Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Bảo tồn nghệ thuật sân khấu dù kê, dì kê.



BẢO TỒN NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU DÙ KÊ, DÌ KÊ


Cùng với điệu múa Rô băm vốn xuất phát từ nghệ thuật cung đình của vương quốc Khmer, nghệ thuật sân khấu dù kê và dì kê mang sắc thái dân gian của người Khmer Nam Bộ gắn bó với nền văn minh lúa nước. Nếu như sân khấu dù kê có nguồn gốc từ điệu múa Rô băm kết hợp với Kinh kịch và hát Tiều của người Hoa và Cải lương của Nam Bộ vào đầu thế kỷ 20 ; được phổ biến ở nhiều nơi có người Khmer sinh sống tại các tỉnh ở Nam bộ như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang…. thì dì kê hầu như chỉ có ở các huyện miền núi của  An Giang như Tri Tôn, Tịnh Biên …. Nguồn gốc của sân khấu dì kê này vẫn còn đang tranh cải theo nhiều hướng khác nhau.

Hình 1 : Sân khấu dù kê đoàn Ánh Bình Minh Sóc Trăng.

Nhiều người cho rằng Dù kê và Dì kê là cùng một loại hình và từ “ Dù kê” là do từ    “ Dì kê” đọc trại ra mà thôi bởi vì trong ngôn ngữ Khmer không có từ “Dù kê” mà chỉ có từ “Dì kê”. Dù kê là một đặc sản của người Khmer ở Nam Bộ phát triển sang đất nước Campuchia vào những năm 1930 dưới tên gọi là La khon Bassac (sân khấu vùng Bassac). Một số khác cho rằng nghệ thuật dì kê có nguồn gốc từ Java hoặc Malaysia được chỉnh sửa, chọn lọc và đưa vào đất nước Campuchia kết hợp với Rô băm tạo thành một phong cách riêng vào thế kỷ thứ 9. Khoảng đầu thế kỷ 19, đất nước Campuchia lâm vào cảnh nội chiến, sân khấu dì-kê dần dần bị mai một rồi biến mất khi thực dân Pháp áp đặt ách cai trị lên đất nước này vào cuối thế kỷ 19. Luận cứ này cũng chưa thật chính xác bởi vì trong ngôn ngữ Khmer có sự hiện diện ngôn ngữ của Java ( Indonesia) và Malaysia cũng như các dân tộc láng giềng khác do có sự giao lưu về văn hóa và ngôn ngữ giữa các nước này với dân bản địa. Loại hình sân khấu dì kê hầu như đã biến mất ở đất nước Campuchia và chỉ còn tồn tại ở hai huyện miền núi của An Giang là Tri Tôn  và Tịnh Biên chứ không phát triển sang các tỉnh có loại hình sân khấu dù kê ở hai bên sông Tiền và sông Hậu. Vì vậy có lẽ chúng ta nên tìm một hướng khác để lý giải cho vấn đề này.
Ngược lại dòng lịch sử trên đất An Giang cách nay khoảng 200 năm khi Nguyễn văn Thoại vâng lệnh vua Gia Long đào hai con kinh Thoại Hà và Vĩnh Tế. Việc đào kinh Thoại Hà có chiều dài hơn 30km từ ngã ba Tam Khê, Long Xuyên đến Thoại Sơn được hoàn thành khoảng 3 tháng thuận lợi hơn vì chỉ là nạo vét những dòng kinh có sẳn và nối liền chúng với nhau. Tuy nhiên công trình đào kinh Vĩnh Tế có chiều dài khoảng 90 km từ Châu Đốc đến Hà Tiên (1) kéo dài khoảng 5 năm và nhiều lần bị ngưng trệ do nhiều lý do khác nhau. Số lượng nhân công phục vụ cho việc đào kinh này lên đến 60.000 lượt người trong đó có 16.000 lượt người là dân công người Khmer dưới quyền chỉ huy của Điều Bát Nguyễn văn Tồn (2) . Công việc đào kinh rất cực khổ khiến số dân quân bỏ trốn rất nhiều. Để cho số dân quân này an tâm trong việc đào kinh Vĩnh Tế, Nguyễn văn Thoại cho vời các đoàn hát bộ Bình Định từ quê nhà của ông vào phục vụ giải trí cho những người đào kinh sau những giờ làm việc vất vã vào ban ngày.
Do ngôn ngữ khác biệt nên những người Khmer tham gia việc đào kinh mặc dầu không hiểu được tiếng Kinh nhưng họ vẫn cảm nhận được cái hồn của nghệ thuật hát bộ Bình Định qua những điệu múa, câu hát và cách thức bày trí sân khấu. Chỉ cần một bức màn chắn ngang, một chiếc bàn, vài cái ghế là có thể tạo dựng nên một sân khấu ngoài trời phục vụ người dân. Những người Khmer này cũng muốn có một sân khấu mang bản sắc riêng của dân tộc mình để mọi người cùng thưởng thức. Thế là sân khấu dì kê kết hợp giữa điệu múa Rô Băm và hát Lăm của người Khmer với phong cách trình diễn của hát bộ Bình Định được hình thành để phục vụ cho dân quân người Khmer tham gia việc đào kinh Vĩnh Tế. Điều này lý giải được tại sao Dì kê chỉ có ở An Giang và nó gần với hát bộ Bình Định hơn là Dù Kê là sự kết hợp giữa Rô Băm của người Khmer với Kinh kịch của người Hoa và Cải lương Nam Bộ của người Việt vốn hình thành và phát triển sau này tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu….
Nghệ thuật sân khấu Dì kê được hình thành qua 3 yếu tố : Kịch bản, trang phục và âm nhạc. Các yếu tố này không theo một khuôn mẫu nhất định mà mang một phong cách sáng tạo tùy theo điều kiện của các đoàn hát và nơi biểu diễn. Nó có thể biểu diễn tại sân chùa trong các ngày lễ lớn của người Khmer như Chol Chnăm Thmây, Sen Dolta, Ok Om Book.. hay trên những sân phơi lúa sau mùa gặt để phục vụ bà con. Kịch bản hầu như được truyền miệng qua nhiều thế hệ bằng tiếng Khmer chứ không ghi thành văn bản. Vì vậy công việc sưu tầm những kịch bản Dì kê có phần khó khăn vì có rất nhiều dị bản. Hiện nay, Dì-kê ở Tri Tôn đã khôi phục và dựng lại được khoảng 10 kịch bản cổ (Chằn tinh, Tum Tiêu, Chanh-pơ-pha, Chăm-prư-sa-tứt, Sâng-sâl-chây, Pro-let-xinh-lávung,...) để biểu diễn phục vụ đồng bào trong các dịp lễ tết và tham dự các liên hoan, hội diễn văn nghệ dân tộc Khmer trong tỉnh, khu vực ĐBSCL. Nội dung các kịch bản này nhằm đề cao tính nhân văn trong con người : ở hiền gặp lành, kẻ ác sẽ bị trừng phạt gắn liền với triết lý của Phật Giáo Nam Tông là tôn giáo chính của người Khmer.
Trang phục và những đạo cụ của những nhân vật trong tuồng đều có những kiểu cách và qui định riêng. Những chiếc áo thổ cẩm dược đính kim sa, những chiếc mão có hình chóp nhọn…. là bao công sức của các diễn viên ngồi bên nhau kết lại sau những giờ diễn sáng tạo nên.
Độc đáo nhất trong nghệ thuật sân khấu Dì kê chính là các điệu "lăm" (tương tự như các câu trong vọng cổ của người Việt). Điệu “ lăm” trong sân khấu dì-kê có đến 40 điệu, mỗi điệu đi kèm với một kiểu múa và hát bè khác nhau để minh họa cho từng trường đoạn đau khổ, yêu thương, hài hước... Đặc biệt là có những vai diễn hề để chọc cười cho khán giả. Những câu nói dí dỏm, những câu chuyện hài ước được các diễn viên hề “tung hứng” với nhau khiến người xem bên dưới không thể nhịn cười. Vì thế nó gần gũi với người dân hơn là các điệu múa cung đình.
Nhạc cụ dùng trong sân khấu dì kê bao gồm đàn Khưm Tôch, đàn Chapây Chomriêng, đàn Tà khê, đàn Truô Nguôk….Nhạc cụ hơi có kèn Srolai Pinn Peat, kèn Srolai Rôbăm….,trống Skô Samphô, Skô Đaey…. Tùy theo điều kiện mà các đoàn có thể sử dụng các loại nhạc cụ khác nhau. Sau này đàn Ghi Ta điện cùng các nhạc cụ hiện đại như đàn Organ điện tử cũng được đưa vào để làm phong phú thêm giàn nhạc của sân khấu dì kê.
Những nghệ nhân của sân khấu dì kê trước đây giờ chỉ còn sót lại vài người như Châu Nhâm, Néang Mẹ À Leo, Châu Nghinh, Néang Sol, vợ chồng Châu Cháp ( Châu Men Saray và Néang Ok )…sống tập trung ở các xã trong huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Đến thăm gia đình nghệ nhân Chau Men Saray ở xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn tỉnh An Giang, ta mới có thể cảm nhận được sự đam mê “ dì kê” của người Việt gốc khmer ở gần biên giới này . Trong căn nhà cấp 4 của gia đình nghệ nhân Chau Men Sa Ray gần Ủy Ban Nhân Dân xã Ô Lâm, phục trang cho các diễn viên hát dì kê được lưu giữ cẩn thận. Những chiếc áo, mão lộng lẩy được đính kim sa, trang trí bằng những nét hoa văn độc đáo được xếp ngăn nắp bên trong tủ kính. Tất cả đều do đôi bàn tay khéo léo của đôi vợ chồng Chau Men Saray và Néang Ok tạo nên.Với ba người gồm hai vợ chồng cùng với cô con gái Néang Kunh Thia đã dẫn dắt một đội gồm hơn 40 người để đưa “dì kê” giới thiệu với đồng bào trong cả nước biết đến loại hình nghệ thuật này.
Hiện nay, Néang Kunh Thia vừa là phát thanh viên tiếng Khmer của đài phát thanh huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, vừa là nghệ nhân xuất sắc của bộ môn nghệ thuật dì kê. Cô vẫn dành thì giờ tập dượt và dẫn dắt đoàn  tham gia các đợt hội diễn văn nghệ quần chúng nhân các ngày lễ hội của người Khmer tại địa phương hoặc đi trình diễn các điệu nhạc dân tộc , dì kê ở phía Bắc khi được ngành Văn hóa yêu cầu.
 
Hình 2 :  Đôi vợ chồng Châu Men Saray và Néang Ok bên cạnh phục trang của diễn viên dì kê.
Những năm trước đây, hàng đêm sân nhà của ông Châu Men Saray và Néang Ok lúc nào cũng sáng rực ánh đèn. Các thanh niên trong phum sóc cùng nhau đến đây luyện tập những kịch bản, những điệu múa để phục vụ cho bà con trong những ngày lễ lớn, những  đợt hội diễn ở khu vực và đã đạt được nhiều huy chương, bằng khen từ các nơi. Hiện nay vì cuộc sống, nhiều diễn viên trong đoàn phải rời quê hương đi làm công nhân tại các khu công nghiệp ở TP HCM, Bình Dương…Việc tuyển các diễn viên mới gặp rất nhiều khó khăn bởi vì để học thuộc lòng kịch bản, nắm vững các điệu múa và hát “lăm” cũng phải mất gần 1 năm. Ngoài ra các diễn viên không được hưởng quyền lợi nào khác ngoài tiền bồi dưỡng lúc trình diễn và tiền thưởng từ những thành tích đã đạt được trong các buổi hội diễn. Những diễn viên đoàn dì kê ban ngày làm những công việc khác nhau, ban đêm rảnh rỗi mới có thể hẹn nhau đến sân tập hát. Ngay cả nghệ nhân Châu Men Saray cũng tranh thủ trong lúc nông nhàn chạy chiếc xe máy chở khách kiếm tiền để theo đuổi đam mê của mình. Những khó khăn trên khiến sân khấu dì kê tại An Giang ngày càng bị thu hẹp không thể phát triển được. Trong khi đó, nghệ thuật sân khấu dù kê được tỉnh Trà Vinh đưa vào giảng dạy trong bộ môn văn hóa truyền thống tại trường Đại Học Trà Vinh và lập hồ sơ để được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và thế giới.
          Để bảo tồn nghệ thuật sân khấu dì kê tại An Giang nói riêng và dù kê tại các tỉnh của miền Tây Nam Bộ nói chung , chúng tôi nghĩ phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu  về văn hóa Khmer Nam Bộ và các nghệ nhân đã gắn bó cuộc đời mình với dù kê và dì kê. Trước mắt theo chúng tôi cần thực hiện các bước như sau :
1.       Tổng hợp các tuồng tích và biên soạn thành một kịch bản hoàn chỉnh và thống nhất, sau đó đưa về cho các đoàn dù kê, dì kê tập và trình diễn cho công chúng xem để nhận ý kiến phản hồi từ các đối tượng này. Để thực hiện việc này các nhà nghiên cứu về văn hóa dù kê, dì kê  sẽ đến từng đoàn hát, ghi âm lại các tuồng tích và dịch lại sang tiếng Việt để trình lên Bộ Văn hóa thẩm định, bởi vì các nghệ nhân phần đông không rành tiếng Việt nên khả năng diễn giải kém. Qua đó chúng ta mới có thể làm rõ hơn những nét tương đồng và dị biệt giữa dù kê và dì kê. Việc này mặc dầu tốn nhiều thời gian và công sức nhưng lại là vấn đề cơ bản cần phải giải quyết trước tiên.
2.     Hợp tác với đài truyền thanh, truyền hình địa phương nơi có nhiều người Khmer sinh sống để đưa dì kê vào chương trình văn hóa tiếng Khmer của đài. Việc này giúp cho các nghệ nhân có thêm thu nhập và yên tâm đóng góp vào việc bảo tồn sân khấu dì kê.
3.       Đưa nghệ thuật sân khấu dù kê, dì kê và cả múa Rô băm trở thành một môn học tại các trường dân tộc nội trú tại các vùng có người Khmer sinh sống. Có thể mời các nghệ nhân trong lĩnh vực này đến truyền đạt cho các học sinh tại đây. Tuy những nghệ nhân này không có bằng cấp văn hóa và sư phạm nhưng với kiến thức và kinh nghiệm lâu năm vẫn có khả năng chuyển giao tốt. Nếu thực hiện được như thế sẽ tạo nên một đội ngũ kế thừa quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển loại hình này và hình  thành dòng chảy nhịp nhàng trong đời sống văn  hóa, tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Sân khấu Dù kê, Dì kê là kết quả của sự giao lưu về văn hóa giữa các dân tộc Việt, Hoa và Khmer sống chung với nhau trên vùng đất Nam Bộ hàng thế kỷ đã được người Khmer tại đây chắt lọc tại để tạo thành một loại hình văn hóa riêng của dân tộc mình. Những lớp người đi trước đã giữ gìn và phát triển loại hình này ngày càng gần gũi với đời thường và là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đồng bào Khmer trong những ngày lễ hội. Vì vậy  bộ môn nghệ thuật Dù kê, Dì Kê của người Khmer Nam Bộ nên sớm được bảo tồn, phát huy, để góp thêm những viên ngọc quý vào nền văn hóa Việt Nam – vốn được xem là nền văn hóa đậm đà, đa bản sắc. Đây cũng chính là nguyện vọng của những người quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển loại hình văn hóa này đứng trước nguy cơ chúng có khả năng biến mất trước làn sóng phát triển ồ ạt của âm nhạc hiện đại.
LÂM QUANG HIỂN

Chú thích :
(1) :Tổng chiều dài kinh Vĩnh tế là 87.340m, nếu trừ đi sông Giang Thành và náo khẩu Ca Âm thì phần đào mới chỉ vào khoảng 37.190m mà thôi.
(2) :  Dung Ngọc Hầu Tiền quân Thống chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn tên thật là Thạch Duồng, sanh năm Quý mùi (1763) tại làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, dưới thời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Ông là người Khmer, có tướng mạo khôi ngô, võ nghệ cao cường, tính tình cương trực. Vì vậy, Ông được Nguyễn vương phong chức cho trấn thủ ở Oai Viễn đồn (Trà Ôn) và đạo Trấn Giang (Cần Thơ), kiêm quân xuất hai phủ Trà Vinh và Mân Thít. Binh đoàn của Ông chiến đấu dũng mãnh, xuất sắc.
Năm 1787, Ông theo chúa Nguyễn Ánh chạy sang Vọng Các (Bangkok, Thái Lan) tránh quân Tây Sơn. Năm sau, Ông trở về nước, theo Lê Văn Quân đánh Tây Sơn ở bảo Ba Lai. Khi chúa Nguyễn Ánh trở về nước, Ông được phân công trở về Trà Vinh, Mân Thít chiêu mộ dân binh, được giao quyền làm Nội thuộc Cai đội Thống quân, đóng đồn tại Cầu Kè, Trà Ôn, tiến hành khai khẩn đất hoang trồng trọt hoa màu.
Năm 1810, Cao Miên xảy ra nội chiến, quân Xiêm nhân cơ hội xâm lấn bờ cõi xứ nầy, Ông phụng lệnh triều đình theo đại quân Thoại Ngọc Hầu sang chiến đấu với quân Xiêm ở thành Lavek (Cao Miên). Thắng trận, uy danh Ông vang lừng và được ban ở lại trấn thủ thành Nam Vang với trọng trách bảo hộ xứ Cao Miên. Một thời gian sau, Ông được trở về trấn thủ Trà Ôn, Cầu Kè. Dịp nầy, Ông cùng dân binh ra sức khai hoang mở đất.
Năm Gia Long thứ 10 (1811), Ông được triệu về kinh nhận ban thưởng và được thăng hàm Thống chế, tước Dung Ngọc hầu. Năm 1819, Ông được triều đình bổ vào chức Điều bát nhung vụ, dẫn một đoàn dân binh Khmer đến Châu Đốc để cùng Thoại Ngọc hầu, Tuyên Trung hầu lo việc đào kinh Vĩnh Tế dài gần 90 km. Đây là con kinh có vị thế chiến lược vô cùng quan trọng về kinh tế và quân sự ở biên giới Tây Nam đất nước... Do có công lao to lớn, Nguyễn Ánh ban cho Ông “tứ danh” Nguyễn Văn Tồn.
Do lao tâm lao lực với đất nước, với nhân dân, ngày mùng 4 tháng Giêng năm Canh thìn (1820), Tiền quân Nguyễn Văn Tồn bị bệnh mất tại Trà Ôn. Triều đình Huế phái đại thần mang phẩm vật vào làm lễ tế với nghi thức long trọng trong 3 ngày. Ông được triều đình sắc phong Thành hoàng Bổn cảnh Trung dũng Thiên trực. Nhân dân Trà Ôn vô cùng đau xót, thương tiếc, tôn kính Ông như một bậc tiền hiền có công khai hoang mở cõi mảnh đất nầy. Năm 1828, vua Minh Mạng sắc phong Ông là Trung đẳng thần, hàm ân Trung dũng Thiên trực, tước Dung Ngọc Hầu.
Tài liệu tham khảo :
1.  Nhạc khí dân tộc Khmer Sóc Trăng của Sơn Ngọc Hoàng.

2. Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ- nguồn gốc, đặc trưng và các giải pháp bảo tồn, phát triển của Tiền văn Triệu và Dương Hoàng Lộc Đại Học văn Hóa TP HCM.

3. Dì Kê ở Bảy Núi của Phương Tử Nghi.