Trang

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012


Chiếc Long Đình của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa
và cuộc khởi nghĩa của  Ngô Lợi

LTQ

Khi ghé thăm khu di tích nhà mồ Ba Chúc, huyện Tri Tôn, nơi chứa đựng hàng ngàn bộ hài cốt của đồng bào Việt Nam bị bọn Pôn-pốt sát hại dã man vào năm 1978, du khách thường chú ý đến chiếc “ Long Đình” đặt trong chùa Tam Bửu cạnh nhà mồ. Lịch sử của nó gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Ngô Lợi ( Ngô Tự Lợi ), người đã khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa : một hệ phái của Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông được người đời xưng tụng là Đức Bổn Sư , hiện thân của Đức Phật Thầy Tây An tái sinh.



Hình 01 Chùa Tam Bửu nơi Ba Chúc

Ngô Lợi ( Ngô Tự Lợi ) còn có tên là Hữu hay Năm Thiếp(1) sinh năm 1831 tại xã Trà Tân, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Ông là một người yêu nước lấy tôn chỉ Tứ Ân Hiếu Nghĩa(2) của Đức Phật Thầy Tây An để hành đạo. Đứng trước việc nước nhà bị quân Pháp xâm chiếm, ông liên lạc với Quản Cơ Trần văn Thành và các lãnh tụ nghĩa quân khác ở miền Nam như Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân …để bàn việc chống Pháp. Khi cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (3)t hất bại vào năm 1873, các tín đồ phái Bửu Sơn Kỳ Hương qui tụ về với ông thành lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa; tiếp tục xây dựng trại ruộng tại làng An Định ( nay là xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn) dưới chân núi Tượng vừa hành đạo vừa sản xuất, tạo cơ sở để tiếp tục chống Pháp. Vùng núi Tượng này có nhiều ưu điểm là đất đai bằng phẵng, dễ khai khá lại gần biên giới Campuchia nên nghĩa quân dễ dàng chạy sang bên kia khi bị giặc Pháp ruồng bố. Tại đây ông cho xây dựng hai chùa Phi Lai (1877) và Tam Bửu (1882) ở gần nhau để dễ dàng hành đạo.

Tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa chia ra làm 24 gánh, đứng đầu là một ông trưởng gánh có nhiệm vụ quản lý việc sản xuất và luyện tập võ nghệ cho người trong gánh  để chiến đấu chống giặc. Sản phẩm làm ra được chia đều cho những gia đình trong gánh. Số tín đồ theo đạo có tới hơn một vạn người. Mỗi tín đồ mang theo trong mình một “Lòng phái” , bên trong có khắc bốn chữ     “ Bửu Sơn Kỳ Hương”.

Ngày 2 tháng 5 năm 1878, cuộc nổi dậy do ông Ngô Lợi khởi xướng đã nổ ra ở Cai Lậy (Mỹ Tho) nhưng nhanh chóng bị dẹp tan. Hai thuộc hạ của ông là  Ong và Khả bị xử chém tại Thuộc Nhiêu năm 1879, còn Ngô Lợi cùng nhiều nghĩa quân trốn thoát về làng An Ðịnh, căn cứ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, do ông cùng tín đồ khai hoang, lập ấp thuở trước để tiếp tục kháng Pháp(4). Tại đây, ông tổ chức những buổi làm chay, siêu độ cho những chiến sĩ trận vong cùng với việc rao giảng "đời Minh Hoàng được thành lập, ai không theo thì bị thú dữ, cọp beo trong rừng ăn thịt"(5) .
Việc làm này không thể nào tránh được tay mắt của bọn tay sai theo Pháp. Chúng cho người trà trộn vào để theo dõi và mật báo về. Ngày rằm tháng 7 năm 1881, nhân lúc các tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa tập hợp về chùa Phi Lai để làm lễ cúng rằm Trung Nguyên và nghe Đức Bổn Sư thuyết pháp, bọn Pháp huy động toàn bộ lực lượng đóng tại thành Châu Đốc và tàu chiến tại Tân An bao vây núi Tượng. Đức Bổn Sư  trốn thoát được sang Cao Miên nhưng một số tín đồ bị bắt, nhà cửa bị cướp phá còn chùa chiền thì bị thiêu hủy.
Năm 1885, quân Pháp mở cuộc càn quét vào núi Tượng lần thứ hai, nghĩa quân buộc phải rút sang bên kia biên giới. Quân Pháp lại cướp phá nhà cửa, chùa chiền lấy đi các báu vật. Đặc biệt nhất là chúng lấy đi chiếc “ Long Đình” (6)và cặp Long trụ (7) là bảo vật thiêng liêng của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.


 Hình 02 Long Đình nơi chùa Tam Bửu 1

Chiếc “ Long Đình” của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là một bảo vật vô giá vì nó làm bằng cây cam đàn vốn là một loại danh mộc, được ông Ngô Lợi cho người đóng sau khi xây dựng chùa Tam Bửu, hai bên rèm được sơn son thếp vàng . Nó còn là biểu tượng của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa nên lập tức bọn Pháp cho chở về Sài gòn. Sau một thời gian không rõ tung tích (8), nó được đem trưng bày tại bảo tàng viện Sài Gòn. Do không có chú thích rõ ràng nên nhiều khách tham quan lầm tưởng đây là chiếc “Long Sàng” nghĩa là giường của vua nằm.
Sau khi chiếc Long đình bị lấy đi, các tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa vì không biết tung tích của chiếc Long đình nên làm một chiếc khác nhỏ hơn để thờ. Chíếc Long đình này hiện nay được thờ ở hậu liêu chùa Tam Bửu.
Đến năm 1971 để lấy lòng số tín đồ theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tại An Giang, chính quyền Sài Gòn mới cho làm lễ rước chiếc “ Long Đình” từ Sài Gòn về chùa Tam Bửu tại xã Ba Chúc mà tín đồ đã góp công xây dựng lại. Thế là sau 86 năm lưu lạc, chiếc Long Đình” này mới quay về cố chủ (9)


Hình 03 Long Đình nơi chùa Tam Bửu 2

Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam năm 1978, bọn Pôn Pốt tràn vào xã Ba Chúc từ ngày 18/4 đến 30/4, tàn sát trên 3000 người dân vô tội bao gồm người già, đàn bà và trẻ em trốn xung quanh chùa Phi Lai và Tam Bửu(10). Chúng đốt chùa và ném lựu đạn hòng tiêu hủy chiếc “Long Đình” nhưng kỳ diệu thay nó vẫn nguyên vẹn không bị cháy. Điều này càng cũng cố đức tin của bà con trong đạo đối với chiếc “Long Đình”.

Cũng cần nói thêm là An Giang hiện nay còn sót lại hai chiếc “Long Đình”, một tại chùa Tam Bửu là nơi thờ Đức Bổn Sư Ngô Lợi và một  tại Bửu Hương Tự nơi thờ Đức Cố Quản Trần văn Thành.

Cuộc chiến đấu của tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu  Nghĩa vẫn tiếp tục sau khi chiếc “ Long Đình” bị lấy đi. Họ vẫn nuôi ý chí căm thù để chờ ngày rửa hận. Năm 1885, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương, kêu gọi dân chúng đồng tâm hiệp lực chống Pháp. Phó Tổng binh thành Hà Nội là ông Lê Công Chánh được cử vào nam để liên lạc với các nghĩa binh. Ông đến vùng Thất Sơn  liên hệ với Ngô Lợi và Nguyễn Xuân Phong để mưu việc khởi nghĩa. Rất tiếc  là sau đó ông Lê Công Chánh sa vào tay giặc còn người được cử ra Huế nhận ấn triện bị bắt nên cuộc khởi nghĩa đành gác lại.

Vào những năm 1887, 1888 những nghĩa binh trong các cuộc khởi nghĩa thất bại ở các nơi kéo về Thất Sơn rất đông và trở thành mối lo ngại của chính quyền Pháp. Chúng cho mật thám theo dõi và chuẩn bị lực lượng tấn công. Ngày 13 tháng 5 năm 1887, chỉ huy quân Pháp là thiếu tá Peignaux cùng Đốc phủ Trần Bá Lộc huy động lực lượng với súng ống hiện đại đánh vào làng An Định là căn cứ của quân khởi nghĩa. Nhằm đánh lừa bọn Pháp, các tín đồ phao tin là Ngô Lợi đã chết và lập mộ giả tại núi Dài. Nghĩa quân bị bắt đem ra xử bắn 8 người, đày ra Côn Đảo 13 người. Năm 1888 cũng là lần cuối cùng chúng đánh vào núi Tượng. Sau đó chúng đổi chiến thuật , sáp nhập các làng do Ngô Lợi lập vào các làng lân cận : An Định nhập về Ba Chúc, An Thành nhập về Lương Phi….đồng thời xây dựng ban hội tề tại các làng này để chống lại nghĩa quân. Ngô Lợi chết năm 1890 và được đưa về an táng tại núi Tượng cạnh chùa Tam Bửu. 


Hình 04 Ngôi mộ của Ngô Tự Lợi nơi chùa Tam Bửu.

Cuộc khởi nghĩa của Đức Bổn Sư Ngô Lợi  là một cuộc khởi nghĩa mang tính dân tộc, tiếp nối con đường của Đức Cố Quản Trần văn Thành mà các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa noi theo. Măc dù tên gọi khác nhau nhưng thực chất hai giáo phái này là một. Họ vẫn thấm nhuần tôn chỉ của Đức Phật Thầy Tây An là yêu đất nước, yêu đồng bào và thờ kính tổ tiên, cha mẹ. Trong hai cuộc cách mạng chống Pháp và chống Mỹ, các tín đồ Bữu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa luôn sát cánh cùng nhau bảo vệ đất nước, chống lại sự đàn áp của quân thù.Chiếc “Long Đình” quay về cố chủ mới chỉ là ước nguyện thứ nhất. Ước nguyện thứ hai mà cũng là ước nguyện lớn nhất của họ là nhìn nước nhà được độc lập, thống nhất, dân cư được sống trong yên bình no ấm và đoàn kết với nhau để tiến bước cùng bè bạn khắp năm châu.

LÂM THANH QUANG
Chú thích :
(1) Tên Năm Thiếp được  đặt do năm 37 tuổi, vào ngày mùng 5 tháng 5 năm Đinh Mão (1867), bỗng nhiên ông bất tỉnh. Sau 7 ngày 7 đêm, ông hồi tỉnh lại, trở thành người "giải thoát tẩy trần tâm, giáo nhơn tùng thiện đạo" (rũ sạch lòng trần, dạy người theo đạo lành). Sau đó thỉnh thoảng ông lại bất tỉnh như trên. Sau khi tỉnh lại ông thuyết giảng chuyện “ huyền cơ” được người dân nghe theo.
(2) Tứ ân hiếu nghĩa” là bổn phận của con người đối với 4 ân là : ân tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại.
(3) Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa do Quản Cơ Trần văn Thành vốn là đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An lãnh đạo từ năm 1867-1873 ở vùng Láng Linh ( nay là xã Vĩnh Thạnh Trung và Đào Hữu Cảnh, huyện Châu phú, tỉnh An Giang) gây nhiều thiệt hại cho quân Pháp.
(40) Ngoài việc liên kết với các nghĩa quân trong nước, Ngô Lợi cùng với tín đồ đạo Hiếu Nghĩa còn kết hợp với nghĩa quân của Hoàng Thân Sivôtha (Campuchia) nổi dậy chiếm giữ các vùng biên giới ven bờ kinh Vĩnh Tế.
(5)  Năm 1851, lúc mới 20 tuổi, ông viết Bà La Ni Kinh (nội dung xưng tán Đức Quán Thế Âm bồ tát, để khuyên người đời tu niệm) dài 223 chữ Hán, sau này trở thành quyển kinh quan trọng của đạo Hiếu Nghĩa.
(6) “Long đình” này người dân ở Nam Bộ thường gọi là “ Giường thờ”, nó có hình dáng của một chiếc giường nhỏ nhưng không dùng để nằm mà để thờ cúng tổ tiên. Trên giường có đặt những phương tiện sinh hoạt thường ngày của ông bà như ô trầu, ống nhổ, gối kê đầu …. Bàn thờ thì đặt ở phía ngoài có chân hương và bộ lư đồng để cúng hàng ngày và trong những kỳ lễ giỗ, tết.
(7)  Cặp long trụ này quân Pháp mang về nước và có tư liệu cho rằng hiện nay nó được trưng bày tại bảo tàng viện của Pháp.
(8) Theo lời kể lại thì sau khi lấy được Long Đình này mang về Sài Gòn, Trần Bá Lộc đem tặng nó cho con mình là Trần Bá Tư dùng làm giường nằm. Ông này nằm ngủ thấy có người đến đuổi đi nên sợ quá đem tặng lại cho Bảo tàng viện Sài Gòn.
(9) Vào ngày 8 tháng 5 năm 1970, các hệ phái thuộc Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, với danh xưng Hội Đồng Liên Phái Trung Ương do ông Nguyễn Đắc Cơ và Trần Văn Phúc ký tên gởi thỉnh nguyện thư xin ngôi Long Đình về chùa Tam Bửu, đồng thời đăng tải trên báo chí kể rõ nguồn cội ngôi Long Đỉnh và yêu cầu hầu hết các cơ quan hữu trách về văn hóa, nhờ cứu xét lại trường hợp ngôi Long Đình mà quy hoàn lại cho tôn giáo.
Đến ngày 21.11.1970, ông Trần Văn Ân phụ tá đặc biệt nghiên cứu Chánh trị Văn hóa Phủ Tổng Thống trình bày lý do khúc chiết của ngôi Long Đình, nên Tổng thống chấp thuận hoàn trả lại cho chùa Tam Bửu của hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa tại núi Tượng Thất Sơn (Châu Đốc).
Vì thủ tục có nhiều khó khăn, mãi đến ngày 06.04.1971 Tổng thư ký Phủ Thủ tướng mới ký văn thơ ban hành theo lệnh Tổng thống.
Đến ngày 11.5.1971, Giáo hội Bửu Sơn Kỳ Hương - Tứ Ân Hiếu Nghĩa cử hành lễ cung thỉnh ngôi Long Đình ra khỏi Viện Bảo Tàng Sài Gòn.
Đại diện chánh phủ có ông Trần Văn Ân ký giao hoàn, đại diện Tứ Ân Hiếu Nghĩa ông Nguyễn Đắc Cơ nhận lãnh.
Sau khi đến Châu Đốc, Chiếc Long đình này được lưu lại đêm 12.05.1971 cho các tín đồ đến chiêm ngưỡng cúng bái. Ngày hôm sau mới đưa về núi Tượng và làm lễ yên vị tại chùa Tam Bửu vào ngày 14-15 tháng năm 1971.
        (10) Nhân dân vùng Ba Chúc phần đông theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa nghĩ rằng bọn Pôn Pốt cũng theo đạo Phật nên không giết những Phật tử ẩn náo tại chùa chiền. Vì vậy họ tập trung về chùa Phi Lai và Tam Bữu nhờ cửa Phật che chở. Không ngờ bọn này lại nhẫn tâm giết hết những người trong chùa. Có những phụ nữ và trẻ em bị đập đầu chết bằng cán cuốc và chày vồ. Trên tường của chùa Phi Lai còn in đậm những vết máu của người dân bị sát hại và khu nhà mồ bên cạnh chùa chứa đựng hài cốt hơn 3000 người dân bị lính Pôn Pốt sát hại năm 1978.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét