Trang

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Nguyễn Công Nhàn và việc đào kinh Vĩnh An Hà.


NGUYỄN CÔNG NHÀN VÀ VIỆC ĐÀO KINH VĨNH AN HÀ.

Mặc dầu ít được nhiều người biết đến so với kinh Thoại Hà nối từ Long Xuyên đến Rạch Giá được đào vào năm 1818 và kinh Vĩnh Tế nối liền Châu Đốc với Giang Thành (Hà Tiên)  được đào vào năm 1819-1824 do Thoại Ngọc Hầu Nguyễn văn Thoại chỉ huy với sự hỗ trợ của Tuyên Trung Hầu Nguyễn văn Tuyên và Điều Bát Nguyễn văn Tồn … ; kinh Vĩnh-An-Hà nối liền Tân Châu với Châu Đốc cũng là một tuyến kinh quan trọng về mặt quân sự và kinh tế đối với An Giang. Tên gọi đầu tiên của kinh này là Vĩnh-An- Hà là do người dân 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên cùng góp sức với nhau để đào dưới sự chỉ huy của Tuần phủ Vĩnh Long Nguyễn Tri Phương và Đốc bộ Châu Đốc Nguyễn Công Nhàn. Kinh này còn có tên là Long An Hà và cuối cùng là Tân Châu Hà dưới đời Tự Đức. Đối với người dân vùng Tân Châu, Châu Đốc, nó được gọi bằng tên dân gian là “Kinh Cũ” để phân biệt với kinh Xáng mới do người Pháp đào sau đó vào năm 1914-1918.


Nền nhà ngay tại đầu vàm kinh Vĩnh An Hà bị sạt lở vào cuối thập kỷ 90 thế kỷ 20.

Trước khi kinh Vĩnh An Hà được đào , việc thông thương giữa sông Tiền và sông Hậu chủ yếu thông qua sông Vàm Nao. Mỗi lần quân Xiêm La xâm lược nước ta, họ thường đi dọc theo sông Hậu đánh phá thành Châu Đốc rồi tiến thẳng tới sông Vàm Nao, vượt qua sông Tiền để đánh thành Gia Định. Cuối năm 1833, nhận lời yêu cầu của Lê văn Khôi tại thành Gia Định, vua Xiêm La sai tướng Chiêm Phi Nhã Chất Tri (Chao Phraya Bodin) và Chiêu Phi Nhã Phật Lăng (Phra Klang) đem 20 vạn quân cùng với 350 chiến thuyền, chia làm 5 đạo, theo nhiều hướng khác nhau đánh vào Châu Đốc, Hà Tiên. Sau khi hạ được thành Châu Đốc, Hà Tiên, chúng thẳng đường xuống đánh Vĩnh Long và thành Gia Định. Vua Minh Mạng phong cho Trần văn Năng làm Bình Khấu Tướng Quân hiệp cùng với các tướng Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân, Phạm Hữu Tâm, Tống Phước Lương dụ địch vào vùng Cổ Hủ ( 1) trên sông Vàm Nao và giết được tướng giặc Chiêm Phi Nhã Chất Tri tại đây.
Việc dời Tân Châu Đạo từ Cù Lao Giêng, Chợ Mới về vùng Long Sơn, Tân Châu trên sông Tiền vào năm 1818 khiến cho việc liên lạc giữa Tân Châu Đạo tại Long Sơn và Châu Đốc Đạo (thành Châu Đốc) ở ngả ba sông Hậu trở nên khó khăn. Mỗi khi có giặc đánh, việc tiếp ứng chậm trể vì từ Tân Châu phải vòng qua sông Vàm Nao mới đến được thành Châu Đốc còn từ thành Gia Định đưa quân vào tiếp cứu chỉ có con đường độc đạo qua sông Vàm Nao rất dễ bị quân địch phục kích tại đây. Là người nắm rõ tình hình thực tế tại địa phương, Đốc Bộ Nguyễn Công Nhàn đề xuất lên vua Thiệu Trị xin cho đào một con kinh nối liền từ Tân Châu đến Châu Đốc. Việc đào kinh này được khởi công vào tháng 10 năm Thiệu Trị thứ ba ( 1843) và hoàn tất vào cuối tháng 4 năm Thiệu Trị thứ năm ( 1845) . Số lượng nhân công được huy động trong việc đào kinh này hơn 3000 người từ các tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên dưới sự chỉ huy của Tuần phủ Vĩnh Long Nguyễn Tri Phương và Đốc bộ An Giang Nguyễn Công Nhàn. Kinh này có chiều dài khoảng 17 km, bề mặt trên rộng 30 m, bề mặt dưới rộng 15m và sâu 6 m (2).Để kỷ niệm việc đào kinh Vĩnh An Hà này, Nguyễn Công Nhàn cho khắc một tấm bia bằng chữ Hán  có ghi “ VĨNH AN HÀ- THIỆU TRỊ ĐỆ NGŨ- KIẾT NHẬT TẠO” đặt ở phía bên tả ngạn đầu kinh (3). Tiếc rằng sau này do đầu vàm kinh bị lở nên bia này rơi xuống sông không tìm được tung tích.
Mặc dầu về mức độ quy mô và tầm vóc chiến lược không bằng kinh Vĩnh Tế nhưng kinh Vĩnh An Hà cũng giữ một vai trò quan trọng về mặt quân sự cũng như kinh tế đối với miền Tây Nam Bộ.
1.Về mặt quân sự : tạo một con đường thủy thứ 2 nối liền từ sông Tiền đến sông Hậu mà không cần phải đi qua sông Vàm Nao. Khi chiến tranh xãy ra thì từ Tân Châu có thể vận chuyển quân lương theo kinh này đến sông Hậu rồi qua kinh Vĩnh Tế để tiếp ứng cho Hà Tiên. Việc phòng thủ biên cương và bảo vệ chủ quyền ở biên giới Tây Nam Bộ sẽ hiệu quả hơn so với lúc trước.
2. Về mặt kinh tế : nhờ kinh Vĩnh An Hà mà vùng đất hoang vu ở những cánh đồng Long Phú, Phú Vĩnh, Châu Phong….thuộc vùng đất Tân Châu xưa được dòng kinh mang nước ngọt, phù sa bồi đắp trở nên phì nhiêu. Vào những mùa nước lớn, tôm cá các loại vào đồng ruộng để sinh sôi nẩy nở đề rồi khi nước rút, chúng trở lại sông lớn ( sông Tiền và sông Hậu) góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản thiên nhiên, môi trường, nuôi sống những cư dân Việt và Chăm ở dọc theo 2 bờ kinh. Khi tuyến đường bộ Tân Châu- Châu đốc chưa được khai thông, đây là tuyến đường thủy nối liền Tân Châu với Châu Đốc.
Rất tiếc, do việc gấp rút đào kinh phục vụ cho việc vận chuyển quân lương , việc nghiên cứu địa hình chưa kỹ lưỡng nên vấp phải một số sai sót hạn chế chức năng của kinh Vĩnh An Hà. Nơi đầu kinh thông với sông Hậu tại ấp  Phủm Xoài thuộc xã Châu Phong nhằm ngay chỗ giáp nước, dòng nước chảy rất yếu nên lâu ngày bị phù sa bồi lắng khiến lòng kinh cạn dần, chỉ lưu thông được vào mùa nước lớn.
Vào thời gian thế chiến thứ nhất ( 1914-1918) người Pháp cho đào một con kinh xáng có tên gọi là “Kinh mới”  hay “ Kinh xáng Tân Châu” thuộc xã Tân An, băng qua xã Vĩnh Hậu dài hơn 9km, bề rộng 25m lúc mới đào nhằm đưa nước sông Tiền về sông Hậu và trở thành tuyến đường thủy chính nối liền Tân Châu- Châu Đốc , thay thế kinh Vĩnh An Hà đã bị bồi lắng không thể lưu thông bằng đường thủy được. Hiện nay do nước chảy mạnh  nên bề rộng của kinh này lên đến 100m.
Để nhớ ơn người  đã khai sinh ra kinh Vĩnh An Hà, người dân Tân Châu lấy tên Nguyễn Công Nhàn đặt cho con đường bên hữu ngạn bờ kinh và tên Nguyễn tri Phương đặt cho con đường bên tả ngạn.
Vào cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, đầu vàm kinh Vĩnh An Hà nối với sông Tiền bị sụp lở nghiêm trọng. Phố sá và ngôi chợ cũ ở gần bờ sông phải di dời đến địa điểm mới phía bên trong. Các nền nhà cũ  chỉ còn trơ ra những cột móng giữa nền trời xanh.
Ngày 10 tháng 8 năm 2009, chính quyền thị xã Tân Châu chính thức tiến hành việc động thổ và khởi công công trình san lấp kinh Vĩnh An Hà với chiều dài khoảng hơn 2km bắt đầu từ đầu vàm kinh nối với sông Tiền đến bệnh viện Đa Khoa Tân Châu và hình thành tuyến dân cư dọc theo hai bên bờ kinh. Phần còn lại thông với sông Hậu không nhận được nước từ sông Tiền nên trở thành con kinh cụt bị bồi lắng. Sau 164 năm tồn tại, kinh Vĩnh An Hà chỉ còn là hoài niệm trong lòng người dân.
Người dân vùng Tân Châu, Châu Đốc chỉ biết được Nguyễn Công Nhàn là người có công rất lớn trong việc đào kinh Vĩnh An Hà chứ ít ai nắm rõ tiểu sử của ông bởi vì còn nhiều vấn đề nghi vấn chưa giải mã hết được.
Nghi vấn thứ nhất là khi đào kinh Vĩnh An Hà chức vụ của ông là Tổng Đốc An Hà hay là Đốc Bộ An Giang ? Theo Đại Nam Thực Lục chính biên, ông được phong làm Tổng Đốc An Hà vào năm 1842 . Ngoài ra, nhà vua còn cho phép ông được đề chữ "Hùng Dõng tướng" trước họ tên mỗi khi viết công văn hay tấu sớ. Với chức năng này ông mới có đủ thẩm quyền đề xuất lên vua Thiệu Trị xin đào kinh Vĩnh An Hà. Đến năm 1844 ông bị tố là nhận hối lộ nên bị giáng xuống 4 cấp. Như vậy từ chức Tổng Đốc An Hà ông bị giáng xuống làm Đốc Bộ trong lúc việc đào kinh Vĩnh An Hà đang tiến hành. Trong năm  này, do vu cáo Nguyễn Công Trứ mua riêng đậu khấu và sừng tê khiến ông bị cách hết chức tước và làm việc dưới quyền của Tôn Thất Bá. Như vậy ông chỉ tham gia việc đào kinh Vĩnh An Hà trong giai đoạn đầu còn giai đoạn sau vì bị tội nên không thể tham gia được.
 Đến năm 1847 việc Chân Lạp đã tạm lắng yên. Xét công, nhà vua phong cho ông tước Trí Thắng nam, được trả lại thẻ bài "Hùng Dõng tướng" và được khắc tên vào cổ súng Thần uy phục viễn (cổ thứ tư). Sau đó, ông được cử làm Lãnh binh Bình Định.
Năm Tự Đức thứ 9 (1856), Nguyễn Công Nhàn được thăng Chưởng vệ, lãnh chức Tuần phủ Hà Tiên, kiêm Bố chính sứ.
Đầu năm 1859, quân Pháp hãm thành Gia Định, Tổng thống quân vụ là Tôn Thất Hiệp xin cho ông làm Đề đốc quân vụ để cùng chống ngăn quân xâm lược. Ngày 17 tháng 2 năm 1859, thành Gia Định thất thủ. Tháng 7,Nguyễn Công Nhàn được bổ làm Hộ lý An Giang, rồi Tổng đốc Định Tường.
Nghi vấn thứ hai là khi ông nhận chức Tổng Đốc Định Tường , chưa đến nơi thì thành Mỹ Tho đã rơi vào tay giặc Pháp. Ông phải thu thập quân binh về cố thủ ở Kiến Đăng chứ không phải là như lời tuần phủ Nguyễn Hữu Thành vu cho tội bỏ thành chạy, bị người đời lên án là hèn nhát như bài thơ của Học Lạc.
Có quan hùng dũng Nguyễn Công Nhàn,
Hùng dũng nhưng mà lại nhát gan.
Giặc tới Bến Tranh run lập cập,
Tàu vô Cửa Tiểu chạy bò càng.
Mưu thần trước biết ngang sông chắn,
Kế giữ sau toan đóng củi hàng.
Thất thủ muốn liều cho giữ tiết,
Ngặt vì con, vợ bận chưa an.
Việc ông bị vua Tự Đức cách hết chức tước là để che mắt quân Pháp vì lúc đó triều đình nhà Nguyễn đang cử Phan Thanh Giản sang Pháp để xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Tháng Giêng năm Tự Đức thứ 15 (1862), vua sai Đốc binh Nguyễn Công Nhàn làm Thương biện quân vụ Vĩnh Yên. Công Nhàn không tuân lệnh mà ở lại tiếp tục chiêu tập nghĩa dõng chống Pháp. Qua sự việc trên chúng ta thấy rõ rằng Nguyễn Công Nhàn không phải là người nhát gan, bỏ thành chạy trốn.
Theo lời truyền tụng trong dân gian vùng Long Hưng (Nước Xoáy) thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp. Hùng Dõng tướng quân Nguyễn Công Nhàn sau khi Định Tường thất thủ đã rút quân doanh về đây lập tổng hành dinh, chiêu tập nghĩa dõng để chống Pháp. Hiện nơi nầy còn địa danh Rạch Dinh là nơi ghe Ô, ghe Sa của ông thường ra vào nơi Tổng hành dinh. Nơi đây hiện còn ngôi mộ Hùng Dõng Đại tướng quân và các quan quân hầu cận trên địa phận ấp Hưng Thành Tây.
Trong buổi hội thảo về danh nhân Thoại Ngọc Hầu tại An Giang năm 2009 , nhà sử học Dương Trung Quốc đã phát biểu : “ Để đánh giá đúng đắn một nhân vật lịch sử, phải đặt mình vào hoàn cảnh xã hội của thời đó. Cần phải xem xét những mặt tích cực lẫn tiêu cực của người đó. Không nên phóng đại quá mức những mặt tích cực mà quên đi những mặt tiêu cực và ngược lại. Như vậy mới có một cái nhìn khách quan và đánh giá chính xác về nhân vật đó”.  Trường hợp Nguyễn Công Nhàn cũng vậy, chúng ta không thể vì những sai lầm mà ông mắc phải trong lúc làm việc mà quên đi công lao rất lớn của ông trong việc đề xuất đào kinh Vĩnh An Hà, giúp chúng ta bảo vệ biên cương và nâng cao đời sống của người dân ở hai bên bờ kinh. Mặc dầu đến nay kinh Vĩnh An Hà đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó, nhưng người dân vùng Tân Châu, Châu Đốc vẫn nhớ mãi trong lòng những kỷ niệm của thời thơ ấu bên dòng kinh tươi mát mang lại nguồn sống cho cư dân Việt và Chăm ở hai bên bờ kinh.
LÂM THANH QUANG.


Chú Thích :
(1)  Cổ Hủ : còn được gọi là Củ Hủ. Người Pháp gọi là Cu Hu là một địa danh trên sông Vàm Nao tiếp giáp với sông Tiền, Nay được gọi là vàm Thuận Giang.
(2) Quyển Tân Châu xưa của Nguyễn Nguyễn văn Kiềm do Huỳnh Minh biên soạn lại trang 124 ghi kinh này dài hơn 550 trượng, trên miệng rộng 6 trượng, dưới đáy rộng 3 trượng, sâu 9 thước ( thước cỗ ) Theo đơn vị đo lường của triều Nguyễn thì 1 trượng bằng 4m, 1 thước cỗ bằng 0,4 m. Như vậy chiều dài con kinh chỉ hơn 2km bằng với đoạn kinh vừa mới lấp tại Tân Châu, không đúng với thực tế là con kinh bắt nguồn từ chợ Tân Châu cũ đến ấp Phủm Xoài thuộc xã Châu Phong tiếp giáp với sông Hậu dài khoảng 17km.
(3) Khi Nguyễn văn Kiềm soạn quyển Tân Châu xưa vào cuối năm  1964 có ghi lại hình ảnh của bia Vĩnh An Hà đã chụp trước đó . Vị trí của bia Vĩnh An Hà nằm ở bên tả bờ kinh là bờ sông Tiền (trước mặt ngân hàng Agribank thị xã Tân Châu hiện nay). Với hình ảnh trên, có lẽ bia Vĩnh An Hà bị rơi xuống sông Tiền vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 20.
Tài liệu tham khảo :
01. Tân Châu Xưa do Nguyễn văn Kiềm biên soạn vào năm 1964 và Huỳnh Minh hiệu chỉnh lại xuất bản năm 2003.
02. Mấy lời chia sẻ từ dòng kinh Vĩnh An Hà của Lương Như Trung.(http://thatsonchaudoc.com/banviet2/LuongThuTrung/HoiKy/MayLoichiaSeCungVoiDongKinhVAH.htm)
03. Tiểu sử Nguyễn Công Nhàn https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Công_Nhàn.
04.Chiến thắng Cổ Hủ bài viết của Hoàng Vũ đăng trên e-news Đại Học An Giang.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét