Trang

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Đưa văn hóa Óc Eo hòa nhập vào di sản thế giới.

Đưa văn hóa Óc Eo hòa nhập vào di sản thế giới.


Nền văn hóa Óc Eo của Vương Quốc Phù Nam tồn tại từ đầu công nguyên đến thế kỷ thứ VII không chỉ tập trung ở các tỉnh thành vùng Nam Bộ của Việt Nam mà còn lan rộng sang phía nam của vương quốc Campuchia đến tận vùng Mê Nam của Thái Lan và một phần của bán đảo Mã Lai. Vùng Óc Eo – Ba Thê thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang được xem là đại diện của nền văn hóa này sau khi nhà khảo cổ L.Malleret công bố vào năm 1944  với một khối lượng đồ sộ về tư liệu, hiện vật cùng các di chỉ văn hóa, chứng minh rằng nơi đây đã từng là một đô thị cổ có thời kỳ phát triển rực rỡ. Từ năm 1944 đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu của Việt Nam và quốc tế về nền văn hóa Óc Eo, phát hiện thêm nhiều tư liệu quý giá về kiến trúc, tôn giáo,  văn hóa, các ngành nghề thủ công cùng với sự giao lưu thương mại giữa vương quốc Phù Nam với các nước khác trên thế giới.
Việc tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Óc Eo giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện về nền văn hóa này. Đồng thời, việc đưa văn hóa Óc Eo hòa nhập vào di sản thế giới sẽ tạo nền tảng để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội địa phương.  
(Oc Eo culture Funan Kingdom existed from the 1st century to the seventh century AD not only concentrated in the provinces of southern region of Vietnam, but also spread to the southern of  Cambodia , Me Nam region of Thailand and a part of Malaysia. Oc Eo-Ba The  of Thoai Son district, An Giang province is considered to be representative of this culture after archaeological L.Malleret announced in 1944 with a huge volume of documents and material and cultural vestiges, prove that this place was once an ancient town once flourished period. From 1944 to now, there have been many studies of Vietnam and international for Oc Eo culture, discovering valuable material of architecture, religion, culture, crafts and the trade exchange between the Funan Kingdom with other countries in the world.
Continued research, conservation and promotion of cultural heritage values ​​Oc Eo help us take a comprehensive view of this culture. At the same time, the introduction of the Oc Eo culture integrated into the world heritage will provide the foundation for development of tourism and contribute to the economic growth of local society).

I.Văn hóa Óc Eo qua sự phát hiện và nghiên cứu của các nhà khoa học.
1- Nền văn hóa Óc Eo là một trong những nền văn hóa đặc trưng của vùng Đông Nam Á :
Ngược dòng thời gian trở về đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, người ta đã ghi nhận việc phát hiện “kho báu Óc Eo” tại chân núi Ba Thê An Giang do người dân đi cày ruộng và trẻ chăn trâu tình cờ nhặt được khá nhiều vật quý, như chuỗi vòng đá quý, nhẫn vàng, bạc, và các đồ thờ cúng như tượng Phật, bình hương, nãi chuối bằng vàng v.v… nằm dưới lớp đất nông. Phát hiện này đã làm xôn xao người dân địa phương, gây nên một làn sóng  người từ nhiều nơi đổ xô đến đây để đào vàng.
Trước thực trạng đó, viện Viễn Đông Bác Cổ của chính quyền Pháp (EFEO) cử nhà nghiên cứu Louis Malleret chỉ huy nhóm khảo cổ đến tận nơi để khai quật các di chỉ được người dân phát hiện. Công trình này bắt đầu từ việc nghiên cứu thực địa vào năm 1941 và đến năm 1944 mới chính thức mang những di vật đào được về viện Bảo Tàng đặt tại Sài Gòn. Đây là một công trình khai quật và nghiên cứu khảo cổ học đồ sộ, thu được một lượng hiện vật cực kỳ phong phú và đa dạng, có tầm mức khoa học và lịch sử rất lớn. 
Óc Eo là tên gọi do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đề nghị đặt tên cho vùng di chỉ khảo cổ khi phát hiện, khai quật và công bố di tích Gò Óc Eo khu vực núi Ba Thê ( Thoại Sơn - An Giang). Cuộc khai quật khảo cổ học Óc Eo đã phát lộ một đô thị cổ, một trung tâm thương mại quốc tế có trình độ phát triển kinh tế, văn hóa và giao lưu vào hàng cao nhất thế giới trong 5-6 thế kỷ đầu Công nguyên. Qua nghiên cứu không ảnh và khai quật khảo cổ, các nhà nghiên cứu xác định được quy mô của thành cổ này và nhận định nơi đây là thị cảng Óc Eo của vương quốc Phù Nam - một vương quốc thịnh trị xuất hiện từ đầu Công Nguyên đến thế kỷ thứ VII, có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong vùng Đông Nam Á.
Sau năm 1945 do tình hình chiến tranh ở Việt Nam nên các nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo của Vương Quốc Phù Nam bị gián đoạn nhưng thỉnh thoảng người dân tại đây trong lúc làm ruộng cũng đã phát hiện một số hiện vật như tượng Phật, đồ gốm… của nền văn hóa này. Mãi đến sau năm 1975, với sự thành lập Ban Khảo cổ học ( nay là Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học) thuộc viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, việc khảo sát các di chỉ của nền văn hóa Óc Eo được tiếp tục. Các cán bộ của trung tâm này cùng với các nhà khoa học, cán bộ Bảo tàng tại các tỉnh đã tiến hành khảo sát, đào kiểm chứng hơn 90 di tích và khai quật hơn 20 di tích kiến trúc cổ của Nam bộ. Các di chỉ khảo cổ được khai quật từ nền văn hóa Óc Eo trãi rộng khắp Nam Bộ bao gồm các tỉnh thành như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai…với nhiều hiện vật được mang lên từ lòng đất cho thấy sự phong phú trong đời sống, tập tục văn hóa của người Việt cổ xưa (1).
Riêng tại tỉnh An Giang, di tích Óc Eo được phát hiện ở nhiều nơi, và tập trung dày đặc ở vùng trãi rộng từ cánh đồng Óc Eo đến phía đông núi Ba Thê huyện Thoại Sơn với diện tích khoảng  450 héc-ta. Từ năm 1944 đến nay, nhiều di tích ở khu vực này đã được khai quật như Giồng Xoài, Gò Cây Thị, Gò Da, Giồng Cát, Trung Sơn, Gò Út Trạnh, Nam Linh Sơn, Gò Cây Me, Gò Tư Trâm, Gò Út Nhanh, di chỉ Đá nổi… 

H01 : Bản đồ phân bố các di tích văn hóa Óc Eo tại An Giang.
( ảnh Lâm Quang Hiển).
Những đặc trưng tiêu biểu của nền văn hóa này thể hiện rõ nét qua bộ sưu tập di vật tái hiện sinh động đời sống văn hóa, vật chất của cư dân Óc Eo, như nghề làm gốm, nghề chế tác đá, nghề mộc, nghề đúc kim loại, nghề đúc thủy tinh và đỉnh cao là nghề kim hoàn. Đồng thời việc khai quật cũng phát lộ nhiều công trình kiến trúc đền tháp cùng với bộ sưu tập tượng thần của Hindu giáo như Visnu , Brahma, Shiva, Harihara…bằng đá. Bên cạnh đó còn có các tượng Phật bằng các chất liệu khác nhau như đá, gỗ, đồng, vàng… chứng tỏ ngoài Hindu giáo phổ biến tại địa phương, Phật giáo cũng ảnh hưởng rất nhiều trong đời sống tâm linh người dân trong vương quốc Phù Nam. Từ đây Phật giáo đã có ảnh hưởng đến miền Nam Trung Quốc. 

Hình 2 :Tượng thần Visnu bằng sa thạch. ( ảnh Lâm Quang Hiển ).

Khoảng những năm  535-545, nhà Lương đã cử một đoàn sứ bộ đến Phù Nam xin kinh Phật và thỉnh cầu cao tăng sang đây giảng dạy Phật pháp. Vua Phù Nam đã phái hòa thượng Ấn Độ tên là Paramatha đang hành đạo ở Phù Nam đem theo kinh Phật đến kinh đô nhà Lương tại Kiến Khang (nay là Nam Kinh) vào khoảng năm 546 (2).

Hình 3.4 : Tượng Phật bằng gỗ, đồng được tìm thấy tại Óc Eo.
Những linh vật được tìm thấy trong việc khai quật cũng khá đa dạng. Người ta tìm thấy các bộ Linga-Yoni bằng các chất liệu khác nhau như đá sa thạch, vàng và thủy tinh. Ngoài ra còn có các hiện vật như nhẫn vàng chạm hình bò Nandi, các mảnh vàng chạm hình thần, chữ Sanskrit… chứng tỏ nghề kim hoàn đã đạt đến trình độ khá cao.


Hình 05 : Bộ Linga-Yoni bằng sa thạch.(ảnh Lâm Quang Hiển).



Hình 06,07,08 : Những phù điêu hình mặt người, mặt hổ và vợ chồng thần Shiva bằng đá.

Nhà khảo cổ L.Malleret (Pháp) đã đào và thu lượm được khá nhiều chế phẩm thủy tinh, trắng và  màu như các xâu chuỗi làm đồ trang sức, bộ Linga-Yoni bằng thủy tinh…. Một thời gian dài, nhiều người (trong đó có cả L.Malleret)  tin là Phù Nam đã sớm có một kỹ nghệ nấu tách thủy tinh và chế tác đồ thủy tinh.  Đây là một công nghệ tiên tiến vào thời đó so với kỹ thuật nấu và chế tác thủy tinh xuất hiện ở Châu Âu sau này. Tuy nhiên, gần đây, các nhà khoa học Nhật Bản phân tích thạch học của thủy tinh ở các cảng cổ miền Trung và miền Nam Việt Nam và đưa ra kết luận là thủy tinh của bộ Linga-Yoni và các xâu chuỗi đều có nguồn gốc chất liệu Tây Á. Những nguyên liệu này do các thuyền buôn chở sang vương quốc Phù Nam để các nghệ nhân tại đây gia công, chế tác theo yêu cầu rồi mới xuất sang các nước khác trong khu vực. (3)



Hình 09 : Những lá vàng có ghi chữ Phạn cỗ và hình người cùng bộ Linga-Yoni bằng thủy tinh. ( Ảnh Lâm Quang Hiển ).




Hình 10 : Trang sức của người dân Phù Nam.( Ảnh Lâm Quang Hiển).

2- Nền văn minh Phù Nam thời kỳ hoàng kim và tầm ảnh hưởng của nó trong khu vực :
Đi từ nền văn hóa Óc Eo đến lịch sử Phù Nam, đa số các nhà nghiên cứu đều thống nhất với lập luận rằng, lãnh thổ Phù Nam choán cả miền nam bán đảo Đông Dương bao gồm vùng hạ lưu sông Mekong, các đất đai sát bờ biển Thái Lan, vùng bình nguyên sông Mê-Nam (Thái Lan) và bán đảo Mã Lai. Tác giả Lương Ninh còn xác định :  kinh đô của Phù Nam nằm ở Angkor Borei- Khnom Da khoảng tiếp giáp giữa vùng đông nam Campuchia và tây nam Việt Nam ngày nay. Đô thị Cảng Óc Eo và hệ thống quần cư miền tây sông Hậu nằm về phía đông kinh đô này và tiếp giáp với biển Đông. Các khai quật khảo cổ cũng cho thấy nền văn minh Óc Eo căn cứ trên hai nền tảng quan trọng :
-  Sự lâu dài của địa điểm cư trú : Người ta tìm thấy những nền kiến trúc kiên cố ,  có những phiến đá granit rộng chưa rõ làm nền hay tường. Những cột gỗ nhà sàn có niên đại cách nay gần 2000 năm bị cháy sém có lẽ do một trận hỏa hoạn lớn. Những nơi như Nam Linh Sơn, Gò Cây Thị A, B… người ta còn phát hiện một số mộ chum bằng gốm không men, trong chum ngoài những mảnh nhỏ chất hữu cơ, còn có vài hạt chuỗi bằng vàng, mã não.  Ngoài ra từ không ảnh người ta còn phát hiện thêm dấu vết của những kinh đào cổ từ Óc Eo lan tỏa đi các nơi.



Hình 11 : Cột gỗ nhà sàn của người Phù Nam có niên đại gần 2000 năm.
( Ảnh Lâm Quang Hiển).

Sự đa dạng rất lớn của số lượng và tính chất các hiện vật : Trong số hiện vật tìm được qua phân tách phóng xạ C14 người ta nhận thấy rằng nó bao gồm cả 3 thời kỳ : Tiền Óc Eo có niên đại khoảng vài thế kỷ trước công nguyên, thời kỳ Óc Eo có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII sau công nguyên và cả thời kỳ hậu Óc Eo. Từ những khám phá trên, các nhà khoa học đã xác định cư dân của nền văn hóa Óc Eo là chủ nhân của Phù Nam có nguồn gốc từ các tộc người Mã Lai đa đảo, với ngôn ngữ, tập tục sinh hoạt khác hẳn với các tộc người lân cận.
Văn hóa Phù Nam nổi bật lên tính cách của một nền văn hóa biển và văn hóa thương mại. Nông nghiệp trồng lúa nước vùng đầm lầy giữ vai trò cung cấp lương thực cho cho cộng đồng cư dân, nhưng Phù Nam trở nên giàu mạnh là từ kinh tế biển và thương mại. Từ đầu Công nguyên  đến thế kỷ V, con đường mậu dịch trên biển nối liền từ Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, men theo ven biển từ Trung Hoa qua  Champa, Phù Nam, bán đảo Mã Lai băng qua eo biển Kara còn gọi là Takola ( nay là eo biển Malacca) và tiếp tục con đường ven biển qua các nước Nam Á đến Tây Á và từ đó nối với các nước ở vùng Địa Trung Hải (4) . Phù Nam nằm trên vị trí cực kỳ thuận lợi của hải trình Đông Tây này. Đô thị cảng Ba Thê – Óc Eo sớm trở thành trung tâm mậu dịch quốc tế của Phù Nam và cả vùng Đông Nam Á. Trung tâm này không chỉ là nơi giao dịch, mua bán giữa Phù Nam với nước ngoài, mà còn là địa điểm dừng chân để lấy nước và mua sắm lương thực, thực phẩm của các con thuyền trên hải trình thương mại quốc tế. Trong thời kỳ vàng son này, Óc Eo được xem là cảng thị sầm uất của Phù Nam. Tại khu di chỉ này, các di vật khảo cổ tìm thấy đã chứng minh một giai đoạn phát triển của một đô thị phồn thịnh. 



Hình 12 : Con đường thương mại Đông-Tây trên biển từ Trung Hoa đến các nước ở Địa Trung Hải đi qua vương quốc Phù  Nam ( Funan).


Ở Óc Eo, nhà khảo cổ phát hiện được các mảnh thiếc và thoi thiếc, với các loại hình dáng và số lượng phong phú. L.Malleret gọi đó là những cái “cặp chì”, một hình thức niêm phong khi gởi thư, hàng hóa. Ngoài ra, ở một cảng thị, một trung tâm thương mại như thế, việc sử dụng các loại tiền đồng của nhiều quốc gia chiếm vai trò quan trọng trong việc mua bán, trao đổi các sản vật .
Tại  Óc Eo, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện được 4 đồng tiền lớn đường kính 3 cm , 5 đồng tiền nhỏ đường kính 1,5cm . Tương tự ở Nam Thái Lan cũng phát hiện 4 đồng tiền lớn, ở Myanmar tìm thấy 4 đồng tiền lớn. Tất cả 17 đồng này đều bằng bạc, ngoài các hoa văn trang trí có hình lâu đài, hoặc hình mặt trời hay các loài chim… tất cả đều có 2 đường viền xung quanh, giữa 2 đường viền là một hàng chấm nổi. Sự giống nhau căn bản, phạm vi phân bố và nơi có nhiều là Óc Eo, khiến L.Malleret gọi đây là tiền Phù Nam.
Sau năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện thêm được 12 đồng tiền nữa  ở các địa phương khác nhau như Nền Chùa – Kiên Giang ; Đá Nổi – An Giang; Kè Một – Kiên Giang; Gò Hàng – Long An. Các loại tiền này đều đúc bằng chì, có hình voi, búa tầm sét (vajra), hoa 8 cánh, mặt người . Đây là loại tiền chất lượng thấp, có lẽ dùng trong buôn bán nội địa (5) .
Tất cả những loại tiền này cho thấy có sự phong phú về số lượng, hình dáng, phạm vi phân bố ; phản ánh trình độ phát triển cao của mậu dịch quốc tế Phù Nam và vị trí quốc tế của Phù Nam.
Ngoài ra, có rất nhiều các sản phẩm gốm mà các nhà khảo cổ cho rằng nó phản ánh nét sinh hoạt của đa tầng cư dân, theo nhiều niên đại từ tiền Óc Eo đến văn hóa Phù Nam. Các hiện vật được tìm thấy bao gồm bát dĩa nông, chum, vò, mâm bồng với chân đế cao, cà ràng cho ngư dân… lên đến hàng vạn. Trong lịch sử phát triển, gốm bao giờ cũng là ngành sản xuất đặc biệt đối với mọi dân tộc, mọi thời đại, khi đồ dùng kim khí chưa phổ biến. Một mặt nó phản ảnh qui mô sản xuất, trình độ sản xuất, đặc trưng văn hóa của một dân tộc, mặt khác là làm rõ thêm sự phân bố dân cư trong vương quốc Phù Nam. Trên vùng đất có vị trí giao thoa với các cửa ngõ buôn bán, giao thương như  Óc Eo, nên đã có nhiều lớp dân cư đan xen, ngoài thành phần cư dân bản địa sẽ có nhiều tộc người khác cùng chung sống.    



Hình 13 : Khoảng cách từ Óc Eo đến Angkor Borei ( Ba Nam, Lò Gò) được coi là kinh đô của vương quốc Phù Nam chỉ khoảng 100km đường chim bay.

Ở một tầng phát triển khác, các nhà khảo cổ còn khám phá ra sự hiện hữu của các ngành nghề mộc, kim khí, chế tác kim hoàn ở một trình độ xuất sắc. Riêng L.Malleret đã công bố những con số thống kê thật đáng kinh ngạc :
-  1.311 hiện vật bằng vàng, nặng 1.120 grs
-  10.062 hạt ngọc và đá quý , trong đó có 779 hiện vật lấy từ khai quật khảo cổ học và 9.283 hiện vật từ người dân.
Đặc biệt, có những hiện vật mang nguồn gốc nước ngoài như huy chương, tiền đồng in hình các vị vua của Roma (Hoàng đế Antonius : 138-161; Aurelius :161-180), đèn Ba Tư bằng đồng, gương đồng Hậu Hán (Trung quốc) cùng 45 hiện vật có khắc chữ nước ngoài.
Theo lý giải của các nhà nghiên cứu, một số hiện vật trên được chế tác tại chỗ với những di tích về công cụ sản xuất, xưởng chế tác được khai quật trong quá trình khảo cổ. Số còn lại có nguồn gốc từ quá trình giao thương với bên ngoài.
II.Phương hướng, giải pháp nâng cao giá trị, phát huy có hiệu quả di sản văn hóa Óc Eo để hòa nhập vào di sản của thế giới đồng thời phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Di sản văn hóa Óc Eo ngày nay nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà khảo cổ học ở trong nước và thế giới, những người luôn có niềm đam mê khám phá, tìm tòi để buộc các cổ vật mang lên từ lòng đất phải lên tiếng nói về thời đại của mình. So với nhiều di chỉ của vương quốc Phù Nam rãi rác ở khắp Nam Bộ Việt Nam, vùng Óc Eo thuộc chân núi Ba Thê huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang là nơi tập trung nhiều di chỉ và hiện vật đa dạng nhất. Việc xếp hạng Di tích văn hóa Óc Eo là Di tích Quốc Gia Đặc biệt do Thủ Tướng Chính Phủ ký ngày 27.09 .2012 và lễ công bố di tích Văn Hóa Óc Eo là Di tích Quốc gia Đặc biệt tổ chức tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang vào ngày 27.06.2015 là bước đầu để đưa nền Văn Hóa Óc Eo hòa nhập vào Di Sản Thế Giới. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để gắn kết hoạt động khai thác, bảo tồn di sản này với phát triển du lịch tại tỉnh nhà. Để làm được như thế, việc bảo tàng và trưng bày các di chỉ, hiện vật của nền văn hóa Óc Eo mới chỉ là bước đầu. Từ những bước cơ bản này, chúng ta cần phải có những bước tiếp nối như sau :
-  Trước tiên phải xây dựng một đội ngũ hướng dẫn viên có năng lực, trình độ, am hiểu rõ về nền văn hóa Óc Eo- Phù Nam, có thể hướng dẫn cho du khách trong nước lẫn quốc tế  khi họ muốn tìm hiểu về nền văn hóa bản địa thời cổ đại lẫn hiện tại.
-  Bên trong nhà trưng bày Di sản Văn hóa Óc Eo, nếu cần thiết có thể lập sa bàn mô tả những nét sinh hoạt, đời sống văn hóa của cư dân Phù Nam trước đây để khách tham quan có thể hiểu rõ nền văn hóa Óc Eo một cách sinh động bên cạnh các hiện vật được trưng bày. Song song đó, có thể nghiên cứu xây dựng một sa bàn điện tử, trong đó mô phỏng một xã hội Phù Nam với cảng thị Óc Eo sôi động, tạo phấn khích cho người xem. Việc phát hành những đĩa video giới thiệu nguồn gốc của những hiện vật cũng như mối tương quan của chúng với nền văn hóa Óc Eo sẽ giúp các nhà nghiên cứu có thể hiểu rõ về nền văn hóa này một cách trực quan hơn.
- Hợp tác với các nghệ nhân để phục chế một số di vật tiêu biểu của nền văn hóa Óc Eo để làm quà lưu niệm cho khách tham quan. Những di vật được phục chế này cần gọn nhẹ và được đánh số riêng để tránh lầm lẫn với những di vật nguyên bản. Nếu cần có thể mở xưởng chế tác trong khuôn viên nhà trưng bày để các du khách có thể đến đây tham quan. Điều này sẽ góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho các nghệ nhân, công nhân tham gia chế tác vật lưu niệm. Đây cũng là cách khôi phục nghề làm đá của người dân địa phương đang dần bị mai một.
- Tập huấn và tuyên truyền đến người dân địa phương có ý thức bảo vệ và giữ gìn di sản văn hóa Óc Eo. Văn minh trong thương mại và phong cách ứng xử của người dân địa phương đối với du khách sẽ là một tiềm năng thu hút du khách đến với di sản văn hóa Óc Eo một cách thoải mái và thân thiện.  Đây là phương án tốt nhất để đưa văn hóa Óc Eo hòa nhập vào di sản của thế giới,
- Việc xây dựng tour tham quan du lịch hợp lý cũng sẽ góp phần thu hút một lượng lớn khách tham quan tạo sự phát triển cho ngành du lịch của An Giang. Hàng năm có hàng triệu khách hành hương đến TP Châu Đốc, tỉnh An Giang để viếng Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam – Châu Đốc, lăng Thoại Ngọc Hầu và Tây An Tự... Từ Châu Đốc, khách hành hương có thể thẳng đường đến Tịnh Biên tham quan rừng tràm Trà Sư, khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm, sang Tri Tôn tham quan đồi Tức Dụp rồi theo tỉnh lộ 943 trở về Thoại Sơn để đến khu du lịch Lòng Hồ ông Thoại  và khu di chỉ văn hóa Óc Eo trước khi trở về thành phố Hồ Chí Minh.
Về các loại hình dịch vụ hậu cần khác, thiết nghĩ không nhất thiết phải xây dựng các nhà hàng, khách sạn có qui mô hiện đại, mà cách tốt nhất là chọn loại hình ở nhà dân theo dạng Homestay, sẽ phù hợp hơn đối với người có nhu cầu muốn lưu lại để nghiên cứu, khám phá về nền văn hóa Óc Eo và đời sống của cư dân bản địa. Những người tham gia dịch vụ Homestay cũng nên được hỗ trợ về mặt nghiệp vụ để có thể ứng xử tốt và làm hài lòng khách lưu trú. Đây cũng là dịp để chúng ta quảng bá về văn hóa ẩm thực và hình ảnh về người Việt Nam thân thiện, hiếu khách !   
Việc đưa nền văn hóa Óc Eo hòa nhập vào di sản thế giới cần phải có sự đồng thuận và phối hợp của các cấp chính quyền và người dân địa phương. Trước mắt cần phải hoạch định một chiến lược và từng bước hoàn thiện những mục tiêu đã đề ra. Thời gian thực hiện có thể  lâu dài nhưng với ý chí quyết tâm chúng ta chắc chắn sẽ làm được bởi vì đây là niềm tự hào của người dân Óc Eo nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung !
LÂM QUANG HIỂN.

Chú thích :
(1)                   Theo TS Võ Sĩ Khải, viện KHXH vùng Đông Nam Bộ, trang 35-36 , Văn Hóa Óc Eo sáu mươi năm nhìn lại, Văn Hóa Óc Eo và Vương quốc Phú Nam, Kỷ yếu Hội Thảo Khoa Học nhân 60 năm phát hiện Văn Hóa Óc Eo (1944-2004), hội KHLS Việt Nam ấn hành năm 2008.
(2)                   Theo GS Phan Huy Lê, ĐHQG Hà Nội, trang 234 , Qua di tích văn hóa Óc Eo và thư tịch cỗ, thử nhận diện nước Phù Nam, sđd.
(3)                   Theo GS Lương Ninh, viện KHXH Việt nam, trang 141, Nam Bộ VN, từ thời Tiền sử và sơ sử, sđd
(4)              . Theo GS Phan Huy Lê, ĐHQG Hà Nội, trang 243-244 , Qua di tích văn hóa Óc Eo và thư tịch cỗ, thử nhận diện nước Phù Nam, sđd. ( Lúc đó kinh đào Suez chưa có nhưng ở Ai Cập đã tồn tại kinh đào nhỏ nối sông Nil với Biển Đỏ cho phép loại tàu nhỏ đi qua đây để đến Địa Trung Hải) . ( nguồn Wikipedia)
(5)              Theo GS Lương Ninh, viện KHXH Việt nam, trang 142-143, Nam Bộ VN, từ thời Tiền sử và sơ sử, sđd.
Tài liệu tham khảo :
1.      Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo.Hội KHLS Việt Nam ấn hành năm 2008.
2.      Văn Hóa Óc Eo, Di tích và Di vật, UBND tỉnh An Giang, Ban quản lý di tích Óc Eo tỉnh An Giang ấn hành năm 2013.
3.      Sử liệu Phù Nam, tác giả Lê Hương xuất bản năm 1971.


4.      Vương quốc Phù Nam, tác giả Lương Ninh nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia Hà Nội, năm 2009.



































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét