Trang

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Lịch sử đình thần Châu Phú và những tờ sắc phong.



Lịch sử đình thần Châu Phú và những tờ sắc phong.

 



 Hình 1 : Đình Thần Châu Phú hiện nay với hàng chữ Thượng Đẳng Thần Miếu trên nóc đình.

Nằm ở nội ô thị xã Châu Đốc, mặt hướng về ngã ba sông, đình thần Châu Phú được xem là một trong những ngôi đình đẹp nhất ở miền Tây Nam Bộ. Nơi đây thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh( tên tộc là Lễ) còn gọi là Nguyễn Hữu Kính (阮有镜 :1650-1700) ; một danh tướng dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông đã có công lớn trong việc xác lập chủ quyền của người Việt tại đất Đồng Nai-Gia Định, bảo hộ Chân Lạp và xây dựng mối bang giao tốt đẹp giữa Chúa Nguyễn và nhà nước Chân Lạp trong suốt mấy mươi năm.
Ngôi đình hiện nay nằm ngay góc đường Nguyễn văn Thoại ( đầu đường Châu Đốc Tân lộ Kiều Lương ngày xưa ) và đường Trần Hưng Đạo, vốn được xây cất từ năm 1922 đến năm 1926 thì hoàn thành. Còn ngôi đền ngày xưa gọi là đền Lễ Công có nhiều tư liệu chưa thống nhất với nhau về năm xây cất, ai là người đứng ra cất đền cũng như vị vua nào ban đạo sắc phong đầu tiên cho ngôi đền này ?
Tìm đến những nhân vật và tư liệu có liên quan mật thiết với lịch sử ngôi đình này, chúng tôi được biết thêm một số chi tiết khá lý thú. Theo anh Dương Tòng Chánh, Phó Ban Quản trị đình Châu Phú, thì ngôi đền Lễ Công ngày xưa được xây dựng trên phần đất của họ tộc Lê Công ( người đến khai phá cuộc đất này chính là ông Lê Công Thoàn ( 1785-1837)  sau này được phong làm tiền hiền của làng Châu Phú). Hiện nay nơi này là khu ký túc xá của bệnh viện Châu Đốc cũ ( có giai đoạn là trường sơ học Y Tế Châu Đốc)
  Trong đợt trùng tu Hàn Lâm Miếu vào năm 1948, xác cũ của ngôi đền Lễ Công này được ban quí tế đình Châu Phú tặng cho Hàn Lâm Miếu (hiện tọa lạc tại đường Nguyễn Đình Chiểu TXCĐ). Trên một trong bốn long trụ tại Hàn Lâm Miếu còn ghi ngày tháng và năm dựng 4 cây cột này khi xây cất đền Lễ Công. Những câu đối và chữ trên cột được thợ khắc liền vào thân cột nên không thể nhầm lẫn được.






Hình 2 : Bốn cây Long trụ của đền Lễ Công cũ tại Hàn Lâm Miếu.Cây bên trái phía ngoài ( nơi đánh dấu bằng vòng tròn đỏ) có ghi ngày, tháng, năm dựng cột bên dưới lớp sơn nhũ vàng.
Nhận được thông tin quí giá trên, tôi liền đến Hàn Lâm miếu để tìm hiểu. Thật may mắn là trên đại trụ thứ hai bên trái, dưới lớp sơn nhủ vàng che phủ vẫn còn hiện ra nét chữ 己巳年四月十一日吉立 ( Kỷ Tị niên, tứ nguyệt, thập nhất nhật cát lập) nghĩa là cột được dựng vào ngày 11 tháng 4 năm Kỷ Tị ( 1809).
Theo nhiều truyền thuyết để lại, ngôi đền đầu tiên được người dân làng Châu Phú xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 19. Sau khi vua Gia Long lên ngôi, ông có chủ trương đưa người dân ở ngũ Quảng (1) vào khai phá vùng đất mới này. Những cư dân này cùng với người Hoa (2) sinh sống tại đây được sự tài trợ của ông Lê Công Thoàn là người gốc Thanh Hóa vào đây lập nghiệp đã góp sức với nhau xây dựng một ngôi miếu nhỏ bằng tre lá gọi là miếu Lễ Công và  cử người ra triều đình Huế xin sắc phong. Ý nguyện này được vua Gia Long chuẩn y và sắc phong Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh làm Thượng Đẳng Thần vào tháng 8 năm Ất Sữu ( 1805). Tại kinh thành Huế, những người đi theo được huấn luyện các nghi thức tế lễ của triều đình. Nhờ vậy mà  từ đó đến nay dầu đã trãi qua hơn 200 năm nhưng các nghi thức tế lễ trong dịp lễ kỳ yên tại đình Châu Phú như lễ Thỉnh sắc, lễ Túc yết, lễ Xây Chầu, lễ Chánh Tế, lễ Hồi sắc... vẫn giữ nguyên bản sắc ban đầu mà không bị lai tạp như một số nơi khác. 

 

Hình 3 : Thỉnh sắc Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh từ Lê Công Phủ Từ.

Những vật thờ mà những người nhận sắc mang trở về quê nhà, ngoài bản sắc phong được chứa trong một ống tre sơn màu đỏ, còn có bộ lư hương bằng đồng kiểu mắt tre do triều đình ban tặng đề Gia Long nguyên niên ( năm 1802). Bộ lư này hiện nay còn được lưu giữ trên gian thờ chính bên dưới linh vị Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ( 3). Tiếc rằng sắc phong từ đời Gia Long bị thất lạc trong lúc Pháp chiếm Nam bộ nên chỉ còn giữ lại hai bản sắc phong Minh Mạng năm thứ 3 ( 1822) và Tự Đức năm thứ 5 ( 1852). Hai sắc phong này hiện còn lưu giữ tại Lê Công Phủ Từ. Hàng năm chỉ vào dịp lễ kỳ yên mới làm lễ thỉnh sắc từ Lê Công Phủ Từ đến đình Châu Phú.


Hình 4 : Sắc phong từ năm Minh Mạng thứ 3 (1823) được lưu giữ 
tại Lê Công Phủ Từ. 

Những bậc lão thành còn kể rằng : Việc nhà vua truyền chỉ dụ cho họ Lê Công được phép thủ sắc thần Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh về thờ tại tư gia do công khai hoang lập ấp Châu Long thuộc làng Châu Phú và ông Lê Công Thoàn được phong làm Tiền hiền (4) làng Châu Phú xãy ra vào đời vua Tự Đức vì lúc đó ông Lê Công Thoàn đã mất còn 3 người con là Lê Công Bích (1824-1874), Lê Công Thành  (1825-1900) và Lê Công Châu (1826-1876) tuổi mới ngoài đôi mươi, chèo ghe ra kinh Thành Huế để nhận sắc phong. Ông Lê Công Bích sau này được sung vào quân đội và được triều đình Huế phong chức Tổng Binh nên được phong làm Hậu hiền (5) làng Châu Phú. Riêng ông Lê Công Thành do công khai khẩn đất hoang và phát triển thương mại tại địa phương nên được đặt tên trên con đường ở nội ô thị xã Châu Đốc hiện nay. Những thông tin trên giúp các nhà nghiên cứu về Nguyễn Hữu Cảnh và đình Châu Phú có điều kiện tìm hiểu sâu về họ tộc Lê Công và đình Châu Phú.
Về tư liệu ông Thoại Ngọc Hầu cùng tộc họ Lê Công do bà Huỳnh Thị Phú  (1800-1868) là vợ thứ của ông Lê Công Thoàn  đứng ra xây cất lại ngôi đền lần đầu tiên vào năm 1809 có vài chi tiết không phù hợp, vì lúc đó bà Huỳnh thị Phú mới 9 tuổi chưa gả vào nhà họ Lê còn Nguyễn văn Thoại đang trấn đóng tại phủ Định Tường.  Điều thuyết phục nhất có thể lý giải là nhân dân tại làng Châu Phú cùng với họ tộc Lê Công đã đứng ra trùng tu lại ngôi miếu bằng tre lá cho khang trang hơn sau khi được triều đình Huế sắc phong. Vào khoảng năm 1828 -1829 lúc Thoại Ngọc Hầu trấn nhậm tại thành Châu Đốc, ông đã cùng với Bà Huỳnh thị Phú có công tu bổ lại ngôi đền  chứ không thể là người đứng ra xây dựng, trùng tu ngôi đền vào năm 1809...
Vào năm 1922 khi xây cất bệnh viện Châu Đốc, chính quyền Pháp thương lượng với họ tộc Lê Công và người dân tại làng Châu Phú dời ngôi đình trên  đi nơi khác.  Vị trí được chọn di dời ban đầu là khu vực phía sau Bồ đề Đạo Tràng hiện nay ( bây giờ là trụ sở UBND phường Châu Phú A). Tuy nhiên, lúc đó phố xá chưa sung túc như bây giờ nên có vẻ hẽo lánh, lại không phù hợp với phong thủy cho một ngôi đình thần. Người dân cần một nơi có vị trí tương đương nơi cũ, mặt hướng ra sông Cái (sông Châu Đốc). Khi đó, các hương chức và chính quyền sở tại đồng ý nhường nhà việc cho đình Châu Phú  và hoán đổi vị trí, xuất phát từ sự tôn kính ngài Lễ Thành Hầu và cầu mong sự an thịnh cho nhân dân trong vùng. Ngôi đình mới tọa lạc tại vị trí này cho đến ngày nay, và vết tích nhà việc làng Châu Phú khi xưa chính là trụ sở UBND phường Châu Phú A bây giờ.
Việc xây dựng ngôi đình mới này đến năm 1926 mới hoàn thành. Do kinh phí xây dựng quá lớn đối với thời điểm đó nên chính quyền Pháp thời bấy giờ đưa ra phương án tổ chức hội chợ và xổ số Tombola để gây quỹ xây cất đình. Việc làm này được sự đồng thuận của người dân địa phương nên việc xây cất đình diễn ra thuận lợi. Gỗ quí làm cột được nhập về từ Campuchia còn những gạch ngói âm dương và tượng long lân trên nóc đình được mua về từ Bình Dương, Đồng Nai. Đặc biệt là việc xây dựng đình lần này được sự thống nhất của triều đình Huế và giấy phép xây dựng đình được nhà vua cấp về cho người dân làng Châu Phú. 

 

Hình 5 : Tượng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh nơi bệ thờ.
Hai bên là Tả Ban và Hữu Ban còn phía trên dưới linh vị là bộ lư đồng 
từ thời Gia Long nguyên niên..

Trước mặt đình Châu Phú ngày xưa là bến sông, xuồng ghe từ các nơi tấp nập đến mua bán tại chợ Châu Đốc. Một bến đò sang xã Châu Phong và Châu Giang cũng được lập tại đây để người Việt và người Chăm ở bên kia sông sang chợ Châu Đốc mua bán và đi học tại trường Nam và Nữ Châu Phú (6).
Đình có kiến  trúc theo hình chữ quốc với mái lợp ngói âm dương màu đỏ. Trên nóc có gắn các tượng sành mang hình long, lân, cá lý ngư, lưỡng long chầu nguyệt... Một hàng rào song sắt được bao bọc bên ngoài để bảo vệ cho ngôi đình. Bước qua cổng tam quan là một khoảng sân rộng có trồng hai cây dương tuổi đời trên trăm năm. Mặt tiền bên trên ghi hàng chữ 上等神廟 ( Thượng Đẳng Thần Miếu) còn phía dưới bên trái ghi năm thành lập là 1926.
Bên trong đình là những hàng cột có gắn những câu đối do những nhà nho khắp nơi gởi tặng. Dưới đây là những câu đối tiêu biểu :


(a)             長保藜民喂以葳懷以德
         欽命上帝生為將死為神
Dịch âm : Trường bảo lê dân, úy dĩ uy hoài dĩ đức.
Khâm mệnh Thượng đế, sinh vi tướng tử vi thần.
Dịch nghĩa : Giữ vững lê dân, sợ dùng uy mong dùng đức.
Vâng lệnh Thượng đế, sống làm tướng, thác làm thần.



Hình 6 : Vế đối " Trường bảo lê dân, úy dĩ uy, hoài dĩ đức" nơi cột phải.


Hình 7 : Vế đối  " Khâm mệnh Thượng Đế, sinh vi tướng, tử vi thần" nơi cột trái.

(b) 一戎依增拓南疆七省泰和在宇
三遷廟重新舊所千秋俎豆長存
Dịch âm : Nhất nhung y tăng thác Nam cương, thất tỉnh thái hòa tại vũ
Tam thiên miếu trùng tân cựu sở, thiên thu trở đậu trường tồn.
Dịch nghĩa :Một mảnh giáp thêm rộng phương Nam, bảy tỉnh thái bình trong vũ trụ,
               Ba lần dời trùng tu miếu cũ, nghìn năm hương khói mãi phụng thờ.
Câu đối trên xác định rằng ngôi miếu đã có 3 lần di dời trùng tu : lần đầu vào năm 1809, lần 2 vào khoảng năm 1828-1830, và lần 3 vào khoảng năm 1922-1926   
Hiện tại, nơi gian giữa của đình phía trên cùng đặt linh vị của Lễ Thành Hầu cùng với bộ lư đồng mắt tre do triều đình Huế ban tặng từ thời Gia Long. Bên dưới thờ linh vị của Trung Đẳng Thần Thoại Ngọc Hầu (7) và hai vị đội trưởng và đội phó đội thủy binh là Đỗ Đăng Tàu và Lê văn Sanh. Hàng năm đến dịp kỳ yên vào ngày mùng 10 tháng 5 âm lịch sau khi thỉnh sắc Lễ Thành Hầu tại Lê Công Phủ Từ, đoàn rước sắc ghé qua nhà ông Hai Mi là hậu duệ của bà Nguyễn thị Tuyết mẹ của Nguyễn văn Thoại tại bến phà qua Châu Giang để rước linh vị của Nguyễn văn Thoại đồng thời đến miếu Vệ Thủy tại phường Vĩnh Mỹ để rước linh vị của hai ông Đỗ Đăng Tàu và Lê văn Sanh về đình Châu Phú để chung vui. Tập tục này được thực hiện cách nay hơn trăm năm vào dịp lễ kỳ yên hàng năm tại đình Châu Phú.
Sự lưu lạc của bức tượng Lễ Thành Hầu tại đình Châu Phú cũng là một đề tài lý thú. Thời loạn lạc, sau khi quân Pháp chiếm An Giang, các chức sắc trong làng Châu Phú mới đem bức tượng của Lễ Thành Hầu đến gởi tại chùa Châu Long phường Vĩnh Mỹ. Các thế hệ sau không biết lai lịch của bức tượng này nhưng vẫn giữ nguyên bên trong chùa và thờ cúng hàng năm. Trong lần sắp xếp lại những tư liệu trong chùa, người trụ trì chùa Châu Long mới biết được lai lịch của bức tượng này nhờ vào ghi chép của trụ trì đời trước. Khi nhân dân An Giang làm tượng Thoại Ngọc Hầu tại đền thờ phía sau lăng, nhiều người ngỏ ý muốn làm tượng Lễ Thành Hầu cho đình Châu Phú. Những người biết chuyện báo tin rằng tượng ngài trước đây vẫn còn được lưu giữ tại chùa Châu Long. Ban quản trị đình Châu Phú mới làm lễ rước tượng ngài từ chùa Châu Long về đình Châu Phú và đặt tại bệ thờ như hiện nay. Pho tượng Lễ Thành Hầu đội mũ Tam tài có hai phụ tá là Văn Ban và Võ Ban đứng hầu ở hai bên làm bằng gỗ quí có niên đại trên 100 năm. Trên bệ thờ có hai đôi hạc đứng chầu ở hai bên làm tăng thêm vẽ uy nghi của điện thờ.
Hai bên bệ thờ chính là hai bàn thờ Tả Ban và Hữu Ban. Nơi đây thờ các vị phụ tá và văn võ quan theo hầu bên cạnh ngài Lễ Thành Hầu. Bàn thờ Tiền hiền Lê Công Thoàn ở vị trí bên phải còn bàn thờ hậu hiền Lê Công Bích thì ở bên trái phía ngoài cùng.
Tương tự như các đình khác ở Nam Bộ, hai hàng lỗ bộ sơn son thếp vàng được cắm trên giá đặt ở 2 bên gian thờ chính . Những binh khí này sẽ được các học trò lễ mang theo trong lễ thỉnh sắc thần cùng với ngôi long vị được đặt ở chính giữa đình.
Hai bản sắc phong từ thời vua Minh Mạng và Tự Đức được lưu giữ tại Lê Công Phủ Từ . Hàng năm vào dịp lễ kỳ yên mới rước sắc về đình Châu Phú. Theo lệ cứ 3 năm một lần sẽ mở sắc phong ra để tuyên sắc đồng thời kiểm tra sắc phong có bị hư hỏng theo thời gian. Sắc phong được viết trên một tấm vải lụa có hoa văn được nêu tên và chức tước của Lễ thành Hầu. Đây là điểm đặc biệt so với các đình thờ Nguyễn Hữu Cảnh khác như đình Đa Phước, đình Mỹ Đức, đình Bình Mỹ, đình Bình Thủy, đình Mỹ Phước, đình Mỹ Thới.... mặc dầu vẫn thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh nhưng trên sắc phong vẫn ghi là Thành Hoàng Bổn Cảnh. Ngày làm lễ Kỳ yên của các đình vẫn chưa thống nhất với nhau. Đình Đa Phước, Mỹ Đức, Bình Thủy, Bình Mỹ , Mỹ Phước làm lễ kỳ yên vào ngày mùng 9, 10, 11 tháng 5 âl. Đình Chợ Mới thì trước đó 1 ngày còn đình Châu Phú thì sau 1 ngày ( mùng 10, 11 và 12). Riêng đình Mỹ Thới thì làm lễ kỳ yên vào ngày 15,16,17 tháng 5 âl trùng với đình tại Cù lao Phố Biên Hòa.
Để cho các nhà nghiên cứu tham khảo về hai bản sắc phong của vua Minh Mạng và Tự Đức, ban quản trị đình Châu Phú cho người vẽ lại 2 bản sắc phong này và đặt ở hai bên gian chính (8) . Nội dung của 2 bản sắc phong này như sau :
-         Sắc phong thời vua Minh Mạng :
“ Sắc thống suất Lễ Thành Hầu Nguyễn hộ quốc tí dân hiển hữu công đức , tiền kinh bao tặng liệt tại tự điền. Phụng ngã Thế Tổ Cao Hoàng Đế thống nhất hải vũ, khánh bị thần nhân tứ kim quang thiệu hồng đồ. Miễn nhiệm thần hưu nghi long hiền. Hiệu, khả gia phong thác cảnh, uy viễn chiêu ứng Thượng Đẳng Thần.
Nhưng chuẩn, Liệt tự tại Gia Định Thành, Hội Đồng Miếu, thần kỳ tương hữu bảo ngã lê dân.
Cố sắc.
Chế tặng chi bửu,
Minh Mạng tam niên, cửu nguyệt, nhị thập tứ nhật.”
Dịch nghĩa (9):
“ Sắc phong thống suất Lễ Thành Hầu, giữ nước che dân rạng ngời công đức, dường ấy đáng khen, nên đưa vào Miếu vũ. Vâng theo Thế Tổ Cao Hoàng Đế thống nhất đất đai, mừng được một vị thần nhân sáng chói, nối tiếp kế hoạch lớn lao, mãi mãi nhớ bậc thần tử rạng sắc vẻ vang. Lệnh ban gia phong việc mở mang bờ cỏi, uy ngàn dặm sáng tỏ bậc Thượng Đẳng Thần. Vì vậy cho phép liệt vào hàng tế tự tại thành Gia Định, Hội Đồng Miếu. Thần sẽ phù trợ dân chúng của ta.
Nên có sắc lệnh quí gia ban tặng.
Minh Mạng năm thứ ba, tháng 9 ngày 24.
-         Sắc phong thời Tự Đức :
“ Sắc Thống suất Lễ Thành Phủ Quan Tôn Thần, nguyên tặng thác cảnh, uy viễn chiêu ứng, hàm cảm hiển linh Thượng Đẳng Thần, hộ quốc tí dân niệm trứ linh ứng. Tứ kim phi ưng, Cảnh mệnh miễn niệm thần hưu, khả gia tăng thác cảnh, uy viễn chiêu ứng, hàm cảm hiển linh, trác vĩ Thượng Đẳng Thần.
Nhưng chuẩn Tây Xuyên huyện, Châu Phú thôn, y cựu phụng sự, thần kỳ tương hộ bảo ngã lê dân.
Khâm tai.
Tự Đức ngũ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập cữu nhật”.
Bản dịch :
“Sắc phong Thống suất Lễ Thành Hầu làm tôn thần, do đã từng có công mở rộng biên cảnh, uy danh vang xa ngàn dặm . Hiểu rõ vị Thượng Đẳng Thần linh hiển, đã từng giữ nước giúp dân.
Cho nên ngày nay kính bái, lời dạy sáng suốt nhớ mãi hai chữ Thần hưu, mở rộng biên cương, uy danh vang dội. Xứng đáng là một vị Thượng Đẳng Thần cao quí.
Nay ra lệnh cho huyện Tây Xuyên, thôn Châu phú,  theo lệ cũ phụng thờ vị thần đã có công giúp dân của ta.
Kính cáo.
Tự Đức năm thứ 5, tháng 11 ngày 29.
Đây là vinh dự của người dân làng Châu Phú và họ tộc Lê Công bởi vì để nhận được sắc này người dân làng Châu Phú cùng họ tộc Lê Công cử các ông Lê Công Bích, Lê Công Thành và Lê Công Châu chèo ghe ra kinh thành Huế ròng rả suốt mấy tháng trời để nhận bản sắc phong mang về quê nhà. Các làng khác cũng cử người nhận sắc phong nhưng trên sắc phong chỉ đề Thành Hoàng Bổn Cảnh, là một vị thần tượng trưng coi sóc về mặt tinh thần cho người dân tại địa phương.
Trong cuộc hội thảo khoa học về Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh diễn ra tại đình Châu Phú thuộc thị xã Châu Đốc vào năm 1993, các nhà khoa học và nghiên cứu lịch sử đã đánh giá cao về công lao sự nghiệp của ngài trong việc mở mang bờ cõi và bình định đất phương Nam. Các câu đối treo bên trong đền từ các nơi gởi tặng đã minh chứng rõ ràng cho sự nghiệp vĩ đại này.
開拓封彊壮列當年欽内國
巍峨廟宇清高千古揖行人
Dịch âm : Khai thác phong cương, tráng liệt đương niên khâm nội quốc,
Nguy nga miếu vũ, thanh cao thiên cổ ấp hành nhân.
Dịch nghĩa : Mở rộng biên cương, trong nước mọi người đều kính phục.
Miếu to hiên rộng, người qua kính bái đến ngàn thu.
LÂM THANH QUANG
Ghi chú :
(1)  Ngũ Quảng bao gồm : Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Tín ( Thừa Thiên, Huế), Quảng Nam và Quảng Ngải.
(2)  Người Hoa đến khai phá làng Châu Phú đa phần là người Triều Châu cùng với một số người Quảng Đông, Phúc Kiến. Họ chuyên nghề làm rẩy và buôn bán nhỏ tại các chợ làng.
(3)  Bộ lư này mặt trước có ghi  chữ Gia Long nguyên niên bằng chữ Hán, mặt sau ghi chữ Gia Long 1802 bằng chữ quốc ngữ . Điều này cho thấy bộ lư được chế tác từ thời Gia Long Nguyên niên, nhưng sau này đã được khắc thêm chữ quốc ngữ .
(4)  Tiền hiền là người có công khai phá vùng đất mới, sau khi mất được thờ trong đình làng.
(5)  Hậu hiền là những người có công đóng góp trong việc phát triển làng hoặc là người lúc sinh thời ra làm quan được triều đình ban chức tước, sau khi mất được thờ trong đình làng.
(6)  Vị trí của trường Nam Châu Phú trước đây nay là trường PTTH Chuyên Thủ Khoa Nghĩa, còn trường nữ Châu phú ngày xưa nay chính là trường tiểu học Trưng Vương.
(7)  Đình Châu Phú thờ hai vị thần : Thượng Đẳng Thần là Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh còn Trung Đẳng Thần là Thoại Ngọc Hầu Nguyễn văn Thoại.
(8)  Bản sắc phong từ thời Minh Mạng được vẽ lại có một số chữ hơi khác khi so sánh với bản của Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền. Bản của bà Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền có khả năng là bản sao lại bởi vì bản sắc thần gốc đời Minh Mạng phong cho các Thượng Đẳng Thần thường được làm bằng giấy gió bồi 5 lớp màu vàng có phủ nhủ kim hình rồng ẩn hiện còn xung quanh là những con rồng nhỏ nối đuôi nhau hay hình lưỡng long tranh châu. Loại giấy này để mấy trăm năm cũng không hư hỏng nếu bảo quản tốt.
(9)  Các bản dịch sắc phong được lấy từ tư liệu của Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền có chỉnh sửa lại đôi chút.
Tài liệu tham khảo :
1.     Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt vào cuối thế kỷ thứ XVII của Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền, nhà xuất bản Văn Học tái bản lần thứ tư năm 2002.
2.     Đình Miếu và lễ hội dân gian của Sơn Nam  nhà xuất bản TH Đồng Tháp tái bản năm 1994.
3.     Thân thế và sự nghiệp Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, biên khảo của nhiều tác giả do Hội Văn nghệ Châu Đốc xuất bản năm 2006.
4.     Lịch sử khai phá vùng đất Châu Đốc ( 1757-1857) của ThS Trần văn Dũng, hội trưởng hội Sử Học Châu đốc. Hội Văn Nghệ An Giang xuất bản năm 2005.

 Ghi chú : Bài viết đã được đăng trên báo KTNN số ra ngày 10/09/2013. Mọi trích dẫn từ tư liệu này phải được sự đồng ý của tòa soạn và tác giả và phải ghi chú đầy đủ nguồn dẫn.









9 nhận xét:

  1. Bác có thể miêu tả về bản sắc phong gốc ở Miếu Hội đồng được ko ạ

    Trả lờiXóa
  2. Bản sắc phong gốc của Nguyễn Hữu Cảnh có lẻ phải nhờ đến nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường vì ông đã sao chụp lại nhiều bản sắc phong thần ở tại các đình Nam bộ. Năm nay là đến kỳ đáo lệ tuyên sắc tại đình thần Châu Phú nên mình sẽ xin chụp lại Bản sắc phong tại đình và so sánh với các bản sắc phong khác để xem nó có phải là bản gốc hay không. Các bản sắc phong tại Hội Đồng Miếu Gia Định ( nằm trong thành Ô Ma cũ thời Pháp nay là trụ sở của bộ Công An tại TP HCM trên đường Nguyễn Trãi gần đường Cống Quỳnh), phần lớn bị thất lạc sau biến cố Lê văn Khôi tại thành Phiên An vào năm 1835. Sau đó vua Minh Mạng cho lập Hội Đồng Miếu tại Vĩnh Long nhưng vào năm 1868 nó cũng bị chính quyền Pháp tháo dở nên các bản sắc phong bị thất lạc rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  3. Ngày mùng 10 tháng 5 vừa qua nhân dịp lễ giỗ 114 năm ngày mất của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh cũng là năm tuyên sắc theo tục lệ từ trước đến nay ( 3 năm 1 lần vào các năm Tý, Mẹo, Ngọ , Dậu ) mình có dịp kiểm tra lại các sắc phong như sau :
    - Sắc phong Thượng Đẳng Thần cho Nguyễn Hữu Cảnh vào năm 1805 đời vua Gia Long là ở Quảng Bình quê hương của ông. Vì vậy ở Nam Bộ không có sắc này hoặc nếu có cũng là bản sao từ Quảng Bình. Do đó dình Châu Phú không thể có sắc này.
    - Sắc phong vào đời vua Minh Mạng năm thứ 3 ( 1822) có 2 sắc đều là bản sao. Bản sao lần 1 do làm bằng giấy thường nên bị hư hỏng theo thời gian thiếu mất chữ, Những người trước đây mới làm lại bản sao lần 2. Bản sao này bị thiếu mất mấy chữ ( hộ quốc tý dân hiển hữu,,,).Bản sắc phong chính có lẻ tại Hội Đồng Miếu Gia Định ( nằm trong thành Ô Ma cũ thời Pháp nay là trụ sở của bộ Công An tại TP HCM trên đường Nguyễn Trãi gần đường Cống Quỳnh), phần lớn bị thất lạc sau biến cố Lê văn Khôi tại thành Phiên An vào năm 1835. Sau đó vua Minh Mạng cho lập Hội Đồng Miếu tại Vĩnh Long nhưng vào năm 1868 nó cũng bị chính quyền Pháp tháo dở nên các bản sắc phong bị thất lạc rất nhiều.
    - Bản sắc phong vào đời Tự Đức năm thứ 5 ( 1852) là bản chính căn cứ vào chất lượng giấy và chữ viết( giấy dó và nét chữ viết rất sắc xảo ). Hoa văn trên đó được phun nhủ rồng mây là một đặc trưng của sắc phong thời tự Đức.

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Theo ông Lê Công Thời là hậu duệ của tộc họ Lê Công hiện là Trưởng Ban Quản Trị đình Châu Phú, thì lần trùng tu lại đền Lễ công kế bên bệnh viện cũ Châu Đốc sau cùng là vào năm 1908-1912 trùng với năm xây dựng Lê Công Phủ Từ. Lúc đó dòng họ Lê Công mua cây gỗ từ Campuchia và Lào về xây dựng Lê Công Phủ Từ nhân thể trùng tu lại ngôi đền Lễ Công. Khi di dời về vị trí hiện nay vào năm 1925-1926 thì toàn bộ cột kèo của ngôi đền này được tháo ra và lắp ráp trở lại để giữ nguyên hiện trạng ngôi đền cũ. Những năm chiến tranh chống Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam, mái ngói đình bị miểng văng trúng nên hư hại một ít nhưng toàn bộ bên trong đình vẫn nguyên vẹn.

    Trả lờiXóa
  6. Vào facebook tên Lam Quang Hien sẽ thấy hình chụp bản sắc phong của vua Minh Mạng và Tự Đức cho Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Qua đó sẽ dễ dàng phân biệt bản nào là bản sao, bản nào là bản chính.

    Trả lờiXóa
  7. Mấy hôm nay xem sắc phong của vua Minh Mạng cho Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại đình Bình Kính tỉnh Đồng Nai mới thấy rằng nhận xét mình đưa ra là chính xác. Vào ngày 24 tháng 9 Âl năm Minh Mạng thứ 3 ( 1822) , nhà vua ban 2 đạo sắc phong Thượng Đẳng Thần cho Nguyễn Hữu Cảnh : một đạo tại đình Bình Kính để cho nhân dân tại đây phụng thờ. Đạo sắc thứ 2 thì đưa vào Hội Đồng Miếu để thờ. Giữa 2 đạo sắc này giống nhau ở phần đầu nhưng khác nhau ở phần giao cho địa phương phụng thờ .

    Trả lờiXóa
  8. Các đình Châu Phú và các đình khác thờ Nguyễn Hữu Cảnh không có sắc phong nên đến nhờ Hội đồng miếu Gia định sao lại các sắc phong này. Sau khi hội đồng Miếu gia Định bị hư hại do loạn Lê văn Khôi. Vua Minh mạng cho thành lập Hội Đồng Miếu tại Vinh Long và cho phép làm các phó bản cho các sắc phong tại Hội Đồng Miếu Gia định bị hư hỏng và đem về đây để thờ. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua phần cuối của bản sắc phong này.

    Trả lờiXóa
  9. Qua nghiên cứu 3 bản sao sắc phong thời Minh Mạng cho Nguyễn Hữu Cảnh hiện được lưu giữ tại Lê Công Phủ Từ gồm một sắc phong đường viền màu đỏ hình rồng mây thì dấu ấn bên trong là dấu ấn "Hội Đồng Miếu ấn". Hai săc phong kia có hoa văn hình mây thì một bản mang dấu ắn "Lễ Bộ Đường chi ắn" còn bản kia là dấu ấn "Hội Đồng Miếu ắn". Đặc biệt là hai bên chỗ ghi niên hiêu vua Minh Mạng là 4 chữ "Chế tặng chi bảo" còn phia bên trái dấu ấn là 4 chữ "Tráp tống phụng tự" nghĩa là sao chép lại dể thờ cúng. Do bản gốc săc phong của vua Minh Mạng cho Nguyễn Hữu Cảnh tại Hội đồng miếu Gia Định bị thất lạc trong vụ bạo loạn của Lê văn Khôi nên bản sao nay có lẽ do Thoại Ngọc Hầu nhờ bộ Lễ và Hội Đồng miếu Gia Định sao chép khoảng năm 1825-1829 sau khi ông đào kinh Vĩnh Tế xong. Biuawx ông và dòng họ Lê Công có một mối quan hệ khắn khít với nhau.

    Trả lờiXóa