Trang

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Tin ngưỡng thờ Bà trong nghệ thuật múa Bóng rỗi ở Nam Bộ.



TÍN NGƯỠNG THỜ BÀ TRONG NGHỆ THUẬT

MÚA BÓNG RỖI Ở NAM BỘ.

Cùng với đờn ca tài tử, múa bóng rỗi là một loại hình độc đáo của Nam Bộ gắn liền với yếu tố tâm linh của tín ngưỡng thờ Bà. Ngày xưa, trong những ngày lễ vía Bà Chúa Xứ núi Sam và các lễ cúng tại các am, miếu ở vùng đất Nam Bộ, thường có những nghệ nhân trình diễn những bài hát rỗi, kết hợp với những điệu múa mang tính chất tạp kỹ của xiếc rất được đông đảo quần chúng tán thưởng.


Hình 01 : Hát rỗi mời gọi cộng đồng tham gia.
Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam đã có từ lúc Vua Hùng dựng nước với truyền thuyết con Rồng , cháu Tiên gắn với việc Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra trăm người con. Năm mươi con theo cha xuống biển lập thành nước Văn Lang, năm mươi con theo mẹ lên núi trở thành những dân tộc ít người sống trên núi cao như Mnông, Tày, Thái, Nùng.... Tuy truyền thuyết này có vẻ hoang đường, thiếu tính khoa học nhưng mẫu Âu Cơ được xem như là vị Mẫu đầu tiên của dân tộc Việt.
 Hình 02 : Múa dâng bông.
Từng bước, dân tộc ta có tín ngưởng thờ Tam Phủ, Tứ Phủ, thờ Đức Thánh Trần và các nữ anh thư như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bà Lê Chân.... Lúc đầu hát chầu văn xuất hiện dưới dạng hát thờ tức là hát vào những ngày lễ tiết, mừng Thánh đản sinh hay Thánh hóa, về sau nó được phát triển trong các lễ hầu đồng, hát văn nơi cửa đền.

Hát chầu văn sử dụng nhiều thể thơ khác nhau được phổ nhạc kết hợp với giai điệu dân ca. Khoảng thế kỷ 18-19  các nhà nho đã thổi hồn cho điệu hát chầu văn bằng những bài hát nói . Từ đó nó gần gủi với dân chúng hơn là những điệu nhạc cung đình. Mỗi bài hát chầu văn được soạn theo phong cách mà nhân vật sẽ xuất hiện trên giá chầu. Động tác của các thanh đồng (1) cũng phải ăn khớp với lời ca.
  Hình 03 : Múa mâm vàng.
Hát chầu văn ở miền Bắc phát triển nhất vào đầu thế kỷ 20. Sau năm 1954 nó bị cấm ở miền Bắc nhưng những người gốc Bắc di cư đã kịp đem “ Hầu giá đồng” này vào miền Nam kết hợp với múa bóng rỗi ở địa phương hình thành một loại hình văn hóa mới tại Sài Gòn và ở một số nơi khác ở Nam Bộ.


 Hình 04 : Múa Khạp da bò ( múa lu).
Khi khai hoang mở cõi về đất phương Nam đến vùng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (Nha Trang)....vào thời chúa Nguyễn, tục thờ Mẫu ở miền Bắc đã hòa nhập vào tục thờ nữ thần Pô Ina Nagar của dân tộc Chăm Bà ni ở Nam Trung Bộ và nữ thần này được Việt hóa thành nữ thần Thiên Y A Na. Lòng tin của người dân mãnh liệt đến mức triều đình nhà Hậu Lê phải phong cho nữ thần là Thiên Y Thánh Mẫu. Vừa qua nhà nghiên cứu văn hóa và sưu tầm cổ vật Lâm Dũ Xênh đã tìm lại được sắc phong cho Thiên Y cổ miếu tại làng Bình Thủy, thôn Bình Liêm, xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, tỉnh Ninh Thuận và đã  trao lại cho ngôi miếu này. Đây là ngôi miếu cổ có tuổi đời mấy trăm năm và được cả 3 dân tộc Kinh, Chăm và Hoa tin tưởng và cúng bái thường xuyên. 

  
 Hình 05 : Khán giả thưởng tiền cho nghệ nhân.
Tại đây, những bài hát nói trong điệu hát chầu văn của miền Bắc được thay thế bằng điệu hát bài chòi và múa mâm vàng của người Chăm Trung bộ được đưa vào trong nghi lễ cúng tế nữ thần Thiên Y A Na. Khăn xếp của miền Bắc cũng được cải biên lại thành khăn vành rây rộng hơn gần giống với trang phục của cung đình Huế.



 Hình 06 : Người xem bên dưới cũng phấn khích 
và đội mâm múa theo.
 Càng tiến sâu về phương Nam, tục thờ Mẫu có dịp tiếp xúc với nhiều nguồn văn hóa khác nhau như tục thờ Thiên Hậu Nương Nương của người Hoa du nhập vào Việt Nam hơn 300 năm, tục thờ nữ thần đất Néang Khmau (2) của người Khmer và kết hợp lại để trở thành một nữ thần của địa phương như trường hợp của Bà Đen ở Tây Ninh trở thành Linh Sơn Thánh Mẫu. Đặc biệt nhất là trường hợp của Bà Chúa Xứ núi Sam : từ một tượng thần Shiva là một nam thần của đạo Bà La Môn có nguồn gốc từ Ấn Độ đã trở thành Chúa Xứ Thánh Mẫu (3) được cộng đồng người dân tin tưởng không chỉ riêng vùng đất An Giang mà cả Nam Bộ rộng lớn. Hai bệ thờ bên tượng Bà Chúa Xứ núi Sam còn đang lưu giữ bộ Linga và Yoni phủ bằng khăn đỏ được người dân tôn xưng Cô và Cậu. Ngoài Chúa Xứ Thánh Mẫu được thờ trong ngôi miếu uy nghi  dưới chân núi Sam,  ở Nam Bộ còn có những nữ thần khác được người dân tin tưởng như “Bảy Bà hay Bảy Cô”, Bà La Sát, Bà Cố Hỷ, Chúa Tiên, Chúa Ngọc, Ngũ Hành Nương Nương, Cô Hiên, Quan Âm Nam Hải...... Hiện nay trên đường Thủ Khoa Nghĩa gần cầu Vĩnh Nguơn TP Châu Đốc, tỉnh An Giang còn tồn tại một ngôi miếu thờ “ Bảy Bà” được xây dựng cách nay hơn 100 năm. Miếu Bảy Bà hay Thất Thánh Nương Nương này dựa trên truyền thuyết về Thất Tiên Nữ (4) của Trung Quốc là những nữ  tì theo hầu bên cạnh Tây Vương Mẫu đã được Việt hóa thành những vị tiên cô theo hầu Chúa Xứ Thánh Mẫu. Hai bên bệ thờ của miếu Bảy Bà còn có bàn thờ Cậu Tài và Cậu Quý, những nhân vật gắn liền với tín ngưỡng dân gian của người Việt. Điều này cho thấy rằng tín ngưỡng ở Nam Bộ chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn văn hóa khác nhau. Có lẻ do bất an trước cuộc sống gian khổ hiểm nguy nơi vùng đất mới, người ta dễ dàng tìm kiếm những chỗ dựa tinh thần từ những  thế lực “ siêu nhiên” , qua đó mà phấn đấu với chính bản thân để vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sinh tồn.  

Hình 07 : Múa dĩa.
Múa bóng rỗi ở Nam bộ được phổ biến tại các tỉnh ở Nam Bộ cách nay hơn 300 năm khi người dân ở miền ngoài đến khai phá vùng đất mới này.Trang phục của nghệ nhân  múa bóng rỗi gần giống như trang phục của các vũ công trong điệu múa Lục Cúng Hoa Đăng trong cung đình. Một số bài nhạc lễ sử dụng trong múa bóng rỗi có nguồn gốc từ Trung bộ được các nghệ nhân đưa vào sử dụng tại Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam vào những lễ vía hàng năm. Gần đây, những bài hát rỗi còn kết hợp thêm với dạng nói lối trong hát Bộ , hát Cải Lương và các điệu lý như lý cây bông, lý trăm hoa, lý trèo đèo, lý trống cơm... để làm phong phú thêm làn điệu của bài hát rỗi.
 Hình 08 : Múa dao phay.
 Mở đầu cho các bài múa bóng rỗi, bà Bóng xuất hiện trên sân khấu ; tay trái cầm vào tang trống tổ có đường kính khoảng 25cm, tay phải cầm dùi trống gõ vào mặt trống và tang trống, vừa gõ vừa hát. Nội dung của bài hát rỗi nói về ý nghĩa của buổi biểu diễn này và mời gọi cộng đồng cùng tham gia. Sau đó đến màn múa dâng bông và múa Mâm vàng (5) để làm lễ dâng lên Bà trước khi biểu diễn. Đây là những tiết mục bắt buộc còn những tiết mục khác tùy theo tình huống mà mỗi nghệ nhân sẽ có cách tùy biến khác nhau. Đẳng cấp của nghệ nhân múa bóng rỗi được xác định qua tiết mục múa Mâm vàng.  Trong tiết mục này,chiếc mâm được tung hứng một cách khéo léo và nó có thể di chuyển từ  đầu xuống vai và chạy khắp thân thể tùy thuộc vào cách lắc mình và động tác của người biểu diễn. Múa đồ chơi như múa khạp da bò ( múa lu ), múa xe máy, múa rót rượu, múa bông huệ, múa dao phay, múa dĩa, múa bình bông bát tiên...cũng rất được mọi người hưởng ứng vì đây là những tiết mục không nằm trong việc tế lễ mà nó nhằm giúp vui cho cộng đồng . Điều lý thú của nghệ thuật múa đồ chơi này là các nghệ nhân có thể rời sân khấu để hòa nhập vào cộng đồng đang xem biểu diễn bên dưới. Đôi khi người xem phấn khích tột độ, cũng bắt chước thao tác  giống như các nghệ nhân múa bóng rỗi khiến cho buổi biểu diễn thêm phần sinh động. Khán giả tán thưởng bằng cách  bỏ tiền vào khạp da bò hay mâm tháp được các nghệ nhân đội trên đầu, nếu biểu diễn càng hay thì tiền thưởng càng nhiều ! Giàn nhạc dùng trong buổi biểu diễn múa bóng rỗi thường là các nhạc cụ thuộc bộ gõ như trống cái, sênh, phách, bộ dây như đàn kìm, bộ vĩ như đàn cò... Sau này có thêm cây đàn guitar phím lõm dùng trong sân khấu cải lương được đưa vào để làm phong phú thêm cho giàn nhạc.
Hình 09 : Múa bông huệ.

Điểm khác biệt giữa múa bóng rỗi ở miền Nam và múa lên đồng ở miền Bắc là người múa bóng rỗi không hề tự xưng là thần thánh nhập vào mà chỉ khiêm tốn cho rằng mình là con cháu của Bà đến đây trước là làm lễ dâng lên Bà, sau là mua vui cho cộng đồng về đây tham dự lễ hội. 
Các nghệ nhân múa bóng rỗi thường là những người thuộc thành phần giới tính thứ ba mà ngoài đời gọi là “ bóng”. Để bù vào những khiếm khuyết về giới tính, những người này được trời ban cho một thiên tư về múa, tay chân mềm dẽo giúp cho họ có thể thực hiện những thao tác múa bóng rỗi một cách điêu luyện. Trên sân khấu, họ vừa là người diễn xướng vừa là người trình diễn các tạp kỹ về bóng rỗi, còn giàn nhạc chỉ giữ vai trò phụ họa theo. Khi biểu diễn, những nghệ nhân này đã thể hiện sự đam mê, tận tụy với nghề đến mức quên mình. Chất men nghệ thuật thấm đẫm vào máu huyết từ những ngày thơ ấu, nay có dịp trỗi lên đã làm cho hồn phách say sưa, tâm trí ngất ngây để họ vươn tới đỉnh cao nghệ thuật như một quá trình thăng hoa. Ở đó, lằn ranh giữa thế tục và siêu nhiên như bị xóa nhòa, họ hiện diện trước mắt chúng ta bằng xương bằng thịt, mà lạ lẫm như bước về từ một thế giới xa xôi nào ! Thật là một bộ môn nghệ thuật có sức thôi miên đến mức đôi khi chúng ta phải tự hỏi :  “Phải chăng có sự chi phối về tâm linh nào đó của thế lực siêu nhiên đến bản thân người múa bóng rỗi ?”  

 Hình 10 : Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên giải đáp thắc mắc vể cách thức đào tạo nghệ nhân múa bóng rỗi.
Tại buổi hội thảo “Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ, bản sắc và giá trị” tổ chức tại Châu Đốc vào ngày 26.04.2014, để giải đáp thắc mắc của những đồng thầy tại các đền, phủ  hầu giá đồng ở miền Bắc về tham dự, rằng những người múa bóng rỗi có phải do thánh nhập vào hay là do kỹ năng luyện tập ? TS Mai Mỹ Duyên, người đã mất nhiều năm nghiên cứu về múa Bóng rỗi ở Nam Bộ đã khẳng định rằng :

Các nghệ nhân múa bóng rỗi được đào tạo từ lúc nhỏ khoảng 8-10 tuổi và phải mất từ 8-10 năm rèn luyện thực nghiệm cùng thầy trong những buổi biểu diễn về múa bóng rỗi thì mới được công nhận là nghệ nhân. Người được chọn phải hội đủ các yếu tố sau :

-  Có năng khiếu và cơ duyên để đến với nghề bóng rỗi bởi vì đây là một cái nghiệp. Khi đã chọn rồi thì nó sẽ đi theo mình suốt đời mặc dầu phải trãi qua nhiều gian khổ và chịu đựng những định kiến của xã hội đối với nghề này.

-  Biết cắt mâm vàng dùng cho tế lễ và làm đạo cụ cho múa bóng rỗi cũng như  các đạo cụ biểu diễn khác.

-  Có giọng hát tốt và thuộc lòng những bài hát rỗi cổ truyền cũng như sáng tạo ngẫu hứng trong lúc biểu diễn.

-  Có những kỹ thuật múa nghi lễ điêu luyện.

-  Có kỹ thuật múa đồ chơi ( tạp kỷ) khéo léo để biểu diễn các bài múa như múa dâng bông, múa mâm vàng, múa rót rượu, múa dao phay, múa lông công... và sức lực để múa những vật nặng như múa khạp da bò, múa xe máy, múa bàn ăn....

Đây là  điểm khác biệt thứ hai rõ nét nhất giữa múa bóng rỗi ở Nam Bộ và múa lên đồng của các thanh đồng ở miền Bắc. Khi biểu diễn, chính những kỷ năng luyện tập kết hợp với niềm tin rằng Bà sẽ phù hộ cho họ trong cuộc sống đã trở thành điểm sáng tâm linh giúp họ vượt qua mọi thử thách để đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. 

Từ sau thập kỷ 70-80 của thế kỷ trước, do việc đánh đồng với mê tín dị đoan nên múa bóng rỗi không được xuất hiện trước công chúng và chìm vào quên lãng. Những nghệ nhân múa bóng rỗi thời trước không tìm được truyền nhân nên ít quan tậm đến việc đào tạo đội ngũ kế thừa của loại hình này. Tuy nhiên vẫn còn một số nghệ nhân ở Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, An Giang....vì yêu nghề nên vẫn lén lút đào tạo những hạt nhân mới. Đến nay chúng ta đã có một cái nhìn mới về loại hình này nhưng để phục hồi nó cũng phải mất đến 10 năm, 20 năm thậm chí lâu hơn nữa bởi vì người nghệ nhân múa bóng rỗi phải được chọn lọc và đào tạo ngay từ lúc nhỏ, phải có căn cơ và gắn bó với nghề. Tiếc rằng cho đến nay vẫn chưa có một trường đào tạo, một khóa huấn luyện chính qui cho loại hình múa bóng rỗi bởi vì những nghệ nhân trước đây được truyền thụ trực tiếp thông qua người thầy, không có giáo trình thống nhất cho việc đào tạo nghề này mà chỉ nhờ vào khả năng sáng tạo của người được truyền thụ. Tuy nhiên , đó cũng chính là nét độc đáo của nghệ thuật múa bóng rỗi !

LÂM THANH QUANG



1.     Chú thích :

 (1) Thanh đồng : Còn được gọi là ghế đồng hay xác đồng là người được chọn để Thánh nhập vào.

 (2) Néang Khmau : Nữ thần đất của người Khmer được thờ rất nhiều ở các tỉnh vùng Tây Nam bộ nơi có nhiều đồng bào Khmer sinh sống. Tượng vừa mới được phục dựng tại núi Bokor ( Tà Lơn) trên đường từ chân núi đến khu Thansur Bokor Highland Resort thuộc tỉnh Kampot vương quốc Campuchia.

(3) Người Pháp dùng danh từ “Reine du pays” để tôn xưng Bà. Reine có nghĩa là nữ vương, nữ hoàng. Còn pays nghĩa là xứ sở, vùng đất. Reine du pays nghĩa là bà Chúa của một vùng đất, hay Bà Chúa Xứ.

(4) Thất thánh nương nương : là 7 nữ tì theo hầu Tây Vương Mẫu có tên gọi theo màu áo mặc là Hồng tiên nương nương,Thanh tiên nương nương, Tử tiên nương nương, Bạch tiên nương nương, Hoàng tiên nương nương, Lục tiên nương nương và Lam tiên nương nương.
 (5) Múa mâm vàng còn gọi là múa tháp là hình một chiếc tháp được cắt bằng giấy bìa cứng dán giấy nhủ vàng mô phỏng theo tháp thờ nữ thần Pô Ina Nagar của dân tộc Chăm Bà ni ở Nha Trang ( Khánh hòa) mà người Việt gọi là Tháp Bà. Tháp này sẽ được gắn chặt vào một chiếc mâm bằng đồng hay nhôm mà người biểu diễn đội trong lúc tế lễ .Cạnh bên của chiếc mâm được được đặt lên đầu, cằm hay mủi và nghệ nhân múa bóng rỗi sẽ cố giữ cho chiếc mâm thăng bằng trong khi biểu diễn.


2.     Tài liệu tham khảo :

-         TS Trần Hồng Liên : Giá trị truyền thống trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam bộ.
-         TS Mai Mỹ Duyên : Kỹ năng trình diễn múa bóng rỗi.
-         TS Nguyễn thị Hải Phượng : Nghi thức diễn xướng bóng rỗi trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam bộ.
-         Ths Nguyễn Hữu Hiếu : Vài nét về diễn trình hình thành tục thờ Bà Nam bộ.

 Bài viết đã được đăng trên báo KTNN số 857 ra ngày 01.06.2014. Mọi trích dịch từ bài viết này phải có  sự đồng ý của Tòa soạn và tác giả và phải ghi rõ nguồn trích dẫn.

1 nhận xét:

  1. Hiện nay nếu đi tham quan ngôi chùa Tây An dưới chân núi Sam nằm ở cuối đường Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương cách miếu Bà Chúa Xứ núi Sam vài trăm mét, ta sẽ thấy có nhiều điều lạ. Kiến trúc bên ngoài theo phong cách Ấn Độ ; bên trong lại thờ tượng Tam Hoàng, Ngũ Đế,Tứ Thiên Vương và Thập Bát La hán theo phong cách TQ ; phía sau chùa có ngôi mộ của Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên , người sáng lập ra phái Bửu Sơn Kỳ Hương chủ trương thờ trần điều chứ không thờ hình tương. Nếu đi vào cửa bên phải nhìn sang góc phải ta sẽ thấy có một trang thờ cô bóng Hiên một nhân vật huyền thoại của Nam Bộ gắn liền với cái chết của Nguyễn Hữu Cảnh. Khoảng năm 1700 ông thống lĩnh binh sĩ đi dẹp loạn Man Di ở vùng Phước Long, thượng nguồn Sông Bé. Trên một gò đất cao ở Cù Lao Phố, một ngày trời quang mây tạnh, ông làm lễ xuất quân. Bỗng có một bà đồng bóng, gọi là cô Bóng Hiên lên đồng ngăn cản: “Đừng đi sẽ nguy hiểm đến tánh mạng”. Vì trung quân ái quốc, ông tuốt gươm chém cô bóng và ra lệnh tiến binh theo dòng Đồng Nai về hướng thượng nguồn. Đến nơi bị trúng tên độc của kẻ thù phải vong mạng. Thi hài ông được đưa về quàn tại gò đất nơi làm lễ xuất binh, trước khi được đưa về an táng ở quê hương Quảng Bình. Nơi gò đất cao đó, sau này dân làng lập ra đình Bình Kính để thờ tự ông cùng với ngôi mộ. Hướng bên kia sông gần Thanh Lương Cổ Tự, dân làng lập ra ngôi miếu thờ cô bóng Hiên. Ngôi miếu này rất hiển linh nên được nhiều người dân đến cúng bái.

    Trả lờiXóa