Trang

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Một vài ý kiến về thân thế và sự nghiệp của Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư.



Một vài kiến về thân thế sự nghiệp của Thư Ngọc Hầu


 H01 Hội thảo về Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư tại Đồng Tháp vào ngày 15.11.2016.

Cách nay gần 1 năm ( 25.11.2015) hội thảo về Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư đã được tổ chức tại xã Bình Phước Xuân huyện Chợ Mới tỉnh An Giang với hơn 30 bài tham luận về thân thế và sự nghiệp cùng những đóng góp của ông trong việc khai phá vùng đất Cù Lao Giêng. Hội thảo cũng đưa ra những tồn nghi trong thân thế, sự nghiệp của ông cùng những chi tiết chưa thống nhất về năm mất của ông tại đầm Thị Nại. Chúng tôi hy vọng qua cuộc hội thảo tại Đồng Tháp này chúng ta có thể làm rõ được những tồn nghi này và kết nối hai nơi thờ tự ở Bình Phước Xuân ở huyện Chợ Mới tỉnh An Giang và Mỹ Xương ở thành phố Cao Lãnh để vinh danh vị Công Thần Nghĩa Dũng.


H02.Phủ thờ học tộc Nguyễn văn Thư tại Bình Phước Xuân, Chợ Mới, An Giang.
 
Theo những thông tin ghi nhận từ chi tộc họ Nguyễn ở Mỹ Xương, Cao Lãnh , thì thân sinh của ông Nguyễn Văn Thư là ông Nguyễn Văn Núi và bà Lê Thị Nhạc, gốc ở Bình Định, vào Nam độ khoảng đầu thế kỷ thứ XVIII trong dòng lưu dân theo chân Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh. Khi mới vào, ông Nguyễn Văn Núi và bà Lê Thị Nhạc ngụ ở một nơi bên bờ sông Tiền (nay là xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, đối diện với cù lao Giêng ngày nay) khai hoang, phá rừng vỡ đất lập nghiệp. Nhưng sau khi người con đầu tên Nguyễn văn Sùng một mình đi săn bắn  bị cọp vồ mất xác, ông bà đã dời nhà sang cù lao Giêng ( nay thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) để diệt trừ thú dữ và mang lại yên lành cho mọi người. Cả gia đình đều thông thuộc võ nghệ nổi tiếng trong vùng. Ba người con sau của ông bà là Nguyễn Văn Thư, Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Văn Diện  được chiêu mộ  vào quân Nguyễn Ánh trong cuộc nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh ở Nam Bộ (1777- 1789). Còn người con út là Nguyễn Văn Thập ở quê nhà phụng dưỡng mẹ cha. 


 H03. Ngôi mộ gió 3 ông Nguyễn văn Thư ( hình cá lý ngư), Nguyễn văn Kinh ( hình con qui) và Nguyễn văn Diện ( hình con mực) tại xã Bình Phước Xuân.

Chi tiết ông Nguyễn văn Núi và vợ là bà Lê thị Nhạc là những lưu dân theo chân Thống Suất Nguyễn Hữu Cảnh vào định cư tại vùng cù lao Giêng này chưa chính xác bởi vì lúc đó vùng đất này còn thuộc quyền quản lý của người Chân Lạp và số binh lính theo Nguyễn Hữu Cảnh bình định Chân Lạp ở lại vùng đất này sau khi ông mất để khai hoang rất ít. Những lưu dân từ vùng ngoài vào khai khẩn đất hoang tại thời điểm này cũng không được mấy người. Xét thời điểm ông Nguyễn văn Thư và các em là ông Nguyễn văn Kinh và Nguyễn văn Diện đầu quân vào năm 1787 thì ông Nguyễn văn Thư và các em phải sinh vào khoảng năm 1757 trở về sau. Nếu ông Nguyễn văn Núi và Lê thị Nhạc là những lưu dân theo Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam thì khi sinh ra các con vào khoảng năm 1757-1760 thì ít ra hai ông bà cũng phải trên 80 tuổi thì thật là vô lý.  Vì vậy chúng ta có thể khẳng định hai ông bà là những lưu dân từ Bình Định vào Nam từ năm 1740-1750 là thời điểm mà vùng đất Tầm Phong Long sắp sửa thuộc quyền quản lý cùa chúa Nguyễn.


H04. Hình chụp tư liệu vể Nguyễn văn Thư tại cục Lưu trữ quốc gia.

Tầm Phong Long, theo giải thích của Vương Hồng Sển, xuất phát từ "Kompong Luông” của tiếng Khmer, có nghĩa là bến, vũng, sông của vua. Theo giải thích này thì đây là vùng đất của vua Chân Lạp, vùng đất của vua vì nơi đây khá rộng lớn, địa thế tốt và khá hiểm yếu.
Vùng đất Tầm Phong Long thuộc về Việt Nam năm 1757 do vua Chân Lạp là Nặc Tôn dâng đất trả ơn cho việc được chúa Nguyễn giúp đỡ khi đất nước Chân Lạp nổi lên các cuộc biến loạn. Cai cơ Nguyễn Cư Trinh vâng lệnh Chúa tiếp nhận đất này và chia vùng đất này thành 3 đạo : đạo Đông Khẩu ở xứ Sa Đéc, đạo Tân Châu ở xứ  cù lao Giêng trên Tiền Giang, đạo Châu Đốc ở xứ Châu Đốc trên Hậu Giang, lấy quân dinh Long Hồ để trấn áp, chặn giữ những nơi hiểm yếu ở địa đầu. Nguyễn Cư Trinh và Trương Phước Du xin với chúa Nguyễn Phúc Khoát chiêu mộ dân từ Ngũ Quảng, Bình Định, Phú Yên vào khai phá vùng đất mới này. Hai ông bà Nguyễn văn Núi và Lê thị Nhạc theo những dòng lưu dân này đến định cư tại Mỹ Luông, sau đó mới dời sang cù lao Giêng.
Một chi tiết khác nữa là vào tháng 12 năm Giáp Thìn 1784, khi quân Xiêm bị thất bại nặng nề trước quân của Nguyễn Huệ tại Sầm Giang ( Rạch Gầm, Xoài Mút ) làm tan vở 300 chiến thuyền và 20.000 quân. Trên đường rút chạy bằng đường bộ đi ngang qua đất Tầm Phong Long, băng qua cù Lao Giêng để về Châu Đốc, chúng bắt các thường dân để trả thù, rửa hận. Các anh em Nguyễn văn Thư đã chỉ huy lực lượng dân quân đánh cho bọn Xiêm một trận tơi tả. Chính điều này đã nung nấu sự căm thù giặc ngoại xâm trong lòng Nguyễn văn Thư nên ông cùng các em đầu quân cho chúa Nguyễn vào năm 1787 chứ không phải là năm 1782.
Năm 1787 ( Đinh Mùi) theo Đại Nam liệt truyện Chính Biên sơ tập ( tập 2) ghi rõ là thời điểm mà anh em nhà Tây Sơn hiềm khích lẫn nhau nên Nguyễn Ánh mới thừa cơ hội từ Xiêm trở về vùng Hồi Oa , Nước Xoáy ( nay thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp) chiêu mộ thêm binh sĩ , phát triển lực lượng để đánh nhau với quân Tây Sơn. Vùng đất này gần với cù lao Giêng, người tuyển mộ binh sĩ nghe tiếng gia đình ông Nguyễn văn Núi  giỏi võ nên tìm đến để động viên gia nhập quân đội Nguyễn Ánh.  Nguyễn văn Thư cùng hai em là Nguyễn văn Kinh và Nguyễn văn Diện gia nhập quân đội còn người em út là Nguyễn văn Thập ở lại quê nhà phụng dưỡng cha mẹ già.


 H05 Hình chụp sắc phong cho Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư cùng ấn Phong Tặng Chi Bảo của vua Gia Long và đầm Thị Nại nơi ông đã hy sinh.
 
Nhờ giỏi võ nên khi đầu quân dưới trướng Tôn Thất Hội ông được phong chức đội trưởng rồi Khâm sai cai cơ, năm 1789 được thăng Tổng nhung Cai cơ coi giữ đạo Kiên Đồn rồi Chánh Trưởng Chi chi Tiền Hậu  quân đóng ở Sao Châu- Ba Thắc. Năm 1790  được thăng Phó Tướng Hậu Quân, rồi năm 1791 lại được thăng làm Phó Tướng Tiền Quân Khâm Sai Tổng Nhung Cai Cơ ngạch Chánh nhị phẩm ban võ. Chỉ trong vòng hơn 3 năm từ một cai đội được thăng liên tiếp đến cấp bực Khâm Sai Tổng Nhung Cai Cơ chứng tỏ tài thao lược của ông trong chiến đấu chống Tây Sơn.
Năm 1791 ông được phụ trách việc thâu thuế cho 2 phủ Ba Sắc ( Sóc Trăng) và Trà Vinh cùng với Văn Giáp Hàn Lâm Viện tham luận là Trương Tiến Lộc.
Tháng 4 năm Nhâm Tý ( 1792) , do thuộc cấp của ông nhũng nhiểu quân Phiên. Sự việc bị phác giác, mặc dầu không trực tiếp nhưng do liên đới trách nhiệm nên ông bị giáng xuống làm Khâm sai Cai đội. Đây là lần phạm sai lầm duy nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Phó Trưởng Chi Trung Chi Tiền Quân là Phạm tiến Tuấn thay ông quản lý việc thu thuế tại 2 phủ Ba Sắc và Trà Vinh. Tuy nhiên ông vẫn không nãn lòng mà tự đứng lên bằng thực tài của mình nên mấy năm sau ông lại được phục chức.
Năm hy sinh của ông trong trận Thị Nại cũng là đề tài tranh cải của các nhà nghiên cứu. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp và một số nhà nghiên cứu ở An Giang thì ông mất vào năm 1801 tại đầm Thị Nại trong một trân giao chiến với quân Tây Sơn. Tuy nhiên trong Đại Nam Thực lục có ghi rõ về việc ông bị đại bác của quân Tây Sơn bắn  chết trong trận chiến vào năm 1794 : “ Thuyền vua tiến quân đến cửa biển Thị Nại. Sai Tôn Thất Hội lãnh đạo các vệ đánh các bảo Tiêu Cơ, Mai Nương, đều lấy được. Giặc tan chạy, ta lấy được hơn 40 cỗ đại bác và khí giới không xiết kể. Phó tướng Tiền quân Nguyễn văn Thư bị trúng đạn chết……” Như vậy ta có thể khẳng định rằng Nguyễn văn Thư cùng hai em là Nguyễn văn Kinh và Nguyễn văn Diện bị trúng đạn chết vào năm này là chính xác bởi vì ông và hai em làm việc dưới quyền của Tôn Thất Hội.
Năm Nhâm Tuất ( 1802) sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất quyền lực, giang san thu về một mối, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long. Nhà vua không quên công lao những trung thần đã giúp mình hoàn thành đại nghiệp nên ra lệnh cho bộ Lễ soạn văn bản ban thưởng, truy tặng những công thần này. Nguyễn văn Thư được truy tặng tước hiệu Đặc Tiến, Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, Thượng Trụ Quốc, Khâm sai Chưởng dinh Thư Ngọc Hầu.
Năm Gia Long thứ 3 ( 1804) Tiền Quân Phó Chưởng Cơ Nguyễn văn Thư được thờ ở gian hữu nhị cùng với hơn 200 vị công thần khác ở đền Hiển Trung Gia Định.


H06 Gia phả chi tộc hậu duệ của Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư tại Mỹ Xương. 

Năm Gia Long thứ 13 ( 1814), nhà vua truy tặng Nguyễn văn Thư làm Phó tướng Tiền Quân đồng thời cho sứ giả báo hung tin về với gia đình ở cù lao Giêng và bàn bạc tổ chức lề “ Quy hồn”. Lễ “Quy hồn” được tiến hành với 3 hình nhân bằng sáp tượng trưng cho thi hài của Nguyễn văn Thư cùng hai em là Nguyễn văn Kinh và Nguyễn văn Diện mặc võ phục thủy binh, có kích thước bằng như người thật được làm từ kinh đô Huế. Ba hình nhân này được an táng tại phần đất nhà của dòng họ Nguyễn theo đúng nghi thức của một võ quan. Khu mộ của ba anh em Nguyễn văn Thư được người dân địa phương gọi là Lăng Ba Quan Thượng Đẳng nay thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang hiện do hậu duệ của ông Nguyễn văn Thập trông coi cùng với Phủ Thờ Ba Quan Thượng Đẳng nằm kế bên đó. Riêng sắc phong thì do hậu duệ 7 đời của ông Nguyễn văn Thư là ông Nguyễn văn Mương tại xã Mỹ Xương, TP Cao Lãnh , tỉnh Đồng Tháp bảo quản. Đây là một trong những bản sắc phong có sớm nhất ở tỉnh thành Nam Bộ, các bản sắc phong khác thường có niên đại từ đời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định và Bảo Đại.
Lời văn trong bản sắc phong tỏ ý thương tiếc một bậc tướng quân kỳ tài, trí dũng song toàn, gặp hiểm nguy không chùng bước, đã hy sinh anh dũng trong trận chiến, xứng đáng là một công thần trụ cột của nước nhà. Xin tạm dịch một đoạn :
Sắc phong cho Tiền Quân Doanh Phó tướng Khâm Sai Chưởng Cơ Thư Ngọc hầu là một bậc kỳ tài, trí dũng song toàn, một trong những người theo hầu vua sớm nhất, ý chí trung thành tuyệt đối, gặp hiểm nguy không chùn bước, danh tiếng lẩy lừng….. Nhưng thế giặc liên đồn đông như kiến cỏ, thuyền giặc giăng đầy bao vây trước mắt chặn lối xông ra. Cung nỏ chưa kịp giương đã rơi, kiếm báu phù tang vội chìm nơi biển quế…..
Trẫm luôn nhớ đến ý chí quật cường đáng được vinh danh thiên cổ ấy, nay ban tặng tước Đặc Tiến Phụ Quốc, Thượng Tướng Quân, Thượng Trụ Quốc, Khâm sai Chưởng Doanh Thư Ngọc Hầu , uy danh làm rạng rỡ tự hào cho cả dòng tộc quê hương, để biểu dương cho hai mươi mốt năm tận trung tiết tháo…….
Gia Long ngày 12 tháng 9 năm thứ 13.      
Một số ý kiến xin xây khu mộ của ba anh em Nguyễn văn Thư thành lăng như lăng Thoại Ngọc Hầu ở phường Núi Sam, TP Châu Đốc Tỉnh An Giang, lăng Tuyên Trung Hầu Nguyễn văn Tuyên ở Sa Đéc hay lăng của Điều Bát Nguyễn văn Tồn ở Trà Vinh… Theo chúng tôi việc này là không nên bởi vì hình ảnh khu mộ Ba Quan Thượng Đẳng với 3 ngôi mộ có kiến trúc độc đáo với hình tượng lý, qui, mặc ( Cá chép, rùa và mực ) đã in sâu vào trong lòng người dân. Việc thay đổi kiến trúc khu mộ này sẽ làm mất đi di tích lịch sử đáng quý này. Lòng cảm phục trong lòng người dân mới là yếu tố quan trọng hơn là những ngôi lăng mộ hoành tráng nhưng vô hồn. Chúng ta chỉ cần tôn tạo khu mộ lại khang trang hơn, sửa sang lại phủ thờ, làm những bảng dẫn đường đến khu mộ đồng thời ghi lại tiểu sử rõ ràng về Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư để những nhà nghiên cứu tìm đến tận nơi tìm hiểu bởi vì những thông tin trên mạng đôi lúc đối chọi nhau.
Việc xác định được chính xác ngày mất của Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư cùng hai em là Nguyễn văn Kinh và Nguyễn văn Diện để làm lễ giỗ là một điều không thể được nên chúng ta tạm thời chấp nhận theo đề xuất cùa 2 chi tộc họ Nguyễn tại Phủ thờ Bình Phước Xuân và Mỹ Xương như sau :
-  Ngày 26-27 tháng 6 âl là ngày giỗ của ông Nguyễn văn Thập , chi tộc họ Nguyễn tại Phủ thờ Bình Phước Xuân cùng chính quyền tại đây sẽ tổ chức lễ rước sắc Thư Ngọc Hầu tại phủ thờ chi tộc họ Nguyễn tại Mỹ Xương vể Cù Lao Giêng vào ngày 25.06 âl.
-  Riêng ngày giỗ của Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư và  hai em là Nguyễn văn Kinh và Nguyễn văn Diện do chi tộc họ Nguyễn tại Mỹ Xương là ông Nguyễn văn Mương hậu duệ của Nguyễn văn Thư vẫn được tiến hành theo lệ cũ là ngày 27-28 tháng 5 âl, chi tộc họ Nguyễn tại phủ thờ Bình Phước Xuân sẽ cử người sang Mỹ Xương dự lễ. Có thể làm theo nghi thức thỉnh hương tại phủ thờ để mời các bậc tiền nhân sang Mỹ Xương tham dự lễ giỗ.
Việc làm này giúp cho hai chi tộc họ Nguyễn tại Phủ Thờ Bình Phước Xuân và Mỹ Xương có sự đoàn kết gắn bó với nhau , cùng giữ gìn bản sắc phong và thờ cúng theo phong tục cỗ truyền từ trước đến nay. Đây cũng là nguyên vọng chung của nhân dân hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã từng gắn bó với nhau qua hai cuộc kháng chiến.
LÂMTHANH QUANG
Tài liệu tham khảo :
01. Đại Nam liệt truyện chính biên, sơ tập ( tập 2).
02. Đại Nam Thực Lục.
03. Lịch sử An Giang, Sơn Nam, 1988. Nhà xuất bản Tổng hợp An Giang.
04. Tự vị tiếng nói miền Nam, Vương Hồng Sển ( 1999)nhà xuât bản Trẻ.
05. Bài tham luận của ông Nguyễn văn Mương, đại diện đời thứ 7 của Thu Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư tại Mỹ Xương. Hội thảo khoa học Nhân vật lịch sử Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư tại Chợ Mới ngày 25.11.2015.
06. Bài tham luận của Nguyễn Thanh Thuận, Đồng Tháp. Hội thảo khoa học Nhân vật lịch sử Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư tại Chợ Mới ngày 25.11.2015.
07.  Bài tham luận của Lê thị Ngọc Liên Sở KHCN An Giang. Hội thảo khoa học Nhân vật lịch sử Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư tại Chợ Mới ngày 25.11.2015.
08.  Sắc phong của vua Gia Long năm 1814 cho Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư.
Người viết bài : KS LÂM QUANG HIỂN
Số 16 Lê Công Thành, Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
ĐT : 0988421586. Email : quanghien54@ yahoo.com

















Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

Đám cưới người Chăm tại An Giang.



Từ chiếc khăn “Khanh Ma-Om” đến tập tục “Đưa rể sang nhà gái”
trong đám cưới người Chăm tại An Giang.


H01 Đám cưới người Chăm tại An Giang.

  Người Chăm tại An Giang sống rãi rác trong các thôn xóm riêng biệt với người Việt tại các huyện Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân, TX Tân Châu… nhưng đông nhất là huyện An  Phú tại các xã Đa Phước, Vĩnh Trường, Nhơn Hội, Đồng Ky và Quốc Thái với dân số  lên đến vài chục ngàn người. Đa số người Chăm An Giang theo đạo Islam thuộc hệ phái Mã Lai nên phong tục và trang phục khác với người Chăm theo đạo Bà Ni ở miền Trung.
Có thể nói, họ có một nền văn hóa hết sức phong phú với những nét riêng độc đáo và tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ từ sinh hoạt đời thường đến những tập tục lễ tết, cưới xin. Đặc biệt, trong lễ cưới, người Chăm tại An Giang sử dụng những trang phục hết sức lộng lẫy, thực hiện khá nhiều nghi thức và còn giữ tập tục “Đưa rể sang nhà gái”, một dấu ấn của chế độ mẫu hệ thời xa xưa .  
Theo phong tục của đạo Islam thì các cô gái khi đến tuổi cập kê thường cấm cung ở trong nhà lo việc nội trợ, thêu thùa và dệt vải. Tuy nhiên, ngày nay, cùng với sự phát triển của môi trường xã hội, quan niệm trên đã thay đổi. Những người phụ nữ Chăm đã hòa nhập vào cuộc sống như người Kinh, mặc dù còn ít nhiều dè dặt. Nhà của người Chăm tại An Giang thường nằm ở ven sông có sàn cao để tránh bị ngập vào mùa nước nổi. Nhiều gia đình khá giả thường dành một bên chái nhà để các cô gái có chỗ thêu thùa, dệt vải. Khi có khách đến nhà, thường là đàn ông tiếp đón còn các cô gái thì ở trong phòng ít tiếp xúc với người lạ. Trước đây, việc học kinh Koran và chữ Mã Lai được thực hiện tại Thánh đường . Việc học chữ Việt tại các trường phổ thông thường chỉ dành cho các thanh niên còn các cô gái thì học ở nhà do các bậc phụ huynh dạy. Những năm gần đây các cô gái Chăm được phép đến trường để học chữ Việt và tham gia các sinh hoạt cộng đồng …  Tuy vậy, ở một số vùng nông thôn, khi  các cô gái Chăm ra ngoài thường có mẹ hoặc những người phụ nữ lớn tuổi đi kèm, và luôn luôn  có chiếc khăn “ Khanh Ma-Om” trùm đầu. 


H02. Chiếc khăn " Khanh Ma-Om" vật bất ly thân của phụ nữ Chăm.

Chiếc khăn “ Khanh Ma-Om” còn được gọi là khăn Matera là một vật bất ly thân của người phụ nữ Chăm Islam, thường được may bằng voan mỏng, hai vạt khăn phủ dài đến tận thắt lưng. Trên khăn có thêu những hoa văn hình con sò, bông hoa và những đường viền bằng chỉ kim tuyến rất đẹp. Khăn thường được sử dụng quàng quanh cổ và vắt qua vai, vừa có thể che tóc, che cổ và một phần trước ngực, để tránh đi ánh mắt tò mò của những người khác giới. Khi ở nhà, người phụ nữ Chăm thường đội những chiếc khăn đơn giản, ít màu sắc, chỉ cần che gọn mái tóc. Nhưng khi đi dự tiệc hay đám cưới, họ thường mang những chiếc khăn có màu sáng và được trang trí lộng lẫy. Chiếc khăn “ Khanh Ma-Om” với những đường nét thêu thùa tinh xảo này làm tôn vinh vẻ đẹp và sự khéo léo của người phụ nữ Chăm.  Từ chiếc khăn “Khanh Ma-Om” này, các bà mẹ có thể cảm nhận được sự đảm đang, khéo léo của cô gái để tiến hành việc tìm hiểu, chọn vợ cho con trai mình.
Khi đã chọn được cô gái vừa ý, việc thực hiện cưới xin được tiến hành theo nghi thức của đạo Islam. Trước mắt phải tiến hành theo trình tự như sau :
Lễ dứt lời (Pakioh - Po Nuối)
Trước “lễ dứt lời”, bà mai (Maha) sang nhà gái trao đổi trước. Đúng ngày định, nhà trai mang đến nhà gái một mâm trái cây làm lễ vật và những vật dụng cần thiết cho cô dâu trong đời sống riêng sau này như áo dài cưới, xà rông, khăn đội đầu, kim chỉ... Ít hôm sau, nhà gái “trả lễ” nhà trai một mâm bánh và nhà trai trao một phong bì tiền cho nhà gái. 
Sau đó cứ đến ngày lễ lớn , chú rể và bạn bè đến thăm nhà cô dâu vào ban ngày, cô dâu không được ra gặp chú rể nhưng gia đình bố trí cho nhìn lén. Chú rể cũng được sắp xếp để nhìn lén cô dâu.


H03 : Nhà trai đưa sính lễ sang nhà gái.

Ba ngày trước đám cưới, vị giáo cả và người nhà trai mang một cái giường qua nhà gái. Vị giáo cả cầu nguyện, những người cùng đi dọn phòng cưới. Tiếng Chăm gọi việc này là đi Thon - Kghe (đi ráp giường). Cũng ngày này, các phụ nữ bên nhà gái may mùng cho đôi vợ chồng.

Lễ cưới :
Lễ cưới của người Chăm thường được tiến hành trong 3 ngày :
- Ngày đầu tiên gọi là ngày lễ Nướng bánh  (Âm Ha). Trong ngày này, hai họ chuẩn bị các loại bánh để đãi khách đến mừng lễ cưới. Các loại bánh thường được làm trong ngày lễ này là bánh tổ chim tượng trưng cho tổ ấm của đôi vợ chồng mới cưới, bánh gừng (Pa-tờ-ngự), bánh nghệ (Ha-ta-pay Ca-gát)… Người Chăm ở An Giang theo đạo Islam nên nghiêm cấm uống rượu, người đến dự chỉ uống nước ngọt và dùng những món ăn truyền thống của người Chăm, nhưng nhất thiết sẽ có món cà púa. Đây là món cà ri bò được nấu theo phong cách Chăm với nhiều gia vị như ớt, cà ri, đại hồi, nước cốt dừa… và thường chỉ được làm trong các ngày cưới và các ngày lễ lớn.
-Ngày thứ hai là ngày lễ nhóm họ bên nhà gái gọi là Pa Thưng – Pa Gú. Vào ngày này, những người thân bên nhà gái họp lại để chuẩn bị việc tiếp đón nhà trai đưa rể sang vào ngày mai và lo việc trang hoàng phòng cưới. Phòng cưới của cô dâu được trang hoàng lộng lẫy với màn màu hồng thêu những hoa văn bằng chỉ kim tuyến. Các cô gái được cha mẹ cho phép đến chúc mừng cô dâu, họ thường  ăn mặc lộng lẫy và trang điểm rất đẹp. Các thanh niên cũng được phép đến đây để hát hò và tìm ý trung nhân. Đây cũng là một dịp để các bà mẹ chọn dâu cho mình. Vào ngày này, vị giáo cả đi sang nhà trai, nhà gái để hướng dẫn chú rể và cô dâu cách ứng xử sau khi xây dựng gia đình để không phụ lòng cha mẹ hai bên.

H04.Chú rể được đưa sang nhà gái.
 
- Cuối cùng là ngày đưa rể sang nhà gái. Các phụ nữ trong họ nhà trai mang sính lễ đi trước còn chú rể được trưởng họ dẫn đường sang nhà cô dâu. Thường có các chú bé đi theo để chúc phúc cho cặp tân hôn. Đoàn người mang theo chiếc lọng màu sắc rực rỡ để che cho chú rể. Khi nhà trai chuẩn bị rời nhà để đưa chú rể sang nhà gái, bạn bè của chú rể cùng mọi người hát vang bài “La mệ - La mư” để từ giả cha mẹ với tình cảm thâm trầm, xúc động.
Khi chú rễ lên đến cầu thang nhà gái, trưởng họ nhà gái sẽ mang một thau nước để chú rể rửa chân trước khi bước lên nhà. Tập tục này mang ý nghĩa chú rể sẽ trút đi những âu lo, buồn phiền khi bước chân vào nhà gái.


 H05. Trưởng họ nhà gái rửa chân cho chú rể.

Lễ kết hôn (Ka Pol) có thể được hiện tại nhà gái hay thánh đường . Những năm gần đây nghi thức này thường được thực hiện tại nhà gái với sự hiện diện đông đủ của bà con hai họ.
Sau khi trình lễ vật xong, trưởng họ đọc đoạn kinh Coran, nội dung nhắn nhủ chú rể tôn trọng người bạn đời còn cha cô dâu cầm tay chú rể nói: “Tôi gả đứa con gái tên là…”. Chú rể đáp: “Tôi nhận cưới…”.


H06 : Gia chủ nhà gái chấp nhận gả cô dâu cho chú rể.
 
Sau nghi thức này, chú rể được đưa vào phòng cưới để làm lễ nhập phòng cùng cô dâu. Chú rể nhẹ nhàng rút chiếc trâm cài trên đầu cô dâu, đồng thời chỉ ngón tay vào trán cô dâu với ý nghĩa rằng từ nay cô sẽ chính thức là người của tôi.
Kế tiếp chú rể bước lên giường ngồi cạnh cô dâu, cố ý gác nhẹ đùi bên trái lên đùi bên phải của cô dâu. Cử chỉ này đánh dấu sự thân mật đầu tiên giữa hai người.
Cô dâu và chú rể cùng mọi người lắng nghe vị giáo cả đọc kinh Koran cầu cho thánh Ala ban phúc cho hai người và mọi người đi dự lễ được nhiều đức tin từ thượng đế.


 

H07 Giáo cả đọc kinh chúc phúc cho đôi vợ chồng.

Sau khi tiến hành xong buổi lễ, đôi vợ chồng mới cưới bước ra nhà trên ra mắt bà con họ hàng. Các phù dâu và phù rể cùng hát vang bài ca chúc mừng chú rể và cô dâu được trăm năm hạnh phúc.

 

 H08 : Cô dâu, chú rể ra mắt họ hàng.

Ngày nay sau lễ cưới, cô dâu và chú rể có quyền lựa chọn nơi sinh sống của mình. Sau 3 ngày sống chung tại nhà gái, đôi vợ chồng có thể quay về nhà trai hay tổ ấm mới vủa mình đã được chuẩn bị trước. Cô dâu không nhất thiết phải làm dâu ở bên chồng và chú rể cũng không cần ở rể bên nhà gái như trước đây. Đây là một tập tục mang tính chất sáng tạo về cuộc sống gia đình trong cộng đồng người Chăm.
Cộng đồng người Chăm là một trong 54 cộng đồng dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam. Những tập tục và nghi thức trong lễ cưới đồng bào Chăm thể hiện bản sắc văn hóa của một dân tộc đã được gìn giữ cẩn thận từ bao đời nay. Nó xứng đáng được công nhận là Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây cũng là điều mong mỏi của cộng đồng người Chăm để hòa nhập vào nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam có hơn 4000 năm lịch sử.

LÂM THANH QUANG

Bài viết đã được đăng trên báo KTNN số 936 ra ngày 10.08.2016. Mọi trích dịch hay sao chép hình ảnh phải được sự đồng ý của tác giả và tòa soạn.



 



Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Nguyễn Công Nhàn và việc đào kinh Vĩnh An Hà.


NGUYỄN CÔNG NHÀN VÀ VIỆC ĐÀO KINH VĨNH AN HÀ.

Mặc dầu ít được nhiều người biết đến so với kinh Thoại Hà nối từ Long Xuyên đến Rạch Giá được đào vào năm 1818 và kinh Vĩnh Tế nối liền Châu Đốc với Giang Thành (Hà Tiên)  được đào vào năm 1819-1824 do Thoại Ngọc Hầu Nguyễn văn Thoại chỉ huy với sự hỗ trợ của Tuyên Trung Hầu Nguyễn văn Tuyên và Điều Bát Nguyễn văn Tồn … ; kinh Vĩnh-An-Hà nối liền Tân Châu với Châu Đốc cũng là một tuyến kinh quan trọng về mặt quân sự và kinh tế đối với An Giang. Tên gọi đầu tiên của kinh này là Vĩnh-An- Hà là do người dân 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên cùng góp sức với nhau để đào dưới sự chỉ huy của Tuần phủ Vĩnh Long Nguyễn Tri Phương và Đốc bộ Châu Đốc Nguyễn Công Nhàn. Kinh này còn có tên là Long An Hà và cuối cùng là Tân Châu Hà dưới đời Tự Đức. Đối với người dân vùng Tân Châu, Châu Đốc, nó được gọi bằng tên dân gian là “Kinh Cũ” để phân biệt với kinh Xáng mới do người Pháp đào sau đó vào năm 1914-1918.


Nền nhà ngay tại đầu vàm kinh Vĩnh An Hà bị sạt lở vào cuối thập kỷ 90 thế kỷ 20.

Trước khi kinh Vĩnh An Hà được đào , việc thông thương giữa sông Tiền và sông Hậu chủ yếu thông qua sông Vàm Nao. Mỗi lần quân Xiêm La xâm lược nước ta, họ thường đi dọc theo sông Hậu đánh phá thành Châu Đốc rồi tiến thẳng tới sông Vàm Nao, vượt qua sông Tiền để đánh thành Gia Định. Cuối năm 1833, nhận lời yêu cầu của Lê văn Khôi tại thành Gia Định, vua Xiêm La sai tướng Chiêm Phi Nhã Chất Tri (Chao Phraya Bodin) và Chiêu Phi Nhã Phật Lăng (Phra Klang) đem 20 vạn quân cùng với 350 chiến thuyền, chia làm 5 đạo, theo nhiều hướng khác nhau đánh vào Châu Đốc, Hà Tiên. Sau khi hạ được thành Châu Đốc, Hà Tiên, chúng thẳng đường xuống đánh Vĩnh Long và thành Gia Định. Vua Minh Mạng phong cho Trần văn Năng làm Bình Khấu Tướng Quân hiệp cùng với các tướng Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân, Phạm Hữu Tâm, Tống Phước Lương dụ địch vào vùng Cổ Hủ ( 1) trên sông Vàm Nao và giết được tướng giặc Chiêm Phi Nhã Chất Tri tại đây.
Việc dời Tân Châu Đạo từ Cù Lao Giêng, Chợ Mới về vùng Long Sơn, Tân Châu trên sông Tiền vào năm 1818 khiến cho việc liên lạc giữa Tân Châu Đạo tại Long Sơn và Châu Đốc Đạo (thành Châu Đốc) ở ngả ba sông Hậu trở nên khó khăn. Mỗi khi có giặc đánh, việc tiếp ứng chậm trể vì từ Tân Châu phải vòng qua sông Vàm Nao mới đến được thành Châu Đốc còn từ thành Gia Định đưa quân vào tiếp cứu chỉ có con đường độc đạo qua sông Vàm Nao rất dễ bị quân địch phục kích tại đây. Là người nắm rõ tình hình thực tế tại địa phương, Đốc Bộ Nguyễn Công Nhàn đề xuất lên vua Thiệu Trị xin cho đào một con kinh nối liền từ Tân Châu đến Châu Đốc. Việc đào kinh này được khởi công vào tháng 10 năm Thiệu Trị thứ ba ( 1843) và hoàn tất vào cuối tháng 4 năm Thiệu Trị thứ năm ( 1845) . Số lượng nhân công được huy động trong việc đào kinh này hơn 3000 người từ các tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên dưới sự chỉ huy của Tuần phủ Vĩnh Long Nguyễn Tri Phương và Đốc bộ An Giang Nguyễn Công Nhàn. Kinh này có chiều dài khoảng 17 km, bề mặt trên rộng 30 m, bề mặt dưới rộng 15m và sâu 6 m (2).Để kỷ niệm việc đào kinh Vĩnh An Hà này, Nguyễn Công Nhàn cho khắc một tấm bia bằng chữ Hán  có ghi “ VĨNH AN HÀ- THIỆU TRỊ ĐỆ NGŨ- KIẾT NHẬT TẠO” đặt ở phía bên tả ngạn đầu kinh (3). Tiếc rằng sau này do đầu vàm kinh bị lở nên bia này rơi xuống sông không tìm được tung tích.
Mặc dầu về mức độ quy mô và tầm vóc chiến lược không bằng kinh Vĩnh Tế nhưng kinh Vĩnh An Hà cũng giữ một vai trò quan trọng về mặt quân sự cũng như kinh tế đối với miền Tây Nam Bộ.
1.Về mặt quân sự : tạo một con đường thủy thứ 2 nối liền từ sông Tiền đến sông Hậu mà không cần phải đi qua sông Vàm Nao. Khi chiến tranh xãy ra thì từ Tân Châu có thể vận chuyển quân lương theo kinh này đến sông Hậu rồi qua kinh Vĩnh Tế để tiếp ứng cho Hà Tiên. Việc phòng thủ biên cương và bảo vệ chủ quyền ở biên giới Tây Nam Bộ sẽ hiệu quả hơn so với lúc trước.
2. Về mặt kinh tế : nhờ kinh Vĩnh An Hà mà vùng đất hoang vu ở những cánh đồng Long Phú, Phú Vĩnh, Châu Phong….thuộc vùng đất Tân Châu xưa được dòng kinh mang nước ngọt, phù sa bồi đắp trở nên phì nhiêu. Vào những mùa nước lớn, tôm cá các loại vào đồng ruộng để sinh sôi nẩy nở đề rồi khi nước rút, chúng trở lại sông lớn ( sông Tiền và sông Hậu) góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản thiên nhiên, môi trường, nuôi sống những cư dân Việt và Chăm ở dọc theo 2 bờ kinh. Khi tuyến đường bộ Tân Châu- Châu đốc chưa được khai thông, đây là tuyến đường thủy nối liền Tân Châu với Châu Đốc.
Rất tiếc, do việc gấp rút đào kinh phục vụ cho việc vận chuyển quân lương , việc nghiên cứu địa hình chưa kỹ lưỡng nên vấp phải một số sai sót hạn chế chức năng của kinh Vĩnh An Hà. Nơi đầu kinh thông với sông Hậu tại ấp  Phủm Xoài thuộc xã Châu Phong nhằm ngay chỗ giáp nước, dòng nước chảy rất yếu nên lâu ngày bị phù sa bồi lắng khiến lòng kinh cạn dần, chỉ lưu thông được vào mùa nước lớn.
Vào thời gian thế chiến thứ nhất ( 1914-1918) người Pháp cho đào một con kinh xáng có tên gọi là “Kinh mới”  hay “ Kinh xáng Tân Châu” thuộc xã Tân An, băng qua xã Vĩnh Hậu dài hơn 9km, bề rộng 25m lúc mới đào nhằm đưa nước sông Tiền về sông Hậu và trở thành tuyến đường thủy chính nối liền Tân Châu- Châu Đốc , thay thế kinh Vĩnh An Hà đã bị bồi lắng không thể lưu thông bằng đường thủy được. Hiện nay do nước chảy mạnh  nên bề rộng của kinh này lên đến 100m.
Để nhớ ơn người  đã khai sinh ra kinh Vĩnh An Hà, người dân Tân Châu lấy tên Nguyễn Công Nhàn đặt cho con đường bên hữu ngạn bờ kinh và tên Nguyễn tri Phương đặt cho con đường bên tả ngạn.
Vào cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, đầu vàm kinh Vĩnh An Hà nối với sông Tiền bị sụp lở nghiêm trọng. Phố sá và ngôi chợ cũ ở gần bờ sông phải di dời đến địa điểm mới phía bên trong. Các nền nhà cũ  chỉ còn trơ ra những cột móng giữa nền trời xanh.
Ngày 10 tháng 8 năm 2009, chính quyền thị xã Tân Châu chính thức tiến hành việc động thổ và khởi công công trình san lấp kinh Vĩnh An Hà với chiều dài khoảng hơn 2km bắt đầu từ đầu vàm kinh nối với sông Tiền đến bệnh viện Đa Khoa Tân Châu và hình thành tuyến dân cư dọc theo hai bên bờ kinh. Phần còn lại thông với sông Hậu không nhận được nước từ sông Tiền nên trở thành con kinh cụt bị bồi lắng. Sau 164 năm tồn tại, kinh Vĩnh An Hà chỉ còn là hoài niệm trong lòng người dân.
Người dân vùng Tân Châu, Châu Đốc chỉ biết được Nguyễn Công Nhàn là người có công rất lớn trong việc đào kinh Vĩnh An Hà chứ ít ai nắm rõ tiểu sử của ông bởi vì còn nhiều vấn đề nghi vấn chưa giải mã hết được.
Nghi vấn thứ nhất là khi đào kinh Vĩnh An Hà chức vụ của ông là Tổng Đốc An Hà hay là Đốc Bộ An Giang ? Theo Đại Nam Thực Lục chính biên, ông được phong làm Tổng Đốc An Hà vào năm 1842 . Ngoài ra, nhà vua còn cho phép ông được đề chữ "Hùng Dõng tướng" trước họ tên mỗi khi viết công văn hay tấu sớ. Với chức năng này ông mới có đủ thẩm quyền đề xuất lên vua Thiệu Trị xin đào kinh Vĩnh An Hà. Đến năm 1844 ông bị tố là nhận hối lộ nên bị giáng xuống 4 cấp. Như vậy từ chức Tổng Đốc An Hà ông bị giáng xuống làm Đốc Bộ trong lúc việc đào kinh Vĩnh An Hà đang tiến hành. Trong năm  này, do vu cáo Nguyễn Công Trứ mua riêng đậu khấu và sừng tê khiến ông bị cách hết chức tước và làm việc dưới quyền của Tôn Thất Bá. Như vậy ông chỉ tham gia việc đào kinh Vĩnh An Hà trong giai đoạn đầu còn giai đoạn sau vì bị tội nên không thể tham gia được.
 Đến năm 1847 việc Chân Lạp đã tạm lắng yên. Xét công, nhà vua phong cho ông tước Trí Thắng nam, được trả lại thẻ bài "Hùng Dõng tướng" và được khắc tên vào cổ súng Thần uy phục viễn (cổ thứ tư). Sau đó, ông được cử làm Lãnh binh Bình Định.
Năm Tự Đức thứ 9 (1856), Nguyễn Công Nhàn được thăng Chưởng vệ, lãnh chức Tuần phủ Hà Tiên, kiêm Bố chính sứ.
Đầu năm 1859, quân Pháp hãm thành Gia Định, Tổng thống quân vụ là Tôn Thất Hiệp xin cho ông làm Đề đốc quân vụ để cùng chống ngăn quân xâm lược. Ngày 17 tháng 2 năm 1859, thành Gia Định thất thủ. Tháng 7,Nguyễn Công Nhàn được bổ làm Hộ lý An Giang, rồi Tổng đốc Định Tường.
Nghi vấn thứ hai là khi ông nhận chức Tổng Đốc Định Tường , chưa đến nơi thì thành Mỹ Tho đã rơi vào tay giặc Pháp. Ông phải thu thập quân binh về cố thủ ở Kiến Đăng chứ không phải là như lời tuần phủ Nguyễn Hữu Thành vu cho tội bỏ thành chạy, bị người đời lên án là hèn nhát như bài thơ của Học Lạc.
Có quan hùng dũng Nguyễn Công Nhàn,
Hùng dũng nhưng mà lại nhát gan.
Giặc tới Bến Tranh run lập cập,
Tàu vô Cửa Tiểu chạy bò càng.
Mưu thần trước biết ngang sông chắn,
Kế giữ sau toan đóng củi hàng.
Thất thủ muốn liều cho giữ tiết,
Ngặt vì con, vợ bận chưa an.
Việc ông bị vua Tự Đức cách hết chức tước là để che mắt quân Pháp vì lúc đó triều đình nhà Nguyễn đang cử Phan Thanh Giản sang Pháp để xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Tháng Giêng năm Tự Đức thứ 15 (1862), vua sai Đốc binh Nguyễn Công Nhàn làm Thương biện quân vụ Vĩnh Yên. Công Nhàn không tuân lệnh mà ở lại tiếp tục chiêu tập nghĩa dõng chống Pháp. Qua sự việc trên chúng ta thấy rõ rằng Nguyễn Công Nhàn không phải là người nhát gan, bỏ thành chạy trốn.
Theo lời truyền tụng trong dân gian vùng Long Hưng (Nước Xoáy) thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp. Hùng Dõng tướng quân Nguyễn Công Nhàn sau khi Định Tường thất thủ đã rút quân doanh về đây lập tổng hành dinh, chiêu tập nghĩa dõng để chống Pháp. Hiện nơi nầy còn địa danh Rạch Dinh là nơi ghe Ô, ghe Sa của ông thường ra vào nơi Tổng hành dinh. Nơi đây hiện còn ngôi mộ Hùng Dõng Đại tướng quân và các quan quân hầu cận trên địa phận ấp Hưng Thành Tây.
Trong buổi hội thảo về danh nhân Thoại Ngọc Hầu tại An Giang năm 2009 , nhà sử học Dương Trung Quốc đã phát biểu : “ Để đánh giá đúng đắn một nhân vật lịch sử, phải đặt mình vào hoàn cảnh xã hội của thời đó. Cần phải xem xét những mặt tích cực lẫn tiêu cực của người đó. Không nên phóng đại quá mức những mặt tích cực mà quên đi những mặt tiêu cực và ngược lại. Như vậy mới có một cái nhìn khách quan và đánh giá chính xác về nhân vật đó”.  Trường hợp Nguyễn Công Nhàn cũng vậy, chúng ta không thể vì những sai lầm mà ông mắc phải trong lúc làm việc mà quên đi công lao rất lớn của ông trong việc đề xuất đào kinh Vĩnh An Hà, giúp chúng ta bảo vệ biên cương và nâng cao đời sống của người dân ở hai bên bờ kinh. Mặc dầu đến nay kinh Vĩnh An Hà đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó, nhưng người dân vùng Tân Châu, Châu Đốc vẫn nhớ mãi trong lòng những kỷ niệm của thời thơ ấu bên dòng kinh tươi mát mang lại nguồn sống cho cư dân Việt và Chăm ở hai bên bờ kinh.
LÂM THANH QUANG.


Chú Thích :
(1)  Cổ Hủ : còn được gọi là Củ Hủ. Người Pháp gọi là Cu Hu là một địa danh trên sông Vàm Nao tiếp giáp với sông Tiền, Nay được gọi là vàm Thuận Giang.
(2) Quyển Tân Châu xưa của Nguyễn Nguyễn văn Kiềm do Huỳnh Minh biên soạn lại trang 124 ghi kinh này dài hơn 550 trượng, trên miệng rộng 6 trượng, dưới đáy rộng 3 trượng, sâu 9 thước ( thước cỗ ) Theo đơn vị đo lường của triều Nguyễn thì 1 trượng bằng 4m, 1 thước cỗ bằng 0,4 m. Như vậy chiều dài con kinh chỉ hơn 2km bằng với đoạn kinh vừa mới lấp tại Tân Châu, không đúng với thực tế là con kinh bắt nguồn từ chợ Tân Châu cũ đến ấp Phủm Xoài thuộc xã Châu Phong tiếp giáp với sông Hậu dài khoảng 17km.
(3) Khi Nguyễn văn Kiềm soạn quyển Tân Châu xưa vào cuối năm  1964 có ghi lại hình ảnh của bia Vĩnh An Hà đã chụp trước đó . Vị trí của bia Vĩnh An Hà nằm ở bên tả bờ kinh là bờ sông Tiền (trước mặt ngân hàng Agribank thị xã Tân Châu hiện nay). Với hình ảnh trên, có lẽ bia Vĩnh An Hà bị rơi xuống sông Tiền vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 20.
Tài liệu tham khảo :
01. Tân Châu Xưa do Nguyễn văn Kiềm biên soạn vào năm 1964 và Huỳnh Minh hiệu chỉnh lại xuất bản năm 2003.
02. Mấy lời chia sẻ từ dòng kinh Vĩnh An Hà của Lương Như Trung.(http://thatsonchaudoc.com/banviet2/LuongThuTrung/HoiKy/MayLoichiaSeCungVoiDongKinhVAH.htm)
03. Tiểu sử Nguyễn Công Nhàn https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Công_Nhàn.
04.Chiến thắng Cổ Hủ bài viết của Hoàng Vũ đăng trên e-news Đại Học An Giang.