Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

TRANG THỜ CÔ HIÊN TẠI TÂY AN TỰ NÚI SAM.

TRANG THỜ CÔ HIÊN TẠI TÂY AN TỰ NÚI SAM.

Nằm trong quần thể di tích văn hóa lịch sử núi Sam thuộc thành phố Châu Đốc tỉnh An giang, Tây An Tự là nơi được nhiều du khách đến cúng bái trong chuyến hành hương tham quan miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1847 dưới triều vua Thiệu Trị do Tổng Đốc An Hà ( An Giang và Hà tiên ) là Doãn Uẩn sau khi ông đã đánh đuổi được quân Xiêm La và bình định được Chân Lạp. Tên ngôi chùa là Tây An Tự mang hàm ý trấn yên bờ cõi phía Tây. Chùa được xây dựng trên một nền cao, dựa lưng vào vách núi với ba gác chuông hình chóp nhọn ở mặt trước theo phong cách văn hóa Ấn Độ. Bên trong chánh điện có khoảng 150 pho tượng lớn nhỏ: tượng Phật, Bồ Tát, La Hán, Bát bộ Kim Cang, Ngọc Hoàng, Huỳnh Đế, Thần Nông... Đa số tượng đều làm bằng danh mộc, chạm trổ công phu và mỹ thuật, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam vào thế kỷ XIX. Ngoài ra chùa còn có nhiều hoành phi và câu đối, màu sắc rực rỡ. Điều làm du khách ngạc nhiên nhất là phía bên góc phải của chánh điện là trang thờ cô Hiên. Nhân vật này thực sự là ai và tại sao được thờ bên trong một ngôi chùa thuộc phái Lâm Tế có lịch sử gần 200 năm này ? 


 H01 : Tây An tự  núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.


Theo nhà nghiên cứu Đinh Văn Tuấn (1) ở Đồng Nai thì cô Hiên tên thật là Phạm thị Hiên là một cô bóng ở huyện Vĩnh Cữu tỉnh Đồng Nai theo truyền thuyết dân gian có liên quan đến cái chết của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh . Theo truyền thuyết này thì vào đầu năm 1700, Nguyễn Hữu Cảnh thống lĩnh binh sĩ đi dẹp loạn Man Di (2) ở vùng Phước Long thượng nguồn sông Bé. Trong lễ xuất binh trên một gò đất cao ở Cù Lao Phố có một bà đồng tên gọi là cô bóng Hiên xuất hiện ngăn cản : “ Nếu ra đi sẽ nguy hiểm đến tính mạng”. Vốn lòng trung quân ái quốc và không tin chuyện đồng bóng, không thể vì một chuyện nhỏ nhặt mà làm hỏng buổi lễ ; ông rút gươm chém chết cô bóng Hiên và ra lệnh xuất binh. Quân của ông tiến thẳng vào thành La Bích (Nam Vang) và hàng phục được quân Chân Lạp. Khi xuôi dòng sông Cửu Long để về Việt Nam ông bị trúng tên của quân địch trọng thương phải về dưỡng thương nơi cồn cây Sao nay là cù Lao ông Chưởng thuộc huyện Chợ Mới tỉnh An Giang. Biết mình không qua khỏi và để an lòng quân ông tung tin mình bị bệnh và lập tức chuyển quân về Cù lao Phố . Tuy nhiên khi đến Sầm Giang (Rạch Gầm , Mỹ Tho) thì ông qua đời. Thi hài ông được đưa về quàn tại gò đất nơi ông làm lễ xuất binh trước khi được đưa về an táng tại quê hương Quảng Bình. Trên gò đất cao này người dân địa phương cho xây ngôi đình Bình Kính để làm nơi thờ tự ông cùng với ngôi mộ gió (3). Hướng bên kia sông gần Thanh Lương Cổ Tự, dân làng lập ra ngôi miếu thờ cô bóng Hiên. Nguyên nhân cái chết của ông được Binh Bộ Thượng thư Lê Quang Định (1759-1813) xác nhận qua quyển Hoàng Việt Nhất Thống Chí Địa Dư do ông biên soạn và dâng lên vua Gia Long vào năm 1806. Nguyên văn chữ Hán như sau: “Tích dữ Cao Miên binh tương chiến, trận vong”: “Ngày trước từng giao chiến với Cao Miên rồi chết trận” chứ không phải chết vì bệnh ( bệnh vong).


H02 : Chánh điện Tây An tự.
Miếu cô Hiên hiện nay ở xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cữu, tỉnh Đồng Nai người dân vì kỵ húy nên không gọi tên thật mà chỉ gọi là miếu bà Cô. “Tương truyền miếu bà cô rất linh, tượng bà cô làm bằng gỗ mít rất đẹp, có rất nhiều vòng vàng do người dân đeo lên. Trước có nhiều kẻ gian mò vào miếu tính trộm vàng nhưng đều không thành mà còn thiệt thân, về sau có kẻ trộm không đi vào mà chống tay xuống đất trồng chuối đi vào rồi lấy ngón chân móc vàng. Hương chức trong làng được báo mộng mới biết vàng của bà cô bị mất trộm nhưng không tìm được thủ phạm. Từ đó tượng bà chỉ được trang sức bằng “đồ giả” (4) và hằng năm cứ đến ngày 12.2 (ngày lễ bà ) thì mọi người già trẻ, trai gái, lớn bé trong làng đều tụ về đây làm lễ cúng bà.
Cách miếu bà cô khoảng 500 m là ngôi mộ của bà, mộ này được trùng tu vào năm Canh Tuất (1970) do các hương chức và thiện nam tín nữ xã Thạnh Hòa xây lại dựa vào ngôi mộ xưa đã hư hại. Trên bia đề là: Bổn xứ thánh nương tánh Phạm chi mộ, năm sinh thì có nhưng không xác định được chính xác chỉ biết là năm Giáp Ngọ, còn năm mất thì không thấy. Vào tháng 7.2013 vừa rồi, do mộ bà nằm trên dự án mở rộng đường 768 nên người dân đã bốc đem về chôn trong khuôn viên miếu bà nằm sát bên dòng sông Đồng Nai.


Hình 3 : Mộ cô Hiên tại huyện Vĩnh Cữu, tỉnh Đồng Nai.
Một nhân vật khác cũng mang tên cô Hiên là “cô Hiên ở Nha Mân” ngày nay thuộc tỉnh Đồng Tháp sống cách nay khoảng 150 năm cũng được người dân truyền tụng. Cô tên thật là Phạm thị Liên nhưng trong gia đình thân tộc và lối xóm thường gọi là Hai Hiên. Cô là con gái độc nhất của ông bà Phạm văn Cần sinh sống ở khu vực vàm sông Nha Mân, lúc bấy giờ thuộc làng Phú Nhuận, tổng An Mỹ, Sa Đéc. Từ nhỏ cô nổi tiếng là một người xinh đẹp, nết na thùy mỵ nên có nhiều người ngấp nghé muốn kết tình thông gia với ông bà Phạm văn Cần để rước cô về làm dâu. Ông bà Phạm văn Cần chưa kịp chọn được ai thì cô đã lâm trọng bệnh và đột ngột qua đời.
Tương tự như các gia đình khác ở địa phương, trong nhà của ông có trang thờ Quan Thánh Đế Quân tượng trưng cho lòng trung cang nghĩa khí, cứu giúp người đời. Trong lúc quẩn trí, đau buồn vì cái chết của con gái, ông lấy bức tranh Quan Thánh Đế Quân  thờ trong nhà đắp lên thi hài của cô Hiên trong lúc tẩn liệm với ý định nhờ ngài báo với Diêm Vương minh xét về cái chết của con ông. Việc làm này kinh động với người dân tại đây nên sau đó có nhiều lời đồn đãi rằng do Cô Hiên là gái đồng trinh chết sớm nên hiển linh hiện về thăm cha mẹ và cứu giúp người dân bị bệnh. Truyền thuyết về cô Hai Hiên Nha Mân này lan tỏa đến các tỉnh lân cận và đi vào đời sống tâm linh của người dân tại đây.


Hình 4 : Bàn thờ Tam Hoàng  : Phục Hy, Thần Nông, Huỳnh Đế
theo truyền thuyết Trung Hoa.

Hai nhân vật trên có cùng tên Cô Hiên tuy sống cách nhau hơn 150 năm và có những truyền thuyết khác nhau được người dân tin tưởng nên dễ gây ra nhầm lẫn trong việc xác định người được thờ trong chùa Tây An. Điều này gây khó khăn cho những người muốn tìm hiểu xem cô Hiên được thờ tại chùa Tây An là cô Hiên nào ?
Theo lời người dân địa phương kể lại thì trước khi chùa Tây An được Tổng Đốc An –Hà là Doãn Uẩn xây dựng thì nơi này từng có một ngôi miếu cỗ bằng tre lá do Tổng Đốc Nguyễn Nhật An lập nên vào năm 1820 dưới triều vua Minh Mạng. Chi tiết về nhân vật Nguyễn Nhật An chưa chính xác bởi vì tra cứu danh sách các quan lại ở miền Nam dưới thời vua Minh Mạng không có nhân vật nào tên Nguyễn Nhật An. Ngoài ra chức quan Tổng Đốc xuất hiện sau khi vua Minh Mạng phân chia vùng đất Nam bộ thành Nam Kỳ Lục Tỉnh (5) vào năm 1834 còn trước đó là 5 trấn (6) do quan Trấn Thủ quản lý. Năm 1817 Nguyễn văn Thoại được triều đình giao trấn thủ trấn Vĩnh Thanh  thay thế cho Trấn Thủ Nguyễn văn Thiêm nghỉ bệnh. Tuy nhiên, việc chùa Tây An được xây dựng trên một nền miếu cỗ là có thật. Ngôi miếu này là miếu thờ cô Hiên có lẽ được người dân vùng ngoài vào đây đào kinh Vĩnh Tế dựng nên làm chỗ dựa tâm linh cho những người đến khai phá vùng đất mới này. Lúc đó Bà Chúa Xứ Núi Sam chưa được nhiều người biết đến và nơi thờ Bà chỉ là một ngôi miếu bằng tre lá đơn sơ chứ không nguy nga như hiện nay.
 Lúc xây dựng chùa Tây An vào năm 1847, Tổng Đốc Doãn Uẩn vì tôn trọng tín ngưỡng dân gian của người dân nên đưa cốt cô Hiên vào chùa để thờ. Do đó  mặc dầu đây là một ngôi chùa thuộc Phái Lâm Tế nhưng bên trong lại có trang thờ cô Hiên theo tín ngưỡng dân gian. Vào năm 1958 khi trùng tu chùa Tây An và xây 3 gác chuông ở phía trước, hòa thượng Thích Bửu Thọ ( thế danh Nguyễn Thế Mật) vẫn giữ nguyên vị trí trang thờ như hiện nay và cho làm mới lại tượng cốt để thờ.



Hình 5 : Trang thờ cô Hiên ở góc phải Tây An Tự.

Nếu thực sự chùa Tây An được xây trên nền miếu cô Hiên thì trang thờ cô Hiên bên trong chùa Tây An chính là cô bóng Phạm thị Hiên ở huyện Vĩnh Cữu, tỉnh Đồng Nai chứ không phải là cô Hiên ở Nha Mân như nhiều người lầm tưởng bởi vì ngôi miếu đã có trước khi cô Hiên ở Nha Mân qua đời hơn 40 năm. Ngoài ra điện Hòn Chén ở Huế thờ cô bóng Hiên ở huyện Vĩnh Cữu tỉnh Đồng Nai chứ không phải là cô Hiên Nha Mân như một số tư liệu đã ngộ nhận.
Việc làm sáng tỏ lai lịch của nhân vật cô Hiên được thờ ở chùa Tây An giúp cho ta có một cái nhìn về tín ngưỡng của người dân cách nay hơn 200 năm. Bên cạnh tín ngưỡng về tôn giáo, tín ngưỡng thờ thành hoàng ở các đình làng ; tín ngưỡng thờ Mẫu theo cách gọi của miền Bắc hay tín ngưỡng thờ Bà của người dân Nam bộ vẫn chiếm một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Khi đến chùa Tây An, ngoài việc thắp hương cúng Phật người dân còn đến thắp hương tại trang thờ cô Hiên để cầu cho gia đạo bình an, tài lộc dồi dào. Đây là một nhu cầu tâm linh thực sự của con người để giải tỏa những ưu phiền sau những ngày làm việc vất vả, bon chen vì cuộc sống. Khói hương tựa một sợi chỉ dài kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai ; gắn liền giữa vật chất và tinh thần giúp con người tìm đến chân, thiện, mỹ.

LÂM THANH QUANG.
Chú thích :
(1) Bài viết đăng trên Tạp chí Nghiên Cứu và phát triển số 9/2013
(2) Man Di : tên của chính quyền Việt Nam thời đó gọi các dân tộc ở phía Tây (ám chỉ nước Chân Lạp).
(3) Mộ gió : ngôi mộ tượng trưng chôn quần áo, vật dụng của người chết còn mộ thật chôn ở nơi khác.
(4)Trích Biên Hòa sử lược của NNC Lương Văn Lựu.
(5) Nam kỳ Lục Tỉnh vào năm 1834 là Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên.
(6) 5 trấn dưới thời vua Gia Long là : Hà Tiên, Vĩnh Thanh, Định Tường, Phiên An, Biên Hòa.