Trang

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2018

Những khám phá mới qua vi bằng bổ nhiệm Phó Suất Cơ Đỗ Đăng Tào





Những khám phá mới qua tờ vi bằng bổ nhiệm
Phó Suất Cơ Đỗ Đăng Tào

Đỗ Đăng Tào (杜登曹) nguyên quán tại Xẻo Bún  thuộc xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Xẻo Bún là tên một con rạch nằm giáp ranh giữa hai xã Mỹ Hội Đông và Kiến An thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Tổ tiên của ông từ miền Trung di dân vào đây kể từ khi Châu Đốc đạo do chúa Nguyễn thành lập vào năm 1757. Cha của ông là Đỗ Đăng Khoa nguyên là Khâm Sai Cai Cơ dưới triều vua Gia Long. Ông vốn là người giỏi võ nên khi đầu quân vào triều đình vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824) đã được bổ nhiệm làm Chánh đội trưởng đội thủy binh phụ trách tuần tiểu trên sông Châu Đốc và đánh dẹp giặc cướp tại vùng này. Khi người Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây, tàu Pháp đi qua đây để đánh thành Châu Đốc, ông tổ chức phục kích bằng cách giăng dây xích ngang sông để cản đường tại Mương Thủy nhưng việc bất thành. Sau đó ông lui về quê nhà mai danh ẩn tích và mất tại đó. 

H01 Vệ Thủy miếu phường Vĩnh Mỹ mặt trước hướng ra sông Châu Đốc.
Trong hành trình tìm hiểu về nhân vật lịch sử này hiện được thờ tại 2 Vệ Thủy Thần miếu ( một ở phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc và 1 tại quê hương của ông tại Mỹ Hội Đông);  chúng tôi được may mắn tiếp cận tờ vi bằng cấp cho ông giữ chức Phó Suất Cơ đội thủy binh tại  ngôi miếu Vệ Thủy ở Xẻo Bún, Mỹ Hội Đông. Cảm thông được sự gian nan của chúng tôi lặn lội đường xa đến đây, ông Lý Xuân Lịch, hậu duệ đời thứ 6 của ông Đỗ Đăng Tào đã bằng lòng mở bản gốc tờ vi bằng được lưu giữ tại đây để chúng tôi tham khảo. Rất tiếc là tờ vi bằng này do thời gian quá lâu ( trên 180 năm) nên đã bị hư hỏng nhiều, những người bảo quản lại dán giấy xung quanh bìa nên một số chữ ở dòng phía trên và dòng phía dưới cùng bị che lấp không đọc được. Ngoài ra một số chữ bên trong tờ vi bằng cũng bị bay mất. Tuy nhiên với những tài liệu tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, chúng tôi đã phục hồi được hầu hết những từ bị che mất và thiếu. Qua đó có thể giải mã được những vấn đề quan trọng về tên họ, chức vụ của ông cũng như những nhân vật có liên quan.

H02 Cổng tam quan hướng ra sông Châu Đốc.
Nguyên văn tvi bằng như sau :
討 逆 左 將 軍 永 順 侯 参 贊 大 臣 黎      爲 憑 給 事
安    平 奇 参 隊 正 隊 率 隊 仍 帯 承 恩 尉 革 留 杜 登 曹 前 因 南 圻 有 警 乃 能 勇 久 從 征                                                                                                                                         須 至 給 者
右 憑
  副 率 奇 杜 登 曹 據 此
明 命 拾 五 年 貳 月 貳 拾 捌 日.
Dịch âm :
Thảo Nghịch Tả Tướng  Quân Vĩnh Thuận Hầu, Tham Tán Đại Thần Lê   vi bằng cấp sự tư.
An Giang  An Bình cơ Tam đội Chánh Đội Trưởng Suất Đội nhưng đới thừa ân úy cách chức lưu Đỗ Đăng Tào. Tiền nhân Nam Kỳ hữu cảnh nãi năng củ tập hương dõng cửu tòng chinh tiễu. Kinh Lãnh Binh Lê Đại Cương bảo thỉnh vi quyền trí An Nghĩa cơ Ngoại Ủy Phó Suất Cơ, ứng cấp đội. Hợp hành quyền cấp văn bằng vi Ngoại Ủy Phó  Suất Cơ, hiệp dữ suất cơ viên, xướng suất đội dõng lệ. Tòng cai quản viên phân phái nhung vụ . Giá quan nhung chính yếu nghi huấn tề sĩ ngũ. Phấn phát phất cần hữu dư quân hiến tu chí cấp giả. (dấu ấn Tả Tướng Quân) 
Hữu bằng cấp.
Ngoại Ủy Phó suất cơ Đỗ Đăng Tào cứ thử. (dấu ấn Tả Tướng Quân) 
Minh Mạng thập ngũ niên, nhị ngoạt, nhị thập bát nhật.
Dịch nghĩa :
Nay Thảo Nghịch Tả Tướng Quân tước Vĩnh Thuận Hầu(1) , Tham Tán Đại Thần họ Lê (2) cấp bằng này.
 Đỗ Đăng Tào là Chánh Đội Trưởng suất đội thứ Ba thuộc cơ An Bình, tỉnh An Giang. Do trước đây Nam Kỳ có biến nên đã bị cách chức nhưng được ban ân lưu dụng lại; đã có công tập hợp những trai tráng trong làng dẹp giặc. Qua đó, Lãnh Binh Lê Đại Cương đề cử tạm giữ chức vụ Phó Suất Cơ An Nghĩa gọi là Ngoại Ủy  Phó Suất Cơ, tiếp nhận  đội. Để cho hợp lệ, nay tạm cấp văn bằng là Ngoại Ủy  Phó Suất Cơ, để điều động cơ viên tên gọi là Suất Đội dõng binh (5).  Theo đó trông nom người của mình trong việc quân. Ngay lập tức tập họp quân đội nơi biên ải kết hợp với việc huấn luyện binh sĩ theo khuôn phép. Hãy nỗ lực phấn đấu. Nếu mà chẳng siêng năng, thì đã có quân lệnh của ta.
Phần trên là bằng cấp.
Giao cho Phó Suất cơ Đỗ Đăng Tào làm bằng chứng.
Ngày 28 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 15 ( 06.04.1834 DL).
( Dấu ấn 討逆左將軍之印: Thảo nghịch Tả Tướng Quân chi ấn viết bằng chữ Triện).

(Hai dấu ấn nhỏ đóng phía dưới là dấu ấn 左將軍: Tả Tướng Quân viết bằng chữ Triện).


H03. Mặt sau Vệ Thủy miếu phường Vĩnh Mỹ.



H04. Vệ Thủy Thần miếu tại Xẻo Bún, xã Mỹ Hội Đông huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

H05 Thần vị Đỗ Đăng Tào tại Xẻo Bún.
Qua tờ  lệnh bổ nhiệm này, chúng tôi đã giải mã được một số vấn đề quan trọng sau :

1.   Phần đầu cột 1 thiếu 4 chữ Thảo Nghịch Tả Tướng trước chữ  Quân là chức vụ của Tống Phước Lương. Tước Vĩnh Thuận Hầu của ông được ghi trong tờ lệnh này nhưng trong các tài liệu khác lại không thấy ghi. Tham Tán Đại Thần tại thời điểm năm 1834 tại An Giang là của Lê Đăng Doanh chứ không phải là Lê Đại Cương. Lúc đó Lê Đại Cương bị giáng xuống làm Lãnh Binh ở An Giang do không giữ được thành Châu Đốc trong vụ Lê văn Khôi nổi loạn tại thành Phiên An. Ông chính là người đề cử Đỗ Đăng Tào giữ chức Phó Suất Cơ thủy binh An Nghĩa. Nội dung ấn đóng trong tờ lệnh này là “Thảo nghịch Tả Tướng Quân chi ấn” cũng đã xác định chức vụ này của Tống Phước Lương. Bên cạnh đó là hai dấu ấn nhỏ là dấu ấn quan phòng mang tên Tả Tướng Quân.  Đến giữa năm 1834 ông mới giao chức Tả Tướng quân lại cho Nguyễn Xuân.( Đại Nam Thực lục tập 4a)


H06. Ngôi mộ Đỗ Đăng Tào tại Xẻo Bún.
1.   Tên Đỗ Đăng Tào (杜登曹) được ghi trong tờ lệnh và bài vị của ông tại Xẽo Bún là chính xác chứ không phải là Đỗ Đăng Tàu như một số tài liệu đã nhầm lẫn. Trên  bia mộ của ông tại Xẽo Bún cũng ghi như vậy. Ngoài ra trong tài liệu đánh máy do ông Giáo Kim tại Tân Châu ghi lại cách nay đã lâu được ông Lê Công Thời đánh máy sang vi tính cũng xác nhận là Đỗ Đăng Tào chứ không phải là Đỗ Đăng Tàu.


H07. Ông Lý Xuân Lịch mở hộp chứa tờ lệnh.


H08. Chụp lại tờ lệnh bản gốc.


3.  Trong lúc ông giữ chức Chánh Đội Trưởng đội thứ Ba thuộc cơ An Bình tại Châu Đốc, vào giữa năm 1833 quân Lê văn Khôi chiếm thành Châu Đốc. Không giữ nỗi mặt đường sông do quân giặc quá mạnh, vì vậy ông bị cách chức Chánh Đội Trưởng ( cách chức lưu) nhưng sau đó xét thấy ông có có công cùng với trai tráng trong làng kết hợp với quân triều đình đẩy được quân Lê văn Khôi và quân Xiêm ra khỏi thành Châu Đốc nên được Lê Đại Cương lúc đó làm lãnh binh tại An Giang đặc cách đề cử ông tạm chức vụ Phó Suất Cơ phụ trách cơ thủy binh An Nghĩa tuần tiểu trên sông Châu Đốc và huấn luyện dõng binh tại địa phương. Cơ An Nghĩa là những đội bao gồm những trai tráng tại địa phương có nhiệm vụ giữ gìn trật tự, chống lại giặc cướp và hỗ trợ cho binh sĩ triều đình chứ  không phải là đội quân chính qui. Vì vậy chức vụ Phó Suất Cơ không nằm trong biên chế của các quan võ triều đình. Nó dưới chức Phó Quản Cơ và Quản Cơ quản lý khoảng 500 người. 


H09. Bản gốc tờ lệnh.



H10. Bản phục chế tờ lệnh.




H11. Bản phiên âm và dịch nghĩa tờ lệnh.

4.   Trong cột cuối của tờ lệnh ghi niên hiệu bị thiếu mất 3 chữ “ Minh Mạng thập” nên một số nhà nghiên cứu đoán là Tự Đức ngũ niên là không chính xác. Đúng ra nó phải là “ Minh Mạng thập ngũ niên….” bởi vì thời gian Tống Phước Lương giữ chức Tả Tướng Quân và Lê Đăng Doanh giữ chức Tham Tán Đại Thần khoảng giữa năm 1833. Do đó tờ lệnh ông ký cho Đỗ Đăng Tào là Minh Mạng thập ngũ niên ( 1834) chứ không phải là Minh Mạng ngũ niên(1824) hay Tự Đức ngũ niên ( 1852). Vào năm 1833 khi Lê văn Khôi nổi loạn tại thành Phiên An, vua Minh Mạng cho đúc 3 chiếc ấn: ấn Bình Khấu Tướng Quân giao cho lão tướng Trần văn Năng; ấn Thảo Nghịch Hữu Tướng Quân giao cho Phan văn Thúy còn Trương Minh Giảng làm Tham Tán Đại Thần; ấn Thảo Nghịch Tả Tướng Quân giao cho Tống Phước Lương còn Lê Đăng Doanh làm Tham Tán Đại Thần.




H12 Dấu ấn "Thảo Nghịch Tả Tướng Quân chi ấn" trên tờ lệnh.


H13. Dấu ấn " Thảo Nghịch Tả Tướng Quân  chi ấn" đã được phục chế.


H14 Dấu ấn " Thảo Nghịch Hữu Tướng Quân chi ấn" bị ghi nhầm là Thảo Nghịch Tả Tướng Quân.


H15. Dấu ấn "Tả Tướng Quân" trên tờ lệnh.


H16. Dấu ấn : Tả Tướng Quân" đã được phục chế.
5.   Dấu ấn được đóng trong tờ lệnh này là dấu ấn “ Thảo nghịch Tả tướng quân chi ấn” viết bằng chữ triện. Ngoài ra trên tờ lệnh còn 2 dấu ấn nhỏ nữa nhưng đã mờ. Qua việc đi điền dã vào ngày 24.03.2018 tôi đã tiếp cận được bản gốc của tờ lệnh này tại Vệ Thủy Miếu tại Xẻo Bún xã Mỹ Hội Đông . Nhờ chụp hình và xử lý hình ảnh tôi đã đọc được dấu ấn nhỏ này là dấu ấn quan phòng “Tả Tướng Quân” mà Tống Phước Lương đang nắm giữ.



H17. Tờ sắc chỉ đời Tự Đức nguyên niên cấp cho ông Đỗ Đăng Tào hiện được lưu giữ tại nhà ông Nguyễn văn Tuấn, phường Vĩnh Mỹ , TP Châu Đốc.

6. Qua những điều được giải mã trên chúng ta nhận thấy Đỗ Đăng Tào là một người có nhiều nghị lực, giỏi võ mặc dầu trình độ học vấn không cao. Ông tận tụy với nhiệm vụ của mình cùng với người bạn từ thuở thiếu thời là Lê văn Sanh mà ông tiến cử làm phụ tá cho mình. Lê văn Sanh sau này được phong làm Chánh Đội Trưởng đội thủy binh vào thời Thiệu Trị và sao đó đã trúng tuyển kỳ thi sát hạch để giữ lại chức này vào thời Tự Đức. Qua 2 tờ sắc chỉ được tìm thấy mới đây tại nhà ông Lê văn Khanh, tại chợ Tham Buôn, xã Mỹ Hội Đông cho thấy vào năm Thiệu trị thứ 6 (1846), ông Lê văn Sanh đã được đề cử làm Chánh Đội Trưởng Suất Đội Nội biền binh thuộc đội thứ 8 cơ Tiền. Vào năm Tự Đức thứ 16 (1863), ông Lê văn Sanh đã được đề bạt lên chức Bang Biện Phó Quản Cơ nắm giữ cơ Nội biền binh phụ trách an ninh đường thủy trên sông Châu Đốc.Tình bạn gắn bó giữa hai người trong việc tuần tra trên sông và tảo trừ giặc cướp đem lại an bình cho người dân địa phương trong suốt 3 triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức nên người dân không dám gọi tên thật mà chỉ gọi là ông Chánh Vệ Thủy và Phó Vệ Thủy. Ngoài chức vụ mà  địa phương  còn lưu giữ được của Đỗ Đăng Tào là Phó Suất Cơ vào năm Minh Mạng thứ 15, chúng tôi còn tìm thấy được tại nhà ông Nguyễn văn Tuấn nguyên là Chánh hội trưởng Vệ Thủy miếu tại Châu Đốc tờ sắc chỉ được cấp vào năm Tự Đức nguyên niên (1848) hiện do anh Nguyên Xuân Thu là con ông Nguyễn văn Tuấn lưu giữ, đã mất rất nhiều chữ. Qua việc đối chiếu với các sắc chỉ của ông Lê văn Sanh chúng tôi đã hiệu đính và phục chế lại tờ sắc chỉ này. Nội dung tờ sắc chỉ này là bổ nhiệm ông Đỗ Đăng Tào từ Phó Quản Cơ lên Thự Quản Cơ cai quản cơ Vệ Thủy tại Châu Đốc. Điều này chứng tỏ là người dân gọi 2 ông là Chánh Cơ và Phó Cơ  là đúng sự thật.   
7. Việc ông cùng với Lê văn Sanh gia nhập vào nghĩa quân của Quản cơ Trần văn Thành trong cuộc khởi nghĩa ở Bảy Thưa cũng là do người dân địa phương kể lại. Tuy nhiên trong hồ sơ về những người theo Quản cơ Trần văn Thành không có tên 2 người này. Thời gian ông rút quân về Láng Linh cách cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa khoảng 6,7 năm. Như vậy có khả năng hai ông lui về quê nhà mai danh ẩn tích và mất tại đó chứ không tham gia cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa. Ông Đỗ Đăng Tào mất vào ngày 19.06 âm lịch còn ông Lê văn Sanh mất vào ngày mùng 2.10 âm lịch không rõ năm. Ngôi mộ của hai ông lúc đầu nằm ở ngoài đồng trống, không có bia mộ. Mãi đến sau năm 1954, con cháu mới di dời ngôi mộ về gần nhà và lập mộ bia. Mộ của ông Đỗ Đăng Tào cũng vừa mới được trùng tu lại khang trang trong thời gian gần đây. Tại quê  nhà của Đỗ Đăng Tào, ngôi Vệ Thủy Thần miếu thứ hai cũng được con cháu của ông xây dựng , bên trong có đặt bài vị hai ông Đỗ Đăng Tào và Lê văn Sanh cùng với bản sao tờ vi bằng bổ nhiệm của của ông được đặt trang trọng trên bàn thờ.
Để tưởng nhớ công lao của hai ông, người dân tại Châu Đốc lập một ngôi miếu nhỏ bên bờ sông Châu Đốc để thờ. Ngôi miếu này lúc đầu chỉ đơn sơ bằng tre lá. Đến năm 1953, hai ông Hương chủ Đinh văn Học và Hương sắc Lê Công Hội mới vận động dân chúng trong vùng trùng tu lại ngôi miếu. Lần trùng tu cuối cùng vào năm 2013 để có được ngôi miếu khang trang như hiện nay.
Sau khi ngôi miếu được trùng tu vào năm 1953, Đỗ Đăng Tào có giáng cơ về ban cho hai câu đối :

奉 命 皇 朝 開 基 業
水 兵 敕 賜 在 邊 垂
Phiên âm:
Phụng mệnh Hoàng triều khai cơ nghiệp
Thủy binh sắc tứ tại biên thùy
Dịch nghĩa:
Vâng lệnh triều đình lập nên cơ nghiệp,
Được vua sắc phong Thủy binh ở chốn biên thùy.

衛 縂 基 圖 德 化 皇 朝 由 道 聖
水 城 社 稷 江 山 南 國 正 為 神
Phiên âm:
Vệ tổng cơ đồ đức hoá, hoàng triều do đạo thánh
Thủy thành xã tắc giang sơn, Nam quốc chánh vi thần
Dịch nghĩa:
Bảo vệ cơ đồ công đức, triều đình phong là thánh
Giữ gìn xã tắc giang sơn, nước Nam gọi là thần.
Ngoài ra trong miếu còn nhiều bức hoành phi do người dân cảm phục tài đức của hai ông gởi tặng như :
-    武 聖 平 賊 : Võ Thánh bình tặc (Thánh võ dẹp giặc cướp).
-   鈴 鎮 江 邊 : Linh chấn giang biên ( Chuông vang bên bờ sông).
-           :  Vĩ tí linh từ (  Đền thờ  người canh giữ bên sông).
-           : Đề đao định quốc ( Vung đao bảo vệ đất nước).
Việc xác định tiểu sử và công lao của hai ông Đỗ Đăng Tào và Lê văn Sanh tại Châu Đốc không chỉ là mối quan tâm của dân chúng mà còn là của chính quyền địa phương. Dự kiến sau buổi hội thảo này, thành phố Châu Đốc sẽ lấy tên của hai ông đặt cho tên đường tại Châu Đốc ; đồng thời tiểu sử của hai ông cũng được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để mọi người biết đến bởi vì những tư liệu về hai ông rất ít, chỉ những nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử của địa phương mới có điều kiện tiếp xúc với những tư liệu nêu trên. Đây cũng là cách để giáo dục các thế hệ trẻ giữ gìn truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, bảo vệ những di sản văn hóa mà tiền nhân đã dày công gây dựng.
                                                                                                 Lâm Thanh Quang.
Ghi chú.
Những chữ gạch dưới là những chữ bị mất, nhờ tổng hợp các tư liệu mới tìm ra được những chữ này.
(1)  Chức vụ Thảo Nghịch Tả Tướng Quân là của Tống Phước Lương, vào giữa năm 1834 ông mới trao chức vụ này cho Nguyễn Xuân ( Đại Nam Thực Lục tập 4a).
(2)   Chức Tham Tán Đại Thần tại thời điểm này là của Lê Đăng Doanh.
(3)   Ông được tập ấm chức vụ của cha nguyên là Khâm Sai Cai Cơ Đỗ Đăng Khoa nên khi đầu quân đã được giữ chức Đội trưởng đội Thủy Binh.
(4)   Ông giữ đội Thủy Binh bảo vệ đường sông cho thành Châu Đốc nhưng bị mất thành do lực lượng của quân Xiêm quá mạnh nên bị cách chức.
(5)   Đội An Nghĩa thuộc cơ An Bình là đội thủy binh có nhiệm vụ bảo vệ thành Châu Đốc và giữ gìn trật tự, đánh đuổi giặc cướp tại địa phương. Đội có khoảng 50 người là trai tráng tại địa phương với biên chế là Nghĩa dõng quân.

Tài liệu tham khảo :
1.     Bản gốc tờ lệnh cấp cho ông Đỗ Đăng Tào vào năm Minh Mạng thứ 15 (1834) tại Vệ Thủy thần miếu ở Xẽo Bún do ông Lý Xuân Lịch lưu giữ.
2.     Bản chiếu  chỉ cấp cho ông Đỗ Đăng Tào vào năm Tự Đức nguyên niên (1848) tại nhà ông Nguyễn văn Tuấn do ông Nguyễn Xuân Thu lưu giữ.
3.     Bản đánh máy tiểu sử Đỗ Dăng Tào và Lê văn Sanh do ông giáo Kim tại Tân Châu soạn cách nay hơn 50 năm và được ông Lê Công Thời đánh máy bằng vi tính.
4.     Bản sao tờ lệnh của Binh Thành Bá Trương Minh Giảng và Tham Tán Đại Thần Lê Đại Cương cấp cho ông Nguyễn Trường Cửu là  con của Tuyên Trung Hầu Nguyễn Tuyên được lưu giữ tại phủ thờ gia đình ở Cái Tàu Thượng.
5.     Ấn chương trên châu bản triều Nguyễn (1801-1945)  do cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1,  nhà xuất bản Hà Nội năm 2013.






































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét