Trang

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Nuôi tắc kè ở vùng Bảy Núi



Nuôi tắc kè ở vùng Bảy Núi

Đến với Tịnh Biên, Tri Tôn - hai huyện vùng biên giới của An Giang, nơi còn được mệnh danh là Vùng Bảy Núi hay Thất Sơn - du khách  luôn bị quyến rũ bởi phong cảnh phóng khoáng nhưng không kém phần thơ mộng của rừng núi miền đồng bằng. Đó đây, những cánh đồng mênh mông trãi dài ngút tầm mắt, được điểm xuyết bằng những dãy núi nhấp nhô phủ xanh rừng cây nằm liền kề với đường giao thông như những đường viền xanh ngắt. Nhưng mấy ai biết được rằng, trên những ngọn núi làm say lòng du khách ấy cũng vốn là chỗ khu trú của hàng trăm loại động vật hoang dã như chồn, sóc, hươu, nai… các loài bò sát như rắn, rết, trăn…. Ngoài ra, còn vô vàn những loài thảo dược quý hiếm. Vì vậy mà vùng Bảy Núi đã được ví như một kho tàng của những cây thuốc, con thuốc cho ngành Đông dược. 



 Hình 1 Tắc kè được nuôi ở trong chuồng được rào kín 1.

Người dân vùng Thất Sơn – nhất là đồng bào dân tộc có lẽ do tập quán làm nông và thường xuyên cắt rừng, băng núi  để đi chuyển nên trong nhiều chuyến dã ngoại, họ kiếm được rất nhiều bài thuốc dân gian lạ, trong số này, con “Tắc kè” được biết đến nhiều nhất. Tắc kè vùng Bảy Núi mập mạp, khoẻ mạnh, rất được người miền xuôi ưa chuộng. Khi bắt được tắc kè, họ mang về, mổ bụng, bỏ hết ruột, rồi dùng que nhỏ căng ngang hai chân trước, hai chân sau và một que dọc từ đầu đến đuôi. Sau đó phơi hoặc sấy khô. Mấy năm trước, người săn được Tắc kè thường mang chúng ra các khu chợ đông dân cư để bán sống hoặc đã chế biến thành dạng sấy khô. Tắc kè trong bài thuốc dân gian được biết như vị thuốc chữa hen suyễn và giúp tăng cường thể lực. Người mua thường đem về ngâm với rượu có pha thuốc Bắc để uống trong các bữa ăn như một thức khai vị hoặc nếu là tắc kè sống thì băm thịt nấu cháo như một món ăn bổ dưỡng hoặc làm món tắc kè chiên xù là đặc sản của các nhà hàng tại địa phương. Theo kinh nghiệm, khi sử dụng chế biến, người ta chặt bỏ bốn bàn chân, bỏ mắt. Trong các bộ phận, thì đuôi tắc kè được xem là phần quý nhất.



Hình 2 Tắc kè được nuôi ở trong chuồng được rào kín 2.

Tuy nhiên, việc săn bắt tắc kè trên rừng đòi hỏi tính kiên nhẫn và không kém phần nguy hiểm. Người ta dựa theo kinh nghiệm để lần theo hang, dùng bao tay vải thò vào để tóm gọn từng con một. Nếu trong hang là … rắn rết thì thậm nguy! Nhiều người chọn cách an toàn hơn, dùng một thanh tre cật cứng và dẽo, đầu buộc một mớ tóc rối hay sợi bùng nhùng, cầm chọc vào hang. Tắc kè ngỡ bị kẻ lạ tấn công, bèn ngoạm lấy, bị tóc rối vướng vào răng không nhả ra được. Người đi săn cứ thế kéo ra bắt lấy.
 Một giai đoạn việc săn bắt và bán tắc kè trong dân gian được xem là bình thường. Nhưng thời gian gần đây, ngành Kiểm Lâm bắt đầu ngăn cấm săn bắt động vật hoang dã. Trong khi đó, ngành Du lịch ngày càng phát triển, lượng du khách đổ về An Giang ngày càng nhiều nên nhu cầu thật sự ngày càng tăng. Chính vì vậy đã làm phát sinh nghề nuôi tắc kè ở vùng Bảy Núi.
Muốn nuôi Tắc kè, phải cần khu vườn thoáng rộng và có nhiều cây cối râm mát. Người nuôi giăng những vuông lưới kín và đủ độ bền để Tắc kè không tìm cách thoát ra được. Thức ăn của chúng khá dễ tìm như sâu bọ, gián, châu chấu, bướm v.v… Khi sống hoang dã, mùa rét chúng không ăn nhưng vẫn sống khỏe mạnh. Tắc kè trưởng thành có thân dài từ 15 - 17 cm và một chiếc đuôi cũng dài gần tương ứng. Chiếc đuôi này, nếu không may bị đứt, có thể mọc lại đuôi khác. Đến khi thành thục, mùa sinh sản của chúng bắt đầu từ tháng năm đến tháng mười. Tắc kè đẻ mỗi lần hai trứng, trung bình sau ba tháng trứng nở mà không cần ấp.
Điểm đặc biệt theo người nuôi, là chúng chỉ ăn những loại côn trùng còn sống. “Thức ăn” được thả vào khung lưới để chúng ruợt đuổi theo kiểu săn mồi như trong môi trường hoang dã. Theo các nhà khoa học, do cấu trúc của mắt khá đặt biệt nên tắc kè chỉ nhìn thấy những con vật khi chúng cử động. Đầu, lưng và đuôi tắc kè có những vẫy nhỏ hình hạt tròn hoặc nhiều cạnh  và nhiều màu sắc. Khi gặp nguy, chúng có thể thay đổi màu sắc cho phù hợp với môi trường chung quanh nhằm tránh bị phát hiện. Tắc kè sinh sản tương đối nhanh, những con đực khi trưởng thành vào mùa động dục trở nên rất hung hăng và hay tấn công những con khác  nên cứ mỗi lứa khoảng 8 tháng, phải bắt tuyển chúng ra.



Hình 3 : Tắc kè sấy khô để dành ngâm rượu  bổ.

  Trở ngại lớn nhất đối với người nuôi Tắc kè ở vùng Bảy Núi hiện không phải là nguồn giống hay đầu ra, mà chính là vướng những quy định về vận chuyển động vật hoang dã. Một người nuôi bức xúc : " Có lần đoàn du khách từ  Hà Nội vào, đi rất đông và ai cũng muốn mua thật nhiều về làm quà. Thế nhưng do không có phép vận chuyển động vật hoang dã nên đành thúc thủ. Còn bán cho đơn vị được phép khai thác thì giá thấp quá, không còn lãi bao nhiêu nên có một lần, tôi giận quá đem hủy cả bầy. Nhưng rồi ngẫm lại, nhu cầu của người tiêu dùng đang có, và họ vẫn thường xuyên liên lạc để giữ mối hàng nên tôi lại lần hồi gầy lại…".
Theo quy định, động vật hoang dã nếu chứng minh được nguồn gốc gây nuôi, vẫn được phép mua bán, vận chuyển theo đúng pháp luật. Nếu người nuôi gặp trở ngại trong khâu tiêu thụ, ngành Kiểm lâm cần có giải pháp hỗ trợ, để tạo điều kiện mang lại thu nhập chính đáng cho người dân miền núi cũng như tăng thêm một sản phẩm nổi tiếng cho vùng Bảy Núi. 

LÂM THANH QUANG