Trang

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

Đám cưới người Chăm tại An Giang.



Từ chiếc khăn “Khanh Ma-Om” đến tập tục “Đưa rể sang nhà gái”
trong đám cưới người Chăm tại An Giang.


H01 Đám cưới người Chăm tại An Giang.

  Người Chăm tại An Giang sống rãi rác trong các thôn xóm riêng biệt với người Việt tại các huyện Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân, TX Tân Châu… nhưng đông nhất là huyện An  Phú tại các xã Đa Phước, Vĩnh Trường, Nhơn Hội, Đồng Ky và Quốc Thái với dân số  lên đến vài chục ngàn người. Đa số người Chăm An Giang theo đạo Islam thuộc hệ phái Mã Lai nên phong tục và trang phục khác với người Chăm theo đạo Bà Ni ở miền Trung.
Có thể nói, họ có một nền văn hóa hết sức phong phú với những nét riêng độc đáo và tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ từ sinh hoạt đời thường đến những tập tục lễ tết, cưới xin. Đặc biệt, trong lễ cưới, người Chăm tại An Giang sử dụng những trang phục hết sức lộng lẫy, thực hiện khá nhiều nghi thức và còn giữ tập tục “Đưa rể sang nhà gái”, một dấu ấn của chế độ mẫu hệ thời xa xưa .  
Theo phong tục của đạo Islam thì các cô gái khi đến tuổi cập kê thường cấm cung ở trong nhà lo việc nội trợ, thêu thùa và dệt vải. Tuy nhiên, ngày nay, cùng với sự phát triển của môi trường xã hội, quan niệm trên đã thay đổi. Những người phụ nữ Chăm đã hòa nhập vào cuộc sống như người Kinh, mặc dù còn ít nhiều dè dặt. Nhà của người Chăm tại An Giang thường nằm ở ven sông có sàn cao để tránh bị ngập vào mùa nước nổi. Nhiều gia đình khá giả thường dành một bên chái nhà để các cô gái có chỗ thêu thùa, dệt vải. Khi có khách đến nhà, thường là đàn ông tiếp đón còn các cô gái thì ở trong phòng ít tiếp xúc với người lạ. Trước đây, việc học kinh Koran và chữ Mã Lai được thực hiện tại Thánh đường . Việc học chữ Việt tại các trường phổ thông thường chỉ dành cho các thanh niên còn các cô gái thì học ở nhà do các bậc phụ huynh dạy. Những năm gần đây các cô gái Chăm được phép đến trường để học chữ Việt và tham gia các sinh hoạt cộng đồng …  Tuy vậy, ở một số vùng nông thôn, khi  các cô gái Chăm ra ngoài thường có mẹ hoặc những người phụ nữ lớn tuổi đi kèm, và luôn luôn  có chiếc khăn “ Khanh Ma-Om” trùm đầu. 


H02. Chiếc khăn " Khanh Ma-Om" vật bất ly thân của phụ nữ Chăm.

Chiếc khăn “ Khanh Ma-Om” còn được gọi là khăn Matera là một vật bất ly thân của người phụ nữ Chăm Islam, thường được may bằng voan mỏng, hai vạt khăn phủ dài đến tận thắt lưng. Trên khăn có thêu những hoa văn hình con sò, bông hoa và những đường viền bằng chỉ kim tuyến rất đẹp. Khăn thường được sử dụng quàng quanh cổ và vắt qua vai, vừa có thể che tóc, che cổ và một phần trước ngực, để tránh đi ánh mắt tò mò của những người khác giới. Khi ở nhà, người phụ nữ Chăm thường đội những chiếc khăn đơn giản, ít màu sắc, chỉ cần che gọn mái tóc. Nhưng khi đi dự tiệc hay đám cưới, họ thường mang những chiếc khăn có màu sáng và được trang trí lộng lẫy. Chiếc khăn “ Khanh Ma-Om” với những đường nét thêu thùa tinh xảo này làm tôn vinh vẻ đẹp và sự khéo léo của người phụ nữ Chăm.  Từ chiếc khăn “Khanh Ma-Om” này, các bà mẹ có thể cảm nhận được sự đảm đang, khéo léo của cô gái để tiến hành việc tìm hiểu, chọn vợ cho con trai mình.
Khi đã chọn được cô gái vừa ý, việc thực hiện cưới xin được tiến hành theo nghi thức của đạo Islam. Trước mắt phải tiến hành theo trình tự như sau :
Lễ dứt lời (Pakioh - Po Nuối)
Trước “lễ dứt lời”, bà mai (Maha) sang nhà gái trao đổi trước. Đúng ngày định, nhà trai mang đến nhà gái một mâm trái cây làm lễ vật và những vật dụng cần thiết cho cô dâu trong đời sống riêng sau này như áo dài cưới, xà rông, khăn đội đầu, kim chỉ... Ít hôm sau, nhà gái “trả lễ” nhà trai một mâm bánh và nhà trai trao một phong bì tiền cho nhà gái. 
Sau đó cứ đến ngày lễ lớn , chú rể và bạn bè đến thăm nhà cô dâu vào ban ngày, cô dâu không được ra gặp chú rể nhưng gia đình bố trí cho nhìn lén. Chú rể cũng được sắp xếp để nhìn lén cô dâu.


H03 : Nhà trai đưa sính lễ sang nhà gái.

Ba ngày trước đám cưới, vị giáo cả và người nhà trai mang một cái giường qua nhà gái. Vị giáo cả cầu nguyện, những người cùng đi dọn phòng cưới. Tiếng Chăm gọi việc này là đi Thon - Kghe (đi ráp giường). Cũng ngày này, các phụ nữ bên nhà gái may mùng cho đôi vợ chồng.

Lễ cưới :
Lễ cưới của người Chăm thường được tiến hành trong 3 ngày :
- Ngày đầu tiên gọi là ngày lễ Nướng bánh  (Âm Ha). Trong ngày này, hai họ chuẩn bị các loại bánh để đãi khách đến mừng lễ cưới. Các loại bánh thường được làm trong ngày lễ này là bánh tổ chim tượng trưng cho tổ ấm của đôi vợ chồng mới cưới, bánh gừng (Pa-tờ-ngự), bánh nghệ (Ha-ta-pay Ca-gát)… Người Chăm ở An Giang theo đạo Islam nên nghiêm cấm uống rượu, người đến dự chỉ uống nước ngọt và dùng những món ăn truyền thống của người Chăm, nhưng nhất thiết sẽ có món cà púa. Đây là món cà ri bò được nấu theo phong cách Chăm với nhiều gia vị như ớt, cà ri, đại hồi, nước cốt dừa… và thường chỉ được làm trong các ngày cưới và các ngày lễ lớn.
-Ngày thứ hai là ngày lễ nhóm họ bên nhà gái gọi là Pa Thưng – Pa Gú. Vào ngày này, những người thân bên nhà gái họp lại để chuẩn bị việc tiếp đón nhà trai đưa rể sang vào ngày mai và lo việc trang hoàng phòng cưới. Phòng cưới của cô dâu được trang hoàng lộng lẫy với màn màu hồng thêu những hoa văn bằng chỉ kim tuyến. Các cô gái được cha mẹ cho phép đến chúc mừng cô dâu, họ thường  ăn mặc lộng lẫy và trang điểm rất đẹp. Các thanh niên cũng được phép đến đây để hát hò và tìm ý trung nhân. Đây cũng là một dịp để các bà mẹ chọn dâu cho mình. Vào ngày này, vị giáo cả đi sang nhà trai, nhà gái để hướng dẫn chú rể và cô dâu cách ứng xử sau khi xây dựng gia đình để không phụ lòng cha mẹ hai bên.

H04.Chú rể được đưa sang nhà gái.
 
- Cuối cùng là ngày đưa rể sang nhà gái. Các phụ nữ trong họ nhà trai mang sính lễ đi trước còn chú rể được trưởng họ dẫn đường sang nhà cô dâu. Thường có các chú bé đi theo để chúc phúc cho cặp tân hôn. Đoàn người mang theo chiếc lọng màu sắc rực rỡ để che cho chú rể. Khi nhà trai chuẩn bị rời nhà để đưa chú rể sang nhà gái, bạn bè của chú rể cùng mọi người hát vang bài “La mệ - La mư” để từ giả cha mẹ với tình cảm thâm trầm, xúc động.
Khi chú rễ lên đến cầu thang nhà gái, trưởng họ nhà gái sẽ mang một thau nước để chú rể rửa chân trước khi bước lên nhà. Tập tục này mang ý nghĩa chú rể sẽ trút đi những âu lo, buồn phiền khi bước chân vào nhà gái.


 H05. Trưởng họ nhà gái rửa chân cho chú rể.

Lễ kết hôn (Ka Pol) có thể được hiện tại nhà gái hay thánh đường . Những năm gần đây nghi thức này thường được thực hiện tại nhà gái với sự hiện diện đông đủ của bà con hai họ.
Sau khi trình lễ vật xong, trưởng họ đọc đoạn kinh Coran, nội dung nhắn nhủ chú rể tôn trọng người bạn đời còn cha cô dâu cầm tay chú rể nói: “Tôi gả đứa con gái tên là…”. Chú rể đáp: “Tôi nhận cưới…”.


H06 : Gia chủ nhà gái chấp nhận gả cô dâu cho chú rể.
 
Sau nghi thức này, chú rể được đưa vào phòng cưới để làm lễ nhập phòng cùng cô dâu. Chú rể nhẹ nhàng rút chiếc trâm cài trên đầu cô dâu, đồng thời chỉ ngón tay vào trán cô dâu với ý nghĩa rằng từ nay cô sẽ chính thức là người của tôi.
Kế tiếp chú rể bước lên giường ngồi cạnh cô dâu, cố ý gác nhẹ đùi bên trái lên đùi bên phải của cô dâu. Cử chỉ này đánh dấu sự thân mật đầu tiên giữa hai người.
Cô dâu và chú rể cùng mọi người lắng nghe vị giáo cả đọc kinh Koran cầu cho thánh Ala ban phúc cho hai người và mọi người đi dự lễ được nhiều đức tin từ thượng đế.


 

H07 Giáo cả đọc kinh chúc phúc cho đôi vợ chồng.

Sau khi tiến hành xong buổi lễ, đôi vợ chồng mới cưới bước ra nhà trên ra mắt bà con họ hàng. Các phù dâu và phù rể cùng hát vang bài ca chúc mừng chú rể và cô dâu được trăm năm hạnh phúc.

 

 H08 : Cô dâu, chú rể ra mắt họ hàng.

Ngày nay sau lễ cưới, cô dâu và chú rể có quyền lựa chọn nơi sinh sống của mình. Sau 3 ngày sống chung tại nhà gái, đôi vợ chồng có thể quay về nhà trai hay tổ ấm mới vủa mình đã được chuẩn bị trước. Cô dâu không nhất thiết phải làm dâu ở bên chồng và chú rể cũng không cần ở rể bên nhà gái như trước đây. Đây là một tập tục mang tính chất sáng tạo về cuộc sống gia đình trong cộng đồng người Chăm.
Cộng đồng người Chăm là một trong 54 cộng đồng dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam. Những tập tục và nghi thức trong lễ cưới đồng bào Chăm thể hiện bản sắc văn hóa của một dân tộc đã được gìn giữ cẩn thận từ bao đời nay. Nó xứng đáng được công nhận là Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây cũng là điều mong mỏi của cộng đồng người Chăm để hòa nhập vào nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam có hơn 4000 năm lịch sử.

LÂM THANH QUANG

Bài viết đã được đăng trên báo KTNN số 936 ra ngày 10.08.2016. Mọi trích dịch hay sao chép hình ảnh phải được sự đồng ý của tác giả và tòa soạn.



 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét