Trang

Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

DI SẢN CỦA THOẠI NGỌC HẦU ĐỐI VỚI VÙNG ĐẤT AN GIANG QUA CÁC VĂN BIA THOẠI SƠN, VĨNH TẾ SƠN VÀ CHÂU ĐỐC TÂN LỘ KIỀU LƯƠNG.

DI SẢN CỦA THOẠI NGỌC HẦU
ĐỐI VỚI VÙNG ĐẤT AN GIANG QUA CÁC VĂN BIA
THOẠI SƠN, VĨNH TẾ SƠN VÀ CHÂU ĐỐC TÂN LỘ KIỀU LƯƠNG.




H01 Hình lăng Thoại Ngọc Hầu khi chưa trùng tu.

 Trong những ngày cuối đời từ lúc ông quay về trấn thủ Vĩnh Thanh(1818) cho đến lúc mất, Thoại Ngọc Hầu (1761-1829) đã đóng góp cho vùng đất An Giang qua nhiều công trình phục vụ cho kinh tế, quốc phòng và đời sống của người dân. Có những công trình được nhiều người biết đến như việc đào kinh Thoại Hà ( 1818) , đào kinh Vĩnh Tế ( 1819-1824), và đắp con đường Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương ( 1827-1828). Tuy nhiên có những công trình khác không kém phần quan trọng nhưng ít ai chú ý đến như việc đắp con đường từ Châu Đốc đến Long Xuyên, từ Châu Đốc đến Sốc Vang (Nam Vang) và Lò Gò ( Angkor Borei). Những công trình này không được sử sách ghi chép hay chỉ ghi sơ lược. Qua việc giải mã các văn bia Thoại Sơn, Vĩnh Tế Sơn và Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương giúp chúng ta hiểu rõ các sự việc này một cách chính xác hơn.
Công trình thủy lợi đầu tiên của Thoại Ngọc Hầu tại An Giang là việc đào kinh Thoại Hà ( kinh Đông Xuyên) bắt đầu từ ngã ba rạch Tam Khê ( Ba Rạch) của Tp Long Xuyên hiện nay đến Song Khê ( rạch Sóc Buông ) của Kiên Giang với chiều dài gần 30km, bề ngang khoảng từ 20m đến 30m tùy theo địa thế. Việc đào kinh Thoại Hà đã được chuẩn bị vào tháng 11 năm Đinh Sửu (1817) và đến mùa xuân năm Mậu Dần (1818) thì bắt đầu tiến hành việc đào kinh. Số nhân công sử dụng để đào kinh là 1500 người trong vòng 1 tháng đã hoàn thành thật là một kỳ tích. Nhưng trên thực tế việc đào kinh Thoại Hà chỉ là nạo vét và nối những kinh rạch tự nhiên lại với nhau nên thời gian đào kinh mới nhanh như vậy.
Sau khi hoàn thành, ông cho vẽ họa đồ và làm sớ dâng lên vua Gia Long. Nhà vua khen ngợi và lấy tên ông đặt cho con kinh là Thoại Hà và ngọn núi gần đó nguyên có tên là núi Sập đặt tên là Thoại Sơn. Trên bia Thoại Sơn đặt tại đình Thoại Sơn còn ghi rõ việc này.
“… Mùa thu năm Đinh Sửu (1817) lão thần kính, được vua giao cho ấn phù giữ trấn Vĩnh Thanh. Mùa thu năm Mậu Dần(1818), vâng chỉ đốc suất đào kinh Đông Xuyên.
Ngày thụ mệnh sớm khuya kính sợ, đốn cây rậm, bới bùn lầy, đào kinh dài một vạn hai ngàn bốn trăm mười tầm, trãi qua một tháng thì xong việc, nghiễm nhiên trở thành một con sông to, luôn luôn ghe thuyền qua lại tiện lợi. Mà núi ở gần bờ kinh, cao ước hơn mười trượng, chu vi được hai ngàn bốn trăm bảy mươi tám tầm, sắc biếc dờn dợn, dựng cao sừng sững, sống động như rồng thần giởn nước, phương đẹp bay lượn trên không. Cảnh tú ấy há không phải thợ tạo chung đúc mà nên sao ? Lâu nay trời đất dấu kính, chân người ít tới nơi, nay nhân cớ đào kinh xong mà núi kinh đồng được ghi lên họa đồ dâng trình ngự lãm, ấy cũng  là ngày kỳ ngộ của núi non vậy.
Vâng theo lời dụ của vua, lấy danh tước Thoại Ngọc của lão thần, vì đã coi sóc việc này, mà đặt tên là núi Thoại để nêu lên cho tên kinh Đông Xuyên, lão thần do tên núi này mà được đội mang một vinh dự ngoài thần mong mỏi…” (1)
Bia Thoại Sơn do được bảo quản tốt bên trong đình Thoại Sơn và bia đá được lấy từ đá của núi Sập nên không bị hư hỏng theo thời gian. Tuy nhiên do người đời sau sơn lại nên bia mất đi vẻ cổ kính nguyên thủy của nó.


Hình 2 : Bia Thoại Sơn.

Kinh Thoại Hà mang một ý nghĩa lớn lao là phục vụ cho việc giao thông và quốc phòng, làm cho việc liên lạc giữa hai đồn binh giữa Long Xuyên và Rạch Giá trở nên thuận tiện hơn. Hai bên bờ kinh Thoại Hà trở thành nơi thu hút những lưu dân về đây lập nghiệp khiến vùng đất hoang vu này trở nên trù phú. Ngày nay Kinh Thoại Hà không những cung cấp nước ngọt để tưới tiêu cho vùng Tứ Giác Long Xuyên mà còn là tuyến đường thủy quan trọng vận chuyển hàng hóa giữa hai thành phố Long Xuyên và Rạch Giá.
Việc đào kinh Vĩnh Tế được thực hiện khó khăn và gian khổ hơn do chiều dài của kinh dài gần 90 km. Nếu trừ đi đoạn sông Giang Thành dài khoảng 42.500m và đoạn Náo khẩu Ca Âm khoảng 7.650m thì số lượng chiều dài thực đào chỉ khoảng chừng 37.190m mà thôi (2). Việc chuẩn bị cho việc đào kinh này là chủ ý của vua Gia Long khi giao cho các quan chức tại địa phương nghiên cứu và báo cáo  những công trình về thủy lợi ở Nam Bộ vào đầu thế kỷ 19.  Tháng 4 năm Bính Tý (1816) vua Gia Long sai Lưu Phước Tường và Nguyễn Đức Sĩ đo đường đất từ mặt sau đồn Châu Đốc đến các xứ Náo Khẩu, Cây Báng và vẽ bản đồ dâng lên. Vua xem bản đồ Châu Đốc, bảo các thị thần rằng : “Đất này nay mở đường sông để đi thẳng tới Hà Tiên, làm ruộng đi buôn đều được lợi cả. Sau này dân ở đông đúc, đất mở rộng rãi, có thể thành một trấn to lớn” (3)



 Hình 3 : Bia Vĩnh tế Sơn.


 Điểm khởi đầu của kinh Vĩnh Tế là từ sau đoạn hào thành phía tây của đồn Châu Đốc ngay tại vị trí cầu Kinh Giồng hiện nay chứ không phải là từ đầu vàm nối với sông Châu Đốc trước đình Vĩnh Ngươn như chúng ta lầm tưởng bởi vì từ cầu kinh Giồng trở ra đầu vàm vốn đã là hào thành của đồn Châu Đốc do Nguyễn văn Xuân, Lưu Phước Tường và Nguyễn Đức Sĩ xây dựng trước đó vào năm Gia Long thứ 15 (1816). Trong Đại Nam Thực lục còn ghi rõ về việc thành lập đồn (bảo) Châu Đốc.
“ Trước đây vua thấy đạo Châu Đốc là nơi quan trọng ở biên thùy, muốn đặt bảo hiểm để giữ. Trước sai Giám Thành Sứ là Nguyễn Đức Sĩ đến xem đo hình thế, vẽ bản đồ dâng lên. đến nay lấy lính thú ở Gia Định và lính cơ ở bốn trấn 3.000 người cấp tiền gạo cho ứng dịch. Sai Phó tướng Tả Quân là Nguyễn Văn Xuân, Trấn thủ Vĩnh Thanh là Lưu Phước Tường cùng Đức Sĩ trông coi công việc. Lại gọi 2.000 người quân dân Chân Lạp đến hội. Dụ vua Phiên là Nặc Chăn rằng: “Nước ngươi đời đời giữ bờ cõi ngoài phiên, một lòng kính thuận. Triều đình hằng nghĩ vỗ về để giữ yên cho. Việc đắp bảo này không phải là muốn phiền dân, mà cốt là bảo vệ Hà Tiên để sách ứng cho Nam Vang. Vương nên chọn ủy quan viên người nào lanh lợi siêng năng cho đem quân dân đến làm, khiến mọi người đều vui lòng như con đến làm cho cha vậy”. Rồi thấy binh dân nhiều người ốm và trốn, lại lấy thêm dân bốn trấn và lính đồn Uy viễn mỗi phía 1.000 người để sung vào. Sai thành thần ủy người ghi rõ công việc, cứ mười ngày thì tâu một lần. Dụ rằng: “Công việc thổ mộc, là việc bất đắc dĩ. Một phen đã làm, việc động binh dân thì nên hết lòng kinh lý, đừng để sai hẹn mà động đến việc nông”. (4)
Vị trí và kích thước đồn Châu Đốc được ghi trong Gia Định Thành Thông Chí :
Ở phía đông sông Vĩnh Tế thuộc Hậu Giang, cách trấn về phía tây 326 tầm. Niên hiệu Gia Long 14 (1815), Trấn thủ Vĩnh Thanh là Lưu Phước Tường phụng sắc điều quân dân trong trấn hạt gồm 3.000 người, mỗi tháng cấp cho mỗi người 2 quan tiền và một vuông rưỡi gạo. Ngày 4 tháng 12 khởi công đắp đồn dài hình lục giác, từ trước đến sau 324 tầm(591,3m), từ trái qua phải 164 tầm(299,3m), hai bên phải trái đều có hai cửa, mặt sau một cửa, bề cao 7 thước ta, chân dày 6 tầm, ngọn túm bớt 5 thước ta, có hai bậc, lưng tựa hướng Kiền, mặt hướng Tốn, phía phải giáp sông lớn, 3 phía trước sau và trái có hào rộng 20 tầm, sâu 11 thước ta, thông với sông cái. Trong đồn có phòng lính ở, kho chứa, súng lớn và quân khí đầy đủ, lấy quân trong 4 trấn và đồn Oai Viễn mỗi phiên500 người đến đóng giữ, nằm ngang đối diện có đồn Tân Châu ở Tiền Giang cách về phía đông 32 dặm rưỡi, phía tây cách trấn Hà Tiên hơn 203 dặm, phía bắc cách thành Nam Vang 244 dặm rưỡi, thật là một nơi biên phòng trọng yếu vậy”. (5)(6)


Hình 4 : Vị trí đồn Châu Đốc.

Được khởi công vào đầu năm 1819, công trình đào kinh Vĩnh Tế nhiều lần bị ngưng trệ vì dịch bệnh và thiếu kinh phí. Đến đời vua Minh Mạng, nhận thấy tầm chiến lược của kinh này nên ông ra lệnh tập trung nhân lực và tài lực vào việc đào kinh. Sang năm 1824 công trình này mới chính thức hoàn thành. Nhìn trên bản đồ, nó chạy dài như một con rắn uốn lượn qua dãy Thất Sơn huyền bí để thoát lũ ra biển. Theo người xưa kể lại, các quan phụ trách việc đào kinh dùng kỹ thuật tuy đơn giản nhưng hiệu quả nhất là dùng ngọn lửa để phóng tiêu. Ban đêm, 3 ngọn đuốc được thắp sáng cách nhau hơn trăm mét được điều chỉnh thẳng hàng bởi một viên quan phụ trách đo đạc. Còn ban ngày, nhân công căn cứ vào đó để đào kinh. Khi đến địa phận Cây Mít ( thuộc xã Nhơn Hưng huyện Tịnh Biên ) bị đá bàn ở chân núi cản lại nên lòng kinh không sâu, ghe thuyền phải chờ con nước lớn mới đi qua được. Đến thời Pháp thuộc, chính quyền mới cho đào một đường vòng qua chân núi  đến Đầm Chích và xây một đập chặn để giữ nước lại. Ở hai đầu đường vòng này, người Pháp làm hai cánh cổng.Khi nước lớn, cổng phía Cây Mít được mở ra để ghe thuyền đi vào trong rồi mới đóng lại. Sau đó cổng phía Đầm Chích mới mở ra, chờ nước quân bình  xong ghe thuyền mới đi ra được. Việc đóng mở hai cổng này hoàn toàn bằng tay qua hệ thống truyền động bằng bánh răng thép nặng hàng tấn. Còn đập chặn nước được xây bằng bê tông mặc dầu thời đó xi măng là một mặt hàng rất hiếm chỉ dùng cho các công trình trọng điểm và quốc phòng. Đập này ngoài việc giữ nước còn có một nhiệm vụ quan trọng khác là ngăn nước mặn từ biển về. Rất tiếc là hai công trình đó hiện nay bị phá hủy không còn để lại dấu vết. Sau này nhờ sử dụng mìn để phá đá nên lòng kinh mới sâu để ghe thuyền có thể lưu thông dễ dàng.
Việc đào kinh Vĩnh Tế này giúp cho dân chúng qui tụ về đây sinh sống và thành lập 5 xã chạy dọc theo kinh như Vĩnh Ngươn, Vĩnh Tế, Vĩnh Thông, Vĩnh Gia và Vĩnh Điều. Việc giao thông đi lại bằng đường thủy cũng trở nên dễ dàng hơn. Điều quan trọng nhất là nó thoát nước ra biển Tây vào mùa nước nổi và rửa phèn cho vùng Tứ giác Long Xuyên. Tuy nhiên, hơn 3.000 nhân công đã vĩnh viễn nằm lại do “sơn lam, chướng khí” và “hùm tha, sấu bắt” hoặc những rủi ro do tai nạn lao dộng trong lúc đào kinh đầy gian nan cực khổ nơi núi rừng hiểm trở này. Những nguời hy sinh được chôn cất rãi rác dọc theo bờ kinh. Số quan viên phụ tá cho Thoại Ngọc Hầu chết trong lúc đào kinh được chôn bên lăng mộ của ông có đến mấy chục người.
Việc đào kinh Vĩnh Tế này ngoài Thoại Ngọc Hầu là tổng chỉ huy còn có những phụ tá góp sức cùng ông như Chưởng Cơ Nguyễn văn Tuyên, Thống Chế Trần Công Lại và đặc biệt là một người gốc Khmer tên là Thạch Duồn đã từng theo giúp Nguyễn Ánh chống lại Tây Sơn nên được ban tên Việt là Nguyễn văn Tồn tước Dung Ngọc Hầu. Ông giữ chức Điều Bát chỉ huy khoảng 500 dân quân gốc Khmer ở Nam Bộ và phụ trách liên lạc với Đồng Phù chỉ huy nhóm người Khmer do vua Chân Lạp gởi qua giúp. Tổng trấn thành Gia Định là Lê văn Duyệt phụ trách việc hậu cần và tuyển dân binh phục vụ cho việc đào kinh.  Sau khi được hoàn thành, kinh Vĩnh Tế được vinh dự khắc lên Cao Đỉnh là đỉnh quan trọng nhất thể hiện những công trình dưới thời vua Gia Long được vua Minh Mạng cho đúc và trưng bày tại nội thành Huế vào năm Ất Mùi (1835).
Việc lấy tên Vĩnh Tế cho kinh mới đào cũng là một vấn đề đang được tranh luận bởi vì trong Đại Nam Thực lục ghi chép là tên Vĩnh Tế được vua Gia Long đặt vào năm 1819 trước khi con kinh được đào. Phải chăng tên Vĩnh Tế có nghĩa là “ Cứu tế Vĩnh hằng” được vua Gia Long nghĩ ra khi chuẩn bị đào kinh ? Do trùng tên với bà Châu thị Tế phu nhân của Thoại Ngọc Hầu nên nhà vua lấy tên bà ban cho tên núi là Vĩnh Tế Sơn. Trên bia Vĩnh Tế Sơn, Thoại Ngọc Hầu chỉ nhắc tên của bà được ban cho tên núi chứ không hề nhắc đến tên bà được ban cho tên kinh.


Hình 5 : Thác bản 2 mảnh bia Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương.

Con đường Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương nối liền từ núi Sam đến nội ô Châu Đốc dài 2700 tầm ( khoảng hơn 5km) bề ngang 4 tầm (8m) cao 8 thước(3,2m) cũng được Thoại Ngọc Hầu cho người  đắp vào cuối năm 1826 và đến tháng 4 năm 1827 hoàn thành với số lượng 3400 nhân công với kinh phí lấy từ của nhà của ông và bổng lộc của các quan viên trong địa phương cùng nhân dân đóng góp mà không hề sử dụng công quỹ. Sang năm 1828 lại sử dụng 1000 nhân công để bồi bổ thêm. Trên đường có bắc 4 chiếc cầu, mỗi cầu lót 4 tấm ván, mỗi tấm dài 6 tầm (12m) dày 5 tấc (0,2m). Những thông tin này được ghi lại đầy đủ trên bia Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương được ông cho dựng tại chân núi Sam sau khi hoàn thành con đường. Tiếc thay bia này đã bị vở chỉ còn lại hai mảnh hiện được trưng bày trong nhà trưng bày cổ vật của Thoại Ngọc Hầu bên trái lăng. Trong quá trình khảo sát để phục dựng lại bia chúng tôi nhận rõ phần trên bên phải bia còn ghi rõ 4 chữ Châu Đốc Tân Lộ, 4 chữ này chiếm vị trí phân nửa bia nên chúng tôi xác định 4 chữ còn lại bên trái chính là Kiều Lương Bi Ký. Tám chữ “ Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương bi ký” nói lên đây là một bài văn bia ghi lại quá trình làm con lộ mới dùng để vận chuyển lương thực ngoài việc làm nơi nương tựa cho ghe xuồng của người dân trong mùa nước nổi. Lúa từ  cánh đồng chung quanh núi Sam sẽ được các ghe xuồng cặp vào 4 chiếc cầu trên đường này. Từ đó chúng được chuyển qua xe ngựa hay xe bò  đi thẳng ra ngoài sông. Khi đến hào thành phía Nam (đường Cử Trị ngày nay) thì rẻ trái men theo hào thành đến cầu Kinh Giồng lại rẻ phải để đến cửa thành phía Tây của đồn Châu Đốc. Khu vực này chính là kho lương thực dùng để nuôi quân  đồn trú tại đồn Châu Đốc và đồn khác thuộc quyền quản lý của Thoại Ngọc Hầu. Phía Đông đồn Châu Đốc mới là chỗ ở của quân đồn trú và là nơi Thoại Ngọc Hầu sống vào những ngày cuối đời. Con đường từ đường Cử Trị thẳng đến bến sông nơi đình Châu Phú có lẽ mới được làm sau này vào những năm đầu thế kỷ 20 khi người Pháp mở rộng nội ô Châu Đốc và xây dựng tòa Hành Chánh và dinh Tỉnh trưởng Châu Đốc vào khoảng năm 1910-1911. Trên bản đồ được vẽ vào cuối thế kỷ 19 đã thể hiện chính xác con đường Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương này.
Vị trí của 4 chiếc cầu trên con đường Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương này cũng được xác định qua lời kể của những người lớn tuổi tại địa phương. Chiếc cầu thứ nhất nằm gần đường Cử Trị . Chiếc cầu thứ hai ở gần ngã tư Trường đua. Hai chiếc cầu này được phá để làm đường vào khoảng đầu thập niên 1920 . Hai chiếc cầu còn lại là cầu cây số 2 và cây số 4 cũng mới vừa phá để làm cống trong việc mở rộng con đường Tân Lộ Kiều Lương trong vài năm gần đây.



Hình 6 : Vị trí 4 chiếc cầu trên đường Tân Lộ Kiều Lương.

Hai bia Vĩnh Tế Sơn ( nguyên văn trên bia là Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế Sơn bi ký) và bia Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương bi ký ( trên bia chỉ còn 4 chữ Châu Đốc Tân Lộ….) được hoàn thành vào năm Minh Mạng cửu niên (1828) khi Thoại Ngọc Hầu đã hoàn tất việc xây dựng sơn lăng dưới chân núi Sam để làm nơi yên nghỉ cho hai vị phu nhân Châu thị Tế và Trương thị Miệt và cũng là cho ông sau này. Đây là một công trình được xây dựng theo dạng các lăng tẩm tại Huế với chiều ngang gần 200m nếu tính đến những ngôi mộ ở hai bên lăng là nơi chôn cất những người thân cận đã hy sinh trong việc đào kinh Vĩnh Tế,  còn chiều sâu trên 300m. Bên trong lăng, ngoài ngôi mộ của ông và hai vị phu nhân còn có 14 ngôi mộ được cho là của đoàn hát bộ đã tuẩn tiết sau khi ông mất nhưng theo một số nhà khảo cứu thì đây có lẽ là ngôi mộ của gia đình những người giúp việc trong nhà của ông. Bia Vĩnh Tế Sơn được đặt phía sau vách trước của lăng cùng với 4 tâm bia bằng sa thạch trên có những chữ Phạn cổ được cho là của vương quốc Phù Nam. Những tấm bia này một số đã bị mài phẵng còn lại một vài bia đang mài dở dang còn hiện rõ những chữ Phạn ghi trên bia. Do đó chúng ta có thể dặt ra giả thuyết rằng lúc đầu ông định mài phẵng các bia này để ghi bia văn Vĩnh Tế Sơn nhưng vì bia quá cứng nên ông phải dùng loại đá hoa từ Ngũ Hành Sơn quê ông để khắc bia có hoa văn tinh xảo hơn. Trên các bia Phù Nam này còn sót lại một vài chữ Hán nhưng đã mờ không nhìn rõ. Vì vậy mà qua gần 200 năm bia Vĩnh tế Sơn này bị hủy hoại theo thời gian. Hoa văn trên bia chạm trỗ hình lưỡng long tranh châu và mây, lá rất sống động so với các bia khác trên cả nước nhưng thời gian gian  gần đây đã  xuất hiện những vết nứt và những chữ khắc trên bia một số bị biến dạng không còn đọc được. Bia Châu Đốc Tân Lộ thì hoa văn không sắc sảo bằng do được làm từ loại đá hoa cương núi Sam. Do cấu tạo của đá núi Sam thường có những đường nứt của hoàng thạch nên bia bị vở khi người Pháp làm đường vào khoảng thập kỷ 1920, còn các chữ trên bia đã mờ nhạt.
Nếu văn bia Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương là bài văn tổng kết những suy nghĩ và thống kê công trình làm đường từ núi Sam đến Châu Đốc của Thoại Ngọc Hầu thì văn bia Vĩnh Tế Sơn là một áng văn tuyệt tác. Nội dung văn bia kể lại quá trình khai phá vùng đất An Giang và cảm ơn nhà vua đã ghi nhận công lao của ông nên lấy tên của vợ ông là Châu thị Tế thuộc dòng họ Châu Vĩnh ở Cù Lao Dài, huyệnVũng Liêm thuộc tỉnh Vĩnh Long đặt cho núi Sam là núi Vĩnh Tế và tên của ông đặt cho núi Sập khi ông hoàn tất việc đào kinh Đông Xuyên ( còn gọi là kinh Thoại Hà). Đây là một di sản quí báu để lại cho người đời sau có thể hình dung được lịch sử khai phá và cuộc sống của người dân nơi vùng Châu Đốc Tân Cương này bên cạnh kiến trúc cổ kính của sơn lăng và những cổ vật là đồ tùy táng của ông Thoại Ngọc Hầu và bà Châu thị Tế được tìm thấy trong khi trùng tu lại lăng vào năm 2009-2010. Với gần 1000 hiện vật được trưng bày trong nhà trưng bày cổ vật Thoại Ngọc Hầu, người xem có thể biết được cuộc sống của các quan lại và dân chúng vào đầu thế kỷ thứ 19 qua những đồ sứ của Cảnh Đức Trấn (tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) , đồ đồng của triều đình Huế và cả đến đồ thủy tinh của phương Tây và các nước láng giềng của Việt Nam như Thái Lan, Campuchia, Miến Điện… Hai mảnh bia còn lại của bia Châu Đốc Tân lộ được đặt ở vị trí khiêm tốn nơi góc nhà trưng bày.
Khi dịch bài văn bia “ Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế Sơn bi ký”, nhà nghiên cứu Nguyễn văn Hầu do không phải là người địa phương nên đã dịch câu : “… nhất lộ hoành đạt song song trường giang…” là  “… một đường ngang song song ra sông lớn…” vì lầm tưởng câu trên ám chỉ con đường Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương. Đúng ra câu trên phải được dịch thành “… một đường ngang song song với sông lớn…” bởi vì nó nhắc đến con đường chạy từ Châu Đốc đến Long Xuyên theo hướng từ Tây sang Đông. Con đường này mới nằm song song với sông Hậu còn hướng thẳng ra sông lớn là hướng Bắc. Con đường này ngày xưa chỉ là một con đường mòn do người đi bộ lâu ngày tạo nên. Ông cho mở rộng con đường này để cho xe ngựa có thể đi được từ Châu Đốc đến Long Xuyên rồi thẳng đến Thoại Sơn là nơi ông thành lập làng tại đó. Rất tiếc rằng trong Đại Nam Thực Lục  không ghi lại việc làm con đường này khiến công lao của ông bị người đời bỏ quên.
Đến năm 1921 người Pháp cho đào con kinh Đào cách nội ô Châu Đốc về hướng Đông khoảng gần 5 km nối với hai con kinh từ cầu số 2 và cầu số 4 để cho ghe xuồng từ cánh đồng Vĩnh Tế có thể đi theo dòng kinh này ra sông Châu Đốc và thoát nước từ cánh đồng Vĩnh Tế ra sông Hậu vào mùa lũ. Đồng thời con đường từ Châu Đốc Long Xuyên cũng được mở rộng để ô tô có thể đi lại dễ dàng.


Hình 7 : Con đường Châu Đốc Long Xuyên.

Trong câu “ nhất lộ thượng chí Sốc Vang,  nhất lộ thượng chí Lò Gò”, nhà nghiên cứu Nguyễn văn Hầu cũng không xác định rõ vị trí hai địa danh trên mà chỉ cho biết hai địa danh này nằm trên phần đất của Campuchia. Tuy nhiên qua bản dịch bằng tiếng Pháp văn bia Vĩnh Tế Sơn của ông Trần văn Hanh do Hội Nghiên Cứu Đông Dương xuất bản năm 1905 chúng ta mới biết được từ “Sóc Vang” chính là Nam Vang hay Phnom Penh, thủ đô của Vương quốc Campuchia hiện nay còn Lò Gò chính là Angkor Borei, thủ đô của vương quốc Phù Nam cũ. Con đường từ Châu Đốc đến Nam Vang bắt đầu từ phía bên kia sông Châu Đốc đối diện với hướng bắc của đồn Châu Đốc qua ngã cửa khẩu Long Bình thẳng đến Nam Vang khoảng 100km. Tin tức từ thành Nam Vang từ buổi sáng sẽ được truyền qua ngựa trạm về đến thành Châu Đốc vào buổi chiều cùng ngày bởi vì sau khi lảnh ấn Bảo Hộ Cao Miên lần thứ ba ông thường sống ở đồn Châu Đốc hơn là ở Nam Vang(7). Nếu từ cửa khẩu Long Bình rẻ sang trái chừng 20km thì sẽ đến Lò Gò     ( Angkor Borei) vốn là một tiền đồn bảo vệ cho thành Châu Đốc về hướng Bắc mỗi khi có sự xâm lược của quân Xiêm La từ hướng này. Con đường từ Châu Đốc đến Phnom Penh này hiện nay là tuyến đường ngắn nhất để người dân đi lại sau khi cầu Long Bình được hoàn thành vào cuối năm 2016. Điều này cho thấy tầm nhìn chiến lược của Thoại Ngọc Hầu cách nay gần 200 năm trong việc giao thương và quân sự giữa hai nước Việt Nam và Chân Lạp. Rất tiếc là trong chính sử lại không ghi lại sự kiện này mà chỉ ghi ông đã đắp con đường từ Châu Đốc đến Lò Gò vào năm 1825 sau khi kinh Vĩnh Tế vừa hoàn thành.


Hình 8 : Con đường từ Châu Đốc đến Nam Vang và Lò Gò.

Việc phục dựng hai bia Vĩnh Tế Sơn và Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương thể hiện ý chí quyết tâm của chính quyền và nhân dân Châu Đốc nhằm bảo vệ những di sản của Thoại Ngọc Hầu đã để lại cho người dân An Giang tránh bị hủy hoại theo thời gian. Do chất liệu làm bằng đá hoa Ngũ Hành Sơn nên sau gần 200 năm bia Vĩnh Tế Sơn nét chữ đã bị mờ, chỉ còn đọc được một số chữ. Những bản chép tay và dịch sang tiếng Việt của một số nhà nghiên cứu trước đây như ông Nguyễn văn Hầu, Trần văn Hanh, Cao Khắc Kiệm, Ngạc Xuyên Ca văn Thỉnh... có một số sai biệt nên việc hiệu đính lại bia văn gặp nhiều khó khăn, nhiều lúc phải đối chiếu những chữ còn sót lại trên bia để tránh sự sai sót không đáng có. Hoa văn trên bia Vĩnh tế Sơn cũng xuất hiện nhiều đường rạn nứt do thời gian. Riêng bia Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương chỉ còn 2 mảnh thiếu mất rất nhiều chữ và hoa văn trên bia cũng đã mờ nhạt. May mắn là trong lúc hiệu đính chúng tôi được sự hỗ trợ của nhiều bạn bè cung cấp những tư liệu mới về hai văn bia trên khiến cho việc hiệu đính được hoàn thành và ít gặp sai sót như các bản trước đây.
Qua hai bia được phục dựng này, chúng ta mới hiểu rõ sự cực khổ gian nan của tiền nhân khi khai phá vùng đất mới này.Nó sẽ là một sản phẩm du lịch rất độc đáo nếu chúng ta kết hợp với nhà trưng bày cổ vật của Thoại Ngọc Hầu phía bên trái lăng. Đây là một tư liệu quí giá đối với các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về vùng đất Châu Đốc Tân Cương và cuộc sống của các quan lại và dân chúng vào đầu thế kỷ 19. Sau khi đến viếng miếu Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc, du khách sẽ sang lăng Thoại Ngọc Hầu ngang đó lắng nghe những lời thuyết minh, diễn giải về hai bia Vĩnh Tế Sơn và Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương của hướng dẫn viên, tận mắt nhìn thấy những đồ dùng thường ngày của Thoại Ngọc Hầu và phu nhân Châu thị Tế sẽ là những kỷ niệm khó quên cho chuyến hành hương này.
LÂM THANH QUANG.

Ghi chú  :
(1)   Trích bản dịch bia Thoại Sơn của ông Nguyễn văn Hầu trong quyển Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, nhà xuất bản Hương Sen năm 1971.
(2)   Trích trong bài tham luận Thoại Ngọc Hầu và công trình đào kinh Vĩnh Tế của TSBS Châu Hữu Hầu, kỷ yếu hội thảo về danh nhân Thoại Ngọc Hầu- Nguyễn văn Thoại năm 2009.
(3)   Đại Nam Thực lục tập 1b quyển 53.
(4)   Đại Nam thực lục tập 1b quyển 52 trang 836
(5)   Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức do Song Hào Lý Việt Dũng dịch, Nhà xuất bản Tổng Hợp Đồng Nai ấn hành năm 2005, trang 243.
(6)  Vị trí này hiện nay tương ứng phía Bắc từ đường Nguyễn Đình Chiểu đến đường Louis Pasteur, phía Đông từ đường Trần Hưng Đạo đến đường Thủ Khoa Nghĩa, Phía Tây hào thành từ cầu Kinh Giồng đến vàm sông tiếp giáp với sông Châu Đốc. Hào thành phía Nam hơi nghiêng từ đường Thủ Khoa Nghĩa đến đường Cử Trị. Đến năm 1831 vua Minh Mạng cho triệt hạ đồn Châu Đốc bằng đất và xây thành Châu Đốc bằng đá theo kiểu VauBan ở góc phía đông đồn, mỗi cạnh chỉ còn khoảng 300m. Khi Pháp chiếm thành Châu Đốc vẫn giữ nguyên thành này làm chỗ đồn trú cho quân lính Pháp. Đến năm 1882 mới phá bỏ thành Châu Đốc và xây thành PC với qui mô nhỏ hơn mỗi cạnh khoảng 120m. Hào thành phía Đông được lấp để tạo hành đường Nguyễn đình Chiểu và trường tiểu học Pháp Việt. Đất lấp hào thành lấy từ việc đào kinh Ông Cò và phía ngoài thành.Hào thành phía Nam được nắn lại thẳng góc với kinh Ông Cò).


(7)  Vị trí nơi Thoại Ngọc Hầu sống tại đồn Châu Đốc được xác định là ở phía góc phía Đông của đồn. Hiện nay do nơi này thuộc quyền quản lý của Bộ đội Biên Phòng tỉnh An Giang nên chưa thể khảo sát kỹ được.