Trang

Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Vị đắng sầu đâu

VỊ ĐẮNG SẦU ĐÂU

Sầu đâu  là một loại cây thân mộc, còn được gọi là sầu đông, xoan trắng, xoan ăn gỏi…có tên khoa học là Azadirachta indica, là một cây thuộc họ Meliaceae, chi Azadirachta, sống ở các quốc gia như BangladeshẤn ĐộMyanma, và Pakistan, tại các khu vực nhiệt đới và bán nhiệt đới… Tại An Giang, cây được trồng nhiều ở huyện vùng Bảy Núi và tại xã Châu Phong, TX Tân Châu là nơi có nhiều đồng bào Chăm sinh sống. Cây có lá quanh năm nhưng vào mùa đông cây mới trổ bông và đó là thời điểm thích hợp cho việc chế biến món gỏi sầu đâu, đặc sản của miền Tây. Người dùng thường ăn lá và bông sầu đâu bởi vì nó có vị đắng nhưng hậu lại ngọt.

 H01 : Gỏi sầu đâu với các nguyên liệu.

Sau khi loại bỏ những lá già quá đắng, lá non và bông sầu đâu được trụng bằng nước sôi để làm bớt đi vị đắng. Sau đó được sắp chung với củ cái trắng ngâm dấm và dưa leo thái mỏng để làm món gỏi sầu đâu. Gỏi sầu đâu có thể được trộn chung với khô cá lóc, khô cá tra phồng nhưng ngon nhất là trộn với khô cá sặc bổi, một đặc sản của vùng Biển Hồ. Loại loại khô cá này khi nướng lên sẽ có vị thơm, dùng làm gỏi sầu đâu sẽ có hương vị  ngon hơn các loại khô khác. Thịt ba rọi sau khi luộc hay ram sẽ được xắt mỏng và trộn chung vào trong gỏi đê làm dịu đi độ mặn của khô và vị đắng của sầu đâu. Sau khi trộn đều thêm vào một ít dấm đường sẽ làm tăng hương vị của dĩa gỏi khiến người dùng thêm khoái khẩu.
Điều thiếu sót lớn khi nhắc đến món gỏi sầu đâu mà quên đi món nước chấm. Nước chấm không phải l nước mắm thông thường mà phải là nước mắm me. Me chín sau khi lột vỏ, dầm với nước sôi , loại bỏ hột xong rồi mới pha chung với nước mắm đường, bột ngọt.


 H02. Dĩa gỏi sầu đâu đã được trộn sằn.

Một người bạn xa quê hương về thăm An Giang, việc đầu tiên anh yêu cầu là muốn thưởng thức một dĩa gỏi sầu đâu mang hương vị quê hương nhưng phải là sầu đâu trộn với cá sặc bổi, loại sống nơi Biển Hồ của đất nước Campuchia được các bạn hàng mang về bán tại chợ Châu Đốc.
Ngồi vô bàn ăn, cầm đủa gắp một miếng, nhắm mắt lại để thưởng thức hương vị độc đáo của món gỏi. Vị đắng của sầu đâu, vị béo của thịt ba rọi luộc, vị mặn của khô cá sặc bổi, vị chua của nước mắm me…. Tất cả những thứ ấy tạo thành hương vị độc đáo của dĩa gỏi sầu đâu. Đấy cũng là lý do tại sao những người xa xứ khi về đến An Giang muốn thưởng thức cho bằng được “vị đắng sầu đâu”.

                                                                  LÂM THANH QUANG.