một đài cao có tượng Phật Quan Thế Âm cao bằng xi măng trắng. Bước vào bên trong là ngôi chính điện thờ Phật Thích ca Mâu Ni còn hai bên là hai đại đệ tử A Nan và Ca Diếp. Trên tường còn có 4 bức phù điêu mô tả 4 cảnh trong cuộc đời đức Phật : lúc đản sanh, xuất gia, thuyết pháp lần đầu tiên lúc nhập niết bàn. Phía hậu liêu là bệ thờ tượng bà Phù Dung tên hiệu Từ Thành phu nhân Nguyễn thị Xuân.
Ngôi mộ của Mạc Mi Cô cũng mang một màu sắc huyền bí nửa hư nửa thật. Theo nữ sĩ Mộng Tuyết thì khi Nguyễn Phu nhân chuyển bụng sinh được một bé gái. Sau khi tắm rửa xong thì đứa bé tự nhiên lớn bằng  đứa trẻ lên chín, mười tuổi và cất tiếng đọc một bài sấm truyền. Nội dung bài sấm truyền này báo hiệu dòng họ Mạc sẽ suy vong. Mọi người chưa hết  kinh ngạc thì đứa bé từ từ nhỏ lại bình thường, nhắm mắt, nằm yên và tắt thở. Nguyễn phu nhân cho an táng phía tây núi Bình San và cho xây một ngôi mộ kiên cố, tráng lệ. Lúc đó thì Mạc Thiên Tích cũng vừa về tới nhà và cho khắc lên ngôi mộ mấy chữ : Tiểu thư Mạc Mi Cô chi mộ. Tuy nhiên theo truyền thuyết dân gian thì câu chuyện khác hẳn (7). Nguyễn phu nhân chuyển bụng sinh ra một bé gái bị dị tật. Lúc mới sinh ra tóc đã dài quá gối. Lên 3 tuổi mà vẫn không ngồi dậy được. Mọi người cho đó là điềm gở nên người đứng đầu họ Mạc cho đem chôn sống. Phải chăng đây là sự báo ứng cho việc làm của Nguyễn phu nhân đối với nàng thứ cơ ? Nguyễn phu nhân tiếc thương nên xây ngôi mộ tại phía tây núi Bình San để chôn cô bé này. Sau khi cô bé chết dòng họ Mạc bắt đầu suy sụp phải lưu vong sang Xiêm La. Tương truyền rằng Mạc Mi Cô rất linh hiển thường ra tay cứu giúp nhân dân Hà Tiên trong cơn ly loạn nên dân trong vùng rất tin tưởng, ngôi mộ của bà lúc nào cũng nghi ngút khói hương.
Hình 9 : Mộ cô Năm Mạc Mi Cô dưới chân núi Bình San.
 Ngày 7/9 năm 2008 tại thị xã Hà Tiên diễn ra lễ k niệm 300 năm ngày thành lập trấn Hà Tiên. Một hội thảo về lịch sử và công lao của họ Mạc đối với đất Hà Tiên đã được tổ chức với sự góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử. Trên đường vào thị xã Hà Tiên, tượng đài Mạc Cửu bằng đá cao 15m cũng đã được dựng xong với dáng đứng uy nghi : một tay tỳ vào đốc kiếm, tay kia cầm cuốn thư văn, mắt nhìn ra biển Đông lộng gió. Ước muốn của ông cách nay hơn 300 năm giờ đã thành hiện thực. Hà Tiên ngày nay trở thành một đô thị phồn vinh với  nhiều di tích lịch sử và văn hóa làm say lòng bao du khách từ phương xa đến. Họ đến đây để thăm lại những di tích đã từng được ghi trong Hà Tiên thập vịnh như : Kim Dự lan đào, Đông Hồ ấn nguyệt, Lộc Trĩ thôn cư, Châu Nham lạc lộ..... Điểm dừng chân đầu tiên chính là núi Bình San để có một chút hoài niệm về người xưa đã đem hết sức mình khai phá và bảo vệ đất Hà Tiên qua nhiều thế hệ như hai câu đối ngoài cổng đền Trung Nghĩa từ :
                   Nhất môn trung nghĩa gia thanh trọng,
                 Thất diệp phiên hàn quốc sủng vinh.
    Dịch nghĩa  Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ,
                     Bảy lá giậu che (8), cả nước mến yêu.

LÂM THANH QUANG
Chú thích  :
(1)   Viên quan coi về hành chánh và thu thuế tại một địa phương.
(2)   Có tư liệu cho rằng năm 1708 Mạc Cữu mới liên lạc được với chúa Nguyễn Phúc Chu, còn năm 1724 mới thực sự dâng hết đất đai cho chúa Nguyễn.
(3)    Hà Tiên thập cảnh vịnh là: Kim Dự lan đào, Bình San điệp thúy. Tiêu Tự thần chung, Giang Thành dạ cổ, Thạch Động thôn Vân, Châu Nham lạc lộ, Đông Hồ ấn nguyệt, Nam Phố trng ba, Lộc Trĩ thôn cư, Lư khê ngư bạc.
(4)   Người Chăm từ Chiêm Thành chạy loạn sang sinh sống tại Chân lạp.
(5)   Theo nhà thơ Đông Hồ thì Mạc Thiên Tích tự tử bằng cách nuốt vàng lá cho bít cuống phổi nghẹt thở mà chết.
(6)   Người ta phát hiện là có hai chùa  Phù Dung : Chùa Phù Dung cũ nằm ở phía tây nam núi Bình San còn chùa Phù Dung mới được xây trên nền của Chiêu Anh Các cách đó hơn 500m.
(7)   Đây chỉ là lời đồn bên ngoài vì họ Mạc luôn giữ kín về cái chết của Mạc Mi Cô. Việc này được tiết lộ qua gia nhân và người thợ xây mộ cho Mạc Mi Cô mới truyền ra bên ngoài.
(8)   Ý nói cả nhà họ Mạc bảy đời đều dốc sức mở mang bờ cõi, gìn giữ biên cương.



















Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Bửu Hương tự ở Láng Linh và cuộc khởi Nghĩa của Quản Cơ Trần văn Thành.



BỬU HƯƠNG TỰ Ở LÁNG LINH : ĐỀN THỜ

ĐỨC CỐ QUẢN TRẦN VĂN THÀNH.

     LTQ      
Láng Linh xưa kia là một là vùng đầm lầy hoang vu, chỉ có cây bảy thưa mọc thành rừng ; hàng năm hơn 4 tháng trời ngập sâu dưới mực nước lũ. Lịch sử của vùng đất này gắn liền với việc khai hoang lập ấp và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa của nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của ngài Quản Cơ Trần văn Thành.



Hình 1 : Bửu Hương Tự ở Láng Linh.


Hình 2 : Bàn thờ hai ông bà Quản Cơ Trần văn Thành tại Bửu Hương Tự.

Quản Cơ Trần văn Thành sinh khoảng năm 1818 trong một gia đình trung nông ở ấp Bình Phú, làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc. Nay là xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Ông gia nhập quân đội triều Nguyễn, lập được nhiều chiến công và được phong chức Quản Cơ. Khi Đức Phật Thầy Tây An khai mở đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, ông tìm đến thọ phái và trở thành một trong những đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An.Ông vâng lệnh Đức Phật Thầy cùng với các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đến vùng Láng Linh, lập nên một trại ruộng tên là Bửu Hương Các với mong ước rằng sẽ cải tạo vùng này thành vùng đất trù phú nuôi sống người dân theo đạo. Tương truyền rằng ông còn được Đức Phật Thầy giao nhiệm vụ cắm 5 mộc bài bằng gỗ lào táo ở Vĩnh Hanh, Ngả Bát, Bà Bài, Giồng Cát và Núi Cấm.

Vào những năm 60 của thế kỹ thứ 19, bọn giặc Pháp tiến hành xâm lược nước ta. Triều đình nhà Nguyễn bất lực phải nhường 3 tỉnh miền Đông rồi 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ cho bọn chúng. Bất chấp lệnh cấm của triều đình, nhân dân vùng Nam Bộ đã nổi dậy khởi nghĩa. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã huy động được đông đảo dân chúng tham gia như cuộc khởi nghĩa của Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định, Thiên Hộ Võ Duy Dương, Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực….. khiến bọn giặc Pháp điêu đứng vì phải chia quân ra đánh dẹp.
Phẩn uất trước sự đàn áp của bọn giặc Pháp đối với nhân dân ở Nam Bộ và sự nhu nhược của triều đình, lúc đó Quản Cơ Trần văn Thành cùng các tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đang khai hoang trại ruộng ở Láng Linh rút vào rừng Bảy Thưa, thành lập căn cứ kháng chiến chống Pháp. Bộ chỉ huy của nghĩa quân được lấy tên là Binh Gia Nghị đặt tại đồn Hưng Trung, nay thuộc xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Ngoài những nông dân vốn là tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương tham gia khởi nghĩa còn có  những người xuất thân từ quan quân vì bất mản trước sự nhu nhược của triều đình với bọn giặc Pháp mà về đây đầu quân như Đội nhất Lê văn Vang, Đội nhì Nhiều, Đội nhì Lượng, Đội tư Đinh văn Hiệp, Đội tám Trần văn Đinh, Đội chín Văn tức Đề Đốc Văn, Đề Đốc Nguyễn Kế Trung, Đội Sang tức Võ văn Sang, Đội Tú tức Nguyễn văn Tú, Nhà nho Phạm văn Khuê……
Nghĩa quân tự trang bị lương thực, rèn vũ khí như súng hỏa mai, gươm giáo…làm phương tiện chống Pháp và được sự hỗ trợ, tiếp tế của tín đồ theo đạo và nhân dân trong vùng. Hiện nay người ta đã khai quật và phát hiện nhiều lò đúc vũ khí, gươm súng, giáo mác ở các hầm chôn giấu quanh vùng Láng Linh.


 Hình 3 : Di tích vũ khí tự chế tìm được tại Láng Linh.


Hình 4 : Súng thần công tự chế tìm được ở Láng Linh.

 

Hình 5 : Cối giả gạo nuôi quân tìm được ở Láng Linh.

Trong 7 năm từ năm 1867 đến năm 1873, cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa dưới sự lãnh đạo của ngài Quản Cơ Trần văn Thành đã lập nhiều chiến công như trận đánh thành Châu Đốc tháng 11 năm 1867. Sau đó ông rút về vùng Láng Linh để tích trử lương thực, bổ sung quân sĩ và vũ khí đồng thời tiến hành chiến tranh du kích để chống Pháp vì ông biết rằng với lực lượng nhỏ bé của ông không thể đối đầu trực diện với bọn chúng được.
Tháng 4 năm 1872, bọn Pháp cho người đột nhập vào để nghiên cứu địa hình của vùng Láng Linh. Đến tháng 6, chúng đưa quân từ nhiều mặt bao vây căn cứ Bảy Thưa. Mặc dầu lực lượng quân Pháp mạnh hơn, chiếm được đồn Giồng Nghệ nhưng với chiến thuật du kích, nghĩa quân đã làm cho bọn chúng tiêu hao lực lượng không dám ở lâu đành phải rút lui. Đầu năm 1873, bọn Pháp tìm cách chiêu dụ Quản Cơ Thành và nghĩa quân ra hàng nhưng ông khước từ và quyết tâm chiến đấu tới hơi thở cuối cùng.
Tháng 3 năm 1873, bọn Pháp tiến công căn cứ từ nhiều mặt khác nhau. Nghĩa quân chiến đấu rất kiên cường nhưng vì hỏa lực quân giặc quá mạnh nên các đồn Hờ, đồn Giồng Nghệ lần lượt bị phá vỡ, nghĩa quân phải rút vào đồn Sơn Trung cố thủ. Ngày 10 tháng 3 năm 1873, nhằm ngày 21 tháng 2 âm lịch trước sự tấn công ồ ạt của Bọn Pháp, Đồn Hưng Trung : căn cứ chỉ huy của cuộc khởi nghĩa bị thất thủ. Trước đó Quản Cơ Thành đã kịp thời đưa vợ con cùng một số nghĩa binh bị thương vượt vòng vây, rút khỏi căn cứ.
Khi quân Pháp rút lui, ông Trần văn Đinh quay trở lại thu dọn xác 8 nghĩa quân trong đó có xác của ngài Quản Cơ. Ông chôn cất 7 người kia còn xác ngài Quản cơ thì bó lại và báo cho gia đình của ngài. Đến khi ông và gia đình Quản Cơ trở lại thì không thấy xác ở đâu nữa. Có lẻ là những người đến sau đã chôn cất ngài vì sợ quân Pháp mang xác về để trả thù. Theo tư liệu của Pháp thì chúng mang xác của ông Trần văn Thành và Đội Văn ra trưng bày tại chợ Cái Dầu để uy hiếp các dân chúng theo nghĩa quân. Người con thứ ba của ông là cậu Tư Chái bị bọn Pháp bắt giam tại nhà lao Châu Đốc. Sợ con mình còn trẻ không chịu nổi sự tra tấn của kẻ thù nên bà Thạnh lén gởi cho cậu một con dao nhỏ kèm theo một phong thư khuyên cậu nên giữ gìn khí tiết không để cho bọn giặc chiêu hàng. Biết được ý của mẹ nên cậu dùng con dao này để tuẩn tiết trong tù.

 

Hình 6 : Cải Lương sự tích cậu Tư Chái tuẩn tiết trong tù được dàn dựng lại.

Hơn hai mươi năm sau, ông Trần văn Nhu, con trai lớn của ngài Quản Cơ cùng mẹ là bà Nguyễn thị Thạnh trở lại Láng Linh xây dựng Bửu Hương Tự, ngoài mặt là thờ Phật nhưng bên trong là đền thờ ngài Quản Cơ mà nhân dân trong vùng suy tôn là Đức Cố Quản.
Ngày 21 tháng 2 âl năm Quý Sửu (1913), nhân kỹ niệm lễ giỗ Đức Cố Quản và những nghĩa quân hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa được ông Hai Nhu và nhân dân trong vùng tổ chức trọng thể tại Bửu Hương tự ; quân Pháp hay được cho người đàn áp để ngăn ngừa mầm móng bạo loạn. Ông Hai Nhu trốn thoát được nhờ ông Đinh văn Sang đứng ra nhận mình là Hai Nhu còn ngôi chùa thì bị bọn chúng thiêu hủy. Đến năm 1938, chùa được dựng lại bằng ngói đỏ đẹp hơn xưa và tiếp tục là cơ sở cách mạng chống Pháp. Năm 1947. chùa lại bị đốt một lần nữa chỉ còn 4 cây cột nơi chánh điện. Năm 1953, tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và nhân dân trong vùng góp sức xây dựng lại lần thứ ba và có hình dáng hài hòa như hiện nay. Năm 1997 chùa được trùng tu lại, mặt trước vẽ hình cội bồ đề là biểu tượng của Phật pháp. Bên trong chùa, ở chính điện thờ Đức Phật Thầy Tây An, gian phía sau ở giữa là nơi đặt linh sàng có đề bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương. Hai bên linh sàng là hai hàng gươm giáo, phía trong có đặt chiếc thuyền câu và võng hành quân của nghĩa quân trước đây được phục chế lại. Vách sau thờ ông bà Cố Quản Trần văn Thành. Ngoài ra còn có các bàn thờ của Cậu Tư Chái là con trai thứ ba của ngài Quản Cơ bị quân Pháp bắt và đã tuẩn tiết trong ngục ; ông Hai Nhu, Đội nhứt Năng, ông từ Đinh văn Sang….cùng  những người đã hy sinh trong cuộc kháng chiến Bảy Thưa. Bác Út Thử, tên thật là Phạm Công Thưởng năm nay đã hơn 80 tuổi vốn là hậu duệ ba đời của Đức Cố Quản được mọi người tin yêu và giao nhiệm vụ bảo quản ngôi chùa.
 

Hình 7 : Bác Út Thử ( Phạm Công Thưởng ) cháu 3 đời của Đức Cố Quản 
hiện trông coi Bửu Hương tự.

Bửu Hương Tự, đền thờ ngài Quản Cơ Trần văn Thành mà người dân địa phương quen gọi là dinh Đức Cố Quản được bộ Văn Hóa công nhận là di tích lịch sử vào năm 1986. Năm 2003, nhân dịp 130 năm lễ giỗ của Đức Cố Quản được cử hành vào  ngày 21 tháng 2 âl đã được nhà nước  công nhận là Lễ hội Văn hóa cấp Huyện. Ban tổ chức lễ hội thực hiện chương trình sân khấu hóa cuộc kháng chiến ở Bảy Thưa và công lao khai hoang lập ấp của Đức Cố Quản để người dân nơi đây có dịp tìm hiểu và nhớ ơn người xưa đã đổ biết bao xương máu để khai phá và gìn giữ vùng đất Láng Linh được giàu có và tươi đẹp như hiện nay.

 

Hình 8 : Linh Sàng nơi thờ Đức Cố Quản tại Bửu Hương Tự 1



Hình 9 : Linh Sàng nơi thờ Đức Cố Quản tại Bửu Hương Tự 2


Hình 10 : Linh Sàng nơi thờ Đức Cố Quản tại Bửu Hương Tự 3



 Hình 11 : Nhân dân ở khắp nơi về dự lễ giỗ ngài Quản Cơ Trần văn Thành.

 

Hình 12 : Tượng đài Quản cơ Trần văn Thành trước UBND huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

 Vào những ngày lễ giỗ hàng năm, trên đoạn đường từ cầu Kinh xáng Vịnh Tre vào Bửu Hương Tự  khoảng hơn 10 cây số đông nghẹt khách hành hương từ các nơi đổ về. Không chỉ có những tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, nhân dân từ các nơi về tham dự mà còn có những du khách nước ngoài. Họ đến đây để tìm hiểu về nền văn hóa ở địa phương, đời sống tín đồ theo đạo và rất thán phục trước ý chí kiên cường của Đức Cố Quản : Thà mất tất cả chứ cương quyết không chịu làm nô lệ”.








































Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012


Chiếc Long Đình của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa
và cuộc khởi nghĩa của  Ngô Lợi

LTQ

Khi ghé thăm khu di tích nhà mồ Ba Chúc, huyện Tri Tôn, nơi chứa đựng hàng ngàn bộ hài cốt của đồng bào Việt Nam bị bọn Pôn-pốt sát hại dã man vào năm 1978, du khách thường chú ý đến chiếc “ Long Đình” đặt trong chùa Tam Bửu cạnh nhà mồ. Lịch sử của nó gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Ngô Lợi ( Ngô Tự Lợi ), người đã khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa : một hệ phái của Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông được người đời xưng tụng là Đức Bổn Sư , hiện thân của Đức Phật Thầy Tây An tái sinh.



Hình 01 Chùa Tam Bửu nơi Ba Chúc

Ngô Lợi ( Ngô Tự Lợi ) còn có tên là Hữu hay Năm Thiếp(1) sinh năm 1831 tại xã Trà Tân, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Ông là một người yêu nước lấy tôn chỉ Tứ Ân Hiếu Nghĩa(2) của Đức Phật Thầy Tây An để hành đạo. Đứng trước việc nước nhà bị quân Pháp xâm chiếm, ông liên lạc với Quản Cơ Trần văn Thành và các lãnh tụ nghĩa quân khác ở miền Nam như Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân …để bàn việc chống Pháp. Khi cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (3)t hất bại vào năm 1873, các tín đồ phái Bửu Sơn Kỳ Hương qui tụ về với ông thành lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa; tiếp tục xây dựng trại ruộng tại làng An Định ( nay là xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn) dưới chân núi Tượng vừa hành đạo vừa sản xuất, tạo cơ sở để tiếp tục chống Pháp. Vùng núi Tượng này có nhiều ưu điểm là đất đai bằng phẵng, dễ khai khá lại gần biên giới Campuchia nên nghĩa quân dễ dàng chạy sang bên kia khi bị giặc Pháp ruồng bố. Tại đây ông cho xây dựng hai chùa Phi Lai (1877) và Tam Bửu (1882) ở gần nhau để dễ dàng hành đạo.

Tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa chia ra làm 24 gánh, đứng đầu là một ông trưởng gánh có nhiệm vụ quản lý việc sản xuất và luyện tập võ nghệ cho người trong gánh  để chiến đấu chống giặc. Sản phẩm làm ra được chia đều cho những gia đình trong gánh. Số tín đồ theo đạo có tới hơn một vạn người. Mỗi tín đồ mang theo trong mình một “Lòng phái” , bên trong có khắc bốn chữ     “ Bửu Sơn Kỳ Hương”.

Ngày 2 tháng 5 năm 1878, cuộc nổi dậy do ông Ngô Lợi khởi xướng đã nổ ra ở Cai Lậy (Mỹ Tho) nhưng nhanh chóng bị dẹp tan. Hai thuộc hạ của ông là  Ong và Khả bị xử chém tại Thuộc Nhiêu năm 1879, còn Ngô Lợi cùng nhiều nghĩa quân trốn thoát về làng An Ðịnh, căn cứ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, do ông cùng tín đồ khai hoang, lập ấp thuở trước để tiếp tục kháng Pháp(4). Tại đây, ông tổ chức những buổi làm chay, siêu độ cho những chiến sĩ trận vong cùng với việc rao giảng "đời Minh Hoàng được thành lập, ai không theo thì bị thú dữ, cọp beo trong rừng ăn thịt"(5) .
Việc làm này không thể nào tránh được tay mắt của bọn tay sai theo Pháp. Chúng cho người trà trộn vào để theo dõi và mật báo về. Ngày rằm tháng 7 năm 1881, nhân lúc các tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa tập hợp về chùa Phi Lai để làm lễ cúng rằm Trung Nguyên và nghe Đức Bổn Sư thuyết pháp, bọn Pháp huy động toàn bộ lực lượng đóng tại thành Châu Đốc và tàu chiến tại Tân An bao vây núi Tượng. Đức Bổn Sư  trốn thoát được sang Cao Miên nhưng một số tín đồ bị bắt, nhà cửa bị cướp phá còn chùa chiền thì bị thiêu hủy.
Năm 1885, quân Pháp mở cuộc càn quét vào núi Tượng lần thứ hai, nghĩa quân buộc phải rút sang bên kia biên giới. Quân Pháp lại cướp phá nhà cửa, chùa chiền lấy đi các báu vật. Đặc biệt nhất là chúng lấy đi chiếc “ Long Đình” (6)và cặp Long trụ (7) là bảo vật thiêng liêng của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.


 Hình 02 Long Đình nơi chùa Tam Bửu 1

Chiếc “ Long Đình” của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là một bảo vật vô giá vì nó làm bằng cây cam đàn vốn là một loại danh mộc, được ông Ngô Lợi cho người đóng sau khi xây dựng chùa Tam Bửu, hai bên rèm được sơn son thếp vàng . Nó còn là biểu tượng của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa nên lập tức bọn Pháp cho chở về Sài gòn. Sau một thời gian không rõ tung tích (8), nó được đem trưng bày tại bảo tàng viện Sài Gòn. Do không có chú thích rõ ràng nên nhiều khách tham quan lầm tưởng đây là chiếc “Long Sàng” nghĩa là giường của vua nằm.
Sau khi chiếc Long đình bị lấy đi, các tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa vì không biết tung tích của chiếc Long đình nên làm một chiếc khác nhỏ hơn để thờ. Chíếc Long đình này hiện nay được thờ ở hậu liêu chùa Tam Bửu.
Đến năm 1971 để lấy lòng số tín đồ theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tại An Giang, chính quyền Sài Gòn mới cho làm lễ rước chiếc “ Long Đình” từ Sài Gòn về chùa Tam Bửu tại xã Ba Chúc mà tín đồ đã góp công xây dựng lại. Thế là sau 86 năm lưu lạc, chiếc Long Đình” này mới quay về cố chủ (9)


Hình 03 Long Đình nơi chùa Tam Bửu 2

Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam năm 1978, bọn Pôn Pốt tràn vào xã Ba Chúc từ ngày 18/4 đến 30/4, tàn sát trên 3000 người dân vô tội bao gồm người già, đàn bà và trẻ em trốn xung quanh chùa Phi Lai và Tam Bửu(10). Chúng đốt chùa và ném lựu đạn hòng tiêu hủy chiếc “Long Đình” nhưng kỳ diệu thay nó vẫn nguyên vẹn không bị cháy. Điều này càng cũng cố đức tin của bà con trong đạo đối với chiếc “Long Đình”.

Cũng cần nói thêm là An Giang hiện nay còn sót lại hai chiếc “Long Đình”, một tại chùa Tam Bửu là nơi thờ Đức Bổn Sư Ngô Lợi và một  tại Bửu Hương Tự nơi thờ Đức Cố Quản Trần văn Thành.

Cuộc chiến đấu của tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu  Nghĩa vẫn tiếp tục sau khi chiếc “ Long Đình” bị lấy đi. Họ vẫn nuôi ý chí căm thù để chờ ngày rửa hận. Năm 1885, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương, kêu gọi dân chúng đồng tâm hiệp lực chống Pháp. Phó Tổng binh thành Hà Nội là ông Lê Công Chánh được cử vào nam để liên lạc với các nghĩa binh. Ông đến vùng Thất Sơn  liên hệ với Ngô Lợi và Nguyễn Xuân Phong để mưu việc khởi nghĩa. Rất tiếc  là sau đó ông Lê Công Chánh sa vào tay giặc còn người được cử ra Huế nhận ấn triện bị bắt nên cuộc khởi nghĩa đành gác lại.

Vào những năm 1887, 1888 những nghĩa binh trong các cuộc khởi nghĩa thất bại ở các nơi kéo về Thất Sơn rất đông và trở thành mối lo ngại của chính quyền Pháp. Chúng cho mật thám theo dõi và chuẩn bị lực lượng tấn công. Ngày 13 tháng 5 năm 1887, chỉ huy quân Pháp là thiếu tá Peignaux cùng Đốc phủ Trần Bá Lộc huy động lực lượng với súng ống hiện đại đánh vào làng An Định là căn cứ của quân khởi nghĩa. Nhằm đánh lừa bọn Pháp, các tín đồ phao tin là Ngô Lợi đã chết và lập mộ giả tại núi Dài. Nghĩa quân bị bắt đem ra xử bắn 8 người, đày ra Côn Đảo 13 người. Năm 1888 cũng là lần cuối cùng chúng đánh vào núi Tượng. Sau đó chúng đổi chiến thuật , sáp nhập các làng do Ngô Lợi lập vào các làng lân cận : An Định nhập về Ba Chúc, An Thành nhập về Lương Phi….đồng thời xây dựng ban hội tề tại các làng này để chống lại nghĩa quân. Ngô Lợi chết năm 1890 và được đưa về an táng tại núi Tượng cạnh chùa Tam Bửu. 


Hình 04 Ngôi mộ của Ngô Tự Lợi nơi chùa Tam Bửu.

Cuộc khởi nghĩa của Đức Bổn Sư Ngô Lợi  là một cuộc khởi nghĩa mang tính dân tộc, tiếp nối con đường của Đức Cố Quản Trần văn Thành mà các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa noi theo. Măc dù tên gọi khác nhau nhưng thực chất hai giáo phái này là một. Họ vẫn thấm nhuần tôn chỉ của Đức Phật Thầy Tây An là yêu đất nước, yêu đồng bào và thờ kính tổ tiên, cha mẹ. Trong hai cuộc cách mạng chống Pháp và chống Mỹ, các tín đồ Bữu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa luôn sát cánh cùng nhau bảo vệ đất nước, chống lại sự đàn áp của quân thù.Chiếc “Long Đình” quay về cố chủ mới chỉ là ước nguyện thứ nhất. Ước nguyện thứ hai mà cũng là ước nguyện lớn nhất của họ là nhìn nước nhà được độc lập, thống nhất, dân cư được sống trong yên bình no ấm và đoàn kết với nhau để tiến bước cùng bè bạn khắp năm châu.

LÂM THANH QUANG
Chú thích :
(1) Tên Năm Thiếp được  đặt do năm 37 tuổi, vào ngày mùng 5 tháng 5 năm Đinh Mão (1867), bỗng nhiên ông bất tỉnh. Sau 7 ngày 7 đêm, ông hồi tỉnh lại, trở thành người "giải thoát tẩy trần tâm, giáo nhơn tùng thiện đạo" (rũ sạch lòng trần, dạy người theo đạo lành). Sau đó thỉnh thoảng ông lại bất tỉnh như trên. Sau khi tỉnh lại ông thuyết giảng chuyện “ huyền cơ” được người dân nghe theo.
(2) Tứ ân hiếu nghĩa” là bổn phận của con người đối với 4 ân là : ân tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại.
(3) Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa do Quản Cơ Trần văn Thành vốn là đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An lãnh đạo từ năm 1867-1873 ở vùng Láng Linh ( nay là xã Vĩnh Thạnh Trung và Đào Hữu Cảnh, huyện Châu phú, tỉnh An Giang) gây nhiều thiệt hại cho quân Pháp.
(40) Ngoài việc liên kết với các nghĩa quân trong nước, Ngô Lợi cùng với tín đồ đạo Hiếu Nghĩa còn kết hợp với nghĩa quân của Hoàng Thân Sivôtha (Campuchia) nổi dậy chiếm giữ các vùng biên giới ven bờ kinh Vĩnh Tế.
(5)  Năm 1851, lúc mới 20 tuổi, ông viết Bà La Ni Kinh (nội dung xưng tán Đức Quán Thế Âm bồ tát, để khuyên người đời tu niệm) dài 223 chữ Hán, sau này trở thành quyển kinh quan trọng của đạo Hiếu Nghĩa.
(6) “Long đình” này người dân ở Nam Bộ thường gọi là “ Giường thờ”, nó có hình dáng của một chiếc giường nhỏ nhưng không dùng để nằm mà để thờ cúng tổ tiên. Trên giường có đặt những phương tiện sinh hoạt thường ngày của ông bà như ô trầu, ống nhổ, gối kê đầu …. Bàn thờ thì đặt ở phía ngoài có chân hương và bộ lư đồng để cúng hàng ngày và trong những kỳ lễ giỗ, tết.
(7)  Cặp long trụ này quân Pháp mang về nước và có tư liệu cho rằng hiện nay nó được trưng bày tại bảo tàng viện của Pháp.
(8) Theo lời kể lại thì sau khi lấy được Long Đình này mang về Sài Gòn, Trần Bá Lộc đem tặng nó cho con mình là Trần Bá Tư dùng làm giường nằm. Ông này nằm ngủ thấy có người đến đuổi đi nên sợ quá đem tặng lại cho Bảo tàng viện Sài Gòn.
(9) Vào ngày 8 tháng 5 năm 1970, các hệ phái thuộc Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, với danh xưng Hội Đồng Liên Phái Trung Ương do ông Nguyễn Đắc Cơ và Trần Văn Phúc ký tên gởi thỉnh nguyện thư xin ngôi Long Đình về chùa Tam Bửu, đồng thời đăng tải trên báo chí kể rõ nguồn cội ngôi Long Đỉnh và yêu cầu hầu hết các cơ quan hữu trách về văn hóa, nhờ cứu xét lại trường hợp ngôi Long Đình mà quy hoàn lại cho tôn giáo.
Đến ngày 21.11.1970, ông Trần Văn Ân phụ tá đặc biệt nghiên cứu Chánh trị Văn hóa Phủ Tổng Thống trình bày lý do khúc chiết của ngôi Long Đình, nên Tổng thống chấp thuận hoàn trả lại cho chùa Tam Bửu của hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa tại núi Tượng Thất Sơn (Châu Đốc).
Vì thủ tục có nhiều khó khăn, mãi đến ngày 06.04.1971 Tổng thư ký Phủ Thủ tướng mới ký văn thơ ban hành theo lệnh Tổng thống.
Đến ngày 11.5.1971, Giáo hội Bửu Sơn Kỳ Hương - Tứ Ân Hiếu Nghĩa cử hành lễ cung thỉnh ngôi Long Đình ra khỏi Viện Bảo Tàng Sài Gòn.
Đại diện chánh phủ có ông Trần Văn Ân ký giao hoàn, đại diện Tứ Ân Hiếu Nghĩa ông Nguyễn Đắc Cơ nhận lãnh.
Sau khi đến Châu Đốc, Chiếc Long đình này được lưu lại đêm 12.05.1971 cho các tín đồ đến chiêm ngưỡng cúng bái. Ngày hôm sau mới đưa về núi Tượng và làm lễ yên vị tại chùa Tam Bửu vào ngày 14-15 tháng năm 1971.
        (10) Nhân dân vùng Ba Chúc phần đông theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa nghĩ rằng bọn Pôn Pốt cũng theo đạo Phật nên không giết những Phật tử ẩn náo tại chùa chiền. Vì vậy họ tập trung về chùa Phi Lai và Tam Bữu nhờ cửa Phật che chở. Không ngờ bọn này lại nhẫn tâm giết hết những người trong chùa. Có những phụ nữ và trẻ em bị đập đầu chết bằng cán cuốc và chày vồ. Trên tường của chùa Phi Lai còn in đậm những vết máu của người dân bị sát hại và khu nhà mồ bên cạnh chùa chứa đựng hài cốt hơn 3000 người dân bị lính Pôn Pốt sát hại năm 1978.