Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Bửu Hương tự ở Láng Linh và cuộc khởi Nghĩa của Quản Cơ Trần văn Thành.



BỬU HƯƠNG TỰ Ở LÁNG LINH : ĐỀN THỜ

ĐỨC CỐ QUẢN TRẦN VĂN THÀNH.

     LTQ      
Láng Linh xưa kia là một là vùng đầm lầy hoang vu, chỉ có cây bảy thưa mọc thành rừng ; hàng năm hơn 4 tháng trời ngập sâu dưới mực nước lũ. Lịch sử của vùng đất này gắn liền với việc khai hoang lập ấp và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa của nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của ngài Quản Cơ Trần văn Thành.



Hình 1 : Bửu Hương Tự ở Láng Linh.


Hình 2 : Bàn thờ hai ông bà Quản Cơ Trần văn Thành tại Bửu Hương Tự.

Quản Cơ Trần văn Thành sinh khoảng năm 1818 trong một gia đình trung nông ở ấp Bình Phú, làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc. Nay là xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Ông gia nhập quân đội triều Nguyễn, lập được nhiều chiến công và được phong chức Quản Cơ. Khi Đức Phật Thầy Tây An khai mở đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, ông tìm đến thọ phái và trở thành một trong những đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An.Ông vâng lệnh Đức Phật Thầy cùng với các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đến vùng Láng Linh, lập nên một trại ruộng tên là Bửu Hương Các với mong ước rằng sẽ cải tạo vùng này thành vùng đất trù phú nuôi sống người dân theo đạo. Tương truyền rằng ông còn được Đức Phật Thầy giao nhiệm vụ cắm 5 mộc bài bằng gỗ lào táo ở Vĩnh Hanh, Ngả Bát, Bà Bài, Giồng Cát và Núi Cấm.

Vào những năm 60 của thế kỹ thứ 19, bọn giặc Pháp tiến hành xâm lược nước ta. Triều đình nhà Nguyễn bất lực phải nhường 3 tỉnh miền Đông rồi 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ cho bọn chúng. Bất chấp lệnh cấm của triều đình, nhân dân vùng Nam Bộ đã nổi dậy khởi nghĩa. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã huy động được đông đảo dân chúng tham gia như cuộc khởi nghĩa của Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định, Thiên Hộ Võ Duy Dương, Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực….. khiến bọn giặc Pháp điêu đứng vì phải chia quân ra đánh dẹp.
Phẩn uất trước sự đàn áp của bọn giặc Pháp đối với nhân dân ở Nam Bộ và sự nhu nhược của triều đình, lúc đó Quản Cơ Trần văn Thành cùng các tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đang khai hoang trại ruộng ở Láng Linh rút vào rừng Bảy Thưa, thành lập căn cứ kháng chiến chống Pháp. Bộ chỉ huy của nghĩa quân được lấy tên là Binh Gia Nghị đặt tại đồn Hưng Trung, nay thuộc xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Ngoài những nông dân vốn là tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương tham gia khởi nghĩa còn có  những người xuất thân từ quan quân vì bất mản trước sự nhu nhược của triều đình với bọn giặc Pháp mà về đây đầu quân như Đội nhất Lê văn Vang, Đội nhì Nhiều, Đội nhì Lượng, Đội tư Đinh văn Hiệp, Đội tám Trần văn Đinh, Đội chín Văn tức Đề Đốc Văn, Đề Đốc Nguyễn Kế Trung, Đội Sang tức Võ văn Sang, Đội Tú tức Nguyễn văn Tú, Nhà nho Phạm văn Khuê……
Nghĩa quân tự trang bị lương thực, rèn vũ khí như súng hỏa mai, gươm giáo…làm phương tiện chống Pháp và được sự hỗ trợ, tiếp tế của tín đồ theo đạo và nhân dân trong vùng. Hiện nay người ta đã khai quật và phát hiện nhiều lò đúc vũ khí, gươm súng, giáo mác ở các hầm chôn giấu quanh vùng Láng Linh.


 Hình 3 : Di tích vũ khí tự chế tìm được tại Láng Linh.


Hình 4 : Súng thần công tự chế tìm được ở Láng Linh.

 

Hình 5 : Cối giả gạo nuôi quân tìm được ở Láng Linh.

Trong 7 năm từ năm 1867 đến năm 1873, cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa dưới sự lãnh đạo của ngài Quản Cơ Trần văn Thành đã lập nhiều chiến công như trận đánh thành Châu Đốc tháng 11 năm 1867. Sau đó ông rút về vùng Láng Linh để tích trử lương thực, bổ sung quân sĩ và vũ khí đồng thời tiến hành chiến tranh du kích để chống Pháp vì ông biết rằng với lực lượng nhỏ bé của ông không thể đối đầu trực diện với bọn chúng được.
Tháng 4 năm 1872, bọn Pháp cho người đột nhập vào để nghiên cứu địa hình của vùng Láng Linh. Đến tháng 6, chúng đưa quân từ nhiều mặt bao vây căn cứ Bảy Thưa. Mặc dầu lực lượng quân Pháp mạnh hơn, chiếm được đồn Giồng Nghệ nhưng với chiến thuật du kích, nghĩa quân đã làm cho bọn chúng tiêu hao lực lượng không dám ở lâu đành phải rút lui. Đầu năm 1873, bọn Pháp tìm cách chiêu dụ Quản Cơ Thành và nghĩa quân ra hàng nhưng ông khước từ và quyết tâm chiến đấu tới hơi thở cuối cùng.
Tháng 3 năm 1873, bọn Pháp tiến công căn cứ từ nhiều mặt khác nhau. Nghĩa quân chiến đấu rất kiên cường nhưng vì hỏa lực quân giặc quá mạnh nên các đồn Hờ, đồn Giồng Nghệ lần lượt bị phá vỡ, nghĩa quân phải rút vào đồn Sơn Trung cố thủ. Ngày 10 tháng 3 năm 1873, nhằm ngày 21 tháng 2 âm lịch trước sự tấn công ồ ạt của Bọn Pháp, Đồn Hưng Trung : căn cứ chỉ huy của cuộc khởi nghĩa bị thất thủ. Trước đó Quản Cơ Thành đã kịp thời đưa vợ con cùng một số nghĩa binh bị thương vượt vòng vây, rút khỏi căn cứ.
Khi quân Pháp rút lui, ông Trần văn Đinh quay trở lại thu dọn xác 8 nghĩa quân trong đó có xác của ngài Quản Cơ. Ông chôn cất 7 người kia còn xác ngài Quản cơ thì bó lại và báo cho gia đình của ngài. Đến khi ông và gia đình Quản Cơ trở lại thì không thấy xác ở đâu nữa. Có lẻ là những người đến sau đã chôn cất ngài vì sợ quân Pháp mang xác về để trả thù. Theo tư liệu của Pháp thì chúng mang xác của ông Trần văn Thành và Đội Văn ra trưng bày tại chợ Cái Dầu để uy hiếp các dân chúng theo nghĩa quân. Người con thứ ba của ông là cậu Tư Chái bị bọn Pháp bắt giam tại nhà lao Châu Đốc. Sợ con mình còn trẻ không chịu nổi sự tra tấn của kẻ thù nên bà Thạnh lén gởi cho cậu một con dao nhỏ kèm theo một phong thư khuyên cậu nên giữ gìn khí tiết không để cho bọn giặc chiêu hàng. Biết được ý của mẹ nên cậu dùng con dao này để tuẩn tiết trong tù.

 

Hình 6 : Cải Lương sự tích cậu Tư Chái tuẩn tiết trong tù được dàn dựng lại.

Hơn hai mươi năm sau, ông Trần văn Nhu, con trai lớn của ngài Quản Cơ cùng mẹ là bà Nguyễn thị Thạnh trở lại Láng Linh xây dựng Bửu Hương Tự, ngoài mặt là thờ Phật nhưng bên trong là đền thờ ngài Quản Cơ mà nhân dân trong vùng suy tôn là Đức Cố Quản.
Ngày 21 tháng 2 âl năm Quý Sửu (1913), nhân kỹ niệm lễ giỗ Đức Cố Quản và những nghĩa quân hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa được ông Hai Nhu và nhân dân trong vùng tổ chức trọng thể tại Bửu Hương tự ; quân Pháp hay được cho người đàn áp để ngăn ngừa mầm móng bạo loạn. Ông Hai Nhu trốn thoát được nhờ ông Đinh văn Sang đứng ra nhận mình là Hai Nhu còn ngôi chùa thì bị bọn chúng thiêu hủy. Đến năm 1938, chùa được dựng lại bằng ngói đỏ đẹp hơn xưa và tiếp tục là cơ sở cách mạng chống Pháp. Năm 1947. chùa lại bị đốt một lần nữa chỉ còn 4 cây cột nơi chánh điện. Năm 1953, tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và nhân dân trong vùng góp sức xây dựng lại lần thứ ba và có hình dáng hài hòa như hiện nay. Năm 1997 chùa được trùng tu lại, mặt trước vẽ hình cội bồ đề là biểu tượng của Phật pháp. Bên trong chùa, ở chính điện thờ Đức Phật Thầy Tây An, gian phía sau ở giữa là nơi đặt linh sàng có đề bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương. Hai bên linh sàng là hai hàng gươm giáo, phía trong có đặt chiếc thuyền câu và võng hành quân của nghĩa quân trước đây được phục chế lại. Vách sau thờ ông bà Cố Quản Trần văn Thành. Ngoài ra còn có các bàn thờ của Cậu Tư Chái là con trai thứ ba của ngài Quản Cơ bị quân Pháp bắt và đã tuẩn tiết trong ngục ; ông Hai Nhu, Đội nhứt Năng, ông từ Đinh văn Sang….cùng  những người đã hy sinh trong cuộc kháng chiến Bảy Thưa. Bác Út Thử, tên thật là Phạm Công Thưởng năm nay đã hơn 80 tuổi vốn là hậu duệ ba đời của Đức Cố Quản được mọi người tin yêu và giao nhiệm vụ bảo quản ngôi chùa.
 

Hình 7 : Bác Út Thử ( Phạm Công Thưởng ) cháu 3 đời của Đức Cố Quản 
hiện trông coi Bửu Hương tự.

Bửu Hương Tự, đền thờ ngài Quản Cơ Trần văn Thành mà người dân địa phương quen gọi là dinh Đức Cố Quản được bộ Văn Hóa công nhận là di tích lịch sử vào năm 1986. Năm 2003, nhân dịp 130 năm lễ giỗ của Đức Cố Quản được cử hành vào  ngày 21 tháng 2 âl đã được nhà nước  công nhận là Lễ hội Văn hóa cấp Huyện. Ban tổ chức lễ hội thực hiện chương trình sân khấu hóa cuộc kháng chiến ở Bảy Thưa và công lao khai hoang lập ấp của Đức Cố Quản để người dân nơi đây có dịp tìm hiểu và nhớ ơn người xưa đã đổ biết bao xương máu để khai phá và gìn giữ vùng đất Láng Linh được giàu có và tươi đẹp như hiện nay.

 

Hình 8 : Linh Sàng nơi thờ Đức Cố Quản tại Bửu Hương Tự 1



Hình 9 : Linh Sàng nơi thờ Đức Cố Quản tại Bửu Hương Tự 2


Hình 10 : Linh Sàng nơi thờ Đức Cố Quản tại Bửu Hương Tự 3



 Hình 11 : Nhân dân ở khắp nơi về dự lễ giỗ ngài Quản Cơ Trần văn Thành.

 

Hình 12 : Tượng đài Quản cơ Trần văn Thành trước UBND huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

 Vào những ngày lễ giỗ hàng năm, trên đoạn đường từ cầu Kinh xáng Vịnh Tre vào Bửu Hương Tự  khoảng hơn 10 cây số đông nghẹt khách hành hương từ các nơi đổ về. Không chỉ có những tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, nhân dân từ các nơi về tham dự mà còn có những du khách nước ngoài. Họ đến đây để tìm hiểu về nền văn hóa ở địa phương, đời sống tín đồ theo đạo và rất thán phục trước ý chí kiên cường của Đức Cố Quản : Thà mất tất cả chứ cương quyết không chịu làm nô lệ”.








































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét