Sân
khấu dù kê, dì kê trong lòng người Khmer Nam bộ.
Dù
kê và dì kê là loại hình nghệ thuật dân gian của người Khmer Nam bộ sinh sống tại
các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang... Lịch sử
của loại hình này bắt nguồn từ sự giao lưu về văn hóa giữa người Kinh, Hoa và
Khmer sống chung với nhau hàng thế kỷ trên vùng đất này. Những đoàn Kinh kịch,
Hồ Quảng đến từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và các đoàn hát bộ, cải lương của
các ông bầu người Việt lưu diễn tại các làng quê là nguồn cảm hứng cho người
Khmer tại đây xây dựng một loại hình nghệ thuật giải trí riêng cho dân tộc
mình.
Theo sách “Văn hóa Khmer Nam Bộ”
của Nhà xuất bản Hậu Giang, thủy tổ của nghệ thuật sân khấu Dù Kê là ông Kru
Cô, một người Khmer ở Trà Vinh. Năm 1920, ông Kru Cô thành lập gánh hát Dù Kê
lấy tên là “Nhật Nguyệt Quan,” vừa biểu diễn phục vụ, vừa truyền bá và đào tạo
diễn viên cho bộ môn nghệ thuật mới mẽ này.
Riêng các bô lão Khmer ở Trà Vinh
lại cho rằng, vào thập niên 20 của thế kỷ trước, tại chùa Hiếu Tử, huyện Tiểu
Cần (Trà Vinh) có một chú tiểu tên là Kê rất mê xem hát Quảng. Sau khi xem
xong, chú thường rủ bạn bè đến sân sau của chùa để phân vai biểu diễn, xem vừa
ngộ vừa vui. Tiếng tăm của chú tiểu Kê thu hút người dân Khmer và cả người Kinh
đến xem ngày càng nhiều. Mỗi lần đến đây, người dân bảo nhau là đi xem Kê vũ,
lâu ngày biến âm thành Dù Kê.
Sân khấu dù kê phát triển rất nhanh
chóng vào đầu thế kỷ thứ 20 và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được
của người Khmer Nam bộ vào các mùa lễ hội như Chol Chnăm
Thmây, Sen Dolta, Ooc-Om-Boc.... Vào khoảng năm 1930, do tình hình chiến tranh ở
miền Nam ác liệt, một số nghệ sĩ dù kê ở Nam bộ sang đất nước Campuchia thành lập
đoàn nghệ thuật dù kê trình diễn cho người dân tại đây xem và được người dân đất nước Chùa Tháp đón nhận một cách trân
trọng và đặt tên mới cho nghệ thuật sân khấu dù kê là “Lkhôn Ba Sắc” (kịch hát
miền sông Hậu).
Ngày nay, hàng năm vào mỗi dịp diễn
ra các hội hè, đình đám của người Khmer Nam Bộ, người ta lại thấy xuất hiện loại
hình nghệ thuật này như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Trên sân khấu
được dựng đơn sơ trên sân chùa với phông màn mang tính ước lệ, các nghệ sĩ của
đoàn nghệ thuật dù kê, dì kê say mê trình diễn trước một số đông khán giả ái mộ.
Một lần được xem đoàn nghệ thuật dù kê Ánh Bình Minh của tỉnh Trà Vinh trình
diễn, mặc dầu bất đồng về ngôn ngữ nhưng
qua những điệu múa, tiết tấu của âm nhạc cùng vẻ chăm chú của những người đang
ngồi quây quần bên sàn diễn, cũng đủ để chúng tôi cảm nhận được sức thu hút loại
hình nghệ thuật này đối với người Khmer sinh sống trên vùng đất Nam Bộ là rất chân
thật và gần gũi như hơi thở của cuộc sống.
Hình1 : Các nghệ sĩ trong đoàn nghệ thuật
dù kê Ánh Bình Minh đang trình diễn trích đoạn một vở tuồng cỗ.
Riêng đối với vùng đất An Giang, tại
xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn có gia đình nghệ nhân Châu Men Sa Ray đang cố gắng duy
trì loại hình nghệ thuật Dì kê đã gần như biến mất tại các nơi khác.
Trong
căn nhà cấp 4 của gia đình nghệ nhân Chau Men Sa Ray gần trụ sở Ủy Ban Nhân Dân
xã Ô Lâm, những phục trang cho các diễn viên hát dì kê được lưu giữ cẩn thận. Từng
chiếc áo, mão lộng lẫy được đính kim sa, trang trí bằng những nét hoa văn độc
đáo được xếp ngăn nắp bên trong tủ kính. Tất cả đều do đôi bàn tay khéo léo của
đôi vợ chồng Chau Men Sa Ray và Néang Ok tạo nên.
Có
đến tận nơi, mới có thể cảm nhận được sự đam mê “ dì kê” của người Việt gốc
Khmer ở một xã gần biên giới này. Nhiều năm qua, đoàn dì kê Ô Lâm với trụ cột gồm
ba người là hai vợ chồng Chau Men Sa Ray
và Néang Ok cùng với cô con gái Néang
Kunh Thia đã dẫn dắt một đội gồm hơn 40 người để đưa “dì kê” giới thiệu với đồng
bào trong cả nước và gìn giữ loại hình nghệ thuật này như một thứ “bảo vật”
thiêng liêng !... Đoàn nghệ thuật dì kê xã Ô Lâm đã từng đại diện cho tỉnh An
Giang và đồng bào Khmer Nam Bộ tham dự các Liên hoan văn hóa dân tộc Khmer tại
nhiều địa phương trong cả nước, tạo tiếng vang đến thủ đô Hà Nội và giành được
nhiều giải thưởng. Những phần thưởng đó mặc dầu mang tính khích lệ nhưng lại là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối
với họ và nhân viên trong đoàn. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ngọn lửa nhiệt
tình vẫn sáng mãi trong tim, giúp họ nỗ lực giữ gìn giá trị văn hóa thiêng
liêng của điệu hát “dì kê”.
Hình 2 : Đôi vợ chồng nghệ nhân Chau Men
Sa Ray và Néang Ok trước nhà tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Về
sự khác biệt giữa Dù kê và Dì kê, Nhiều người am hiểu văn hóa Khmer phân tích
như sau : Dù kê gần với cải lương của
người Việt hơn. Diễn viên dù kê qua các điệu hát để truyền đạt nội dung của tuồng
tích còn các điệu múa chỉ mang yếu tố minh họa. Riêng dì kê thì phần vũ đạo mới
chính là yếu tố quan trọng còn lời ca đóng vai trò thứ yếu. Vì vậy nó gần với
nghệ thuật hát bộ của người Việt hay Hồ Quảng của người Hoa hơn.
Các
tuồng tích của sân khấu dù kê và dì kê thường được lấy từ các truyện cổ dân
gian Khmer như chuyện nàng Sêda, Thạch Sanh chém chằn, Chuyện chàng Tum nàng
Tiêu... Trong những năm gần đây, đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh
đã dàn dựng hơn 40 vở ca kịch Dù Kê mang tính chất xã hội đương đại. Trong đó,
đáng kể nhất là vở “Nghĩa tình trong giông tố,” “Giữ Đền cô Hia,” “Bông Hồng
Trà Vinh”,“Mối tình Bôpha - RạngXây”…
Hình
3 : Néang Kunh Thia hóa thân thành vũ nữ Apsara.
Phục vụ cho vở diễn ngoài các nhạc
cụ dân tộc như đàn Trô-sô, đàn Trà Khê, đàn Khưm, đàn Pưn-pết, kèn
Srolai Rôbăm... còn có các nhạc cụ điện tử khác đã được cải biên cho phù hợp với
vở diễn. Những nhạc cụ này khi được tấu lên
sẽ có một giai điệu khi thì vui tươi, rộn ràng , khi thì sâu lắng, bi ai
nên có sự thu hút đặc biệt đối với người xem. Khi
kết thúc đêm diễn, họ quay về trong tiếc nuối và hẹn gặp lại vào đêm sau để tiếp
tục câu chuyện còn đang dở dang. Có nhiều tuồng tích phải diễn mấy đêm mới hết
nhưng người xem vẫn không bỏ cuộc giữa chừng.
LÂM
THANH QUANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét