Thoại Ngọc Hầu, công danh sự nghiệp và nỗi án oan .
LTQ
Nhân
kỷ niệm 180 năm này mất của Nguyễn văn Thoại (1761-1829) tước Thoại Ngọc Hầu
còn được gọi là Bảo Hộ Thoại : một danh tướng của triều Nguyễn đã có công trong
việc bảo vệ và khai phá vùng đất An Giang vào ngày mùng 6 tháng 6 âl; ngày
25/7/2009 tại thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang một cuộc hội thảo về thân thế và sự
nghiệp của ông đã được tổ chức với sự góp mặt của nhiều học giả từ hơn 30 tỉnh
thành về đây tham dự. Bên cạnh đó một lễ hội đường phố hoành tráng để đưa linh
vị của ông từ đình thần Châu Phú đến sơn lăng nằm dưới chân núi Sam cũng đã
được thực hiện lúc 17 giờ ngày 26/7/2009. Đây là tấm lòng của của người dân An
Giang đối với một vị công thần đã để lại cho người đời sau những công trình đã đi
vào lịch sử như đào kinh Thoại Hà, Vĩnh Tế và xây dựng con đường Châu Đốc tân
lộ kiều lương nối liền từ Châu Đốc đến núi Sam ... ; đem lại ấm no cho dân
chúng ở vùng đất Tây Nam bộ ngày nay.
Hình 01 Lăng Thoại Ngọc Hầu lúc chưa trùng tu.
Mở đầu cuộc
hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký hội Sử học Việt Nam đã đưa
ra quan điểm :
“ Để
đánh giá chính xác một nhân vật lịch sử phải đặt mình vào hoàn cảnh xã hội thời
bấy giờ. Cần phải đánh giá những mặt tích cực lẫn tiêu cực của nhân vật đó.
Tránh trường hợp chỉ nhìn thấy một mặt mà không nhìn thấy mặt kia, dễ dẫn đến
trường hợp làm sai lệch lịch sử...”
Hình 02 : Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại buổi hội thảo.
Hội thảo
xoay quanh 4 chủ đề chính : thân thế của Thoại Ngọc Hầu khi lưu lạc từ làng An
Hải huyện Diên Phước tỉnh Quãng Nam đến cù lao Dài tỉnh Vĩnh Long, nhân cách
của ông trên cương vị một nhà quân sự, ngoại giao và quản lý, những công trình để lại cho người đời sau và
nỗi án oan mà ông phải chịu đựng hơn 95 năm.
Hình 03 : Bia mộ Thoại Ngọc Hầu tại sơn lăng.
Tuổi thơ của
Nguyễn văn Thoại đã trãi qua những năm tháng loạn lạc trong cuộc chiến giữa
chúa Nguyễn và Tây Sơn nên phải lưu lạc từ Quãng Nam đến cù lao Dài bên dòng
sông Cổ Chiên tỉnh Vĩnh Long để lập nghiệp. Dầu không tốt nghiệp khoa cử nhưng
ông đã có một ý chí phấn đấu và tự học rất cao. Điều đó được thể hiện qua những lần đi sứ sang Lào,
Xiêm , lảnh ấn bảo hộ Cao Miên cùng với những công trình đào kinh Thoại Hà,
Vĩnh Tế và những bài bi ký ghi lại việc đào kinh Thoại Hà và Vĩnh Tế... Nổi bật
nhất là bài Tế Nghĩa Trũng Văn tỏ lòng biết ơn những nghĩa sĩ đã hy sinh trong
việc đào kinh Vĩnh tế.
Năm 16 tuổi
đã theo Nguyễn Ánh chống lại Tây Sơn,ông đã từng được phong là Thượng đạo Đại
Tướng quân vào năm 1799. Do tính tình rất ngay thẳng và rất trọng nghĩa khí nên
ông dễ làm cho nhiều người mến nhưng cũng làm mất lòng một số người. Tình bạn
của ông cùng với Thượng tướng Trần Quang Diệu của Tây Sơn cũng là một giai
thoại mà người đời sau thường truyền tụng.
Chuyện xưa
kể rằng lúc nhỏ ông và Trần Quang Diệu là bạn láng giềng chơi thân với nhau.
Khi hai người đang tắm trên sông Hàn thì gặp một viên quan sở tại đi ngang qua.
Nguyễn văn Thoại tinh nghịch té nước vào viên quan đó nên ông này tức tối nhảy
xuống đánh Thoại. Trần Quang Diệu vốn giỏi võ nên xông vào tiếp cứu và đánh
viên quan này một trận tơi tả. Cũng vì việc này mà cha mẹ Nguyễn văn Thoại là ông
Nguyễn văn Lượng và bà Nguyễn thị Tuyết mới cùng các con trốn vào Cù lao Dài
trên sông Cổ Chiên ( Vĩnh Long) và gia đình Trần Quang Diệu cũng bỏ xứ về quê
ngoại ở làng Trà Khê, nay thuộc huyện Ngũ Hành Sơn, tỉnh Quãng Nam, sau đó đầu
quân cho Tây Sơn. Khi gặp lại nhau ở hai bên chiến tuyến vào năm 1801, lúc từ
Vạn Tượng đánh vào Phú Xuân, nghe tin Trần Quang Diệu từ Qui Nhơn cầm binh ra
tiếp cứu ; Nguyễn văn Thoại giao binh quyền cho phó tướng là Lưu Phước Tường và
bỏ vào Gia Định. Vì vậy mà ông bị Nguyễn Ánh bắt tội không có lệnh của vua mà tự
tiện về, giáng xuống làm cai đội cai quản đạo Thanh Châu.
Khi vua Gia
Long thống nhất đất nước vào năm 1802, trong dịp khen thưởng những người có
công, ông cũng chỉ được phong làm Khâm Sai Thống binh cai cơ sau mới thăng làm
Chưởng cơ. Mặc dầu vậy ông vẫn một mực trung thành với vua mà không hề oán
than, phiền trách. Mãi đến mấy năm sau khi ra
Bắc tham gia thu phục Bắc thành, ông mới được phong chức Trấn thủ Bắc
Thành và trấn thủ Lạng Sơn rồi đến năm 1808 mới về trấn thủ Định Tường. Năm
1813 ông đưa Nặc Ông Chân về nước và ở lại nhận chức Bảo hộ Cao Miên. Bốn năm
sau ông mới được về trấn thủ Vĩnh Thanh ( 1).
Khi về trấn
thủ Vĩnh Thanh, nhận thấy nhân dân vùng An Giang phải gánh chịu trận lũ lụt
hàng năm kéo dài đến 6 tháng, đời sống cơ cực nên ông mới xin vua Gia Long cho
đào hai con kinh Thoại Hà và Vĩnh Tế để tháo nước ra biển Tây, giúp cho việc đi
lại dễ dàng và rửa phèn cho vùng tứ giác Long Xuyên để người dân yên tâm sinh
sống.
Hình 04 : Nhà hát tuồng Đào Tấn Đà Nẳng kỷ niệm 180 năm ngày mất Thoại Ngọc Hầu.
Kinh Thoại Hà
được khởi công vào đầu năm 1818 nối liền rạch Tam Khê (nay là sông Long Xuyên )
với ngọn rạch Giá Khê của Rạch Giá dựa theo những lạch tự nhiên đã có từ trước
nên công việc được tiến hành thuận lợi. Tổng chiều dài kinh này trên 30km nhưng
phần phần đào mới chỉ chiếm phần nhỏ, còn lại chỉ là nạo vét và mở rộng chiều
ngang. Vì vậy với số lượng nhân công đào khoảng 1500 người nhưng chỉ trong hơn
1 tháng đã hoàn thành. Đây là một công trình thủy lợi và giao thông dầu tiên
trên đất An Giang và là một cuộc tổng diễn tập cho việc đào kinh Vĩnh Tế vốn qui mô và gian khổ hơn nhiều.
Hình 05 : Đọc văn bia Thoại Hà sơn và Vĩnh tế sơn.
Hình 06 : Đọc Tế nghĩa trũng văn.
Khi công
trình hoàn thành, vua Gia Long khen ngợi và cho phép ông lấy tên kinh mới đào
là Thoại Hà và núi Sập đổi tên là Thoại sơn. Để đánh dấu công trình mang nhiều
ý nghĩa này, năm 1822 ông cho khắc bia Thoại Sơn và làm lễ dựng bia tại miếu sơn
thần trên triền núi .
Mặc dầu kinh
Vĩnh Tế được đào sau (năm 1819) nhưng với chiều dài hơn 90 km nối liền từ Châu
Đốc đến Giang Thành, Hà Tiên lại phải qua nhiều núi non nên chiếm rất nhiều
thời gian và công sức. Theo Tiến sĩ BS Châu Hữu Hầu nghiên cứu về kinh Vĩnh Tế
thì thời gian thực sự để đào kinh này chỉ hơn 10 tháng với tổng chiều dài phải
đào là 37.190m. Phần còn lại là chiều dài sẵn có của sông Giang Thành hơn 42km
và phần đầm , lung sẵn có trong tự nhiên như đầm Trích... cũng hơn 10km. Thời gian hoản đào là
43 tháng do nhiều nguyên nhân khác nhau như : Vua Minh Mạng lên ngôi, dịch tả
xuất hiện(2), loạn Sải Kế(3), dân Cao Miên bị đói, mùa nước lũ của sông Cữu
Long(4)..... Tổng số lượt nhân công trên 90.000 người nhưng lần huy động đông
nhất cũng chỉ trên 45.000 bao gồm cả dân quân người Việt và Cao Miên.
Việc đào
kinh Vĩnh Tế mang một tầm vóc chiến lược lớn lao bao gồm về quân sự,giao thông
lẫn thủy lợi. Về mặt quân sự, nó là vành đai biên giới ngăn cách giữa Việt Nam
và Cao Miên đồng thời giúp cho thành Châu Đốc và thành Hà Tiên có thể tiếp cứu
lẫn nhau khi có giặc. Việc đào kinh Vĩnh Tế giúp cho dân qui tụ về đây sinh
sống dọc theo hai bên bờ kinh và thành lập 5 ngôi làng từ Châu Đốc đến Giang
Thành là Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế, Vĩnh Thông, Vĩnh Gia và Vĩnh Điều. Một trong
những chiến lược quan trọng của kinh Vĩnh tế chính là xã nước lũ về biển Tây,
rửa phèn cho vùng Tứ Giác Long Xuyên. Công trình này vẫn còn tác dụng đến ngày
nay và được tiếp nối với sự chỉ đạo của cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt cho đào các kinh
T4, T5, T6 để chia nước cùng với kinh Vĩnh Tế xả lũ ra biển Tây. Tháng 5 năm
2009, kinh T5 được HĐND tỉnh An Giang thống nhất đặt tên là kinh Võ văn Kiệt để
tưởng nhớ công lao của ông đối với đất An Giang.
Đến năm 1824
kinh được hoàn thành và được mang tên bà Châu thị Tế (chính thất của ông) là
người có công rất lớn trong việc quản lý khâu hậu cần phục vụ cho việc đào
kinh.Có tư liệu cho rằng tên Vĩnh Tế được đặt trước khi đào con kinh bởi vì
kinh này đã có kế hoạch trước đó và chính Hiệp Trấn Hà Tiên lúc bấy giờ là Mạc
Công Du nhận nhiệm vụ khảo sát và vẽ lại bản đồ để gửi về Phú Xuân trình cho
vua Gia Long xét duyệt.
Việc đào
kinh được thành công tốt đẹp nhưng hơn 6000 nhân công đã bỏ thây nơi miền hoang
dã. Phần lớn chết vì bệnh dịch tả vào năm 1820-1823, số còn lại bị tai nạn
trong lúc lao động hoặc lâm cảnh “ hùm tha, sấu bắt”. Những người chết được
chôn dọc theo hai bờ kinh Vĩnh Tế đến nay đã mất dấu tích. Một số khác được qui
tập về chôn ở hai bên lăng Thoại Ngọc Hầu bao gồm những gia tướng và một số đội
trưởng chỉ huy công trình. Ông cho xây miếu Âm hồn dưới chân núi Sam cách lăng
hơn 500m để thờ những nghĩa sĩ đã hy sinh và làm bài Tế Nghĩa trũng văn để tri
ân những nghĩa sĩ này. Đây là một áng văn hay làm cảm động lòng người được
truyền tụng đến ngày nay.
.....Đào
kênh trước mấy kì khó nhớ,
Khoác
nhung y chống đỡ biên cương.
Xông
pha máu nhuộm chiến trường,
Bọc
thây da ngựa gởi xương xứ này.
......
Giờ ta vâng lệnh bệ rồng,
Dời
ngươi an táng nằm chung chốn này.
Chọn
đất tốt thi hài an ổn,
Cảnh
trời thanh vui nhộn cùng nhau.
Hằng
năm cúng tế dồi dào,
Tràn
trề lễ trọng dám nào để vơi....
Kinh Vĩnh tế
sau khi đào xong được vinh dự khắc vào Cao đỉnh (5) : một trong những củu đỉnh
đặt trước ngọ môn Huế. Thoại Ngọc Hầu cũng cho khắc bia Vĩnh Tế để ghi lại công
trình này. Tiếc rằng nguyên bản của bia đã bị thất lạc chỉ còn lại bia mới được
phục chế đặt tại Long đình trước sân lăng.
Sau khi kinh
Vĩnh Tế hoàn thành cũng là lúc hai bà vợ của ông qua đời ( bà Trương thị Miệt
mất năm 1821 còn bà Châu thị Tế mất năm 1826) chỉ còn lại mình ông. Ông cho xây
dựng sơn lăng dưới chân núi Sam để an táng cho hai bà và cũng để làm nơi an
nghỉ của mình sau này. Công trình này bắt đầu khởi công vào năm 1824 và hoàn thành vào năm 1828. Đây là một công
trình kiến trúc đậm nét văn hóa của lăng tẩm cố đô Huế , được bố trí hài hòa
với cảnh quan chung quanh. Bước lên những bậc thang được làm bằng đá ong được
mang từ Biên Hòa vào là một khoảng sân rộng và phẵng rồi mới đến hai cửa lăng
nằm ở hai bên. Lăng được bao bọc bởi một lớp tường thành dày hơn 1m, cao khoảng
hơn 2m làm bằng chất liệu hỗn hợp vôi, cát, mật đường và nhựa ô dước mặc dầu
trãi qua gần 200 năm nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Ngôi mộ của ông nằm ở chính giữa
sau bức bình phong còn hai vị phu nhân ở hai bên : nhìn từ trước vào thì mộ
chính thất Châu thị tế nằm ở bên trái còn thứ thất Trương thị Miệt nằm phía bên
phải nhỏ hơn và hơi lui về phía trước. Trong vòng thành sân lăng còn có 14 ngôi
mộ bằng ô dước của những thân nhân theo ông hy sinh trong thời gian đào kinh.
Có tư liệu cho rằng đây là mộ của gánh hát bộ Quãng Nam đã chết trong khi phục
vụ cho dân binh đào kinh Vĩnh Tế. Tuy nhiên đây mới chỉ là phỏng đoán chứ chưa
được kiểm chứng chính xác.
Ở hai bên
lăng còn có gần 100 ngôi mộ lớn nhỏ của các nghĩa sĩ chết trong lúc đào kinh
Vĩnh tế được qui tập về đây. Tiếc rằng một số ngôi mộ ở bên phải lăng vào đầu
thập niên 70 thế kỷ 20 đã bị phá bỏ khi xây dựng lăng miếu Khổng Tử còn phía
bên trái trở thành nơi trưng bày cây cảnh um tùm khiến khách tham quan khó tìm
lại những hình ảnh của những ngôi mộ xưa.
Năm 1826-1827,
ông huy động gần 4500 nhân công đắp con lộ từ Châu Đốc ( bắt đầu từ đình Châu
Phú ngày nay ) đến núi Sam dài 5km để người dân có thể đi lại dễ dàng và tránh
lũ trong mùa nước nổi. Con đường này qua 4 cây cầu bằng ván có thể cho xe ngựa
qua được. Đến nay chỉ còn lại 2 cây cầu tồn tại là cầu số 2 và cầu số 4 còn hai
cây cầu kia ( một ở đầu đường Cử Trị và một ngã tư quốc lộ 91) thì bị lấp từ
thời Pháp thuộc. Sau khi con đường hoàn thành ông đặt tên là Châu Đốc Tân lộ
kiều lương và lập bia ký dưới chân núi Sam để kỷ niệm. Bia này đến nay đã bị
thất lạc không còn dấu tích.
Trong những
năm cuối đời , mặc dầu đã mõi mệt nhưng ông cũng cố gắng hoàn thành con đường
từ Châu Đốc đến Lò Gò để người dân có thể từ Châu Đốc đi thẳng đến biên giới
Cao Miên.
Ông mất vào
ngày mùng 6 tháng 6 âl năm 1829 tại thành Châu Đốc (6). Linh cữu của ông được
quàn tại thành hơn 1 tháng đề các quan chức và nhân dân các nơi đến phúng điếu
chia buồn, sau đó mới đem an táng tại lăng bên cạnh hai bà vợ đã mất trước đó.
Sau khi ông
mất thì xãy ra một oan án kéo dài đến 95 năm mới được giải oan. Sự việc này
cũng được các nhà nghiên cứu phân tích rất rõ trong buổi hội thảo. Vào khoảng
năm 1830 Lê văn Duyệt sai Hình tào Võ Du đi kiểm tra tình hình dân chúng ở biên
giới. Võ Du không tra xét kỹ càng lại về tâu lại với Lê văn Duyệt rằng :
- Trong thời
gian làm Bảo hộ Cao Miên hay tự quyền quyết định, xen vào nội bộ của Cao Miên
khiến vua Cao Miên bất bình.Ông lại bắt dân phu Cao Miên đi lấy gỗ táu đem nộp mà
không trả tiền khiến dân tình thán oán.
- Khi cho
dân chúng khai hoang lập ấp ở hai bờ kinh Vĩnh tế lại tự tiện xuất của kho công
ra cho dân chúng vay mượn, sau đó mới xuất của nhà để trả lại.
- Lợi dụng
việc công để làm việc riêng như việc đắp đường từ Châu Đốc đến Núi Sam để đưa
linh cữu của vợ là Châu thị Tế đến chôn tại lăng.
Nghe Lê văn
Duyệt báo về với triều đình, vua Minh Mạng không tra xét rõ đã vội vàng quyết
định giáng ông xuống 5 cấp từ Chánh Nhất phẩm xuống Tòng tam phẩm (7), tịch thu
hết tất cả ruộng đất có được trong lúc đi khai phá. Hai con trai là Nguyễn văn
Tâm ( con bà Châu thị Tế ) và Nguyễn văn Minh (con bà Trương thị Miệt) mất chức
tập ấm và sợ bị tội đành phải trốn về quê.
Các công
trình của Nguyễn văn Thoại làm lúc đương thời cũng đành phải bỏ dỡ như miếu Bà
Chúa Xứ Núi Sam, chùa Tây An.....
Mấy năm sau
sự việc được xét lại mới thấy rằng những chứng cứ đưa ra hoàn toàn vô lý, không
rõ ràng :
-Với vai trò
là một sứ thần của nhà Vua trông coi việc Bảo hộ Cao Miên vì đường sá xa xôi
cách trở không thể mỗi chuyện gì cũng phải báo về. Vua Minh Mạng cũng đã có thư
khuyên nhủ Nguyễn văn Thoại hãy cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, đừng chán nãn mà
xin từ chức. Thư này hiện nay vẫn còn được lưu trữ tại gia đình ông Nguyễn Khắc
Mi và bà Nguyễn Hồng Diệp tại thị xã Châu Đốc cùng với sắc phong của vua Minh
Mạng cho cha và mẹ của Nguyễn văn Thoại là ông Nguyễn văn Lượng và bà Nguyễn
thị Tuyết. Gia đình này là một chi nhánh của dòng họ Nguyễn Khắc ở cù lao Dài
là hậu duệ của bà Nguyễn thị Tuyết. Việc cho là ông lợi dụng dân phu Cao Miên
đi lấy gỗ táu cũng được sự xác nhận của vua Cao Miên là người dân phu đã nhận
đủ tiền và gạo. Nếu ông tỏ ra chuyên quyền độc đoán trong việc bảo hộ Cao Miên
thì tại sao vua Cao Miên lại có nhã ý dâng 3 phủ Lợi ỷ Bát, Chân Sâm, Mật Luật
để cảm ơn ông ? Ông không dám nhận mà tâu rõ về triều đình và vua Minh Mạng
quyết định chỉ nhận đất của 2 phủ Chân sâm và Mật Luật còn tiền thu thuế của
người dân thì giao về cho vua Cao Miên giữ. Chính vì việc này mà vua Minh Mang
nghi ngờ ông cũng cố quyền lực của mình nơi biên giới nên mới để xãy ra vụ án
oan.
- Việc ông
tự ý xuất của kho công để cho người dân khai hoang vay sau đó mới đem của nhà
trả lại cũng xuất phát từ tấm lòng thương dân như con của ông. Khi người dân
mới bắt đầu khai khẩn, thu hoạch chưa được gì thì làm sao ông nở đứng nhìn
người dân chết đói ?
- Việc đắp
đường Châu Đốc Tân lộ kiều lương bắt đầu khởi công vào tháng chạp năm 1826 tức
sau ngày bà Châu thị Tế mất hơn 2 tháng thì làm sao có thể nói rằng ông lợi
dụng việc công để làm việc riêng. Vả lại kinh phí đắp đường này là do bổng lộc
của các quan địa phương cùng nhân dân đóng góp chứ không lấy của công một dồng
nào.
Mặc dầu sự
thể đã rõ ràng và Hình bộ xử Võ Du tội đồ về tội cáo gian nhưng vua Minh Mạng vẫn
nương nhẹ hình phạt bằng hình thức cách chức và phát đi Cam lộ gắng sức làm
việc để chuộc tội. Riêng đối với Nguyễn văn Thoại vẫn giữ y mức án cũ vì đã sai
dân Phiên làm việc riêng, sửa mộ, đắp đường. Điều này chứng tỏ rằng việc làm
của vua Minh Mạng là có chủ đích, sợ rằng sẽ xãy ra một Lê văn Duyệt thứ hai (8).
Ngoài ra mối nghi kỵ của vua Minh Mạng về quan hệ giữa Nguyễn văn Thoại và
Thượng tướng Trần Quang Diệu của Tây Sơn vẫn còn đó , “ thà giết lầm hơn bỏ sót”
nên nhà vua phải xuống tay mặc dầu vẫn biết rằng ông bị cáo gian.
Mãi đến năm
1924 dưới triều vua Khải Định, triều đình mới quyết định truy phong cho ông làm
Trung Đẵng Phúc thần làng Vĩnh Tế. Đình này mới được xây cất và sửa sang lại để
trở thành một di tích cấp tỉnh như ngày nay.
Đại diện của
hậu duệ Nguyễn văn Thoại đến từ Đà Nẵng đã tặng thị xã Châu Đốc bức ảnh nhà kỷ
niệm Thoại Ngọc Hầu tại làng An Hải Tây, huyện Sơn Trà, thành Phố Đà Nẵng mới
vừa hoàn thành vào tháng 5 năm 2009 này với kinh phí hơn 7 tỉ đồng. Một tin vui
nữa là ngôi mộ của Thượng Tướng Trần Quang Diệu cũng đã được đưa về an táng tại
đây. Cũng tại buổi hội thảo này hai hậu duệ của Nguyễn văn Thoại và bà Nguyễn
thị Tuyết lần đầu tiên gặp nhau, mừng mừng tủi tủi với những giọt nước mắt lăn
dài trên má.
Hàng ngàn
người dân đứng dọc theo hai bên đường từ Châu Đốc đến Núi Sam để đưa linh vị
Thoại Ngọc Hầu từ đình Châu Phú về đến lăng miếu. Lễ hội được phục chế với
những đoàn lân sư rồng mở đường, binh sĩ mặc áo lính thời xưa cầm cờ lọng và vũ
khí tiếp nối cùng với những đoàn xe ngựa chở các vị bô lão đi trước xe chở linh
vị. Đặc biệt là đoàn binh sĩ đi “cà kheo” là một công cụ quen thuộc của vùng
đất Nam bộ để đi trên đất sình lầy. Hình ảnh này khiến các du khách nước ngoài
ngạc nhiên và thích thú, máy ảnh trên tay cứ chớp sáng liên hồi.
Lễ đọc bia
kí Vĩnh Tế hà và Tế nghĩa trũng văn cũng đã được phục hiện với đoàn hát tuồng
từ Đà Nẵng vào. Giữa âm thanh lắng đọng tại sơn lăng, lời văn hùng hồn của bia kí Vĩnh Tế hà cũng như cảm động của
bài Tế Nghĩa trũng văn làm mọi người bồi hồi khi nghĩ đến công lao của bậc tiền nhân khi đến khai phá vùng đất
này. Tiếng gió thổi tựa như những linh hồn của nghĩa sĩ từ những ngôi mộ ở hai
bên lăng về đây hồi tưởng lại quảng đời gian khổ mà mình đã trãi qua.
“ Sinh
vi tướng, tử vi thần” , đó là tấm lòng của người dân An Giang đối với
người đã dành trọn cuộc đời mình để biến một vùng đất hoang vu thành nơi đô hội
như hiện nay. Bất chấp lệnh cấm của Triều đình Huế , sau khi ông bị án oan
người dân vẫn lén lút đem bài vị của ông về thờ tại miếu bà Chúa Xứ núi Sam và
hằng năm vẫn tế lễ theo nghi thức một Thành Hoàng cho đến ngày ông được giải án
oan. Hiện nay linh vị của ông vẫn còn được lưu giữ tại đình Châu Phú và hàng
năm vào ngày giỗ mới được rước về sơn lăng dưới chân núi Sam đối diện với miếu
Bà Chúa Xứ.
Việc tổ chức
lễ hội đường phố này cũng nhằm mục đích giáo dục cho thế hệ trẻ sau này những
hiểu biết về lịch sử của địa phương vốn không được chú trọng trong môn lịch sử
tại các lớp phổ thông. Mong rằng nó sẽ được nâng cấp thành lễ hội văn hóa cấp
vùng để có thể được phổ biến rộng rãi phù hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của
dân tộc Việt Nam.
Hình 07 : Xe đưa linh vị Thoại Ngọc Hầu từ đình Châu Phú về sơn lăng trong lễ hội
tôn vinh TNH năm 2009.
Hình 08 : Tái hiện hình ảnh quân lính đi cà kheo trong lễ hội tôn vinh TNH năm 2009.
Hình 09 : Xe ngựa tham gia lễ hội.
Khoảng đầu
tháng 9 năm 2009, công trình trùng tu lăng miếu Thoại Ngọc Hầu đã được tiến
hành sau khi có quyết định cho phép của Bộ Văn Hóa, Du lịch và Thể Thao và các
ngành chức năng trong tỉnh An Giang với kinh phí 10 tỷ đồng từ nguồn quỷ của
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam do Công ty TNHH Nguyễn Đỗ TPHCM tư vấn và thiết kế và
công ty Hà Phúc thi công. Việc thi công tiến hành theo 2 giai đoạn :
- Giai đoạn 1 với kinh phí 3 tỷ đồng bao gồm việc tu bổ các tường thành quanh lăng và
cổng lăng, mộ của Thoại Ngọc Hầu và hai phu nhân là Châu thị Tế và Trương thi
Miệt, lót lại nền lăng và ngôi đền phía sau lăng.
Hình 10 : Tường thành của lăng bị mục nát.
Hình 11 : Công nhân đang tu sửa cổng lăng.
Được xây dựng cách nay hơn 180 năm, các vách
tường thành bằng vôi cát cùng với nhựa ô dước xung quanh lăng đã bị xoáy mòn và
có nguy cơ đổ sụp. Các công nhân tiến hành dục những phần vôi đã bị phân hủy
một cách cẩn thận, sau đó mới dùng một lớp keo bắn vào để giữ vững kết cấu của
lớp vôi chưa bị phân hủy, tiếp đến mới dùng vôi tam hợp để tô lại. Tiếc rằng
nhựa ô dước hiện nay không còn tìm được nên phải dùng vôi tam hợp để thay thế
nhưng vẫn đảm bảo được tính bền vững và màu sắc cổ kính của tường thành. Vôi
tam hợp này gồm 3 thành phần là xi măng, vôi, cát theo công thức của người Pháp
khi xây dựng các công trình ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Sàn lăng và bên trong
đền thờ phía sau lăng sẽ được lót lại bằng đá ba dan lấy từ Thanh Hóa. Những
tấm bia phía sau cổng lăng cũng sẽ được phục chế lại và đặt ở trong nhà bia.
Thời gian dự trù thi công giai đoạn 1 là 4 tháng để kịp hoàn thành trước tết Nguyên đán 2010.
- Giai đoạn 2 với kinh phí khoảng 7 tỷ đồng bao gồm việc tiến hành trùng tu lại các ngôi
mộ chung quanh lăng, giải tỏa những nhà dân lấn chiếm quanh lăng, xây dựng nhà
bia và nhà trưng bày những di tích.
Hình 12 : Vị trí 1 phát hiện hầm tùy táng.
Hình 13 : Vị trí 2 phát hiện hầm tùy táng.
Hình 14 : Lăng Thoại Ngọc Hầu sau khi trùng tu.
Hình 15 : 14 ngôi mộ trong vòng thành đã được sửa sang.
Hình 16 : Sơ đồ phối cảnh công trình trùng tu lăng Thoại Ngọc Hầu.
Điều bất ngờ
là trong lúc thi công người ta khám phá
ra hai hầm
có chứa những di vật từ thời xây dựng ngôi lăng và đền thờ phía sau lăng gồm
những đồ dùng sinh hoạt thời xưa như chén, dĩa, tô cổ và một số nữ trang cùng
với vài thỏi kim loại màu vàng có niên hiệu từ thời Minh Mạng. Ngoài ra người ta còn tìm được áo
mão của ông Thoại Ngọc Hầu còn nguyên vẹn bên trong hầm phía phải sát ngôi mộ
của ông. Các nhà khảo cổ cho rằng đây là những vật dụng tùy táng của Ông và phu nhân Châu
thị Tế sau khi họ
qua đời. Đây cũng có thể là một tín hiệu của người xưa để dành
lại cho con cháu mai sau biết được những sinh hoạt của các bậc tiền nhân khi
vào khai phá vùng đất mới này. Hiện những di vật này đã được niêm phong và bảo
quản cẩn thận tại miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam trong khi chờ sự giám định của bộ Văn
Hóa, Du Lịch và Thể Thao và ngành Bảo tàng An Giang. Công trình xây dựng nhà bảo tàng
chứa những hiện vật này đang được khởi công và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối
năm 2012 để du khách và các nhà khảo cứu đến tham quan, tìm hiểu.
LÂM
THANH QUANG
Chú thích :
1. Trấn Vĩnh
Thanh bao gồm các tỉnh như Đồng Tháp, Vĩnh Long và các tỉnh nằm bên bờ Hậu
Giang như TPCần Thơ, Kiên Giang, An Giang...
2. Theo tư
liệu khảo cứu của TS Bác sĩ Châu Hữu Hầu thì vào khoảng năm 1817-1823 trên thế giới xãy ra trận dịch tả làm chết
nhiều người. Riêng tại Việt Nam số người chết khoảng vài trăm ngàn người chiếm
khoảng 5% dân số lúc đó. Do điều kiện sơn lam chướng khí, dinh dưỡng kém, vệ
sinh không đảm bảo... nên số người chết
vì bệnh dịch tả chiếm tỉ lệ rất cao trong số những người hy sinh khi đào kinh.
3. Sải Kế
vốn là một nhà sư người Cao Miên tự xưng mình là Phật Vương qui tụ một số người
Việt gốc Cao Miên nổi lên làm loạn, cướp phá khắp nơi làm dân tình thán oán
phải bỏ xứ mà đi. Triều đình cử nhiều người đi dẹp nhưng không thành. Cuối cùng
Nguyễn văn Thoại với mưu trí và lòng dũng cảm của mình đã bắt được Sải Kế xử
chém, toán cướp phải xin hàng.
4. Vùng An
Giang hàng năm phải chịu 6 tháng lũ từ đầu tháng 5 âl đến hết tháng 10 âl. Do
điều kiện đi lại khó khăn, không trồng lúa được nên người dân vào tháng này rất
đói khổ, việc đào kinh cũng phải dừng lại vì nước lũ.
5. Cao đỉnh
là một trong Cữu đỉnh được vua Minh Mạng cho đúc vào cuối năm 1835, hoàn thành vào năm 1837 trên đó có khắc những công trình
quan trọng, cùng với cây cỏ hoa lá biểu
tượng cho sự giàu đẹp ở mọi miền đất nước. Cữu đỉnh gồm :
- Cao Đỉnh: tương ứng với Thế Tổ Cao Hoàng Đế, vua đầu
tiên của triều Nguyễn có
niên hiệu là Gia Long.
- Nhân Đỉnh: tương ứng với Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế,
niên hiệu Minh Mạng.
- Chương Đỉnh : tương ứng với
Hiến tổ Chương Hoàng Đế, niên hiệu Thiệu Trị.
- Anh Đỉnh : tương ứng với Dực
Tông Anh Hoàng Đế, niên hiệu Tự Đức.
- Nghị Đỉnh : tưng ứng với Giản
Tông Nghị Hoàng Đế, niên hiệu Kiến Phúc.
- Thuần Đỉnh : Tương ứng với
Cảnh Tông Thuần Hoàng Đế, niên hiệu Đồng Khánh.
- Tuyên Đỉnh : tương ứng với
Hoàng Tông Tuyên Hoàng Đế, niên hiệu Khải Định.
- Dụ Đỉnh.
- Huyền Đỉnh.
Vua Dục Đức
và Hiệp Hòa vì chống đối với hai đại thần là Nguyễn văn Tường và Tôn Thất
Thuyết nên bị phế truất và bị giết, còn các vua Hàm Nghi, Duy Tân và Thành Thái
vì chống đối người Pháp mà bị phế truất và lưu đày nên không được chọn tên trên
cữu đĩnh. Riêng vị vua cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại cũng vậy, do từ bỏ
ngôi vua năm 1945 nên cũng không được cho là biểu tượng trên cữu đỉnh.
6. Thành Bảo
hộ tức là thành Châu Đốc ngày xưa nằm ở vị trí Doanh trại bộ đội Biên Phòng An
Giang hiện nay. Nó còn có tên gọi là thành CB vào thời Pháp và Mỹ . Ngày xưa
thành nằm ở vị trí ngã ba sông do cồn Tiên chưa được bồi như hiện nay. Vào
khoảng đầu năm 1970 khi sửa chữa thành người ta bắt gặp nền móng của thành cổ
nằm ở bên dưới.
7. Mỗi phẩm
hàm có hai bậc chánh và tòng. Giáng xuống 5 cấp tức là từ Chánh nhất phẩm xuống
Tòng tam phẩm chứ không phải là chánh ngũ phẩm như một số nhà khảo cứu nghĩ
lầm.
8. Lê văn
Duyệt vốn là thái giám theo phò Nguyễn Ánh lúc 17 tuổi. Ông đã cùng các tướng
lảnh khác giúp Nguyễn Ánh chiếm Gia Định, Phú Xuân và thu phục Bắc Thành. Ông
được phong chức Quận Công và trấn thủ Gia Định Thành hai lần : lần đầu từ
1813-1816, và lần sau từ 1820-1832. Ông có quyền hành rất rộng cai quản cả vùng
Bình Thuận và trấn Hà Tiên. Do ông chọn con của Hoàng tử Cảnh lên ngôi thay vì
Hoàng Tử Đảm ( vua Minh Mạng sau này) nên giữa ông và vua Minh Mạng xãy ra mối
bất hòa. Trong lúc đương thời, ông cho phép các thuyền buôn nước ngoài được tự
do buôn bán và các giáo sĩ Thiên Chúa được tự do truyền đạo nên khiến vua Minh
Mạng càng căm ghét. Sau khi mất, ông bị triều đình kết tội chuyên quyền và bị
xiềng mộ lại khiến người Gia Định thán oán mới xãy ra loạn Lê văn Khôi sau này.
Ngôi mộ của ông hiện nay ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh thường được gọi là
Lăng Ông Bà Chiểu, thường ngày được nhân dân trong vùng đến thắp hương cúng bái.