Trang

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Về Ô Lâm Nghe điệu hát dì kê


VỀ Ô LÂM NGHE ĐIỆU HÁT DÌ KÊ
LTQ

Ô Lâm là tên một xã nằm sát biên giới Việt Nam- Campuchia thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang (nơi có nhiều người Việt gốc Khmer sinh sống) đã có nhiều thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nên được phong tặng là xã “Anh hùng”. Ngoài ra đây còn là nơi đã gìn giữ và bảo tồn hai loại hình nghệ thuật dân gian hát dì kê và giàn nhạc ngũ âm của người Khmer  .


Hình 01. Toàn cảnh chùa Chnôt- Chrôm tại xã Ô Lâm huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Khi nhắc đến nghệ thuật dân gian của người Khmer người ta thường liên tưởng đến những nàng vũ nữ xinh đẹp trong điệu múa Apsara. Thật ra Apsara là điệu múa cung đình,  tương truyền do các nàng tiên nữ từ trên trời bay xuống chúc thọ nhà vua trong những dịp lễ hội lớn như lễ đăng quang, lễ mừng thọ…. Về sau nó được lan truyền trong dân gian và trở thành một điệu múa không thể thiếu được trong các ngày lễ lớn của người Khmer như Chol Chnăm Thmây, Dolta…. Trong dân gian còn lưu truyền hai loại hình nghệ thuật khác là hát dù kê, dì kê cùng giàn nhạc ngũ âm trong những ngày lễ hội. 




Hình 02 : Phục trang cho các diễn viên hát dì kê do đôi vợ chồng nghệ nhân Chau Men Sa Ray
 và Néang Ok tự tay chế tạo.
Sự khác biệt giữa hai điệu hát dù kê và dì kê của người Khmer cũng tương tự như cải lương và hát bộ của người Việt. Một bên chủ yếu dùng ngôn ngữ qua các điệu hát , còn một bên dùng động tác của điệu múa để truyền tải nội dung. Chủ đề của điệu hát dì kê thường lấy trong những chuyện cổ dân gian Khmer như chuyện “chàng Tum và nàng Tiêu”, chuyện “ Lâm Rương”……hướng con người đến cái thiện, nói đến chân lý muôn đời : ở hiền gặp lành, kẻ ác sẽ bị trừng trị. Ngoài những phần cơ bản được qui định cho vai diễn như vai thiện hay ác, hoàng tử hay nông dân, công chúa hay thôn nữ…. tính cách của nhân vật sẽ do các diễn viên thể hiện một cách sáng tạo. Do đó điệu hát dì kê thực sự gần gũi với người Khmer ở nông thôn vì nó phản ảnh thực tế của cuộc sống. Giàn nhạc cho dì kê cũng đơn giản bao gồm trống Skô-Sôm-phô, đàn Tà Khê…cùng với các nhạc cụ khác như Guitar , trống…. đến từ phương Tây đã được cải biến cho phù hợp với điệu hát dì kê.
Đến thăm gia đình nghệ nhân Chau Men Sa Ray ở xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn tỉnh An Giang, ta mới có thể cảm nhận được sự đam mê “ dì kê” của người Việt gốc Khmer ở gần biên giới. Trong căn nhà cấp 4 của gia đình nghệ nhân Chau Men Sa Ray gần Ủy Ban Nhân Dân xã Ô Lâm, phục trang cho các diễn viên hát dì kê được lưu giữ cẩn thận. Những chiếc áo, mão lộng lẩy được đính kim sa, trang trí bằng những nét hoa văn độc đáo được xếp ngăn nắp bên trong tủ kính. Tất cả đều do đôi bàn tay khéo léo của đôi vợ chồng Chau Men Sa Ray và Néang Ok tạo nên.Với ba người gồm hai vợ chồng cùng với cô con gái Néang Kunh Thia đã dẫn dắt một đội gồm hơn 40 người để đưa “dì kê” giới thiệu với đồng bào trong cả nước biết đến loại hình nghệ thuật này.


Hình 03 : Đôi vợ chồng nghệ nhân Chau Men Sa Ray và Néang Ok trước nhà tại xã Ô Lâm,
 huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

 Lúc còn trẻ, vì yêu Néang Ok mà chàng trai Chau Men Sa Ray quyết tâm “tìm thầy học đạo”, sử dụng được nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác nhau để xin vào làm nhạc công trong đoàn hát dì kê của gia đình nàng Néang Ok. Nhờ đó chàng Chau Men Sa Ray mới được lọt vào mắt xanh của nàng. Kết quả là họ đã nên duyên chồng vợ và có được cô con gái Néang Kunh Thia xuất sắc không hề thua kém mẹ trong các vai diễn dì kê. Hiện nay cô là phát thanh viên tiếng Khmer của đài phát thanh huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Mặc dầu tuổi đã ngoài 50 nhưng trên gương mặt của Néang Ok vẫn còn đọng lại những nét duyên dáng của thời xuân sắc cùng với nụ cười hiền hòa. Ngoài việc phụ giúp chồng trong việc đồng áng, bà còn chăm lo đào tạo cho lớp trẻ loại hình nghệ thuật dì kê. Còn anh Chau Men Sa Ray thì tranh thủ chạy chiếc mô tô chở khách trong những ngày nông nhàn. Khi mùa gặt vừa xong, đêm đến trong nhà vợ chồng chị lúc nào cũng đông đúc người. Phần lớn thanh niên đến đây để tập dợt chuẩn bị cho chuyến lưu diễn mới khi mùa lễ hội bắt đầu. Đôi lúc Néang Ok cùng cô con gái Néang Kuhn Thia sánh vai nhau trong các điệu múa phục vụ cho những ngày lễ hội truyền thống của dân tộc Khmer.
Đoàn nghệ thuật dì kê xã Ô Lâm do vợ chồng anh Chau Men Sa Ray dẫn dắt đã từng đại diện cho tỉnh An Giang và đồng bào Khmer Nam Bộ tham dự các Liên hoan văn hóa dân tộc Khmer tại nhiều địa phương trong cả nước, tạo tiếng vang đến thủ đô Hà Nội và giành được nhiều giải thưởng. Những phần thưởng đó mặc dầu mang tính khích lệ nhưng  lại là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với họ và nhân viên trong đoàn. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ngọn lửa nhiệt tình vẫn sáng mãi trong tim, giúp họ nỗ lực giữ gìn giá trị văn hóa thiêng liêng của điệu hát “dì kê”.
 
Hình 04 : Néang Kunh Thia hóa thân thành tiên nữ trong điệu múa Apsara.
Nét đặc thù trong âm nhạc dân tộc Khmer chính là ở giàn nhạc ngũ âm. Nhạc cụ của người Khmer khác người Việt ở chỗ là họ dùng đủ mọi chất liệu như gỗ, đồng, gáo dừa, da bò, da trăn….  để tạo hình cho chúng. Giàn nhạc ngũ âm gồm có các loại nhạc cụ như nhạc cụ dây, nhạc cụ hơi và các bộ gõ. Nhạc cụ dây gồm đàn Khưm Tôch, đàn Chapây Chomriêng, đàn Tà khê, đàn Truô Nguôk….Nhạc cụ hơi có kèn Srolai Pinn Peat, kèn Srolai Rôbăm…. Còn các bộ gõ như trống Skô Samphô, trống Skô Đaey, đàn thuyền Rôneat Thung, cồng Kôông Vông Tôch …. Tùy theo điều kiện mà các giàn nhạc có thể chọn cho mình các loại nhạc cụ thích hợp nhưng có 4 nhạc cụ không thể thiếu là trống Skô Samphô, kèn Srolai Rôbăm , đàn thuyền Rôneat Thung và cồng Kôông Vông Tôch. Để sử dụng được các loại nhạc cụ này cần phải có sự kiên nhẫn của người luyện tập cùng với sự chỉ bảo tận tình của người hướng dẫn mới thể hiện hết được những nét tinh hoa của từng loại nhạc cụ.
Giàn nhạc ngũ âm thường kết hợp với điệu múa Rôbăm trong các ngày lễ hội của dân tộc Khmer. Trong điệu múa Rôbăm, múa là ngôn ngữ chính dùng để diễn đạt nên thường được gọi là kịch múa. Các vở kịch múa Rôbăm thường được lấy từ sử thi Ramayana của Ấn Độ . Những nhân vật chính trong vở kịch như nàng Se-Đa, hoàng tử Rama, hầu Vương Hanuman, quỷ Ravana… được các diễn viên khắc họa bằng những kỹ thuật điêu luyện, phối hợp nhịp nhàng giữa động tác của hông, lưng, cánh tay, bàn tay theo từng bước chân. Các động tác múa Rôbăm thường mô phỏng theo hình tượng các nàng tiên nữ Apsara tạc trên những phù điêu trang trí trong các ngôi chùa Khmer và các ngôi đền cổ như Angkor Thom, Angkor Wat….
 Trong các vở diễn Rôbăm gồm có hai loại nhân vật : các nhân vật như nhà vua, hoàng tử, công chúa thường không đeo mặt nạ đại diện cho phái thiện còn phái ác mà đại diện là chằn tinh thường phải mang mặt nạ cho dễ phân biệt. Ngoài ra còn có các vai hề xuất hiện khiến sân khấu trở nên vui nhộn. Tương tự như điệu hát dì kê, kịch múa Rôbăm do ảnh hưởng của Phật Giáo nên thường có nội dung phản ảnh cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, hướng con người đến cái thiện, toàn mỹ.
Sân khấu của đoàn hát dì kê và Robăm được dựng trên một bục cao, trang trí phong màn đơn giản. Khán giả thì ngồi dưới đất hoặc trên những chiếc ghế nhỏ mang theo hay mượn từ các quán nước ở gần đó, say mê theo dỏi tuồng tích. Rất hiếm khi có việc bình luận ồn ào làm phật ý người ngồi bên cạnh vì ai cũng thả hồn theo tiếng trống thúc lên mạnh mẽ trong những màn chiến đấu hoặc tiếng kèn ai oán khi nhân vật khóc than cho số phận. Khi kết thúc đêm diễn, họ quay về trong tiếc nuối và hẹn gặp lại vào đêm sau để tiếp tục câu chuyện còn đang dở dang. Có nhiều tuồng tích phải diễn mấy đêm mới hết nhưng người xem vẫn không bỏ cuộc giữa chừng.
Với mong muốn khôi phục lại giàn nhạc ngũ âm truyền thống, năm 2007 Sãi cả Chau Chanh Đa chùa Thnôt Chrôm xã Ô Lâm đã vận động người dân Khmer của xã Ô Lâm đóng góp hơn 33 triệu đồng để mua sắm nhạc cụ và mời thầy từ Campuchia về để dạy cho các em thiếu nhi Khmer trong xã cách sử dụng nhạc cụ trong giàn nhạc ngũ âm. Đây là những em mồ côi hoặc có hoàn cảnh khó khăn được nhà chùa mang về nuôi dạy. Sau buổi học văn hóa tại trường, các em được học cách sử dụng các nhạc cụ cổ truyền, những tiết tấu cơ bản không thể thiếu trong giàn nhạc ngũ âm cùng với việc ký âm các bài nhạc cổ truyền mà trước đây chỉ được truyền thụ bằng lời. Sau gần một năm chuyên cần học  tập, các em có thể trình diễn một cách thành thạo những bài nhạc cơ bản phục vụ cho những ngày lễ hội.  Lần đầu tiên được ra Hà Nội tham dự Liên hoan nghệ thuật và âm nhạc các dân tộc năm 2008, các em  được Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh khen ngợi. Đội nhạc ngũ âm của xã Ô Lâm đại diện cho An Giang đã mang về cho tỉnh nhiều bằng khen. Hiện nay đội nhạc ngũ âm xã Ô Lâm phục vụ miễn phí trong những lễ làm phước, các lễ cưới hỏi, lễ tết quan trọng của đồng bào Khmer, không chỉ trên địa bàn xã mà cho các xã lân cận. 
Hình 05 : Sãi cả Chau Chanh Đa cùng giàn nhạc ngũ âm thiếu nhi tại chùa Chnôt- Chrôm.
Trước sự phát triển ồ ạt của trào lưu âm nhạc mới với sự góp sức của các phương tiện âm nhạc điện tử hiện đại, các thanh niên dân tộc Khmer cũng thích dùng các giàn nhạc điện tử hơn là các nhạc cụ cổ truyền. Chỉ còn những người lớn tuổi là không quay lưng với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Nhìn ánh mắt đam mê của họ khi ngồi trên những chiếc ghế nhỏ ngoài sân diễn, lắng nghe từng lời nói, theo dõi từng động tác múa của diễn viên trên sân khấu ta cũng hình dung được sự yêu quí của họ đối với điệu hát dì kê và giàn nhạc ngũ âm. Mong ước của họ là có được sự đầu tư và hỗ trợ đúng mức để có thể bảo tồn những nét tinh hoa của âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ và truyền thụ lại cho thế hệ mai sau.
LÂM THANH QUANG

Tài liệu tham khảo :
Nhạc khí dân tộc Khmer Sóc Trăng của Sơn Ngọc Hoàng và các tác giả khác.

 

2 nhận xét:

  1. Đến thăm các phum sóc của người Việt gốc Khmer nhân ngày tết Chol Chnăm Thmây mà không thưởng thức các tuồng tích Dù kê, Dì kê được trình diễn cho công chúng xem tại các ngôi chùa lớn thì thật là một điều thiếu sót lớn lao. Mặc dầu không hiểu được ngôn ngữ nhưng qua các động tác, lời ca của diễn viên, ta cảm thấy nó rất gần với loại hình sân khấu cải lương của người Việt.

    Trả lờiXóa
  2. Néang Kun Thia đã lập gia đình mấy năm nay. Chú rể tuy không phải là dân trong nghề nhưng cũng đã gắng công tìm hiểu và tập luyện những vai diễn trong các tuồng dì kê để diễn cùng với bà xã như nhạc gia Châu Men Sa Ray ngày xưa. Họ đã có một bé gái là hậu duệ cho đoàn hát dì kê sau này. Mỗi lần nghe tiếng nhạc là cháu bé nhún nhẩy và múa theo điệu nhạc. Dầu đã có gia đình nhưng Néang Kun Thia vẫn tham gia biểu diễn và đoạt nhiều giải thưởng cùng với đoàn hát dì kê của gia đình.

    Trả lờiXóa