Trang

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Búng Bình Thiên Viên ngọc xanh quý giá của vùng châu thổ sông Cửu Long




Búng Bình Thiên
Viên ngọc xanh quý giá của vùng châu thổ sông Cửu Long


Dù có đi khắp vùng châu thổ rộng lớn của đồng bằng sông Cửu Long,  nếm trãi vị ngọt lành của bạt ngàn cây trái miệt vườn, tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ của vùng trũng Đồng Tháp Mười mênh mông hay đến với những cánh rừng ngập nước, những vùng dự trữ sinh quyển với vô số loài động, thực vật kỳ thú,  bạn cũng sẽ như tôi sẽ bị mê hoặc nếu một lần có dịp “chạm mặt” Búng Bình Thiên, thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang !


 Hình 01 : Du khách tham quan Búng Bình Thiên.

Cảm nhận đầu tiên mà Búng Bình Thiên mang đến cho chúng ta là cảm giác êm đềm, dịu mát giữa một không gian xanh trãi rộng đến hút tầm mắt. Đó là một vùng trời nước bao la, được tạo nên bằng bàn tay kỳ diệu của tạo hóa.  Mùa khô, mặt nước đã rộng đến 300 héc-ta, và hiện tại, vào năm nước lớn như năm nay, diện tích mặt nước lên đến khoảng 900 héc-ta.  Chung quanh hồ nước khổng lồ đó là những rặng cây xanh soi bóng xuống dòng nước mát, xa xa mới có những nếp nhà ẩn dưới những khu vườn nhỏ ven bờ… Không gian yên ả miền quê nửa như gần gũi, nửa như xa vắng , khiến thời gian dường như trôi đi chậm hơn, để du khách dạo chơi bằng thuyền trên mặt nước tận hưởng trọn vẹn những thời khắc bềnh bồng, phiêu lãng, trước một khung cảnh thiên nhiên quá đổi thơ mộng, quá đổi thanh bình !  


 Hình 2 : Mênh mông giữa trời nước.

Theo các nhà khoa học thì do địa hình của Búng Bình Thiên có những mạch nước ngầm ăn thông với nhánh sông Mê kông bên ngoài nên mặt nước bên trong có thể dâng cao hay hạ thấp tùy theo mực thủy triều. Một điều kỳ diệu nữa là bên trong búng có chứa một loại tảo có khả năng lọc sạch những chất bẩn, những hạt phù sa lơ lửng trong nước nên quanh năm nguồn nước ngọt trong búng lúc nào cũng trong xanh, một màu xanh trong lành, tinh khiết thể hiện sức sống vô tận, bốn mùa phẳng lặng không hề gợn sóng, và ẩn chứa vô số loài cá, tôm để nuôi sống cư dân. Âu đó cũng là sự ban phát đầy ưu ái nhưng cũng rất công bằng của tạo hóa, như để bù đắp cho những cư dân hiền hòa, mộc mạc sinh sống quanh búng được dễ chịu hơn trước khi mọi người khám phá ra sức quyến rũ của nó. 


 Hình 3 : Thi hái bông điên điển.

Và mùa này, vẻ đẹp của Búng Bình Thiên còn được tô điểm thêm bởi những vạt điên điển trổ bông vàng rực mặt nước, cùng với nguồn thủy sản cá tôm sinh sôi nẩy nở đầy đàn…! Đó cũng là lý do khiến những công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành chọn lựa đúng thời điểm để đưa khách du lịch ở các vùng khác về tham quan mùa nước nổi ở An Giang . 

 

 Hình 4 : Gở lưới cá linh.


 Hình 5 : Quá vui.

Đi du lịch theo tour khám phá mùa nước nổi do Công ty Cổ phần Du lịch lữ hành An Giang tổ chức tại Búng Bình Thiên, đoàn khách tham quan đến từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã tỏ ra vô cùng thích thú trước một khung cảnh lạ lẫm mà từ trước đến nay họ chỉ nghe nói đến nhưng chưa từng được “mục sở thị”! Họ háo hức chen nhau xuống thuyền. Ngay lập tức, những chiếc đò máy – phương tiện đưa rước du khách của đồng bào Chăm trong vùng đã đầy ắp người. Sau khi đã phân phát áo phao và bố trí chỗ ngồi vững chắc trên thuyền, chiếc máy “đuôi tôm” trang bị trên thuyền được người lái nổ máy, tiếng động cơ xình xịch rẽ nước lẫn tiếng nói cười rôm rã của khách làm xáo động không gian yên bình của bến sông. Con đò nhanh chóng tách bến để đưa du khách đi ngoạn cảnh dọc theo những làng mạc ven sông, thi thoảng lại dừng lại để thưởng thức phong cảnh đẹp, chụp những bức ảnh lưu niệm đáng nhớ, hoặc nhổ bông súng đồng, hái bông điên điển… Họ vừa vui chơi, vừa tham gia thi tài dưới sự điều hành khéo léo của các hướng dẫn viên du lịch. Theo đó, là xem ai hái được nhiều bông điên điển nhất, hoặc gỡ được nhiều cá từ những mẽ lưới được giăng ven bờ. Buổi trưa, cả nhóm rời thuyền, lên bờ nghỉ ngơi, thưởng thức những món ăn dân dã được chế biến từ nguồn nguyên liệu tại chỗ của mùa nước nổi. Đó là những bát canh chua nóng bốc khói nghi ngút được nấu với cá lóc đồng, bông súng, bông điển điển , hay mẽ cá rô kho tộ vừa béo ngậy vừa thơm lừng… Bụng đói, lại được thưởng thức những món ngon đồng nội, khiến cho nồi cơm nóng vơi cạn lúc nào không hay…!

                 
  Hình 06 : Món ăn đặc trưng của miền sông nước :
Cá linh nướng, canh chua bông điên điển cá linh, Bông điên điển xào tép, cá lóc kho tộ....


                                                              
                  Hình 07 : Bửa ăn dân dã.        
                                          



                                                        Hình 8 : Bánh xèo bông điên điển.
                                     
Nhiều năm qua, khu du lịch Búng Bình Thiên được huyện An Phú giới thiệu đến du khách, khách tham quan thông qua các lễ hội truyền thống, và một dự án du lịch sinh thái cũng đã được khởi động. Tuy nhiên, do khoảng cách về mặt địa lý, nhiều doanh nghiệp vẫn ngần ngại đầu tư vào đây. Đây là một điều đáng tiếc, nhưng nếu phân tích kỹ, sẽ thấy đó chính là một cơ hội lớn cho những nhà đầu tư có tầm nhìn. Nguyên nhân là Búng Bình Thiên vẫn còn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, tĩnh lặng vốn có, điều rất cần để quy hoạch một khu du lịch sinh thái đúng nghĩa. Trong đó, vốn tài sản quý giá nhất là mặt hồ suốt bốn mùa lúc nào cũng phẳng lặng trong xanh như một chiếc gương soi. Đó chính là viên ngọc quý giữa châu thổ đổng bằng sông Cửu Long mênh mông, đang chờ đợi những bàn tay, khối óc tài hoa để biến thành một khu du lịch mang dáng vẻ của thiên đường…! 

LÂM THANH QUANG







Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Lễ hội đua bò Bảy Núi năm 2013.



Lễ hội đua bò Bảy Núi  
Ngày hội vui của người dân Khmer nhân lễ Sel Dolta  


Hình 1 : Các đôi bò thi đấu diễn hành trên sân.

Lễ hội đua bò Bảy Núi gắn liền với ngày lễ Sel Dolta là một tập tục lâu đời của người dân Khmer vùng Bảy Núi. Từ năm 1992, lễ hội được hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn  luân phiên tổ chức  tại chùa Thom Mít (huyện Tịnh Biên) và chùa Tà Miệt (huyện Tri Tôn). Đến năm 2009, đổi tên thành Lễ hội đua bò Bảy Núi tranh cúp Truyền hình An Giang. Những năm gần đây, lễ hội đua bò Bảy Núi mở rộng thu hút sự tham gia của  người kinh và một số tay đua ở các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL và nước bạn Campuchia. 
 Lễ hội đua bò Bảy Núi lần thứ 22 năm nay được tổ chức tại chùa Thom Mít huyện Tịnh Biên vào ngày 04/10/2013 với sự tham gia của 64 đôi bò đến từ các huyện trong tỉnh An Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng.  





Hình 2 : Người dân xem thi đấu trong trật tự.

Ngay từ sáng sớm, hơn mười ngàn người từ các nơi tập họp về sân thi đấu tại  chùa Thom-mít, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên để xem trận đấu và càng về trưa số lượng người đổ về ngày càng đông. Sân thi đấu là một khoảng đất trống phía sau chùa có chiều ngang khoảng 100m dài 200m, xung quanh được đắp bờ cao để người xem có thể trông rõ và cổ vũ cho cuộc đua. Đường đua có bề rộng khoảng 8 mét,  đào sâu xuống 10 cm, được trục sới nhiều lần để tạo mặt bằng tơi xốp. Trước cuộc đua, ban tổ chức còn cho bơm nước vào tạo nên một lớp sình mỏng giúp cho những đôi bò có thể chạy thỏa sức trên nền đất mềm. Vùng Bảy Núi có ưu điểm là lớp đất nền cứng, nhiều cát hơn thịt, không lún hoặc trơn trợt nên thích hợp cho cuộc đua hơn những vùng khác. Hai bên đường đua có cắm cờ hiệu và căng dây để giới hạn đường đua. 


Hình 3 : Các phóng viên ảnh tác nghiệp.
 
Các đôi bò được chia thành 2 bảng thi đấu theo phương thức loại trực tiếp. 4 đội nhất ở 2 bảng sẽ thi đấu ở vòng bán kết. Hai đôi thắng cuộc sẽ tranh giải nhất, nhì còn 2 đôi thua cuộc sẽ tranh giải ba, tư. Chính thể thức này tạo nên nhiều kịch tính trên sân thi đấu do người xem không thể nào đoán trước được kết quả.

 

Hình 4 : Bắt đầu cuộc thi.

Để tham dự cuộc đua, từng đôi bò được ách vào một chiếc bừa đặc biệt, giàn bừa là một tấm gỗ dày hơn 6cm, rộng 30cm, dài 90cm bên dưới là giàn răng bừa ngắn. Nài đua là những chàng trai trẻ người Khmer có vóc người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, tay cầm một khúc gỗ đầu có gắn một đinh nhọn gọi là Xà-Lul. Ở chặng nước rút, người nài một chân đứng trên giàn bừa còn chân kia đứng trên thanh gỗ nối gông cổ bò với giàn bừa , vung cây xà-lul liên tục chích vào mông bò, thúc dục đôi bò lao thẳng về phía trước.


 Hình 5 : Tranh tài quyết liệt.

Để rút ngắn thời gian thi đấu, năm nay phương thức tranh tài cũng có chút thay đổi. Đường đua được chia ra làm 2 phần : Phần đầu tiên khoảng 200m thi đấu vòng hô còn phần còn lại 120m  thi đấu vòng thả. Do xuất phát cách nhau 4 mét nên mức đến cũng cách nhau 4m để đảm bảo công bằng cho hai đôi bò thi đấu. Trong vòng thả, nếu đôi bò phía sau vượt trước hay chạm vào gian bừa của đôi đi trước thì sẽ xem như thắng cuộc. Yếu tố này đòi hỏi sự gan dạ và tài khéo léo của người nài nên các chủ bò chỉ dùng chiến thuật này ở trận bán kết hay chung kết để tránh cho đôi bò bị tổn thương. Nó cũng làm tăng thêm kịch tính ở vòng chung kết.



 

Hình 6 : Chỉ còn một mình, tội gì vội.

 

Hình 7 : Khán giả leo lên cây để xem cho đã.
Kết quả, Ban Tổ chức đã trao các giải thưởng nhất, nhì, ba, tư và 2 giải khuyến khích cho chủ nhân các đôi bò thắng cuộc đua. Ông Nguyễn Văn Lâm, thuộc xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, là chủ đôi bò mang số 16  đoạt  giải nhất mùa giải năm 2013 với phần thưởng là một chiếc Super Dream trị giá 19 triệu đồng, 1 tivi, 10 thùng nước giải khát Number One, đồng thời  vinh dự nhận Giải người điều khiển bò xuất sắc nhất với cờ , Cúp vô địch và tiền thưởng 10 triệu đồng.


Hình 8 : Chiêu ép đối thủ.


Hình 9 : Chiêu này vẫn hiệu quả trong cuộc thi.


Hình 10  Tăng tốc vể đích.


Hình 11 :  Đôi bò này bỏ đường đua chạy vòng trên sân.


Hình 11 : Bỏ xa đối thủ. 


Hình 12 : Chiêu này vẫn còn tác dụng.


Hình 13 : Phạm qui rồi.


Hình 14 : Bò về đích nhưng chú nài mất tiêu rồi.

 
Hình 15 : Chiến thắng rồi.

Được biết, chủ nhân 6 đôi bò đoạt giải tại Lễ hội đua bò Bảy Núi năm 2013 sẽ được tham dự Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc di sản văn hóa Việt Nam và Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, diễn ra ở Sơn Tây, Hà Nội từ 18 đến 24 tháng 11 năm 2013.
LÂM THANH QUANG