Trang

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Nghi thức xây chầu trong lễ hội dân gian Nam bộ



NGHI THỨC XÂY CHẦU

TRONG LỄ HỘI DÂN GIAN NAM BỘ



Từ thuở khai hoang mở cõi về phương Nam, người dân đã mang theo những tín ngưỡng ở vùng ngoài truyền bá nơi vùng đất mới này. Một trong những tín ngưỡng này là việc tổ chức những lễ hội dân gian như lễ Kỳ Yên tại các đình làng thờ những người có công mở cõi mà nhân dân suy tôn là Thành Hoàng và được triều đình công nhận như Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Huỳnh Đức….hoặc trong các lễ Vía Bà là những nhân vật theo truyền thuyết được người dân sùng bái như  Lễ Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, Lễ Vía Bà Đen ở Tây Ninh, Lễ Vía Bà Thiên Hậu tại các nơi vùng ven biển….Tỉnh An Giang có hai lễ hội lớn nhất là lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam vào ngày 25, 26, 27 tháng 4 âm lịch và Đại Lễ Kỳ Yên tại Đình Châu Phú, Thị xã Châu Đốc thờ Thành Hoàng Nguyễn Hữu Cảnh tổ chức vào ngày mùng 10, 11 tháng 5 âm lịch. Trong các lễ hội này, nhiều nghi thức được tiến hành thống nhất với nhau như lễ Thỉnh Sắc, lễ Túc Yết, lễ Xây Chầu, lễ Chánh Tế, lễ Hồi Sắc…..Trong đó lễ Xây Chầu thường được đông đảo người dân hâm mộ mặc dầu có nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa của nó. Trong bài này chúng tôi giới thiệu nghi thức Xây Chầu diễn ra tại Lễ Hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam để giúp các bạn đọc tìm hiểu thêm về nghi thức này.

Nghi thức “Xây chầu” đôi khi còn được gọi là gọi là “ Khai Chầu” được tiến hành sau lễ  “ Túc Yết”(1) nhằm mục đích báo hiệu việc khai hội bắt đầu ; trước khi các đoàn hát bộ trình diễn phục vụ cho các vị thần ở địa phương và đông đảo quần chúng hâm mộ. Nghi thức Xây chầu có thể được tiến hành hàng năm ở nơi có đủ điều kiện như Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam hoặc  “ tam niên đáo lệ” (2) như  các đền thờ các vị thành hoàng ở địa phương khác.

Việc cử hành lễ xây chầu được chia ra làm 3 loại : Xây chầu văn, Xây chầu võ và Xây chầu bán văn bán võ. Ở Xây chầu văn, câu chú được đọc thầm trong miệng. Xây chầu bán văn, bán võ không khác xây chầu văn là mấy nhưng câu chú được đọc ra phải uy nghi, dõng dạc. Người được cử ra để đánh trống chầu được gọi là Chánh tế Ca công (3) thường là người lớn tuổi, có học thức, biết chữ Nho và nhất là biết một chút ít bùa “Lỗ Ban”. Chánh tế Ca công thường mặc áo dài, đầu chít “khăn đóng”. Ở nghi thức Xây chầu võ,  người đánh trống chầu ăn mặc theo lối võ sĩ, đọc các câu chú một cách dũng mãnh, vừa đánh trống vừa múa theo điệu trống võ. Nghi thức này ngày nay chỉ được sử dụng trong các lễ hội lớn vì nó đòi hỏi những qui định rất nghiêm ngặt, không được sai sót. 


Hình 1 : Chánh tế  ca công vẽ bùa sát quỷ.

Trống chầu là một trống lớn đặt ở giữa sân có đường kính  khoảng 0,8 mét. Ở giữa mặt trống có vẽ hình lưỡng nghi  còn trên mặt trống được phủ một tấm vải đỏ. Dùi trống được đặt trên một khay trầu rượu đặt trước bàn thờ hội đồng(4). Trước tiên Chánh tế Ca công làm lễ tẩy trần ( lau sạch bụi trên mặt) bằng khăn lau màu đỏ được nhúng vào thau nước được đặt trước bàn thờ, sau đó mới tiến hành lễ nguyện hương. Người phụ trách đọc biểu văn mời Bà Chúa Xứ cùng với Thoại Ngọc Hầu và hai vị phu nhân về tham dự lễ xây chầu.

Trước khi bắt đầu điểm trống, Chánh tế ca công bước đến bàn thờ, nâng tô nước có cành dương lên ngang trán khấn vái. Ông đưa tô nước ngang ngực, dùng 3 cây hương vẽ bùa lên tô nước ; sau đó hớp 3 hớp nước, giắt 3 cây hương lên mép tai, cầm nhành dương nhúng vào tô nước  vẩy ra xung quanh và đọc to :

-          “ Nhất xái thiên thanh” : Vẩy nước lên trời xanh, cầu cho mưa thuận gió hòa.

-          “ Nhị xái địa ninh” :Vẩy nước xuống mặt đất, cầu cho đất đai phì nhiêu mầu mở.

-          “ Tam xái nhơn trường” : Vẩy nước cho loài người, cầu cho dân gian được trường thọ.

-          “Tứ xái quỷ diệt hình” : Vẩy nước vào loài quỷ dữ, cầu cho chúng bị hủy diệt.

Sau khi đọc xong, ông xá 3 xá, tiếp tục đọc 4 câu thần chú :

“ Pháp luân thường chuyển tứ thiên vương,

Bát bộ kim cang trấn tứ phương.

Hộ kinh khởi cổ đàn lai trợ,

Tùng thư xã tắc hộ miên trường.”

Đọc thần chú xong, Chánh tế ca công chuyển bộ bước theo hình chữ đinh, tay chấp dùi trống ngang ngực đến trước mặt trống, chân phải vẽ chữ bùa “sát quỷ” trên mặt đất, tay cầm dùi trống vẽ bùa “tứ tung” lên trên chữ “sát quỷ”, chân trái đạp lên, hướng mặt lên trời hô to : Thái thượng lão quân cấp cấp như luật định”. Sau đó ông cầm khăn đỏ phủ trên mặt trống, quấn chặt vào dùi trống và tay. Việc này được thực hiện rất cẩn trọng bởi vì theo niềm tin của người dân, nếu xãy ra chuyện rớt dùi trống khi đánh trống, sẽ xãy ra tai họa lớn trong làng. Đến trước trống, tay phải ông cầm dùi trống, tay trái nắm lai áo bắt ấn rồi vẽ bùa lên mặt trống, nhịp nhẹ bên tang trái trống đọc câu chú : Nhất kích cổ chư tiên giáng phước”, rồi gỏ nhẹ vào tang trống bên phải : “ Nhị kích cổ chư địa phi tai”, gỏ nhẹ lên phía trên : “ Tam kích cổ giáng thần lai khởi thủ”. Nhịp vào giữa mặt trống nơi có biểu tượng lưỡng nghi đọc : “ Nhất điểm nguyệt hoàng trào tể chúa, vương bá hà xương vạn vọng trình tường, thiên thu thiên hóa. Nhị điểm nguyệt hải yến hà thăng, chư thần đinh ninh, uy linh hạt tán. Tam điểm nguyệt quốc thới dân cường, hoàng thạch phong đăng, dân khương vật thạnh, bổn hội bá tánh thọ thọ phước”. Tay phải ông cầm dùi đánh mạnh lên mặt trống niệm chú : “ Chư thần nhất túc”, đánh thêm một dùi nữa niệm : “ Hét tợ lôi oanh, biển cổ chấn kim kinh thiên đạt địa, ly mỵ tiệm hành án oanh oanh, án oanh oanh, án oanh oanh...”


Hình 2 : Chánh tế ca công điểm trống chầu.

Sau khi điểm trống xong, Chánh tế Ca công bắt đầu đánh trống theo nhịp ba hồi, trước nhẹ và thưa, sau to và nhặt hơn. Số roi chầu này theo cổ lệ tổng cộng tất cả là 300 dùi chia làm : đệ nhất hồi 80 dùi, đệ nhị hồi 100 dùi và đệ tam hồi 120 dùi. Ngày nay, số dùi được rút ngắn đi chỉ còn 36, 72, 108 dùi hay 20, 40, 60 dùi vì Chánh tế Ca công phụ trách đánh trống chầu thường là người già cả không còn đủ sức để đánh đủ số dùi như qui định.

Ba hồi điểm trống được kết thúc bằng 3 hồi trống to và mạnh, mỗi hồi 3 tiếng, Chánh tế Ca công hô to : “ Ca công tiếp giá”. Lập tức cả đoàn hát bộ đồng thanh dạ một tiếng thật to. Bốn học trò lễ túc trực sẳn vừa mang trống chầu vừa chạy, vừa xoay trống. Chánh Tế Ca Công vừa chạy theo vừa đánh trống cho đến khi trống được đưa đến giá chầu mới thôi và giao dùi cho người khác cầm chầu.

Sau phần đánh trống chầu là đến phần “Đại bội”. Đại bội là cảnh diễn lớn diễn lại cảnh hình thành vũ trụ theo truyền thuyết của dân gian bao gồm các phần :

- Lễ Khai thiên, Lập địa : tượng trưng cho vũ trụ vừa mới được hình thành. Theo truyền thuyết của dân gian, lúc đầu tiên vũ trụ là một khối hỗn độn gọi là “thái cực”. Lúc đó ông Bàn Cỗ được sinh ra nên nhân vật đầu tiên xuất hiện là ông Bàn Cỗ hóa trang mặt rằn như chim, áo ngạch dơi, tay cầm bó nhang ra múa gọi là “điềm hương chiếu lộng bốn phương trời”.Ông chỉ múa mà không hát. Múa xong nhang này được rước lên bàn thờ.


Hình 3 : Tích Bàn cỗ xuất thế.


- Lễ Xang Nhật Nguyệt hay còn gọi là “ lưỡng nghi” tượng trưng cho âm và dương sinh ra từ Thái Cực. Nhân vật nam là Thái Dương mặt đỏ, mặt áo long bào màu đỏ, mang giáp, chân đi hia, tay cầm hình tượng ngọn lửa tượng trưng cho dương là mặt trời . Nhân vật nữ đóng vai Thái Âm mặt trắng, áo trắng, cài trâm, tay mang hình tượng gương sen biểu trưng cho âm là mặt trăng.

Thái Dương và Thái Âm múa xong rồi úp ngọn lửa và gương sen lại với nhau gọi là “ Âm Dương giao hòa” biểu thị rằng vũ trụ bắt đầu sinh sôi nẩy nở.

 

Hình 4 : Âm dương giao hòa trong xang nhật nguyệt
.

- Lễ Tam Tài : hay còn gọi là Tam Tinh. Tam Tài là Thiên, Địa, Nhân còn Tam Tinh là Phúc, Lộc, Thọ. Biểu trưng cho Phúc là ông già mặt trắng, râu năm chòm đen, đội mũ đằng cân, áo xiêm trường, chân đi hài. Một tay ông bồng một hài nhi còn tay kia cầm quạt lông, cốt cách thần tiên. Biểu trưng cho Lộc là ông già mặt trắng, đội mũ bình thiên, áo đạo bào một tay cầm bình hoa còn tay kia cầm quạt. Để biểu trưng cho Thọ, diễn viên hóa trang thành ông già, da đồi mồi, lông mày bạc, râu năm chòm bạc, đầu bịt khăn đỏ, mặc áo tiên, quần đỏ, một tay cầm dĩa đựng quả đào tiên biểu thị cho sự trường thọ, một tay chống gậy có treo bầu rượu.

Ba người này còn được gọi là Tam Hiền hát câu chúc tụng cho địa phương và dân chúng dự lễ. Sau đó hoa và quả đào tiên được hiến tặng cho ban Quản trị Lăng miếu để lấy lộc.


Hình 5 : Tam tài Phước, Lộc, Thọ.


- Lễ Tứ Thiên Vương : tượng trưng cho tứ tượng : Thái dương, Thái âm, Thiếu dương, Thiếu âm. Tứ Thiên Vương này là bốn vị thần gốc đạo Bà La Môn trấn giữ bốn cửa trời Đông, Tây, Nam, Bắc là : Trì Quốc Thiên Vương ( Virudhaka: Ma Lê Thọ) ; Quảng Mục Thiên Vương (Viruphaksa: Ma Lê Hồng) ; Tăng Trưởng Thiên Vương ( Dhrtarãsha : Ma Lê Thanh) ; và Đa Văn Thiên vương ( Dhanada : Ma Lê Hải ). Trong các chùa của đạo Phật thường thờ bốn vị Thiên Vương này : Đông Phương Ma Lê Thọ cầm con Hoa Hồ Điêu, Tây Phương Ma Lê Hồng tay cầm đàn Tỳ Bà, Nam Phương Ma Lê Thanh cầm cây Thanh Quang Bửu Kiếm, Bắc Phương Ma Lê Hải cầm cây Hỗn Nguyên Châu Tán. Bốn vị thần này có nhiệm vụ tạo ra sấm sét gió mưa điều hòa khí hậu trong dân gian.

Bốn vị Thiên Vương mặt trắng, đội mũ kim khôi, mình đeo giáp, thắt lưng đỏ, chân đi hia, lưng đeo 6 cờ lệnh diễn động tác từ trên trời bay xuống. Mỗi người mang một câu liễn với nội dung như sau :

Phước Như Đông Hải

Thọ Tỷ Nam San,

Quốc Thái Dân An hay Thánh Thọ Vô Cương

Phong Điều Vũ Thuận.

Các Thiên Vương này múa chung với nhau. Điệu múa có động tác mạnh mẽ, đội hình thay đổi, lúc tan lúc hợp tạo bố cục khác nhau : Các tấm liễn có lúc tạo thành hình vuông, có lúc hai ngang hai chéo, có lúc nằm song song nhau theo hình ngang và có lúc cả 4 đồng đứng thẳng.

Đây là điệu múa cung đình tên là “ Trình Tường Tập Khánh” thường được biểu diễn  vào các dịp mừng thọ, đại khánh của vua chúa nhà Nguyễn. Từ đó mới lan truyền ra trong dân gian.

Sau khi múa xong các diễn viên dâng 4 câu liễn cho ban Quản Trị lăng miếu. Đại diện Ban Quản Trị tiếp lấy và thưởng tiền cho các diễn viên.

 


Hình 6  : Tứ Thiên Vương trong Trình tường tập Khánh.

- Lễ Ngũ Hành : Lễ này còn gọi là Lễ Đứng Cái  hay Chưng Đại Bộ .

Để tượng trưng cho ngũ hành ( kim , mộc, thủy, hỏa, thổ) năm diễn viên gồm : một kép đứng ở giữa thủ vai “Cái”, bốn cô đào thủ vai “Con” đứng bốn bên. Vì vậy mà lễ này còn được gọi là “Lễ Đứng Cái”. “ Cái” mặc hoàng bào, đội mão Cửu Long, mặt trắng, tay cầm quạt gọi là “Viên” tượng trưng cho Thổ là vị trí trung ương, bốn “Con” tượng trưng cho tứ thời Xuân, Hạ, Thu, Đông hay 4 yếu tố của ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa.

- Mã Xuân Mai mặc áo xanh, tượng trưng cho mùa Xuân thuộc về hành Mộc.

- Mã Hạ Lan mặc áo đỏ, tượng trưng cho mùa hạ thuộc về hành Hỏa.

- Mã Thu Cúc mặc áo trắng, tượng trưng cho mùa Thu thuộc về hành Kim.

- Mã Đông Trúc mặc áo tím hay đen, tượng trưng cho mùa Đông thuộc về hành Thủy.

Câu chúc tụng của “Cái và 4 Con” ngụ ý chúc cho Vua chúa được vững nghiệp, lê dân được hưởng thái bình, no ấm.

 


Hình 7 : Mã Viên cùng 4 nàng Xuân, Hạ, Thu, Đông hát chúc mừng lễ hội.
 
-Lễ Gia Quan Tấn Tước : dân gian thường gọi là “Thổ Địa dâng liễn”. Lễ này thật ra không nằm trong nghi thức xây chầu mà là một lễ phụ để kết thúc việc xây chầu. Người đóng vai này được gọi là “Linh Quan” mặc áo bào đỏ, đầu đội mảo tam tài, mang mặt nạ trắng, chân đi hia, một tay cầm viết và giấy hồng đơn, một tay cầm tráp mực. Người này viết những câu liễn chúc tụng cho lăng miếu và địa phương mà dân gian tin rằng nó sẽ rất linh ứng. Người dân gọi là ông Địa và ông còn được ngành hát bộ coi là tổ của vai hề.


Hình 8 : Thổ địa  viết  liễn chúc phúc.



Sau lễ Đại Bội, đoàn hát bắt đầu diễn tuồng tích để giúp vui cho Bà Chúa Xứ và người dân xem lễ. Tuồng tích bắt đầu thường là những vở hay như Thần nữ dâng Ngũ linh kỳ ; Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu.... Các suất hát diễn ra trong hai ngày 26 và 27 tháng 4 Âl.  Suất hát cuối cùng bắt buộc phải là vở “ Thứ ba San Hậu” để đoạn chót làm lễ Tôn Vương. Các đào kép trong đoàn hát sẽ dâng lễ lên Bà Chúa Xứ trước khi chuẩn bị làm lễ hồi sắc.

Nghi thức Xây Chầu là một hình tượng độc đáo của hình thức văn hóa và tín ngưỡng được lưu truyền trong dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tùy theo phong tục, tập quán của từng địa phương mà nó được cải biên và sửa đổi cho phù hợp. Nó biểu thị cách nhìn về thế giới quan và nhân sinh quan dựa trên nền tảng của 3 tôn giáo đã in sâu trong lòng dân tộc Việt Nam là Phật Giáo, Lão Giáo và Khổng Giáo : Thái cực sinh luỡng nghi, lưỡng nghi sinh tam tài, tam tài sinh tứ tượng, tứ tượng sinh ngũ hành, ngũ hành sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật.

Hiểu biết đầy đủ về nghi thức này cần phải có sự góp sức rất nhiều của các nhà nghiên cứu  về dân tộc và văn hóa dân gian. Do điều kiện và phạm vi của bài này, chúng tôi chỉ nêu lên đây những nét sơ lược  để người đọc có dịp tìm hiểu khái quát đôi điều về bản sắc văn hóa dân tộc của đất nước Việt Nam.



                      LÂM THANH QUANG



(1) Theo tự diển Việt Hán của Đào Duy Anh : túc nghĩa là cung kính, yết nghĩa là trình báo, Túc yết có nghĩa là trình báo lên các vị thần những việc xãy ra tại địa phương một cách cung kính.

(2) Tam niên đáo lệ : ba năm mới quay trở lại.

(3) Chánh tế Ca công : người được cử ra để thực hiện việc xây chầu, khác với Chánh Tế là người được cử ra để thực hiện lễ Túc yết và lễ Chánh tế.

(4) Bàn thờ này thờ tiền hiền và hậu hiền và những người khuất mày khuất mặt có công khai phá địa phương.

Tài liệu tham khảo :

-   Lịch sử miếu Bà Chúa Xứ núi Sam do hội văn nghệ Châu Đốc và Ban quản trị Lăng miếu núi Sam xuất bản năm 2004.

-   Hành hương về đất phương Nam.













2 nhận xét:

  1. Gửi chú Lâm Thanh Quang,

    Hôm qua cháu đến xem chương trình xây chầu ở Lăng Ông Lê Văn Duyệt, hôm nay đăng hình lên blog có trích mượn bài viết của chú để chú thích hình ảnh các nghi thức lễ xây chầu, gửi chú bài đăng trên blog của cháu http://chuotnhatbexiu.blogspot.com/2014/02/le-xay-chau-ai-boi-lang-ong-ta-quan-le.html

    Trả lờiXóa
  2. Bạn có quyền sử dụng những tư liệu trên blog của tôi trong trường hợp phi lợi nhuận, miễn là ghi chú rõ nguồn trích dẫn và thông báo cho tôi trên blog hay facebook Lam Quang Hien là được rồi.

    Trả lờiXóa