Trang

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Hương vị đường thốt nốt.


Hương vị đường thốt nốt, đặc sản của vùng đất An Giang

LTQ
Khi đến thăm An Giang, ấn tượng khó quên trong lòng du khách là hình ảnh những hàng cây thốt nốt vút cao với những người nhanh nhẹn trèo lên đọt cây hứng từng giọt nước ngọt lịm vào những ống tre. Ghé qua những lò nấu đường ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, có dịp chứng kiến tận mắt phương pháp làm đường thủ công từ những giọt nước thốt nốt hứng từ trên cây, thưởng thức hương vị béo ngậy của từng hạt đường tan vào trong miệng ; ta mới hiểu vì sao mà đường thốt nốt trở thành một đặc sản không chỉ riêng của An Giang mà còn là của đất nước Việt Nam đối với bạn bè trên thế giới.

Hình 1 :Cây thốt nốt tại huyện Tịnh Biên.

Cây thốt nốt tại An Giang có tên khoa học là Borassus Flabellifer là một trong những chi họ thốt nốt Borassus thuộc loại họ cau Arecaceae sống rất nhiều tại các nước vùng Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Malaysia, New Guinea....Thân gần  giống như cây dừa nhưng chúng cao và thọ hơn nhiều, nếu cây trên 100 năm tuổi có thể cao tới 30m. Lá thốt nốt có hình chân vịt dài khoảng 2-3m, cuống lá tựa như mo cau xếp xung quanh thân . Hoa nhỏ, mọc thành từng chùm dày đặc thuộc loại đơn tính. Quả lớn màu nâu hoặc màu hạt dẻ hình hơi tròn, xẻ ra bên trong có 3 múi . Gọt lớp bao lụa bên ngoài sẽ lộ ra múi bên trong có màu trắng hơi dẽo ăn rất ngon nên thường được mọi người ưa chuộng. Nếu kết hợp với nước thốt nốt lấy từ trên cây sẽ là một loại hình giải khát có tác dụng giải nhiệt và bổ sung nhiều loại vitamin cho cơ thể.
Từ “thốt nốt” có nguồn gốc từ tiếng Khmer là “th’not”. Dân địa phương đôi khi đọc trại ra thành thốt nốt riết nên quen. Loại cây này được sử dụng toàn bộ không sót một thứ gì : thân cây già trên 50 tuổi được đánh bóng để đóng bàn ghế, làm đũa.., lá dùng lợp nhà thay lá dừa  tại các phum sóc, trái làm nước giải khát còn nếu chín thì dùng để tạo hương cho bánh bò thốt nốt nổi tiếng ở vùng Bảy núi , nước có thể cho lên men để làm rượu thốt nốt gọi là rượu arac hoặc cô đặc lại để làm nên loại đường thốt nốt. Ngoài ra nghệ nhân Võ văn Tạng  huyện Thoại Sơn còn dùng lá thốt nốt sấy khô ghép lại để tạo nên một loại hình tranh nghệ thuật bằng lá thốt nốt nổi tiếng trong và ngoài nước. 

 
Hình 2 :  Tranh gia đình hổ ghép bằng lá thốt nốt.

Câu chuyện làm ra đường từ cây thốt nốt này là cả một huyền thoại được đồng bào Khmer truyền tụng qua nhiều đời. Chuyện kể rằng có một người nông dân chăn bò nằm nghỉ trưa bên dưới cây thốt nốt. Đang thiu thỉu ngủ, ông ta bổng giật mình tỉnh giấc vì có một giọt nước ngọt lịm từ trên cao rơi xuống ngay miệng mình. Ông lồm cồm ngồi dậy dáo dác nhìn quanh vẫn không phát hiện được điều gì. Tò mò ông trèo lên cây xem thử mới biết rằng những giọt nước vừa rơi xuống xuất phát từ đọt của cây thốt nốt bị gãy ngang. Ông vội vàng mang ống tre đựng nước uống của mình lên hứng những giọt nước do trời ban tặng đem về nhà khoe với vợ con. Vì vậy từ đó đến nay người dân vẫn giữ tập quán dùng ống tre làm phương tiện hứng nước thốt nốt từ trên cây xuống. Do nước thốt nốt để lâu ngày sẽ bị lên men chua không dùng được, đồng bào Khmer mới nghỉ cách chế biến thành rượu và cô đặc lại thành đường tán như hiện nay.

Hình 3 : Nấu dường thốt nốt từ nước thốt nốt.

Giải thích tại sao mà trước đây nước thốt nốt trước đây có mùi vị đặc trưng của khói xông, một người sống lâu trong nghề làm đường thốt nốt giải thích rằng : do ống tre chứa nước thốt nốt dễ bị hư hỏng do bị chất đường thấm vào và mối mọt hủy hoại khi qua mùa lấy nước nên người dân nãy ra sáng kiến dùng hơi nóng những lỗ thông gió nơi lò nấu đường để sấy khô các ống tre này. Vì vậy nước thốt nốt có mùi đặc trưng của hơi khói từ lò nấu đường này. Đến nay nông dân đã chuyển sang việc dùng ống cao su và bình nhựa để hứng nước còn ống tre thì chỉ phơi nắng nên mùi khói cũng mất theo. 

 
Hình 4 : Hoàn thành công nghệ nấu đường.
Công nghệ làm đường thốt nốt cũng lắm công phu và tùy theo tay nghề của người thợ mà chất lượng đường có thể khác nhau. Nước từ trên cây xuống phải được nấu để cô lại thành đường chảy ngay trong ngày bởi vì nếu để lâu thì dễ bị chua do quá trình lên men xãy ra bên trong nước thốt nốt. Lò được xây ngay bên trong nhà và có thể sử dụng nhiều nhiên liệu để chụm lửa như trấu, củi,than đá.... nhưng phổ biến vẫn là trấu bởi vì dễ tìm và giá thành hạ. Bí quyết ở chổ là nhìn độ sôi của đường là người thợ có thể biết được và điều chỉnh nhiệt độ của lò chính xác. Ngoài ra bằng trực giác người thợ chỉ cần nếm nước thốt nốt cũng có thể biết được hàm lượng của đường bên trong và có thể tính được số lượng vôi thêm vào để khử độ chua của đường.

 
Hình 5 : Lấy tán đường ra khỏi khuôn.
 
Hình 6 : Đóng gói đường tán bằng lá thốt nốt.

          Bước thứ hai là đường chảy sẽ được bàn tay của người thợ chế biến thành đường tán để có thể vận chuyển dễ dàng và bảo quản được lâu. Công nghệ này tuy đơn giản nhưng cũng lắm công phu. Đường chảy được cho vào nồi và nấu chảy lng ra để loại bỏ những tạp chất trong quá trình sơ chế trước. Nhiệt độ của đường không được quá 80 C bởi vì nếu nhiệt độ quá cao thì đường sẽ bị caramen hóa và chuyển sang màu vàng sậm làm giảm chất lượng của đường. Người nấu phải khuấy liên tục và vớt lớp bọt lẫn những tạp chất bên trên lớp đường cho đến khi hơi nước bên trong đường bốc hơi và đường cô đặc lại thì mới ngừng. Đường lng được đổ thành từng tán hình trụ trong những khuôn được làm từ những lon sửa bò hay lon bia cắt thành hình vòng tròn đặt trên một nền phẵng. Quá trình nguội dần của đường trong tự nhiên cũng là lúc mà chúng kết tinh lại thành những tinh thể mịn. Nếu cắn thử một miếng đường thì cảm giác của vị ngọt và béo của những hạt đường thốt nốt tan bên trong miệng sẽ là một hương vị khó quên của những khách phương xa.Vì thế đường thốt nốt đã đi cùng với bè bạn khắp năm châu nhằm khẳng định đây là một đặc sản của vùng đất An Giang. Trong số những cơ sở làm đường nổi tiếng của thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang có thể kể đến cơ sở Ngọc Trang, Lan Nhi,.... Đường thốt nốt của cơ sở này đã xuất sang các nước như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc,Mỹ....rất được người dân ở đây ưa chuộng bởi hương vị độc đáo của nó. 
 
Hình 7 : Tác giả và anh Phóng, chủ cơ sở Lan Nhi, người làm ra tán đường kỷ lục 472kg.
Hình 8 : Trái thốt nốt được bày bán tại chợ Châu Đốc.
Trong những chuyến hành hương về miền Tây tham quan miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam để cầu lộc mùa xuân, du khách thường hay ghé qua chợ Châu Đốc để mua 2 đặc sản nổi tiếng là đường thốt nốt và mắm Châu Đốc. Những tán đường được gói bằng lá thốt nốt hay trong bao nhựa được hút chân không trông rất bắt mắt trên các cửa hàng khiến du khách không thể nào bỏ qua khi ghé thăm chợ Châu Đốc. Loại đường này nếu ăn cùng với dưa gang ướp lạnh sẽ là món giải nhiệt tốt nhất trong mùa nắng hạn. Cắn một miếng đường, và một miếng cơm nguội sẽ tạo một cảm giác khó quên trong lúc đói lòng. Nếu muốn kho cá hoặc nấu chè đậu xanh thì chọn loại đường chảy chứa trong những hủ nhựa nhỏ xinh xắn. Lúc đó nồi cá kho hay nồi chè sẽ có một hương vị độc đáo khác hẳn khi nấu bằng đường cát trắng.Mắm Châu Đốc nổi tiếng trong và ngoài nước cũng là nhờ được "chao" bằng loại đường thốt nốt này. Hương vị của đường thốt nốt tạo nên mùi vị đặc trưng của từng loại mắm như mắm thái, mắm lóc, mắm trèn, mắm sặc....mà những nơi khác không thể nào sánh kịp. Ngoài ra du khách còn có thể mua nguyên cả buồng trái thốt nốt hay nước thốt nốt đóng chai đem về làm quà cho người thân. Đây cũng là những kỷ niệm khó quên trong một lần ghé qua đất An Giang.
LÂM THANH QUANG

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Nét văn hóa trong lễ cưới của người Khmer Nam Bộ


NÉT VĂN HÓA TRONG LỄ CƯỚI
CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ
LTQ
Mùa cưới truyền thống của người Khmer Nam bộ bắt đầu từ  tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong. Đây cũng là lúc họ chuẩn bị cho lễ mừng năm mới (Chol-Chnăm-Thmây ). Những tập tục trong lễ cưới mang tính đặc thù của dân tộc mặc dầu ngày nay nó đã được đơn giản hóa nhiều và mỗi địa phương có cách thể hiện khác nhau, nhưng cái hồn của chúng vẫn được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Ngày xưa khi đường sá xa xôi cách trở, cô dâu và chú rể thường không biết mặt nhau mà chỉ thông qua người mai mối. Giờ đây, do có sự thúc đẩy phát triển, bảo tồn các phong tục, tập quán đẹp của các nền văn hóa dân tộc, họ có thể gặp mặt nhau trong các dịp lễ hội để làm quen và tìm hiểu nhau. Tình yêu có đất để thăng hoa đã mang lại cuộc sống lứa đôi hạnh phúc cho thế hệ trẻ ngày nay…
Khi chàng trai chọn được ý trung nhân của mình thì có thể nhờ người mai mối đến nhà gái để ngỏ lời và tìm hiểu về ngày, tháng, năm sinh của cô gái. Nếu nhà gái chấp thuận thì hai bên sẽ tiến hành lễ dạm ngỏ gọi là lễ Sđây-Đol-Đâng. 
Lễ vật nhà trai mang đến trong ngày lễ dạm ngỏ bao gồm : bánh, trái cây, trà, rượu, trầu cau...Mỗi thứ đều là số chẳn được sắp gọn ghẻ bên trong đôi gánh. Trong ngày lễ dạm ngỏ này, hai bên cùng thống nhất với nhau ngày tiến hành lễ hỏi ( Long-ma-ha) thường được tổ chức vào những tháng đủ theo âm lịch.
Đến ngày lễ hỏi, hai nhà mới chính thức thông báo cho họ hàng và láng giềng biết họ đã kết tình thông gia. Lễ vật từ nhà trai mang sang nhà gái thường là : 4 nãi chuối, 4 chai rượu, 4 gói trà, hai đùi heo, hai con vịt... Đôi khi nhà trai còn mang sang nhà gái hai gánh củi để nhà gái nấu nướng và tiếp đãi họ hàng. Ngoài những lễ vật trên, nhà trai còn trao cho nhà gái một số tiền để cô dâu sắm sửa quần áo trước khi tiến hành lễ cưới. Trong lễ này, ngày tháng tổ chức lễ cưới cũng được hai họ thống nhất với nhau. Sau lễ hỏi này, chú rể mới được nhà gái công nhận và có thể đến nhà gái để phụ giúp các công việc trong nhà như tập tục “ở rể” của người Việt.

 
H01. Đưa chú rễ sang nhà gái.

Do người Khmer theo chế độ mẫu hệ nên lễ cưới thường được tổ chức ở nhà gái và chỉ có lễ đưa chú rể từ nhà trai sang nhà gái chứ không có lễ rước dâu như người Việt. Lễ cưới  ( Pithi A-pe-pì-pe) trước đây được tiến hành trong 3 ngày, 2 đêm nhưng hiện nay tại nhiều địa phương đã rút gọn lại chỉ còn 2 ngày, 2 đêm. Những chi tiết rườm rà đã được bỏ đi mà chỉ giữ lại những nghi lễ chính như lễ đưa chú rể sang nhà gái, lễ cúng ông Tà, lễ cắt tóc, rắc bông cau, mời các nhà sư đến cầu nguyện, lễ xoay đèn, buộc chỉ tay, lạy ông bà, cha mẹ, nhập phòng.... Những nghi lễ này được thực hiện dưới sự điều khiển của ông chủ lễ là người hiểu biết những tập tục tại địa phương và có địa vị trong cộng đồng, dưới sự phụ họa của giàn nhạc dân tộc như trống Skô Chhay Dăm, cồng Kôông Môôn, đàn Trô Nguôk....
Nếu hai nhà ở cách xa nhau thì bên nhà trai có thể mượn nhà của bà con gần nhà gái để làm nơi rước chú rể sang nhà gái. Ngay từ sáng sớm, nhà trai dưới sự hướng dẫn của ông chủ lễ ( Acha Pêlea) và hai phụ lễ ( Maha ) mang lễ vật sang nhà gái để xin phép đưa chú rể sang. Ngoài những lễ vật thông thường như cốm dẹp, trái cây, chuối...nhà trai còn mang theo nữ trang và khăn quàng để tặng cô dâu trong ngày cưới và đặc biệt nhất là buồng bông cau ( bông cau còn nguyên trong bẹ ) được cắt theo hình cánh cung do chị, em gái của chú rể đích thân bưng. Tất cả được đặt bên trong một mâm mạ vàng hoặc bạc. Sau khi nhập gia và trình sính lễ xong, nhà trai xin phép nhà gái được đưa chú rể sang. Ông chủ lễ và trưởng họ nhà gái mang mâm trầu cau và mâm buồng cau sang nhà chú rể để làm lễ đón chú rể sang nhà gái.
Lễ vật chú rể mang sang nhà gái là đôi gióng : một bên là đầu heo còn một bên là thức ăn để cúng ông Tà. Trên đường đi, giàn nhạc dân tộc sẽ trình tấu những bản nhạc vui tươi để báo cho mọi người biết là lễ cưới đang tiến hành. Trước khi đến nhà gái, đám rước sẽ ghé qua miếu ông Tà nơi cây đa đầu làng để trình diện và dâng lễ. 

 
H02. Lễ cúng ông Tà.

Khi đàng trai sắp đến, nhà gái rào cổng lại bằng nhánh gai tượng trưng trưng cho sự trong trắng của cô dâu chưa tiếp xúc với thanh niên khác. Khi đến cổng rào nhà gái, ông Maha cầm thanh gươm gỗ múa 3 vòng để báo chú rể đã đến. Bên nhà gái sẽ đánh cồng báo hiệu cho nhà trai vào. Cô dâu cùng hai phù dâu trong trang phục dân tộc lộng lẫy cầm vòng hoa ra tiếp đón chú rể. Hai bên trao vòng hoa cưới và cùng bưng mâm buồng cau bước vào nhà. Giàn nhạc trỗi lên và mọi người cùng hát chúc mừng cô dâu, chú rể.

 
H03. Cô dâu ra đón chú rể.

 
H04 Cùng bưng mâm buồng bông cau.

Sau khi làm các thủ tục như làm lễ ra mắt ông bà, cha mẹ, trao nữ trang và khăn quàng cho cô dâu, lạy bàn thờ..., mọi người nghỉ ngơi để chuẩn bị cho lễ cắt tóc vào đầu giờ chiều. Một phụ lễ múa hát theo điệu nhạc đi vòng chung quanh cô dâu, chú rể ; thỉnh thoảng đưa chiếc kéo lên cắt tượng trưng vài sợi tóc trên đầu của hai người. Ý nghĩa của việc cắt tóc nhằm xóa bỏ những điều xấu xa ra khỏi cuộc đời của đôi trai gái này.
Tối đến, nhà gái sẽ mời các nhà sư tại các chùa trong địa phương và họ hàng thân tộc đến nhà để cầu kinh và chúc phúc cho cô dâu, chú rể. Đây là một nét đặc thù của người Khmer so với người Việt bởi vì các nhà sư người Việt chỉ đến với gia chủ khi có tang sự chứ ngày cưới hỏi thì không bao giờ họ đến dù đó là người thân trong gia đình. Cô dâu chú rể ngồi đối diện với các nhà sư còn bà con họ hàng thì quây quần ở chung quanh. Tất cả cùng chắp tay cầu nguyện với lòng thành kính. Khi lễ cầu kinh, các khách mời sẽ rắc những bông cau lấy từ buồng bông cau sính lễ  lên đầu cô dâu chú rể để chúc phúc cho hai người sẽ sinh con cháu đầy đàn. Ông chủ lễ sẽ hướng dẫn cô dâu, chú rể cách cư xữ giữa vợ chồng với nhau và gia đình hai bên. Cô dâu chú rể sẽ cùng nhau lạy tạ trời đất ở bàn thờ được đặt nơi trước sân.
Bước sang ngày hôm sau mới là lễ chính thức của ngày cuới. Trong ngày này những nghi lễ quan trọng mới được tiến hành như lễ xoay đèn, lễ cột chỉ tay, lễ nhập phòng.....

 
H05 Lễ xoay đèn.

 Lễ xoay đèn ( Bơt-veng-nunl) là niềm hãnh diện cho gia đình hai họ bởi vì nó tượng trưng cho sự trong trắng của cô dâu, chú rễ. Nếu hai người lở “ăn cơm trước kẻng” hoặc chấp nối thì sẽ không tiến hành lễ này. Những cặp có gia đình êm ấm, con cháu đông đúc sẽ được mời vào ngồi chung quanh cô dâu, chú rể, chuyền tay nhau cặp đèn cầy đang cháy trong lúc ông chủ lễ đọc kinh. Khi đèn cầy đã cháy hơn phân nữa thì buổi lễ mới chấm dứt. Đa phần, đồng bào Khmer Nam Bộ rất tin tưởng vào sự thiêng liêng của nghi thức này. Nếu lễ diễn ra suông sẻ thì đôi trai gái mới hạnh phúc đến “răng long đầu bạc”. Sau khi nghi thức xong, mọi người mới thở phào nhẹ nhỏm và chuyển sang lễ cột chỉ tay.

 
H06. Lễ cột chỉ hồng cho cô dâu, chú rể.


Trong lễ cột chỉ tay này, cô dâu chú rể cùng quì trên đôi chiếu hoa, cha mẹ hai bên sẽ dùng sợi chỉ hồng  cột hai ngón tay của cô dâu chú rể vào nhau dưới âm điệu du dương, tiết tấu vui nhộn của bài hát “ lễ Cột chỉ tay”. Kể từ đây hai người mới chính thức trở thành vợ chồng và cùng nhau “chia ngọt, xẻ bùi”. Bà con hai họ sẽ rắc nước hoa và trao quà chúc mừng cho cô dâu chú rể.
Làm lễ xong, cô dâu đi trước còn chú rể nắm vạt áo theo sau bước vào phòng hoa chúc. Tập tục này lưu truyền dựa vào tích xưa trong đám cưới của Hoàng tử “ Thóng” nơi trần thế với Công chúa “Niét” nơi thủy cung , hoàng tử phải nắm vạt áo của công chúa để rẻ nước xuống thủy cung.

Trước khi giả từ nhà trai về, hai gia đình sẽ cùng nhau dùng một buổi cơm thân mật. Trong buổi cơm này, cô dâu chú rể sẽ dâng cơm cho cha mẹ hai bên để tỏ lòng hiếu thảo. Không khí thân mật trong buổi cơm gia đình đầu tiên này sẽ là một kỷ niệm khó quên và là sự khích lệ cho hai người khi bắt đầu xây dựng một gia đình mới.

 
H07. Bữa cơm họp mặt gia đình đầu tiên.

 
H08. Điệu múa Lâm Thon do cô dâu, chú rể cùng các thanh niên trong làng biểu diễn.

Điệu múa Lâm Thon quen thuộc do các thanh niên nam nữ trong làng biểu diễn trên nền nhạc đệm dân tộc sẽ kết thúc cuộc vui ngày cưới. Điệu múa có sức hút kỳ lạ nên khi được mời ai cũng vui vẻ tham gia. Nhìn những bàn tay uốn cong nhịp nhàng, những nụ cười rạng rở trên khuôn mặt của những chàng trai, cô gái mới lớn, người già chợt nghĩ :  “Biết đâu trong thời gian tới ta có dịp tham dự một đám cưới nữa mà cô dâu chú rể chính là những đôi nam nữ đang quây quần bên nhau trong điệu múa này”… Đó cũng chính là dịp để những nét văn hóa truyền thống trong lễ cưới của người Khmer Nam bộ sẽ tiếp tục tỏa sáng, lưu truyền cho thế hệ mai sau....

LÂM THANH QUANG


 

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Về Ô Lâm Nghe điệu hát dì kê


VỀ Ô LÂM NGHE ĐIỆU HÁT DÌ KÊ
LTQ

Ô Lâm là tên một xã nằm sát biên giới Việt Nam- Campuchia thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang (nơi có nhiều người Việt gốc Khmer sinh sống) đã có nhiều thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nên được phong tặng là xã “Anh hùng”. Ngoài ra đây còn là nơi đã gìn giữ và bảo tồn hai loại hình nghệ thuật dân gian hát dì kê và giàn nhạc ngũ âm của người Khmer  .


Hình 01. Toàn cảnh chùa Chnôt- Chrôm tại xã Ô Lâm huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Khi nhắc đến nghệ thuật dân gian của người Khmer người ta thường liên tưởng đến những nàng vũ nữ xinh đẹp trong điệu múa Apsara. Thật ra Apsara là điệu múa cung đình,  tương truyền do các nàng tiên nữ từ trên trời bay xuống chúc thọ nhà vua trong những dịp lễ hội lớn như lễ đăng quang, lễ mừng thọ…. Về sau nó được lan truyền trong dân gian và trở thành một điệu múa không thể thiếu được trong các ngày lễ lớn của người Khmer như Chol Chnăm Thmây, Dolta…. Trong dân gian còn lưu truyền hai loại hình nghệ thuật khác là hát dù kê, dì kê cùng giàn nhạc ngũ âm trong những ngày lễ hội. 




Hình 02 : Phục trang cho các diễn viên hát dì kê do đôi vợ chồng nghệ nhân Chau Men Sa Ray
 và Néang Ok tự tay chế tạo.
Sự khác biệt giữa hai điệu hát dù kê và dì kê của người Khmer cũng tương tự như cải lương và hát bộ của người Việt. Một bên chủ yếu dùng ngôn ngữ qua các điệu hát , còn một bên dùng động tác của điệu múa để truyền tải nội dung. Chủ đề của điệu hát dì kê thường lấy trong những chuyện cổ dân gian Khmer như chuyện “chàng Tum và nàng Tiêu”, chuyện “ Lâm Rương”……hướng con người đến cái thiện, nói đến chân lý muôn đời : ở hiền gặp lành, kẻ ác sẽ bị trừng trị. Ngoài những phần cơ bản được qui định cho vai diễn như vai thiện hay ác, hoàng tử hay nông dân, công chúa hay thôn nữ…. tính cách của nhân vật sẽ do các diễn viên thể hiện một cách sáng tạo. Do đó điệu hát dì kê thực sự gần gũi với người Khmer ở nông thôn vì nó phản ảnh thực tế của cuộc sống. Giàn nhạc cho dì kê cũng đơn giản bao gồm trống Skô-Sôm-phô, đàn Tà Khê…cùng với các nhạc cụ khác như Guitar , trống…. đến từ phương Tây đã được cải biến cho phù hợp với điệu hát dì kê.
Đến thăm gia đình nghệ nhân Chau Men Sa Ray ở xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn tỉnh An Giang, ta mới có thể cảm nhận được sự đam mê “ dì kê” của người Việt gốc Khmer ở gần biên giới. Trong căn nhà cấp 4 của gia đình nghệ nhân Chau Men Sa Ray gần Ủy Ban Nhân Dân xã Ô Lâm, phục trang cho các diễn viên hát dì kê được lưu giữ cẩn thận. Những chiếc áo, mão lộng lẩy được đính kim sa, trang trí bằng những nét hoa văn độc đáo được xếp ngăn nắp bên trong tủ kính. Tất cả đều do đôi bàn tay khéo léo của đôi vợ chồng Chau Men Sa Ray và Néang Ok tạo nên.Với ba người gồm hai vợ chồng cùng với cô con gái Néang Kunh Thia đã dẫn dắt một đội gồm hơn 40 người để đưa “dì kê” giới thiệu với đồng bào trong cả nước biết đến loại hình nghệ thuật này.


Hình 03 : Đôi vợ chồng nghệ nhân Chau Men Sa Ray và Néang Ok trước nhà tại xã Ô Lâm,
 huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

 Lúc còn trẻ, vì yêu Néang Ok mà chàng trai Chau Men Sa Ray quyết tâm “tìm thầy học đạo”, sử dụng được nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác nhau để xin vào làm nhạc công trong đoàn hát dì kê của gia đình nàng Néang Ok. Nhờ đó chàng Chau Men Sa Ray mới được lọt vào mắt xanh của nàng. Kết quả là họ đã nên duyên chồng vợ và có được cô con gái Néang Kunh Thia xuất sắc không hề thua kém mẹ trong các vai diễn dì kê. Hiện nay cô là phát thanh viên tiếng Khmer của đài phát thanh huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Mặc dầu tuổi đã ngoài 50 nhưng trên gương mặt của Néang Ok vẫn còn đọng lại những nét duyên dáng của thời xuân sắc cùng với nụ cười hiền hòa. Ngoài việc phụ giúp chồng trong việc đồng áng, bà còn chăm lo đào tạo cho lớp trẻ loại hình nghệ thuật dì kê. Còn anh Chau Men Sa Ray thì tranh thủ chạy chiếc mô tô chở khách trong những ngày nông nhàn. Khi mùa gặt vừa xong, đêm đến trong nhà vợ chồng chị lúc nào cũng đông đúc người. Phần lớn thanh niên đến đây để tập dợt chuẩn bị cho chuyến lưu diễn mới khi mùa lễ hội bắt đầu. Đôi lúc Néang Ok cùng cô con gái Néang Kuhn Thia sánh vai nhau trong các điệu múa phục vụ cho những ngày lễ hội truyền thống của dân tộc Khmer.
Đoàn nghệ thuật dì kê xã Ô Lâm do vợ chồng anh Chau Men Sa Ray dẫn dắt đã từng đại diện cho tỉnh An Giang và đồng bào Khmer Nam Bộ tham dự các Liên hoan văn hóa dân tộc Khmer tại nhiều địa phương trong cả nước, tạo tiếng vang đến thủ đô Hà Nội và giành được nhiều giải thưởng. Những phần thưởng đó mặc dầu mang tính khích lệ nhưng  lại là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với họ và nhân viên trong đoàn. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ngọn lửa nhiệt tình vẫn sáng mãi trong tim, giúp họ nỗ lực giữ gìn giá trị văn hóa thiêng liêng của điệu hát “dì kê”.
 
Hình 04 : Néang Kunh Thia hóa thân thành tiên nữ trong điệu múa Apsara.
Nét đặc thù trong âm nhạc dân tộc Khmer chính là ở giàn nhạc ngũ âm. Nhạc cụ của người Khmer khác người Việt ở chỗ là họ dùng đủ mọi chất liệu như gỗ, đồng, gáo dừa, da bò, da trăn….  để tạo hình cho chúng. Giàn nhạc ngũ âm gồm có các loại nhạc cụ như nhạc cụ dây, nhạc cụ hơi và các bộ gõ. Nhạc cụ dây gồm đàn Khưm Tôch, đàn Chapây Chomriêng, đàn Tà khê, đàn Truô Nguôk….Nhạc cụ hơi có kèn Srolai Pinn Peat, kèn Srolai Rôbăm…. Còn các bộ gõ như trống Skô Samphô, trống Skô Đaey, đàn thuyền Rôneat Thung, cồng Kôông Vông Tôch …. Tùy theo điều kiện mà các giàn nhạc có thể chọn cho mình các loại nhạc cụ thích hợp nhưng có 4 nhạc cụ không thể thiếu là trống Skô Samphô, kèn Srolai Rôbăm , đàn thuyền Rôneat Thung và cồng Kôông Vông Tôch. Để sử dụng được các loại nhạc cụ này cần phải có sự kiên nhẫn của người luyện tập cùng với sự chỉ bảo tận tình của người hướng dẫn mới thể hiện hết được những nét tinh hoa của từng loại nhạc cụ.
Giàn nhạc ngũ âm thường kết hợp với điệu múa Rôbăm trong các ngày lễ hội của dân tộc Khmer. Trong điệu múa Rôbăm, múa là ngôn ngữ chính dùng để diễn đạt nên thường được gọi là kịch múa. Các vở kịch múa Rôbăm thường được lấy từ sử thi Ramayana của Ấn Độ . Những nhân vật chính trong vở kịch như nàng Se-Đa, hoàng tử Rama, hầu Vương Hanuman, quỷ Ravana… được các diễn viên khắc họa bằng những kỹ thuật điêu luyện, phối hợp nhịp nhàng giữa động tác của hông, lưng, cánh tay, bàn tay theo từng bước chân. Các động tác múa Rôbăm thường mô phỏng theo hình tượng các nàng tiên nữ Apsara tạc trên những phù điêu trang trí trong các ngôi chùa Khmer và các ngôi đền cổ như Angkor Thom, Angkor Wat….
 Trong các vở diễn Rôbăm gồm có hai loại nhân vật : các nhân vật như nhà vua, hoàng tử, công chúa thường không đeo mặt nạ đại diện cho phái thiện còn phái ác mà đại diện là chằn tinh thường phải mang mặt nạ cho dễ phân biệt. Ngoài ra còn có các vai hề xuất hiện khiến sân khấu trở nên vui nhộn. Tương tự như điệu hát dì kê, kịch múa Rôbăm do ảnh hưởng của Phật Giáo nên thường có nội dung phản ảnh cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, hướng con người đến cái thiện, toàn mỹ.
Sân khấu của đoàn hát dì kê và Robăm được dựng trên một bục cao, trang trí phong màn đơn giản. Khán giả thì ngồi dưới đất hoặc trên những chiếc ghế nhỏ mang theo hay mượn từ các quán nước ở gần đó, say mê theo dỏi tuồng tích. Rất hiếm khi có việc bình luận ồn ào làm phật ý người ngồi bên cạnh vì ai cũng thả hồn theo tiếng trống thúc lên mạnh mẽ trong những màn chiến đấu hoặc tiếng kèn ai oán khi nhân vật khóc than cho số phận. Khi kết thúc đêm diễn, họ quay về trong tiếc nuối và hẹn gặp lại vào đêm sau để tiếp tục câu chuyện còn đang dở dang. Có nhiều tuồng tích phải diễn mấy đêm mới hết nhưng người xem vẫn không bỏ cuộc giữa chừng.
Với mong muốn khôi phục lại giàn nhạc ngũ âm truyền thống, năm 2007 Sãi cả Chau Chanh Đa chùa Thnôt Chrôm xã Ô Lâm đã vận động người dân Khmer của xã Ô Lâm đóng góp hơn 33 triệu đồng để mua sắm nhạc cụ và mời thầy từ Campuchia về để dạy cho các em thiếu nhi Khmer trong xã cách sử dụng nhạc cụ trong giàn nhạc ngũ âm. Đây là những em mồ côi hoặc có hoàn cảnh khó khăn được nhà chùa mang về nuôi dạy. Sau buổi học văn hóa tại trường, các em được học cách sử dụng các nhạc cụ cổ truyền, những tiết tấu cơ bản không thể thiếu trong giàn nhạc ngũ âm cùng với việc ký âm các bài nhạc cổ truyền mà trước đây chỉ được truyền thụ bằng lời. Sau gần một năm chuyên cần học  tập, các em có thể trình diễn một cách thành thạo những bài nhạc cơ bản phục vụ cho những ngày lễ hội.  Lần đầu tiên được ra Hà Nội tham dự Liên hoan nghệ thuật và âm nhạc các dân tộc năm 2008, các em  được Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh khen ngợi. Đội nhạc ngũ âm của xã Ô Lâm đại diện cho An Giang đã mang về cho tỉnh nhiều bằng khen. Hiện nay đội nhạc ngũ âm xã Ô Lâm phục vụ miễn phí trong những lễ làm phước, các lễ cưới hỏi, lễ tết quan trọng của đồng bào Khmer, không chỉ trên địa bàn xã mà cho các xã lân cận. 
Hình 05 : Sãi cả Chau Chanh Đa cùng giàn nhạc ngũ âm thiếu nhi tại chùa Chnôt- Chrôm.
Trước sự phát triển ồ ạt của trào lưu âm nhạc mới với sự góp sức của các phương tiện âm nhạc điện tử hiện đại, các thanh niên dân tộc Khmer cũng thích dùng các giàn nhạc điện tử hơn là các nhạc cụ cổ truyền. Chỉ còn những người lớn tuổi là không quay lưng với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Nhìn ánh mắt đam mê của họ khi ngồi trên những chiếc ghế nhỏ ngoài sân diễn, lắng nghe từng lời nói, theo dõi từng động tác múa của diễn viên trên sân khấu ta cũng hình dung được sự yêu quí của họ đối với điệu hát dì kê và giàn nhạc ngũ âm. Mong ước của họ là có được sự đầu tư và hỗ trợ đúng mức để có thể bảo tồn những nét tinh hoa của âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ và truyền thụ lại cho thế hệ mai sau.
LÂM THANH QUANG

Tài liệu tham khảo :
Nhạc khí dân tộc Khmer Sóc Trăng của Sơn Ngọc Hoàng và các tác giả khác.