Trang

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Một vài ý kiến về thân thế và sự nghiệp của Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư.



Một vài kiến về thân thế sự nghiệp của Thư Ngọc Hầu


 H01 Hội thảo về Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư tại Đồng Tháp vào ngày 15.11.2016.

Cách nay gần 1 năm ( 25.11.2015) hội thảo về Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư đã được tổ chức tại xã Bình Phước Xuân huyện Chợ Mới tỉnh An Giang với hơn 30 bài tham luận về thân thế và sự nghiệp cùng những đóng góp của ông trong việc khai phá vùng đất Cù Lao Giêng. Hội thảo cũng đưa ra những tồn nghi trong thân thế, sự nghiệp của ông cùng những chi tiết chưa thống nhất về năm mất của ông tại đầm Thị Nại. Chúng tôi hy vọng qua cuộc hội thảo tại Đồng Tháp này chúng ta có thể làm rõ được những tồn nghi này và kết nối hai nơi thờ tự ở Bình Phước Xuân ở huyện Chợ Mới tỉnh An Giang và Mỹ Xương ở thành phố Cao Lãnh để vinh danh vị Công Thần Nghĩa Dũng.


H02.Phủ thờ học tộc Nguyễn văn Thư tại Bình Phước Xuân, Chợ Mới, An Giang.
 
Theo những thông tin ghi nhận từ chi tộc họ Nguyễn ở Mỹ Xương, Cao Lãnh , thì thân sinh của ông Nguyễn Văn Thư là ông Nguyễn Văn Núi và bà Lê Thị Nhạc, gốc ở Bình Định, vào Nam độ khoảng đầu thế kỷ thứ XVIII trong dòng lưu dân theo chân Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh. Khi mới vào, ông Nguyễn Văn Núi và bà Lê Thị Nhạc ngụ ở một nơi bên bờ sông Tiền (nay là xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, đối diện với cù lao Giêng ngày nay) khai hoang, phá rừng vỡ đất lập nghiệp. Nhưng sau khi người con đầu tên Nguyễn văn Sùng một mình đi săn bắn  bị cọp vồ mất xác, ông bà đã dời nhà sang cù lao Giêng ( nay thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) để diệt trừ thú dữ và mang lại yên lành cho mọi người. Cả gia đình đều thông thuộc võ nghệ nổi tiếng trong vùng. Ba người con sau của ông bà là Nguyễn Văn Thư, Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Văn Diện  được chiêu mộ  vào quân Nguyễn Ánh trong cuộc nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh ở Nam Bộ (1777- 1789). Còn người con út là Nguyễn Văn Thập ở quê nhà phụng dưỡng mẹ cha. 


 H03. Ngôi mộ gió 3 ông Nguyễn văn Thư ( hình cá lý ngư), Nguyễn văn Kinh ( hình con qui) và Nguyễn văn Diện ( hình con mực) tại xã Bình Phước Xuân.

Chi tiết ông Nguyễn văn Núi và vợ là bà Lê thị Nhạc là những lưu dân theo chân Thống Suất Nguyễn Hữu Cảnh vào định cư tại vùng cù lao Giêng này chưa chính xác bởi vì lúc đó vùng đất này còn thuộc quyền quản lý của người Chân Lạp và số binh lính theo Nguyễn Hữu Cảnh bình định Chân Lạp ở lại vùng đất này sau khi ông mất để khai hoang rất ít. Những lưu dân từ vùng ngoài vào khai khẩn đất hoang tại thời điểm này cũng không được mấy người. Xét thời điểm ông Nguyễn văn Thư và các em là ông Nguyễn văn Kinh và Nguyễn văn Diện đầu quân vào năm 1787 thì ông Nguyễn văn Thư và các em phải sinh vào khoảng năm 1757 trở về sau. Nếu ông Nguyễn văn Núi và Lê thị Nhạc là những lưu dân theo Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam thì khi sinh ra các con vào khoảng năm 1757-1760 thì ít ra hai ông bà cũng phải trên 80 tuổi thì thật là vô lý.  Vì vậy chúng ta có thể khẳng định hai ông bà là những lưu dân từ Bình Định vào Nam từ năm 1740-1750 là thời điểm mà vùng đất Tầm Phong Long sắp sửa thuộc quyền quản lý cùa chúa Nguyễn.


H04. Hình chụp tư liệu vể Nguyễn văn Thư tại cục Lưu trữ quốc gia.

Tầm Phong Long, theo giải thích của Vương Hồng Sển, xuất phát từ "Kompong Luông” của tiếng Khmer, có nghĩa là bến, vũng, sông của vua. Theo giải thích này thì đây là vùng đất của vua Chân Lạp, vùng đất của vua vì nơi đây khá rộng lớn, địa thế tốt và khá hiểm yếu.
Vùng đất Tầm Phong Long thuộc về Việt Nam năm 1757 do vua Chân Lạp là Nặc Tôn dâng đất trả ơn cho việc được chúa Nguyễn giúp đỡ khi đất nước Chân Lạp nổi lên các cuộc biến loạn. Cai cơ Nguyễn Cư Trinh vâng lệnh Chúa tiếp nhận đất này và chia vùng đất này thành 3 đạo : đạo Đông Khẩu ở xứ Sa Đéc, đạo Tân Châu ở xứ  cù lao Giêng trên Tiền Giang, đạo Châu Đốc ở xứ Châu Đốc trên Hậu Giang, lấy quân dinh Long Hồ để trấn áp, chặn giữ những nơi hiểm yếu ở địa đầu. Nguyễn Cư Trinh và Trương Phước Du xin với chúa Nguyễn Phúc Khoát chiêu mộ dân từ Ngũ Quảng, Bình Định, Phú Yên vào khai phá vùng đất mới này. Hai ông bà Nguyễn văn Núi và Lê thị Nhạc theo những dòng lưu dân này đến định cư tại Mỹ Luông, sau đó mới dời sang cù lao Giêng.
Một chi tiết khác nữa là vào tháng 12 năm Giáp Thìn 1784, khi quân Xiêm bị thất bại nặng nề trước quân của Nguyễn Huệ tại Sầm Giang ( Rạch Gầm, Xoài Mút ) làm tan vở 300 chiến thuyền và 20.000 quân. Trên đường rút chạy bằng đường bộ đi ngang qua đất Tầm Phong Long, băng qua cù Lao Giêng để về Châu Đốc, chúng bắt các thường dân để trả thù, rửa hận. Các anh em Nguyễn văn Thư đã chỉ huy lực lượng dân quân đánh cho bọn Xiêm một trận tơi tả. Chính điều này đã nung nấu sự căm thù giặc ngoại xâm trong lòng Nguyễn văn Thư nên ông cùng các em đầu quân cho chúa Nguyễn vào năm 1787 chứ không phải là năm 1782.
Năm 1787 ( Đinh Mùi) theo Đại Nam liệt truyện Chính Biên sơ tập ( tập 2) ghi rõ là thời điểm mà anh em nhà Tây Sơn hiềm khích lẫn nhau nên Nguyễn Ánh mới thừa cơ hội từ Xiêm trở về vùng Hồi Oa , Nước Xoáy ( nay thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp) chiêu mộ thêm binh sĩ , phát triển lực lượng để đánh nhau với quân Tây Sơn. Vùng đất này gần với cù lao Giêng, người tuyển mộ binh sĩ nghe tiếng gia đình ông Nguyễn văn Núi  giỏi võ nên tìm đến để động viên gia nhập quân đội Nguyễn Ánh.  Nguyễn văn Thư cùng hai em là Nguyễn văn Kinh và Nguyễn văn Diện gia nhập quân đội còn người em út là Nguyễn văn Thập ở lại quê nhà phụng dưỡng cha mẹ già.


 H05 Hình chụp sắc phong cho Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư cùng ấn Phong Tặng Chi Bảo của vua Gia Long và đầm Thị Nại nơi ông đã hy sinh.
 
Nhờ giỏi võ nên khi đầu quân dưới trướng Tôn Thất Hội ông được phong chức đội trưởng rồi Khâm sai cai cơ, năm 1789 được thăng Tổng nhung Cai cơ coi giữ đạo Kiên Đồn rồi Chánh Trưởng Chi chi Tiền Hậu  quân đóng ở Sao Châu- Ba Thắc. Năm 1790  được thăng Phó Tướng Hậu Quân, rồi năm 1791 lại được thăng làm Phó Tướng Tiền Quân Khâm Sai Tổng Nhung Cai Cơ ngạch Chánh nhị phẩm ban võ. Chỉ trong vòng hơn 3 năm từ một cai đội được thăng liên tiếp đến cấp bực Khâm Sai Tổng Nhung Cai Cơ chứng tỏ tài thao lược của ông trong chiến đấu chống Tây Sơn.
Năm 1791 ông được phụ trách việc thâu thuế cho 2 phủ Ba Sắc ( Sóc Trăng) và Trà Vinh cùng với Văn Giáp Hàn Lâm Viện tham luận là Trương Tiến Lộc.
Tháng 4 năm Nhâm Tý ( 1792) , do thuộc cấp của ông nhũng nhiểu quân Phiên. Sự việc bị phác giác, mặc dầu không trực tiếp nhưng do liên đới trách nhiệm nên ông bị giáng xuống làm Khâm sai Cai đội. Đây là lần phạm sai lầm duy nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Phó Trưởng Chi Trung Chi Tiền Quân là Phạm tiến Tuấn thay ông quản lý việc thu thuế tại 2 phủ Ba Sắc và Trà Vinh. Tuy nhiên ông vẫn không nãn lòng mà tự đứng lên bằng thực tài của mình nên mấy năm sau ông lại được phục chức.
Năm hy sinh của ông trong trận Thị Nại cũng là đề tài tranh cải của các nhà nghiên cứu. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp và một số nhà nghiên cứu ở An Giang thì ông mất vào năm 1801 tại đầm Thị Nại trong một trân giao chiến với quân Tây Sơn. Tuy nhiên trong Đại Nam Thực lục có ghi rõ về việc ông bị đại bác của quân Tây Sơn bắn  chết trong trận chiến vào năm 1794 : “ Thuyền vua tiến quân đến cửa biển Thị Nại. Sai Tôn Thất Hội lãnh đạo các vệ đánh các bảo Tiêu Cơ, Mai Nương, đều lấy được. Giặc tan chạy, ta lấy được hơn 40 cỗ đại bác và khí giới không xiết kể. Phó tướng Tiền quân Nguyễn văn Thư bị trúng đạn chết……” Như vậy ta có thể khẳng định rằng Nguyễn văn Thư cùng hai em là Nguyễn văn Kinh và Nguyễn văn Diện bị trúng đạn chết vào năm này là chính xác bởi vì ông và hai em làm việc dưới quyền của Tôn Thất Hội.
Năm Nhâm Tuất ( 1802) sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất quyền lực, giang san thu về một mối, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long. Nhà vua không quên công lao những trung thần đã giúp mình hoàn thành đại nghiệp nên ra lệnh cho bộ Lễ soạn văn bản ban thưởng, truy tặng những công thần này. Nguyễn văn Thư được truy tặng tước hiệu Đặc Tiến, Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, Thượng Trụ Quốc, Khâm sai Chưởng dinh Thư Ngọc Hầu.
Năm Gia Long thứ 3 ( 1804) Tiền Quân Phó Chưởng Cơ Nguyễn văn Thư được thờ ở gian hữu nhị cùng với hơn 200 vị công thần khác ở đền Hiển Trung Gia Định.


H06 Gia phả chi tộc hậu duệ của Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư tại Mỹ Xương. 

Năm Gia Long thứ 13 ( 1814), nhà vua truy tặng Nguyễn văn Thư làm Phó tướng Tiền Quân đồng thời cho sứ giả báo hung tin về với gia đình ở cù lao Giêng và bàn bạc tổ chức lề “ Quy hồn”. Lễ “Quy hồn” được tiến hành với 3 hình nhân bằng sáp tượng trưng cho thi hài của Nguyễn văn Thư cùng hai em là Nguyễn văn Kinh và Nguyễn văn Diện mặc võ phục thủy binh, có kích thước bằng như người thật được làm từ kinh đô Huế. Ba hình nhân này được an táng tại phần đất nhà của dòng họ Nguyễn theo đúng nghi thức của một võ quan. Khu mộ của ba anh em Nguyễn văn Thư được người dân địa phương gọi là Lăng Ba Quan Thượng Đẳng nay thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang hiện do hậu duệ của ông Nguyễn văn Thập trông coi cùng với Phủ Thờ Ba Quan Thượng Đẳng nằm kế bên đó. Riêng sắc phong thì do hậu duệ 7 đời của ông Nguyễn văn Thư là ông Nguyễn văn Mương tại xã Mỹ Xương, TP Cao Lãnh , tỉnh Đồng Tháp bảo quản. Đây là một trong những bản sắc phong có sớm nhất ở tỉnh thành Nam Bộ, các bản sắc phong khác thường có niên đại từ đời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định và Bảo Đại.
Lời văn trong bản sắc phong tỏ ý thương tiếc một bậc tướng quân kỳ tài, trí dũng song toàn, gặp hiểm nguy không chùng bước, đã hy sinh anh dũng trong trận chiến, xứng đáng là một công thần trụ cột của nước nhà. Xin tạm dịch một đoạn :
Sắc phong cho Tiền Quân Doanh Phó tướng Khâm Sai Chưởng Cơ Thư Ngọc hầu là một bậc kỳ tài, trí dũng song toàn, một trong những người theo hầu vua sớm nhất, ý chí trung thành tuyệt đối, gặp hiểm nguy không chùn bước, danh tiếng lẩy lừng….. Nhưng thế giặc liên đồn đông như kiến cỏ, thuyền giặc giăng đầy bao vây trước mắt chặn lối xông ra. Cung nỏ chưa kịp giương đã rơi, kiếm báu phù tang vội chìm nơi biển quế…..
Trẫm luôn nhớ đến ý chí quật cường đáng được vinh danh thiên cổ ấy, nay ban tặng tước Đặc Tiến Phụ Quốc, Thượng Tướng Quân, Thượng Trụ Quốc, Khâm sai Chưởng Doanh Thư Ngọc Hầu , uy danh làm rạng rỡ tự hào cho cả dòng tộc quê hương, để biểu dương cho hai mươi mốt năm tận trung tiết tháo…….
Gia Long ngày 12 tháng 9 năm thứ 13.      
Một số ý kiến xin xây khu mộ của ba anh em Nguyễn văn Thư thành lăng như lăng Thoại Ngọc Hầu ở phường Núi Sam, TP Châu Đốc Tỉnh An Giang, lăng Tuyên Trung Hầu Nguyễn văn Tuyên ở Sa Đéc hay lăng của Điều Bát Nguyễn văn Tồn ở Trà Vinh… Theo chúng tôi việc này là không nên bởi vì hình ảnh khu mộ Ba Quan Thượng Đẳng với 3 ngôi mộ có kiến trúc độc đáo với hình tượng lý, qui, mặc ( Cá chép, rùa và mực ) đã in sâu vào trong lòng người dân. Việc thay đổi kiến trúc khu mộ này sẽ làm mất đi di tích lịch sử đáng quý này. Lòng cảm phục trong lòng người dân mới là yếu tố quan trọng hơn là những ngôi lăng mộ hoành tráng nhưng vô hồn. Chúng ta chỉ cần tôn tạo khu mộ lại khang trang hơn, sửa sang lại phủ thờ, làm những bảng dẫn đường đến khu mộ đồng thời ghi lại tiểu sử rõ ràng về Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư để những nhà nghiên cứu tìm đến tận nơi tìm hiểu bởi vì những thông tin trên mạng đôi lúc đối chọi nhau.
Việc xác định được chính xác ngày mất của Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư cùng hai em là Nguyễn văn Kinh và Nguyễn văn Diện để làm lễ giỗ là một điều không thể được nên chúng ta tạm thời chấp nhận theo đề xuất cùa 2 chi tộc họ Nguyễn tại Phủ thờ Bình Phước Xuân và Mỹ Xương như sau :
-  Ngày 26-27 tháng 6 âl là ngày giỗ của ông Nguyễn văn Thập , chi tộc họ Nguyễn tại Phủ thờ Bình Phước Xuân cùng chính quyền tại đây sẽ tổ chức lễ rước sắc Thư Ngọc Hầu tại phủ thờ chi tộc họ Nguyễn tại Mỹ Xương vể Cù Lao Giêng vào ngày 25.06 âl.
-  Riêng ngày giỗ của Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư và  hai em là Nguyễn văn Kinh và Nguyễn văn Diện do chi tộc họ Nguyễn tại Mỹ Xương là ông Nguyễn văn Mương hậu duệ của Nguyễn văn Thư vẫn được tiến hành theo lệ cũ là ngày 27-28 tháng 5 âl, chi tộc họ Nguyễn tại phủ thờ Bình Phước Xuân sẽ cử người sang Mỹ Xương dự lễ. Có thể làm theo nghi thức thỉnh hương tại phủ thờ để mời các bậc tiền nhân sang Mỹ Xương tham dự lễ giỗ.
Việc làm này giúp cho hai chi tộc họ Nguyễn tại Phủ Thờ Bình Phước Xuân và Mỹ Xương có sự đoàn kết gắn bó với nhau , cùng giữ gìn bản sắc phong và thờ cúng theo phong tục cỗ truyền từ trước đến nay. Đây cũng là nguyên vọng chung của nhân dân hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã từng gắn bó với nhau qua hai cuộc kháng chiến.
LÂMTHANH QUANG
Tài liệu tham khảo :
01. Đại Nam liệt truyện chính biên, sơ tập ( tập 2).
02. Đại Nam Thực Lục.
03. Lịch sử An Giang, Sơn Nam, 1988. Nhà xuất bản Tổng hợp An Giang.
04. Tự vị tiếng nói miền Nam, Vương Hồng Sển ( 1999)nhà xuât bản Trẻ.
05. Bài tham luận của ông Nguyễn văn Mương, đại diện đời thứ 7 của Thu Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư tại Mỹ Xương. Hội thảo khoa học Nhân vật lịch sử Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư tại Chợ Mới ngày 25.11.2015.
06. Bài tham luận của Nguyễn Thanh Thuận, Đồng Tháp. Hội thảo khoa học Nhân vật lịch sử Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư tại Chợ Mới ngày 25.11.2015.
07.  Bài tham luận của Lê thị Ngọc Liên Sở KHCN An Giang. Hội thảo khoa học Nhân vật lịch sử Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư tại Chợ Mới ngày 25.11.2015.
08.  Sắc phong của vua Gia Long năm 1814 cho Thư Ngọc Hầu Nguyễn văn Thư.
Người viết bài : KS LÂM QUANG HIỂN
Số 16 Lê Công Thành, Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
ĐT : 0988421586. Email : quanghien54@ yahoo.com