LỄ PHỤC HIỆN “RƯỚC TƯỢNG BÀ” TỪ ĐỈNH NÚI SAM
MỘT NÉT VĂN HÓA ĐẶC SẮC TRONG MÙA LỄ HỘI.
LTQ
Sau khi vui đón tết âm lịch, những chuyến hành hương về vùng đất Tây Nam bộ được nhiều người hưởng ứng. Một trong những nơi được ưu tiên chọn đến là miếu Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc, một vùng đất vốn nổi tiếng về những danh lam thắng cảnh cùng các huyền thoại về thời khai hoang mở cõi như Tây An tự, lăng Ông Thoại Ngọc Hầu, Phước Điền tự( chùa Hang )….. Mặc dầu đến cuối tháng 4 âm lịch mới bắt đầu khai hội Vía bà Chúa Xứ nhưng ngay từ đầu tháng giêng, những đoàn xe tấp nập từ các nơi đổ về núi Sam Châu Đốc. Mọi người háo hức đến tận nơi với lòng thành cầu an cho gia đình, mong muốn được yên tâm làm ăn trong năm mới, đồng thời tìm hiểu về lịch sử của Bà Chúa Xứ núi Sam vốn mang tính huyền thoại như vùng Thất sơn huyền bí.
Ngay từ khi được nâng cấp thành lễ hội văn hóa cấp quốc gia vào năm 2001, sức thu hút của lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam ngày càng được phát huy. Những hủ tục như xin xăm, xin bùa về đeo…. đã dần dần được loại bỏ. Ngoài các nghi thức chủ yếu trước đây của lễ hội như lễ Tắm Bà, Thỉnh sắc, Túc yết, Xây chầu, Chánh tế, Hồi sắc….. lễ phục hiện “Rước tượng Bà” được đưa thêm vào nhằm giúp khách hành hương hồi tưởng lại những khó khăn của người dân khi đưa được tượng Bà vốn ngự trên đỉnh Núi Sam đến nơi miếu thờ hiện nay cánh nay hơn 200 năm.
Theo các nhà khảo cổ thì núi Sam và các núi khác trong dãy Thất sơn cách nay gần 2000 năm vốn là các hòn đảo nhỏ thuộc vương quốc Phù Nam, một vương quốc hùng mạnh bao gồm một dãy đất rộng lớn trãi dài từ vùng Nam Cát Tiên đến Vịnh Thái Lan. Thành phố lớn của vương quốc này là thành phố Óc Eo thuộc vùng Ba Thê, Núi Sập (thuộc huyện Thoại Sơn của An Giang hiện nay) vốn là một thương cảng lớn tiếp nhận nhiều thuyền bè từ các nơi khác đến buôn bán (như Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ…). Ngoài sự trao đổi về hàng hóa còn có sự trao đổi về văn hóa, tín ngưỡng nên đạo Bà La Môn trở thành một quốc giáo của vương quốc Phù Nam.
Vương quốc này tồn tại từ đầu công nguyên đến thế kỷ thứ 7
thì bị suy thoái và sụp đổ. Tượng Bà Chúa Xứ có thể do các thương nhân
đến từ Ấn Độ bằng đường biển vì tượng vốn làm bằng chất đá “Son”, một
loại đá màu xanh sậm có điểm những hạt màu đen vốn không có mặt trong
các loại đá xuất xứ từ vùng này. Tượng cao khoảng 1,65m mang dáng hình
một người ngồi thong thả, một tay đặt trên đùi còn tay kia buông thõng
xuống. Thời gian gần đây người ta còn tìm gặp dấu vết của một kinh đào
dài khoảng 90km từ Óc Eo đến khu vực Lò mo phía nam núi Sam.
Hình 1 : Chuẩn bị lễ rước kiệu Bà lên đỉnh núi.
Hình 2 : Di tích nơi Bà ngự trên đỉnh núi Sam trước đây.
Theo nhà khảo cổ Malleret (người Pháp) đến nghiên cứu tượng Bà vào năm 1944, thì tượng Bà chính là thần Shiva, là vị thần tượng trưng cho việc sáng tạo và tiến hóa của Đạo Bà La Môn xuất phát từ Ấn Độ. Bệ đá nơi đặt tượng hình vuông, mỗi cạnh chừng 1,6m, dày khoảng 0,3m. Ở chính giữa bệ là một lỗ vuông mỗi cạnh khoảng 0,4m. Trên phần thân tượng Bà cũng có một chốt vuông đặt vừa khít khao vào lổ để định vị chính xác. Đây chính là biểu tượng của Yoni và Linga của đạo Bà La Môn tượng trưng cho sự sinh sôi phát triển. Bệ đá này ngày nay nằm cạnh Pháo đài vẫn còn được giữ nguyên hiện trạng để nhân dân đến chiêm ngưỡng và cúng bái. Ngoài ra trong khi đào đất để xây dựng trường học trong khuôn viên miếu Bà người ta còn tìm được mấy phiến Yoni có hình dạng như trên nhưng nhỏ hơn. Vị trí đào được nằm ngay bên dưới nhà trưng bày Miếu Bà Chúa Xứ hiện nay, là nơi mà những phiến Yoni này hiện được lưu giữ.
Phương thức đưa tượng Bà lên đỉnh núi cũng là một đề tài thú vị đối với các nhà nghiên cứu. Một giả thuyết có vẻ hợp lý được đưa ra là núi Sam khi đó là một hòn đảo nhỏ nằm giữa biển Đông, phía Tây Nam vách núi dựng đứng. Tàu cặp bến vào vách đá làm điểm tựa rồi dùng dây để kéo tượng lên. Tượng nhìn ra phía biển Đông để phù hộ cho các thương thuyền vượt qua sóng gió.
Vào cuối thế kỷ 18, trên đường đi xâm lấn nước ta, quân Xiêm tìm gặp tượng Bà tại đỉnh Núi Sam định mang về nước nhưng tượng quá nặng đành phải bỏ lại. Việc một tay của tượng bị gãy được phục chế lại có người cho rằng do quân Xiêm bắn gãy nhưng cũng có thể là bị gãy trong quá trình vận chuyển từ chân núi lên đỉnh. Việc này không ai có thể xác định được chính xác về thời gian cũng như phương cách đưa được bức tượng lên đặt trên đỉnh núi.
Một truyền thuyết nữa rất được nhân dân tín ngưỡng và truyền tụng, là cách nay gần 200 năm, khi những cư dân Việt đến sinh sống tại đây, họ tìm gặp tượng Bà trên đỉnh núi. Dân chúng muốn mang tượng Bà xuống núi để dễ dàng thờ phụng nhưng hàng trăm thanh niên lực lưỡng cũng không thể lay động nổi bức tượng. Bà liền đạp đồng về xưng là Chúa Xứ Thánh Mẫu, báo cho dân làng biết rằng muốn đem bà xuống núi chỉ cần 9 cô gái đồng trinh là có thể mang tượng xuống núi được. Quả thật, khi các cô gái đến khiêng thì tượng bà bỗng trở nên nhẹ nhàng. Khi đến vị trí miếu Bà hiện nay thì trời đã tối, mọi người hạ tượng xuống để nghỉ ngơi. Đến khi khiêng tiếp thì tượng bỗng nặng trịch, không nhấc lên được. Dân làng cho rằng Bà muốn ở lại đây nên lập miếu để thờ.
Hình 3 : Rước áo mảo của Bà xuống núi.
Hình 4 : Đoàn rước kiệu Bà xuống núi.
Người Pháp dùng danh từ “Reine du pays” để tôn xưng Bà. Reine có nghĩa là nữ vương, nữ hoàng. Còn pays nghĩa là xứ sở, vùng đất. Reine du pays nghĩa là bà Chúa của một vùng đất, hay Bà Chúa Xứ. Đến khoảng năm 1930 trong ban quản trị miếu có ông hương chủ là Phạm Văn Tiền đề xuất thuê thợ từ Chợ Lớn về tô điểm lại mặt và gắn pha lê vào đôi mắt để pho tượng có vẻ sống động và giống phái nữ hơn. Phía bên dưới tượng vẫn giữ nguyên hiện trạng. Thiện nam tín nữ từ các nơi đến hiến cúng các y phục đắt tiền, đồ trang sức quý giá ngày càng đông. Áo mão, vàng bạc để chật cả một gian đại sảnh. Ban quản trị miếu Bà phải dành nguyên một dãy lầu để lưu trữ những lễ vật trên để khách hành hương chiêm ngưỡng. Thời gian gần đây, những áo cũ của Bà được cắt thành từng miếng nhỏ để phát cho khách hành hương đem về lấy lộc.
Hàng năm, vào dịp lễ rước tượng, du khách lại được tận mắt chứng kiến cảnh trùng trùng điệp điệp những đoàn người theo chân đoàn rước lễ lên đỉnh núi vào lúc chiều tà để khi xuống núi vừa kịp buổi hoàng hôn.
Vì sao “Lễ rước tượng Bà” – mang ý nghĩa khôi phục lại nghi thức rước tượng Bà từ nơi ngự trước đây trên đỉnh núi Sam xuống nơi yên vị tại miếu Bà hiện nay – lại được sự đồng lòng, tín ngưỡng của cộng đồng ở mức cao đến như vậy ? Phải chăng, lễ rước tượng Bà đã làm sống lại truyền thuyết xa xưa, làm cho lịch sử khẩn hoang càng được tô đậm thêm nét huyền bí ? Phải chăng, nghi lễ trên đã khắc họa lại một cách rõ nét rằng, vào thời khắc đó, con người rất cần một chỗ tựa tâm linh để vui sống và tồn tại trước thiên nhiên hoang dã quá ư khắc nghiệt…?
Thời gian tiến hành nghi thức lễ rước tượng Bà từ trên đỉnh núi xuống miếu được tiến hành vào chiều ngày 22 tháng 4 âm lịch. Tất cả người dự lễ tập trung tại Nghĩa Trang Liệt Sĩ phường Núi Sam gần đường lên pháo đài nơi Bà ngự trước đây để tiến hành lễ. Nghi thức của buổi lễ được dàn dựng và thực hiện như buổi lễ xin rước tượng Bà cách nay hơn 200 năm nên lễ này được gọi là “ lễ phục hiện rước tượng Bà”. Để thay thế tượng Bà, người ta chọn áo mão thật đẹp, là phục trang sẽ được các tín nữ trong ban Quý tế mặc cho Bà sau lễ Tắm Bà lúc 0 giờ ngày 24 tháng 4 âm lịch. Bộ áo mão này được đặt trên một chiếc kiệu sơn son thếp vàng. Chín cô gái trẻ, xinh đẹp được chọn vào vai đồng nữ để khiêng kiệu. Do sự tín ngưỡng của cộng đồng mạnh mẽ, nên các cô gái luôn được mọi người ngưỡng mộ và họ rất lấy làm vinh dự khi được khiêng kiệu Bà. Khoảng đường đi và về hơn 4km, nên mặc dù kiệu được đặc chế bằng vật liệu nhẹ nhưng người khiêng kiệu cũng rất vất vả, nhất là lúc lên núi. Đi đầu là đoàn lân rồng múa mở đường, kế đó là hai hàng học trò lễ mang cờ lọng, Ban quản trị miếu mặc lễ phục đi ở giữa. Theo sau là các phụ lão mặc áo gấm màu đỏ và vàng, đầu chít khăn. Cuối cùng là nhân dân địa phương đi bộ theo đoàn. Trên mặt mọi người ánh lên nét hân hoan và thành kính. Đoàn người kéo dài có khi hàng mấy cây số, đến nỗi người đi đầu đã lên đến đỉnh núi mà người đi cuối vẫn còn ở chân núi…
Sau khi lên đến đỉnh núi nơi bệ đá Bà ngự trước đây, đại diện ban Quản trị lăng miếu đặt áo mão xuống trước bệ thờ và thắp hương khấn vái xin phép đưa tượng Bà xuống núi. Sau khi xin keo được chấp thuận, lễ rước tượng Bà xuống núi bắt đầu được tiến hành. Áo mão được đưa lên kiệu và cả đoàn bắt đầu quay xuống núi. Thời gian được tính toán sao cho khi xuống tới chân núi thì trời cũng vừa sập tối, tương tự như lần đầu tiên khi rước tượng Bà.
Khi đoàn về đến miếu, áo mão được đưa vào bên trong điện thì ngoài sân miếu, các nghi thức tiếp theo được sân khấu hóa bằng việc các bô lão địa phương đứng ra tế cáo với trời đất, và dân chúng vui mừng ngày rước tượng Bà về với xóm làng. Buổi lễ được điểm tô thêm bằng các tiết mục đặc sắc như múa đèn, múa dâng hoa… Trong đó, các nghệ nhân dân gian đã khéo pha trộn giữa tâm linh và hiện thực một cách tài tình qua các tiết mục vui tươi, sôi động, vừa thể hiện sự thành tâm, vừa mang đậm hơi thở cuộc sống …
Hình 5 : Tế cáo với trời đất việc rước tượng Bà đã thành công.
Hình 6 : Múa mừng lễ rước tượng Bà 1.
Hình 7 : Múa mừng lễ rước tượng Bà 2.
Miếu Bà Chúa xứ là nơi hội tụ của niềm tin một thuở khai hoang mở đất. Những lớp người xưa đã xây dựng nên hình tượng tâm linh đầy thuyết phục, với “Mẹ Đất” là chỗ dựa về tinh thần và cũng là người che chở, đùm bọc cho người dân khi họ đến vùng đất mới này. Lòng tin đó đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, hình thành nên một sức mạnh tâm linh có sức lan tỏa vô bờ bến…
Hình 8 : Tượng Bà nơi chính điện.
Trong hơn một trăm năm nay, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam luôn đón nhận sự ngưỡng vọng của đông đảo khách hành hương đến từ mọi miền đất nước, khiến cho lễ hội trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng chung cho cả cộng đồng, ở trong lẫn ngoài nước.
LÂM THANH QUANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét