Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

Xây dựng làng Văn Hóa cộng đồng 4 dân tộc.

Xây dựng “Làng Văn hóa cộng đồng 4 dân tộc”
phục vụ khách du lịch
Tỉnh An Giang có một ưu điểm so với các tỉnh bạn là có 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer cùng nhau sinh sống hòa đồng với nhau từ bao đời nay. Mỗi dân tộc có một văn hóa, tín ngưỡng và sinh hoạt thường ngày khác nhau. Việc tìm hiểu về văn hóa và đời sống của 4 dân tộc này là một đề tài thích thú của khách du lịch trong và ngoài nước khi ghé thăm An Giang.  Tuy nhiên muốn đi thăm và tìm hiểu văn hóa và đời sống của 4 dân tộc này phải tốn rất nhiều thời gian. Ý tưởng hình thành một ngôi làng văn hóa cộng đồng 4 dân tộc tại Khu Du lịch núi Sam đã được chúng tôi đề xuất với chị Bùi Hồng Hà  khi đó là Giám Đốc sở Du Lịch An Giang cách nay gần 10 năm. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế và tình hình xã hội lúc đó nên ý tưởng này chưa thể thực hiện được.
Để hình thành ngôi làng văn hóa cộng đồng này cần phải có một diện tích khoảng 1 héc ta. Trên đó chúng ta bố trí những ngôi nhà theo những mô hình đặc trưng của 4 dân tộc đó.

H01 Thiếu nữ Chăm trong trang phục dân tộc.
Cụm nhà của người Kinh là những ngôi nhà tranh vách lá với những luống rau cùng với các loài cây trái như mít, ổi, mận, xoài…. Cổng rào làm bằng tre thể hiện cuộc sống mộc mạc của người dân quê ở miền Tây Nam Bộ. Đến đây khách tham quan được dịp thưởng thức những món như ăn gỏi cuốn, nem nướng cùng những loại bánh như bánh qui, bánh da lợn, bánh bò… đặc trưng của Nam Bộ.
Ngôi nhà sàn của người Chăm sẽ được xây dựng ở gần bên một bờ sông. Trên cửa sổ của ngôi nhà là thiếu nữ Chăm đang ngồi dệt vải. Những món ăn đặc trưng của người Chăm như Cà Púa, Tung lò mò.. cũng được bày bán ở đây cùng với các loại bánh như bánh bò nướng, bánh Gừng (Pa-tờ-ngự), bánh Nghệ hay bánh ba nhẫn (Ha Tpay Crah)… Du khách có thể thưởng thức những món ăn này và mua những sản phẩm dệt của người Chăm như xà rông, túi thổ cẩm….


H01 Thiếu nữ Chăm bên khung cửi.


Văn hóa của người Hoa cũng được thể hiện ở đây qua các loại hình biểu diễn lân sư rồng và các điệu múa với trang phục dân tộc…   Những món ăn của người Hoa như Há cảo, Sủi cảo, Xíu mại… cùng với các loại bánh như bánh bía, bánh lá liễu, lạp xưỡng… chắc chắn sẽ thu hút khách tham quan muốn thưởng thức ẩm thực của người Hoa vốn nổi tiếng trên thế giới.


H03. Múa Lân sư rồng của người Hoa.

Người Khmer cũng không hề thua kém các dân tộc bạn với nghề dệt thổ cẩm và làm đường thốt nốt nổi tiếng. Khách tham quan sẽ được thưởng thức tại chỗ những mẻ đường thốt nốt vừa mới ra lò do các nghệ nhân đứng nấu cùng với bánh bò thốt nốt truyền thống của ngưới Khmer. Các cô gái Khmer sẽ cùng với khách quây quần bên điệu múa Lâm Thol với tiếng nhạc du dương của giàn nhạc ngũ âm.
Sau cùng, sự kiện chắc chắn hấp dẫn đối với du khách là xem trình diễn lễ cưới của bốn dân tộc và được mặc các trang phục dân tộc  để  chụp ảnh cùng cô dâu, chú rễ, hoặc mua các loại trang phục dân tộc mang về như một món quà độc đáo.


H04 Đám cưới dân tộc Khmer.


H05 Đám cưới dân tộc Chăm.
Để thực hiện ý tưởng này mặc dầu phải tốn rất nhiều công phu và cần có sự phối hợp của nhiều ngành nhưng không phải là không thể thực hiện được. Đây là cách mà chúng ta giữ được du khách ở lại lâu hơn khi sau khi tham quan miếu Bà Chúa Xứ núi Sam thay vì để họ thẳng đường đến Hà Tiên  hay quay về lại quê nhà.
Những nghệ nhân tham gia sinh hoạt trong làng văn hóa cộng đồng này sẽ được chọn từ các nam nữ sinh viên đã qua khóa đào tạo về ngành du lịch tại trường Đại Học An Giang. Đây cũng là cơ hội để cho các sinh viên tiếp xúc với thực tế những điều đã học trong trường.
Chúng ta có thể làm theo cách của thị xã Hội An là khách tham quan sau khi mua vé vào cổng sẽ mua thêm các tích- kê để có thể mua những mặt hàng và thức ăn bán trong các ngôi nhà dân tộc chứ không dùng tiền mặt.. Đến cuối ngày, các tích kê này sẽ được thu lại để đánh giá sự năng động của các thành viên trong làng. Từ những đánh giá này sẽ có những mức lương cụ thể cho các thành viên.


Việc xây dựng “Làng Văn hóa cộng đồng 4 dân tộc” này sẽ là một bước đột phá cho ngành du lịch của An Giang. Từ đó chúng ta có thể thu hút các du khách đến đây đông hơn, tạo nền tảng cho việc xây dựng một nền du lịch sạch và xanh, thân thiện với môi trường. Đó cũng là cách phát triển ngành du lịch của nhiều nước trên thế giới.
                                                                               
                                                                                                   LÂM THANH QUANG.














Góp ý một vài mục tiêu định hướng cho ngành du lịch An Giang

Định hướng cho việc phát triển du lịch của tỉnh An Giang.
Một trong những điều kiện để phát triển ngành du lịch là đặt mình vào vị trí của người khách du lịch để tìm hiểu nhu cầu của họ rồi từ đó chúng ta mới có thể xây dựng một kế hoạch phát triển hợp lý nhất.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao du khách đến du lịch tại An Giang lại tập trung về hướng Châu Đốc mà lại bỏ quên những địa điểm khác mặc dầu những nơi này cũng có những cảnh đẹp, di tích lịch sử cùng những tiện nghi khác như khách sạn, hạ tầng giao thông tốt ..? Địa danh Châu đốc được khách nhắc ở đây không chỉ là TP Châu Đốc mà còn bao gồm các vùng lân cận như Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn cùng hai xã Châu Giang, Châu Phong của thị xã Tân Châu và xã Đa Phước của huyện An Phú.
Thế mạnh đặc thù của Châu Đốc là loại hình du lịch tâm linh với lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, mà hiện nay mùa lễ hội được xem như bắt đầu từ đầu tháng Giêng đến hết tháng Tư âm lịch, thu hút hơn 4 triệu lượt du khách, khách hành hương đến cúng viếng tại Miếu Bà Chúa Xứ. Sau khi tham quan miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, họ cũng đến viếng những di tích lịch sử khác nằm trong quần thể  kiến trúc cổ như lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, Chùa Hang ( Phước Điền Tự)…. để cảm nhận sức sống của người xưa khi khai hoang vùng đất mới này và tìm lấy sự bình an trong lòng, quên đi sự phiền muộn trong cuộc sống thường ngày.


 H01. Khách hành hương tham quan miếu Bà Chúa Xứ núi Sam.

 Một yếu tố tuy thứ yếu nhưng không kém phần hấp dẫn du khách là thưởng thức ẩm thực và mua về làm quà tặng người thân những đặc sản của vùng này như các loại mắm Châu Đốc, khô cá tra phồng Châu Đốc, đường thốt nốt từ Tịnh Biên mang đến, nếm thử hương vị ngọt ngào của trái thốt nốt và nước thốt nốt được lấy từ cây thốt nốt.
Ẩm thực Châu Đốc tuy không ồn ào nhưng rất được lòng khách phương xa, bởi hương vị mộc mạc của nó khác hẳn hương vị trong các nhà hàng đặc sản tại các thành phố lớn. Đó là những món ăn dân dã  như bún cá Châu Đốc, bò bảy món núi Sam, lẫu mắm Châu Đốc, bánh canh Vĩnh Trung… là những kỷ niệm khó quên của khách hành hương khi đến Châu Đốc An Giang.
Bên cạnh đó, còn có nhiều điểm đến hấp dẫn khác đang được mọi người quan tâm, nhất là những khách nước ngoài khi ghé qua Châu Đốc. Họ ít quan tâm đến tín ngưỡng tại địa phương mà chủ đề chính của chuyến du lịch này là tìm hiểu đời sống, phong tục của
người dân tại đây. Với máy ảnh trong tay, họ len lỏi trong các  sạp bán thực phẩm của chợ Châu Đốc, ghi lại những hình ảnh của người dân đang bán cá, rau bên trong chợ. Đối với người địa phương đây là một hình ảnh bình thường nhưng đối với khách du lịch sẽ là những kỷ niệm khó quên trong chuyến đi. Việc tham quan các làng bè và đời sống của người Chăm ở hai xã Đa Phước và Châu Phong cũng là một điểm nhấn trong chuyến du lịch này. Những hình ảnh của các cô gái Chăm bên khung cửi, ngư dân đang buông lưới đôi lúc sẽ là những hình ảnh mang tính đặc trưng của địa phương trên các trang tạp chí của nước ngoài.
Một điều quan trọng nữa là “Giao lưu về văn hóa”. Đây là một chi tiết thú vị trong những chuyến du lịch. Xin đơn cử một trãi nghiệm khi chúng tôi hướng dẫn đoàn du khách thuộc trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật TPHCM đến thăm chùa Mỹ Á thuộc xã Núi Voi huyện Tịnh Biên vào dịp lễ quốc khánh 02.09 vừa qua. Chúng tôi thật bất ngờ khi nhận được sự tiếp đón nồng hậu của các nhà sư trong chùa Mỹ Á. Các nhà sư cùng đồng bào dân tộc Khmer  tại đây sắp hàng đón chào khách dưới bóng cờ  ngũ sắc trang trọng khiến mình tưởng chừng như đó là nghi thức tiếp đón nguyên thủ quốc gia. Điệu múa Lâm Thôn rộn ràng khiến khách và chủ nhân cùng hòa nhịp theo tiếng du dương phát ra từ giàn nhạc ngũ âm của địa phương. Hiếm có dịp tham quan nào chúng tôi có được một không khí thân tình giữa hai dân tộc Việt và Khmer. Trao đổi với chúng tôi, sư cả trụ trì chùa Mỹ Á cảm động nói rằng nhà chùa và người dân tại đây rất cần sự giao lưu về văn hóa này để người dân của hai dân tộc có dịp hòa đồng cùng nhau.

.


  








H02. Giao lưu văn hóa tại chùa Mỹ Á, xã núi Voi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Chúng tôi còn được nhà chùa hướng dẫn tham quan về nghi thức dâng cơm cho các nhà sư trong mùa lễ hội Dolta. Các nhà sư và những chú sa di tu tập ở các chùa lân cận cùng về đây để thực hiện nghi thức dâng cơm này. Các gia đình có con em đang tu tập sẽ mang cơm và thức ăn chứa trong các gà-mên đến chùa để dâng lên các nhà sư và người thân của mình. Đây là một tập tục tốt đẹp của những người dân tại đây theo hệ phái Phật Giáo Nam Tông.


H03. Nghi thức dâng cơm lên các nhà sư trong mùa lễ Sel Dolta.

Đây là những tài nguyên về du lịch mà chúng ta chúng ta đang có sẳn mà không phải tốn nhiều công sức đầu tư. Nếu biết tận dụng và đầu tư đúng mức cho nó, chúng ta sẽ phát triển được một nền du lịch sạch và xanh để phục vụ du khách đến tham quan ngày càng nhiều hơn. Đó cũng là mục tiêu chiến lược cho việc phát triển du lịch đối với tỉnh An Giang trong tương lai.








                                                                                 LÂM THANH QUANG.