Trang

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Hành hương về đất An Giang






 Hành hương về đất An Giang 

 Nếu ca khúc “Dòng An Giang” của nhạc sĩ  Anh Việt Thu cách nay hơn 50  năm vẫn còn  tươi nguyên sức sống, với những ca từ tươi vui và làn nhịp sinh động làm cho người nghe liên tưởng đến mạch chảy không dứt của dòng Mêkong từ thượng nguồn đang cuồn cuộn đổ về…  thì ngày nay, theo sức cuốn hút của dòng  chảy tâm linh, dòng người từ khắp bốn phương cũng đang  hối hả xuôi ngược về  đây một cách mãnh liệt. Họ hành hương về Núi Sam – Châu Đốc, An Giang như một tập quán vừa mạnh mẽ vừa thiêng liêng… !     
Nằm cách thị xã Châu Đốc khoảng 5 km, khu du lịch Núi Sam hiện ra nửa như gần gũi, nửa mang dáng vẻ xa xôi, huyền bí, bởi đó là nơi quy tụ cả một quần thể các đền miếu, lăng tẩm với những kiến trúc cổ đặc trưng, vừa mang đậm dấu ấn tâm linh, vừa lưu giữ nhiều huyền thoại gắn liền với các nhân vật hào kiệt thời khẩn hoang mở đất. Đó cũng là nơi khách phương xa dễ tìm được sự tiện nghi bởi những khu phố xá thương mại ngày càng trở nên hiện đại và sầm uất, nằm nép mình bên ngọn núi Sam uy nghiêm, sừng sửng trầm mặc cùng năm tháng. Điểm nhấn của quần thể di tích này là Miếu Bà Chúa Xứ (Núi Sam Châu Đốc), rất nổi tiếng và hàng năm có hàng triệu lượt khách hành hương đến tham quan, cúng viếng…



Hình 1 : Tượng bà Chúa Xứ núi Sam nơi chánh điện.

Lễ hội Vía Bà chính thức diễn ra vào các ngày từ 22-4 âm lịch đến 27-4 âm lịch. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, đã được khởi động ngay từ Tết Nguyên Đán và kéo dài đến hết tháng Tư âm lịch. Năm nay, lại nhuận hai tháng Tư, theo tín ngưỡng tâm linh của nhân dân trong vùng, đây là một năm nhiều may mắn, thuận lợi, dễ phát tài phát lộc… Riêng với du khách, do tâm lý vừa đi hành hương viếng Bà Chúa Xứ để tỏ lòng ngưỡng mộ, cầu an khang phúc lộc cho gia quyến, vừa có những chuyến du xuân vui vẻ, đã thôi thúc bước chân họ đổ dồn về An Giang như một dòng chảy tâm linh được định sẳn, bất di bất dịch. Những ngày này, hình ảnh từng đoàn xe khách chất lượng cao nằm nối đuôi nhau dài hàng cây số phía bờ Bắc của hai bến phà Vàm Cống và An Hòa, hai cửa ngỏ chính để vào đất An Giang, trở nên phổ biến. Gần như hầu hết những đoàn xe này đều có cùng một điểm đến : Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam. Cao điểm như ngày rằm và cuối tuần, khách hành hương phải chờ đến vài giờ mới qua được hai bến phà này. Vì vậy, nếu là xe nhà hay xe thuê bao thì họ thường chọn con đường qua cầu Mỹ Thuận và Cần thơ để đi dọc theo quốc lộ 91 đến An Giang, đường tuy dài hơn nhưng đỡ mất thời gian ngồi đợi qua phà.
Những nhà khảo cứu lịch sử cũng bị cuốn hút bởi những huyền thoại mang sức mạnh của ý chí hòa lẫn với tâm linh để thổi hồn vào cuộc sống, mà người xưa đã khéo léo sắp bày, chuyển cơ cùng con tạo. Qua đó, làm xuất hiện những nhân vật đầy uy lực và không ranh giới giữa vật thể và phi vật thể, cùng tồn tại song hành để điều hòa mối tương quan giữa con người và vũ trụ của một thuở hoang sơ… Truyền thuyết kể rằng, khi người dân đến khai phá vùng đất này, họ bắt gặp một pho tượng được đặt trên đỉnh núi Sam. Đó là tượng Bà Chúa Xứ ngày nay. Khi được dân chúng phát hiện và muốn mang tượng xuống núi để dễ dàng thờ phụng, nhưng hàng trăm thanh niên lực lưỡng cũng không thể lay động nổi bức tượng. Bà liền đạp đồng về xưng là Chúa Xứ Thánh Mẫu, báo cho dân làng biết rằng muốn đem bà xuống núi chỉ cần 9 cô gái đồng trinh khiêng đi. Quả thật, khi các cô gái đến khiêng thì tượng bà bỗng trở nên nhẹ nhàng. Khi đến vị trí miếu Bà hiện nay thì trời đã tối, mọi người hạ tượng xuống để nghỉ ngơi. Đến khi khiêng tiếp thì tượng bỗng nặng trịch, không nhấc lên được. Dân làng cho rằng Bà muốn ở lại đây nên lập miếu để thờ. Do truyền thuyết này, hiện nay, hàng năm vào ngày 22 tháng tư âm lịch, Ban quản trị Lăng miếu kết hợp với chính quyền sở tại tổ chức lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam về miếu. Lễ rước rất long trọng, trang nghiêm, có đầy đủ nghi thức cờ, lọng, hương án với hàng chục đoàn Lân sư rồng từ TP Hồ Chí Minh và địa phương cùng biểu diễn trong đám rước, chiêng trống rộn ràng . Từ sân miếu đến đỉnh núi nơi tượng Bà ngự trước đây tuy đoạn đường dài ngót 4 cây số, lại dốc cao quanh co, nhưng vẫn có đông đảo nhân dân từ các nơi về tham dự, đứng nghẹt hai bên đường, số lượng lên đến hàng chục ngàn người. Hai bên triền núi, thỉnh thoảng có những đoàn người thành kính  đặt lễ vật là mâm ngũ quả, bình hoa cúc, vạn thọ hoặc hoa huệ trắng, thắp hương khấn vái mong được chút ân huệ của Bà trong thời khắc mà họ cảm nhận sự linh thiêng đang hiện hữu…


Hình 2 : Rước áo mão Bà từ trên đỉnh núi Sam xuống miếu thờ.

Theo nhà khảo cổ Malleret (người Pháp) đến nghiên cứu tượng Bà vào năm 1941, thì tượng Bà chính là thần Shiva, là vị thần tượng trưng cho việc sáng tạo và tiến hóa của Đạo Bà La Môn xuất phát từ Ấn Độ. Những nghiên cứu đầy đủ hơn cho thấy, pho tượng có niên đại khoảng 2000 năm, mang dấu ấn của dân tộc Phù Nam (vương quốc này tồn tại từ đầu công nguyên đến thế kỷ thứ 7 thì bị suy thoái và sụp đổ, với thương cảng Óc Eo nằm ngay cạnh ven biển). Thời bấy giờ, giao thương chủ yếu bằng đường biển, và sự giao lưu về văn hóa và thương mại của Vương quốc Phù Nam và các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia.... đều thực hiện qua thương cảng Óc Eo khiến vương quốc này trở thành một đất nước hùng mạnh trãi dài từ vùng biển phía Nam đến khu  rừng nguyên sinh Nam Cát Tiên ở miền trung hiện nay. Người ta cho rằng, Tượng bà Chúa Xứ có thể được mang đến từ Ấn Độ trong những chuyến giao lưu về văn hóa và thương mại nêu trên bởi vì chất liệu của tượng Bà là loại đá “Son”, một loại đá có màu xanh sậm không có ở địa phương. Ngoài ra gần đây, các nhà khảo cổ còn tìm được dấu vết của một kênh đào chạy dài từ thị trấn Óc Eo của huyện Thoại Sơn đến chân núi Sam ở phía Nam. Có lẽ tượng Bà được vận chuyển từ Óc Eo đến núi Sam theo con đường này.
Truyền thuyết còn cho rằng, khi Thoại Ngọc Hầu vâng lịnh vua đến khai phá vùng này và đào kinh Vĩnh Tế từ Châu Đốc đến Hà Tiên, phu nhân của Thoại Ngọc Hầu là Châu Thị Vĩnh Tế đã đôn đốc dân công trùng tu ngôi miếu. Ngôi miếu này chính là chỗ dựa tâm linh cho những người xa xứ khi đến khai hoang ở vùng đất mới. Người xưa kể lại, để giải trí cho những dân công sau buổi làm việc cực khổ, ông còn cho thành lập một đoàn hát bộ lấy từ những lưu dân ở Quãng Nam, Bình Định. Hiện nay bên trong vòng thành lăng Thoại Ngọc Hầu còn có di tích của 14 ngôi mộ nằm bên góc trái của lăng, được cho rằng đây là những ngôi mộ của đoàn hát bộ đã theo ông trong hành trình khai phá đất phương Nam.   


 Hình 3 : Lăng Thoại Ngọc Hầu ( khi chưa trùng tu ) nằm đối diện
 với miếu Bà Chúa Xứ núi Sam.

 Ngoài yếu tố tâm linh, khách hành hương đến thị xã Châu Đốc còn được hưởng nhiều thú vui tao nhã khác nếu có được một tour du lịch đầy đủ với một hướng dẫn viên am hiểu địa lý lẫn văn hóa, phong tục, tập quán. Vốn là địa danh du lịch nổi tiếng trong cả nước với địa thế rất độc đáo “Tiền tam giang – hậu thất lĩnh” : Phía trước là ngã ba sông – Sau lưng tựa vào dãy Thất sơn, đã mang đến cho Châu Đốc nhiều phong cảnh thơ mộng, hữu tình. Bên cạnh đó, Châu Đốc còn có nền văn hóa  đa bản sắc từ sự  hội tụ tinh hoa văn hóa của  của bốn dân tộc Kinh, Hoa , Chăm, Khmer, được bảo tồn và phát huy để ngày càng tỏa sáng trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc và nhân loại.     

 

Hình 4 : Khách nước ngoài tham quan thị xã Châu Đốc bằng xe lôi kéo thùng.



Hình 5 : Khách nước ngoài đang mua sắm hàng đặc sản tại làng Chăm Đa Phước. 

Chuyến du hành có thể bắt đầu từ ngã ba sông, để đưa du khách đến tham quan làng Bè, làng Chăm, chợ nổi… Con đò máy ngang dọc giữa thiên nhiên phóng khoáng với không gian trời nước bao la, làn gió sông lồng lộng thổi vừa xóa tan mệt nhọc, vừa đưa du khách đi thăm thú những nét sinh hoạt đặc biệt của cư dân, để có thêm những khám phá, trãi nghiệm cuộc sống của người miền Tây sông nước ... Đây cũng là tuyến du lịch chính bằng đường thủy được nối kết giữa các hãng lữ hành quốc tế, đưa du khách từ thành phố Hồ Chí Minh ngược dòng Mê-kong sang Campuchia để tham quan đất nước chùa tháp và quá cảnh sang nước thứ ba…
Mặt khác, nếu du khách muốn khám phá vùng Thất Sơn huyền bí, thì từ Châu Đốc, chỉ với 40 km đường nhựa, có thể đến tham quan nhiều địa danh nổi tiếng khác, như khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư  ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, với đặc trưng đàn chim, cò hàng ngàn chủng loài cùng chung sống và được bảo tồn. Hoặc lên đỉnh Núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, nơi được mệnh danh là nóc nhà đồng bằng để thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên, thăm các chùa chiền, tận hưởng không khí trong lành, dịu mát suốt bốn mùa. Những năm gần đây, nơi này đang dần trở thành Khu du lịch nổi tiếng của ĐBSCL với nhiều công trình độc đáo như Tượng Phật Di Lặc cao trên 36 mét, các hồ trữ nước lớn như Thủy Liêm,được xây trên núi mang lại nguồn nước mát quanh năm và trợ sức cho ngọn suối Thanh Long hiền hòa là nơi dừng chân nghỉ ngơi, tắm mát của du khách …


Hình 6 : Tượng Phật Di Lạc cao 35m trên đỉnh núi Cấm. 

Từ trên đỉnh núi Cấm, khách hành hương có thể cúng bái và cầu cho gia đạo bình an tại hai ngôi chùa nổi tiếng bên hồ Thủy Liêm là chùa Vạn Linh và chùa Phật Lớn. Lịch sử của hai ngôi chùa này gắn liền với các câu chuyện kể về Thất sơn huyền bí.
Chùa Vạn Linh được các tín đồ của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dựng lên từ năm 1995.  Đây là nơi hòa thượng học đạo cùng hòa thượng Thích Thiện Quang cách nay hơn 70 năm. Lúc đó ngôi chùa chỉ là một mái lá đơn sơ gọi là chùa Lá. Đến năm 1993 một đệ tử cư sĩ của Hòa Thượng Thích Thiện Quang là ông Lâm Cáo Kia đến thỉnh cầu hòa Thượng Trí Tịnh xây lại ngôi chùa. Lời thỉnh cầu của ông được chấp thuận và với sự ủng hộ của các tín đồ chùa Vạn Đức ở huyện Thủ Đức TP Hồ Chí Minh là nơi hòa thượng Thích Trí Tịnh trụ trì, ngôi chùa này bắt đầu xây dựng và khởi công vào năm 1995 cho đến ngày 24 tháng 11 âm lịch năm 2003 là ngày giỗ của hòa thượng khai sơn Thích Thiện Quang thì các tượng Phật mới được an vị. Công trình được làm bằng xi măng cốt thép, trên lợp ngói sứ cao cấp, gồm: chánh điện, bảo các, lầu chuông, tháp Tổ, v.v... dưới sự phụ trách của thượng tọa Thích Hoằng Tri. Thời gian xây dựng kéo dài bởi địa hình phức tạp, phương tiện thiếu thốn, tất cả vật liệu được vận chuyển bằng tay vì lúc đó con đường lên núi chưa hoàn thành để ô tô có thể lên tận hồ Thủy Liêm như hiện nay. Đầu năm 2011, chùa Vạn Linh được nâng cấp và xây dựng thêm một tòa bảo điện cao 3 tầng nơi sân trước. Dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay vào lễ giỗ hòa thượng Thích Thiện Quang.


Hình 7 : Khách hành hương tham quan chùa Vạn Linh.

Chùa Phật lớn được xây dựng đầu tiên vào năm 1912 trên một nền đất rộng gần hồ Thủy Liêm. Sở dĩ có tên là chùa Phật Lớn là do trong chùa có một tượng Phật cao hơn 1,8 m. Chùa do ông Bảy Do ( Cao văn Long) vốn là một sĩ phu yêu nước dựng lên và tu hành tại đây. Bên ngoài là hành đạo nhưng bên trong ông tập hợp những người cùng chí hướng bàn việc chống Pháp. Sau khi ông bị bắt vào năm 1917, quân Pháp khủng bố các tín đồ nên chùa bị hoang phế không người trông coi.
Hiện nay chùa Phật Lớn được các tín đồ xây dựng lại trên nền cũ nằm trong tổng thể khu du lịch hành hương thuộc Lâm viên Núi Cấm rất rộng lớn, bao gồm khu chánh điện, nhà vọng chuông, khu nhà nghỉ....


 Hình 8 : Chùa Phật Lớn bên hồ Thủy Liêm.

Trong những ngày đầu năm , số lượng du khách đến tham quan núi Cấm lên đến hàng vạn người. Các đoàn xe của Du lịch lữ hành hoạt động liên tục để phục vụ du khách từ chân núi lên hồ Thủy Liêm cũng không xuể nên du khách đành phải sử dụng xe gắn máy của hợp tác xã để lên đỉnh núi tham quan. Không khí trong lành, dịu mát khiến ai nấy đều cảm thấy khỏe khoắn, và người ta thường truyền miệng rằng nếu ai ngủ đêm lại trên núi Cấm, còn có thể tăng cường sinh lực nhờ được hấp thu  hương liệu do hàng ngàn loại thảo dược thuộc hàng “kỳ hoa dị thảo” quý hiếm tỏa ngát ban đêm…
Chuyến hành hương khép lại khi chiều xuống để du khách quay lại chợ Châu Đốc mua sắm những loại đặc sản địa phương nổi tiếng như mắm thái, mắm lóc, mắm sặc.... và nhất là đường thốt nốt –  một sản phẩm đặc trưng của vùng Bảy Núi.  Với phong cách văn hóa, văn minh thương mại, bán hàng chất lượng và niêm yết giá rõ ràng nên chợ Châu Đốc còn là nơi lý tưởng để mua sắm, và hầu hết du khách đều không ngần ngại dốc  cạn túi tiền để mua hàng hóa về  làm quà cho người thân …
Từ đây đến ngày khai hội chính thức Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam vào tháng 4 âm lịch là cả một mùa sôi động của Châu Đốc - An Giang. Khách hành hương không chỉ có người bản xứ, mà cả những Việt kiều xa quê có dịp trở về cũng đến dâng hương tỏ lòng thành kính. Sự ngưỡng mộ cũng lan sang cả những du khách người nước ngoài khi họ tranh thủ đến để tìm hiểu về văn hóa tâm linh của người bản địa. Đây là điều kiện để góp phần vào việc bảo tồn văn hóa và phát triển ngành du lịch của địa phương ngày càng được tốt hơn.

LÂM THANH QUANG





 

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Những hình ảnh trong lễ Túc Yết và Xây Chầu tại miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam năm 2012


NHỮNG HÌNH ẢNH TRONG LỄ TÚC YẾT VÀ XÂY CHẦU  
MIẾU BÀ CHÚA XỨ NÚI SAM.
Lễ túc yết và xây chầu ( khai chầu ) là một trong những nghi thức quan trọng trong lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam bắt đầu vào lúc 0 giờ ngày 26 tháng 4 âm lịch. Theo những người xưa kể lại lúc Thoại Ngọc Hầu bị án oan, người dân đem linh vị của ông và hai vị phu nhân vào miếu Bà Chúa Xứ để thờ và hằng năm cúng bái theo nghi thức của Thành Hoàng. Do đó trong lễ hội miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, ngoài những nghi thức mang tính chất dân gian như lễ Phục hiện rước tượng Bà, lễ tắm Bà.... Các nghi thức khác tương tự như nghi thức cung đình trong lễ cúng Thành Hoàng ở miền Nam.
Dưới đây là một số hình ảnh trong lễ Túc Yết và Xây Chầu tại Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2012.



Hình 1 , 2 : Lễ vật do người dân các nơi đến cúng tại miếu Bà Chúa Xứ trong lễ Túc Yết.


Hình 3 : Heo trắng là một lễ vật không thể thiếu được trong lễ Túc Yết.


Hình 4 : Tượng Bà Chúa Xứ đã được thay áo mão mới sau lễ tắm Bà.



Hình 5, 6 : Các đoàn khách từ các nơi về đây dự lễ Túc Yết.


Hình 7 : Bàn thờ Hội Đồng cũng đã được chuẩn bị chu đáo để chuẩn bị làm lễ.


 Hình 8 : Đào thài trong đoàn hát bộ thắp nến hành lễ trước tượng Bà.


 Hình 9 : Chánh tế khám lễ vật có đạt yêu cầu hay không ?


 Hình 10 : Các bô lão phụ trách đánh mỏ, trống, chiêng làm lễ nhận dùi.


Hình 11, 12, 13 : Đánh mỏ, chiêng, trống.

 
Hình 14 : Các nhạc công trình diễn nhạc lễ.


Hình 15 : Chánh tế tẩy trần ( lau mặt ) trước khi làm lễ.


Hình 16 : Chánh tế hành lễ.


Hình 17 : Các bồi tế hành lễ.


Hình 18, 19 : Chánh tế niệm hương và rót rượu.


 Hình 20, 21, 22, 23 : Dâng rượu cúng Bà.


Hình 24 : Đọc biểu văn.


Hình 25, 26 : Chánh tế ca công tẩy trần và niệm hương.


Hình 27 : Đọc biểu văn 2.


Hình 28, 29 Chánh tế ca công niệm hương và vẽ bùa “Sát quỷ”.


Hình 30 : Chánh tế ca công lảnh dùi đánh trống chầu.


Hình 31, 32 : Chánh tế ca công đánh trống chầu.


Hình 33 : Đoàn hát bội đánh trống khai hội “Xây chầu”.


Hình 34 : Đánh trống chầu cho tuồng diễn.


Hình 35 : Tích Bàn cỗ  xuất thế.Lúc này vũ trụ vừa mới hình thành còn  là một khối khí hỗn độn.


 Hình 36 : Thái Dương cầm hình tượng mặt trời tượng trưng cho Hỏa.


 Hình 37 : Thái âm cầm hình tượng gương sen tượng trưng cho Thủy.


Hình 38 : Âm dương giao hòa bắt đầu hình thành lưỡng nghi ( nước và lửa) 
tạo tiền đề cho vũ trụ phát triển.



Hình 39 : Tam tài Phước Lộc Thọ tượng trưng cho Thiên, Địa, Nhân.


Hình 40, 41,42 : Tiết mục Tứ Thiên Vương chúc phúc trong “Trình tường Tập Khánh”,
 một nghi thức trong cung đình được lưu truyền trong dân gian.


Hình 43 : Mai, Lan, Cúc, Trúc tượng trưng cho 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
                     - Mã Xuân Mai mặc áo xanh, tượng trưng cho mùa Xuân hay hành Mộc.
          - Mã Hạ Lan mặc áo đỏ, tượng trưng cho mùa Hạ hay hành Hỏa.
                   - Mã Thu Cúc mặc áo trắng, tượng trưng cho mủa Thu hoặc hành Kim.
                        - Mã Đông Trúc mặc áo đen, tượng trưng cho mùa Đông hoặc hành Thủy.


Hình 44, 45 : Mã Viên mặc áo vàng, tượng trưng cho hành thổ 
ở giữa 4 nàng Mai, Lan, Cúc, Trúc.


 Hình 46, 47 : Thổ địa viết liễn chúc phúc.


Hình 48 : Khán giả ngồi dưới sân khấu say mê theo dõi tuồng tích.