Trang

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

“ CÂY THẺ” VÀ “ BIA CÀN LONG” NƠI CHÙA BỒNG LAI HUYỀN THOẠI VÀ SỰ THẬT




“ CÂY THẺ”“ BIA CÀN LONG” NƠI CHÙA  BỒNG LAI
HUYỀN THOẠI VÀ SỰ THẬT

Nằm bên dòng kinh Vĩnh Tế cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng hơn 10 km, chùa Bồng Lai được nhiều người biết đến bởi nó gắn liền với việc khai phá vùng đất Thất Sơn để thành lập trại ruộng của Thiền sư Đoàn Minh Huyên được người đời xưng tụng là Đức Phật Thầy Tây An, người sáng lập ra giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Ngoài ra, nơi đây còn sót lại di tích  một trong 5 cây thẻ mà Đức Phật Thầy Tây An và Đức Cố Quản Trần văn Thành đã cắm - mà có truyền thuyết cho rằng để phá “ếm” của người Trung Hoa. 



 Hình 1 : Chùa Bồng Lai vào lễ giỗ lần thứ 122 của ông Đạo Lập.



Từ những câu chuyện truyền thuyết :

Theo truyền thuyết kể lại người lập nên chùa Bồng Lai là ông Đạo Lập tên thật là Phạm Thái Chung hiệu là La Hồng ( 1832 – 1891), quê tại làng Đa Phước, nay thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, là một trong 12 đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An. Vào khoảng năm 1849-1850, làng Bà Bài đang xãy ra một trận dịch. Ông Đạo Lập được Đức Phật Thầy phái đến để trị bệnh cho dân chúng trong vùng. Dân làng tổ chức cất chùa để cho ông tu hành và trị bệnh, đặt tên là chùa Bồng Lai nhưng người dân vẫn quen gọi là chùa Bà Bài vì ngày xưa có một bà cụ tên Bài sống rất lâu ở đây. Lâu dần người địa phương đọc trại thành Bài Bài.

 

Hình 2 : Khách hành hương thắp hương trước cửa chùa.
 
Tương truyền, trong một lần trên đường từ núi Tà Lơn về Bà Bài đi qua Ton Hon ( nay thuộc đất của Campuchia, đoạn nằm giữa đường từ Giang Thành đến Tà Keo), ông Đạo Lập khám phá một cây “ếm” bằng đá do người Hoa chôn ở đó. Trên cây ếm này có nhiều chữ đã mờ chỉ còn đọc được vài chữ : 皇 清...                                                       
Dịch âm : Hoàng Thanh…. Càn Long ngũ thập thất niên, trọng thu cốc đán…
Dịch nghĩa : Triều đại nhà Thanh, đời vua Càn Long năm thứ 57, giữa mùa thu đầu vụ mùa. 
    


Hình 3 : Tấm bia Càn Long được cho là do con cháu nhà Mạc dựng nên được đặt trong ngôi miếu nhỏ trước cửa vào hậu liêu chùa Bồng Lai.



Căn cứ vào những chữ này người ta đoán là do con cháu họ Mạc cắm vào khoảng năm 1792 bởi vì trước đó Mạc Thiên Tích bị giữ tại Xiêm La và tự tử chết vào năm 1780. Năm 1788 Mạc Công Bính là con út của Mạc Tử Hoàng mới đem hài cốt của ông và gia quyến về chôn tại núi Bình San thuộc trấn Hà Tiên.
Sau khi tìm được bia Càn Long, Đức Phật Thầy Tây An cho đục bỏ một số chữ trên bia và  làm 4 cây thẻ hình trụ vuông, trên đầu có hình búp sen bằng gỗ “lào táo”, cùng 1 cây thẻ làm bằng trụ đá và sai ông Trần văn Thành đem cắm xung quanh vùng Thất Sơn để “phá ếm”. Năm cây thẻ đó là :
- Đông Phương Thanh Đế ở làng Vĩnh Hanh huyện Châu Thành ( ngày nay còn di tích là dinh ông Thẻ).
- Bắc Phương Hắc Đế thuộc xã Vĩnh Thạnh Trung huyện Châu Phú.
- Tây Phương Bạch Đế thuộc ấp Bà Bài xã Vĩnh Tế cạnh chùa Bồng Lai.
- Nam Phương Xích Đế tại Giồng Cát ( thuộc rừng Tràm ).
- Trung ương Huỳnh Đế đặt tại Dinh ông thẻ gần điện Bò Hong trên đỉnh núi Cấm, xã Tú Tề huyện Tịnh Biên làm bằng đá.
  Hình 4 : Di tích còn lại của cây thẻ Tây Phương Bạch Đế nơi chùa Bồng Lai.





Hình 5 : Bài vị Tây Phương Bạch Đế thờ ở bên cạnh di tích cây thẻ.


  Đến hiện thực :

Theo các nhà nghiên cứu đạo Bửu Sơn Kỳ Hương thì tấm bia được cho là bia Càn Long mà ông đạo Lập tìm ra thực ra không phải là bia ếm gì cả mà là loại cột mốc để xác định chủ quyền của họ Mạc, vì vào năm 1757 Mạc Thiên Tích được vua Chân Lạp cắt đất ban thưởng do đã có công giúp vua Chân Lạp đánh đuổi giặc Xiêm La. Đất phong đó bao gồm Tầm Bôn ( Tân An ), Bôi Lạp ( Gò Công), Trấn Giang ( Hậu Giang), Trấn Di ( Bạc Liêu ), Long Xuyên (Cà Mau) , Kiên Giang, đảo Phú Quốc của Việt Nam và những vùng dọc theo ven biển từ Kampot đến Kompong Som của Campuchia ngày nay; Còn chúa Nguyễn thì được đất Tầm Phong Long bao gồm An Giang, Đồng Tháp,Vĩnh Long, Trà Vinh hiện nay.... Riêng vùng đất Hà Tiên ( Phương Thành) đã được Mạc Cửu dâng cho chúa Nguyễn vào đầu thế kỷ thứ 18 rồi. Sau đó họ Mạc tiếp tục đem những phần đất được ban thưởng này dâng cho Chúa Nguyễn vì biết mình không có khả năng giữ được trước cuộc tấn công của quân Xiêm La. Có lẽ “bia ếm” này là cột mốc xác định ranh giới giữa An Giang và Hà Tiên.
Một số người thuộc giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương do còn chịu ảnh hưởng tư tưởng về phong thủy của đạo giáo Trung Hoa đã cho rằng con cháu họ Mạc thấy vùng đất Thất Sơn có nhiều linh khí nên đã cắm bia đá để ếm, vì vậy phải nhổ lên và trồng lại cây mới để phá ếm. Nhiều nhà nghiên cứu khác còn liên hệ tấm bia Càn Long này với truyền thuyết Cao Biền cởi diều gỗ bay đi khắp nơi tìm long mạch để trấn ếm nhằm tăng thêm sự kỳ bí của tấm bia này. Điều này mới nghe qua cũng khá hợp lý, vì Cao Biền vốn là một nhà địa lý tinh thông pháp thuật, được nhà Đường phong chức Tiết độ Sứ Giao Châu và trong thời gian làm quan, ông đã đi khắp Giao Châu tìm long mạch để trấn ếm nhằm tránh sự trỗi dậy của người dân đất phương Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế Cao Biền ( 821- 877) đã sống vào triều đại nhà Đường trước nhà Mạc gần một ngàn năm. Vào thời kỳ này, vùng đất Thất Sơn vốn thuộc vương quốc Phù Nam do hải xâm Holoxen IV đã bị chìm trong biển nước, người dân ở đây ly tán khắp nơi thì làm gì còn chỗ cho Cao Biền trấn ếm. Vấn đề này đã được các học giả giải thích rõ trong buổi hội thảo về Thiền sư Đoàn Minh Huyên tổ chức tại huyện Tịnh Biên vào ngày 28 tháng 9 năm 2013. Đồng thời, theo cố nhà văn Mai văn Tạo thì “bia ếm” Càn Long này trước đây được ông Đạo Lập mang về đặt ở chùa Bà Bài, nhưng vào những năm kháng chiến chống Mỹ bị máy bay địch bắn phá nên các cụ già trong làng đem bia này về tại miếu Ngọc Hoàng phía sau lăng Thoại Ngọc Hầu. Sau khi xây cất lại chùa Bồng Lai vào năm 1989, mới đem về đặt lại phía sau chùa ngay cửa vào hậu liêu, trong một miếu thờ nhỏ.
Để đến chùa Bồng Lai du khách có thể sử dụng nhiều phương tiện khác nhau. Nếu đi bằng đường thủy thì có thể bắt đầu từ đầu nguồn kinh Vĩnh Tế bằng tắc ráng hay tàu khách tuyến Châu Đốc-Giang Thành. Còn đi bằng đường bộ thì từ gần đình Vĩnh Tế thì rẻ phải vào con đường nhỏ dẫn đến Cống Đồn nằm trên bờ kinh Vĩnh Tế. Sau đó đi theo con đường trãi nhựa dọc bờ kinh khoảng gần  5 cây số là có thể thấy chùa Bồng Lai nằm chơ vơ phía bên kia bờ kinh. Hiện nay có một cầu treo bắc ngang kinh do một Việt Kiều sinh sống tại Mỹ là ông Huỳnh văn Lang hiến cúng, để khách hành hương dễ dàng đến cúng bái chứ không phải chờ xuồng đưa sang bên kia chùa như trước đây, nhất là trong những ngày Vía ông Đạo Lập có hàng chục ngàn tín đồ ở khắp nơi đến cúng viếng.
Chùa Bồng Lai có một đặc điểm khác biệt so với các ngôi chùa khác là phía trước thờ Phật Như Lai nhưng phía sau thì thờ trần điều, Đức Phật Thầy Tây An, ông Đạo Lập và cụ cử Đa - một nhân sĩ chống Pháp sang núi Tà Lơn ( Bokor) để tu luyện pháp thuật hòng giải phóng nước nhà. Ông có công lớn trong việc xác định các loại thuốc quí hiếm có trên núi Tà Lơn. Trong chùa cũng không có hình tượng gì nhiều như các chùa khác.



Hình 6 : Phía mặt sau điện thờ chùa Bồng Lai thờ trần điều, Đức Phật Thầy Tây An và cụ Cử Đa còn phía trước thì thờ Phật như các chùa khác.
Bên hông chùa sát bờ kinh Vĩnh Tế, di tích của cây thẻ chỉ còn lại gốc nằm dưới một hố sâu được bảo quản cẩn thận. Phía trên có bệ thờ và bài vị  có chữ “ Bửu Sơn Kỳ Hương, Tây Phương Bạch Đế”. Theo lời người dân kể lại do quá tin tưởng nên một số người có thân nhân đau ốm, bệnh tật lén đẽo cây thẻ này về nhà làm thuốc vì họ cho rằng cây này có thể trị được những bệnh nan y.  Sau một thời gian lưu lạc, nhà chùa mới tìm lại được hai mảnh dài khoảng 3 tấc, ngang 1,5 tấc và dày khoảng 6 phân và được đặt bên trong một lồng kiếng bên cạnh bài vị của ông Đạo Lập trên bàn thờ phía sau chùa. Về thân và gốc cây thẻ còn lại nằm dưới hố sâu sau  này được đào lên và đặt trong một lồng kiếng, xung quanh được rào bằng lưới thép để người dân có thể chiêm ngưỡng.
Sau khi cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa của Trần văn Thành bị thất bại, ông Đạo Lập rời bỏ làng Bà Bài để tìm đến núi Tà Lơn (Bokor) thuộc Campuchia mong tìm học được pháp thuật để về trấn áp được súng đạn tối tân của người Pháp. Sau cùng ông cũng ngộ ra rằng không phải bằng phép thuật mà chính sức lực của con người mới có thể đánh đuổi giặc ngoại xâm. Ông trở lại chùa Bồng Lai để trị bệnh cứu người và phát triển đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, qua đó sẽ tập hợp một số người để đánh đuổi giặc Pháp. Thấy số người tập hợp trị bệnh khá đông, tiếng đồn vang xa nên giặc Pháp cho mật thám tìm bắt ông nhưng nhờ sự che dấu của người dân nơi đây nên lần nào chúng cũng về không. Chúng quay sang khủng bố các tín đồ nên buộc lòng ông phải ra trình diện. Bọn cầm quyền giam ông tại nhà ngục Châu Đốc kết tội ông âm mưu dấy loạn nhưng do không tìm được bằng chứng nên chúng đành phải thả ông ra. Sau khi ông viên tịch, một số đệ tử âm thầm đưa ông về chôn tại cánh đồng tại xã Vĩnh Nguơn. Mộ của ông được khõa bằng như mộ Phật Thầy Tây An chứ không làm nấm nên hiện nay người ta không tìm được dấu vết.

Trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chùa Bồng Lai là trạm dừng chân của giao liên, bộ đội khi qua lại giữa hai biên giới nên là mục tiêu bắn phá của  giặc. Đây cũng là nơi bố trí bộ chỉ huy của du kích xã Vĩnh Tế. Những chuyện như tia lửa bay lên từ chùa vào những đêm tối trời làm người dân chung quanh cho rằng thần linh xuất hiện đó chẳng qua  là những xảo thuật do bộ đội tạo ra để tránh những tai mắt dòm ngó đến hoạt động của bộ đội tại chùa. Từ năm 1965 đến 1968, bom đạn pháo từ Châu Đốc làm cho chùa bị thiệt hại nặng nề, mái bị sập, tường đổ ngỗn ngang. Khoảng năm 1969, bà con bổn đạo mới dời chùa về núi Sam phía sau miếu Khổng Tử kế bên lăng ông Thoại Ngọc Hầu để thờ phụng.
Trong chiến tranh biên giới phía Tây Nam, một lần nữa chùa Bồng Lai trở thành bình địa trước sự cướp phá của bọn giặc Pôn-Pốt tràn sang từ phía bên kia biên giới. Dân chúng phải chạy sang phía bên này bờ kinh để sinh sống, phía bên chùa giờ đây chỉ còn lại mấy ngôi nhà rãi rác phía xa xa.
Khi chiến tranh qua đi, chùa Bồng Lai được trùng tu lại để có nơi thờ phụng và giữ gìn di tích “Cây thẻ”. Lần trùng tu sau cùng là vào năm 1992, chùa được mở rộng thêm nhà khách ở phía sau để tiếp đón khách hành hương đến viếng nhân dịp lễ giỗ của ông Đạo Lập vào ngày 30 tháng 9 âm lịch. Lễ giỗ năm nay kỷ niệm 122 năm ngày mất của ông, chùa đã đón nhận gần 10.000 khách hành hương từ các nơi về dự. Trong đó, có những cụ ông, cụ bà ở ngưỡng tám, chín mươi tuổi quê tận các tỉnh xa như Cà Mau, Kiên Giang hàng năm vẫn theo con, cháu về đây dự lễ giỗ với lòng thành kính vô biên…


Hình 7 : Bài vị ông Đạo Lập được thờ ở vách sau chùa.


  Vào ngày 27 tháng 10 năm 2006, Chùa Bồng Lai được công nhận là Di tích Lịch sử Cách mạng cấp tỉnh.
Loại bỏ những yếu tố về mê tín dị đoan ra, chúng ta nhận thấy rằng việc cắm cây thẻ tại chùa Bồng Lai không phải là phá thế “ếm” của bia Càn Long, mà chính là việc xác lập chủ quyền của tiền nhân khi đến khai phá vùng đất mới, một công cuộc lắm gian lao mà nhiều khi họ phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và ngay cả bằng máu của chính mình. Nguyện vọng của họ là dành lại sự  ấm no cho người đời sau…!

            LÂM  THANH QUANG


















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét