Giai
thoại về người lai tạo cây lúa IR 50404.
Giống
lúa năng suất cao IR 50404 được du nhập vào Việt Nam trong thập niên 80 của thế
kỷ 20 đã giúp cho Việt Nam vượt lên đứng vào vị trí thứ 2 trong các nước xuất
khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đây là cây lúa của người nghèo bởi vì mặc dầu có tỉ
lệ tấm cao ( khoảng 25%) nhưng đây là loại lúa ngắn ngày( từ 95-100 ngày), kháng
rầy nâu cao phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam. Ngoài ra nó còn có ưu thế là
năng suất cao (6,0-7,0 tấn/hécta, nhiều nơi có thể lên đến 9 tấn/hécta) và chi
phí sản xuất thấp so với các loại giống khác. Nhưng người nông dân trồng loại
lúa này lại biết được rất ít thông tin về người đã lai tạo giống lúa này và người
đã đưa giống lúa này trồng thử nghiệm và sau đó là đại trà ở Việt Nam.
Hình 1 : Giống lúa Thần Nông IR50404 tại phòng thí nghiệm ( ảnh tư liệu).
Giai
thoại về việc du nhập giống lúa IR 50404 này vào Việt Nam và phổ biến cho nông dân liên quan đến 2 người
: một người Mỹ là Thomas Hargrove còn
người Việt Nam
là GSTS Võ Tòng Xuân. Cả hai cùng là chuyên gia về nông nghiệp chuyên lai tạo
và phổ biến các loại giống lúa mới cho nông dân tại Đông Nam Á.
GSTS Võ Tòng Xuân được nhiều nông
dân biết đến vào những ngày đầu miền Nam vừa giải phóng khi ông huy động
sinh viên trường Đại Học Cần Thơ tham gia kế hoạch diệt rầy nâu cứu lúa trên
đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó ông trở thành Hiệu trưởng của trường Đại Học An
Giang và giờ đây là Quyền Hiệu trưởng trường Đại Học Nam Cần Thơ .Các học trò
của ông hiện nay là những chuyên gia về nông nghiệp tại các tỉnh đồng bằng sông
Cửu Long. Riêng về Thomas Hargrove (
1944-2011) thì ít được biết đến mặc dầu ông chính là người lai tạo giống lúa IR
50404 này.
Hình 2 : Thomas Hargrove ( ảnh tư liệu ).
Sau khi tốt nghiệp Đại học Texas
A&M với hai văn bằng về Kỹ thuật nông nghiệp và báo chí, Thomas Hargrove
nhập ngũ và được đưa sang Việt Nam
làm việc với tư cách là cố vấn cho chương trình bình định của VNCH với quân hàm
là Trung úy. Trong khoảng thời gian từ năm 1969-1970 ông phục vụ tại Chương
Thiện ( nay là Long Mỹ thuộc tỉnh Hậu Giang) vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trung úy Tom đã đưa các giống lúa Thần nông như IR5, IR8... của Viện Lúa quốc
tế IRRI Philippines đến các nông dân ở miền Tây, giúp người nông dân tăng sản
lượng gấp 3 lần so với giống lúa mùa địa phương.
Sau khi hết thời gian phục vụ trong
quân đội Mỹ, Thomas Hargrove quay trở về trường Đại học lấy bằng tiến sĩ về nông
nghiệp và làm việc tại Viện lúa Quốc tế IRRI Philippines từ 1973-1991. Giống
như phần đông các cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam mắc phải
loại bệnh gọi là “ Hội chứng Việt Nam”, ông luôn bị ám ảnh về thời gian phục vụ
tại đây : những lần gọi máy bay đến oanh kích vùng tình nghi có Việt cộng nhưng
phần đông những người dân vô tội bị vạ lây về những cuộc oanh kích này. Ông cảm
thấy mình có lỗi và muốn tìm cơ hội để giúp ích cho người dân Việt Nam,
những người đã từng trãi qua những mất mát, đau thương vì chiến tranh. GSTS Võ
Tòng Xuân kể lại :
“ Khi tôi còn làm việc tại Khoa Nông
nghiệp của trường Đại học Cần Thơ, hàng năm nhà trường có nhập các loại giống
lúa mới từ Viện Lúa quốc tế IRRI bên Philippines đem về trồng thử nghiệm tại
khu thực nghiệm của trường để tìm xem giống lúa nào thích hợp với điều kiện khí
hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam, sau đó mới phổ biến đại trà cho nông dân. Sau
khi giống lúa IR36 trồng thử nghiệm thành công vào năm 1983, chúng tôi tiếp tục
tìm kiếm và phát triển thêm các loại giống mới khác. Vì vậy hàng năm tôi thường
sang bên Philippines
và gặp được anh Thomas Hargrove lúc đó là Trưởng phòng Sản xuất của Viện Lúa
quốc tế. Vợ của anh ta có nhờ tôi giúp chồng mình gạt bỏ những ý nghĩ này...
Tôi nhận
lời và tìm cách đưa Tom
sang Việt Nam lúc đó đang
bước vào thời kỳ đổi mới để anh thấy rằng kinh tế Việt Nam đang phát triển bình thường và
hòa nhập vào cộng đồng quốc tế. Khi đưa
anh về đến Chương Thiện ngày xưa tức là Long Mỹ thuộc tỉnh Hậu Giang bây giờ
thăm những người nông dân thì họ rất mừng vì nhớ đến việc anh đã đem giống lúa
Thần nông IR5, IR8 đến cho họ. Ông Phó chủ tịch huyện Long Mỹ tên Tư Rạng là
người tiếp tôi và anh Thomas Hargroves đưa chúng tôi đi đến nhà anh Ba Liên là
người nông dân đã từng làm việc với anh Tom trước đây. Trong bữa cơm trưa tại
nhà anh Ba Liên, anh Tư Rạng mới nói :
“ Ngày xưa ông Tom vô đây, đường
đi nước bước của ông chúng tôi đều nắm rõ bởi vì tôi là chỉ huy du kích ở vùng
này còn ông Ba Liên chính là chú của tôi”.
Tom hoảng hồn hỏi lại : “ Tại sao
ông không giết tôi, rất nhiều bạn Mỹ của tôi bị giết sao tôi lại được bỏ qua?”
Tư Rạng
đáp : “ Trường hợp của anh thì khác, anh đem lúa giống giúp chú tôi và bà con
trong vùng này làm ruộng xóa đói giảm nghèo nên chúng tôi coi anh như là bạn.
Khi anh đi đến đâu thì chúng tôi luôn cho người bảo vệ anh.
Tom rất
cảm động và khóc. Sau chuyến đi này Tom hết bệnh tâm lý về Việt Nam
luôn.
Mấy chuyến sau gặp lại anh, anh có hỏi tôi rằng hiện nay
người nông dân ở Việt Nam
đang cần giống lúa nào để trồng ? Tôi trả lời rằng nếu có được giống lúa
IR50404 là thích hợp nhất. Anh lấy cho tôi 20kg giống lúa này để đem về Việt Nam
trồng thử nghiệm và từ đó nhân rộng ra”.
GSTS Võ Tòng xuân kể tiếp :
“ Mặc dầu giống lúa IR 50404 nấu
không ngon cơm bằng giống lúa Jasmine nhập khẩu từ Thái Lan nhưng nó rất dễ
trồng, năng suất và tính kháng rầy nâu cao. Nếu xay xát để làm bột gạo hay làm
bún, bánh canh, bánh tráng.... thì thật là tuyệt vời. Chính vì vậy nó được coi
như là giống lúa của người nghèo. Mặc dầu khi việc xuất khẩu lúa gạo gặp trục
trặc, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng do nông dân trồng quá nhiều giống
lúa IR 504304 chất lượng thấp nên không bán được hàng và khuyến cáo rằng chỉ
nên trồng giới hạn khoảng 20% diện tích mà thôi nhưng người dân vẫn cứ trồng
giống lúa này”.
Hình 3 : GSTS Võ Tòng Xuân cùng các nông dân trên cánh đồng trồng lúa IR 50404.
Một nông dân sống lâu năm trong nghề
giải thích với chúng tôi như sau :
“Nếu trồng loại lúa Jasmine thì phải
tốn nhiều chi phí như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhưng năng suất chỉ được
tối đa 4-5tấn/hécta trong khi trồng loại IR 50404 thì năng suất có thể lên đến
6-7tấn/hécta còn nếu làm giỏi có thể lên đến 9 tấn/hécta mà sử dụng phân bón,
thuốc trừ sâu rất ít. Giá của hai loại lúa này chỉ chênh lệch nhau chừng vài
trăm đồng/kg nên trồng giống IR 50404 thì vẫn lời hơn. Trên thế giới vẫn còn
những người nghèo cần loại gạo này chứ những người có tiền sử dụng loại gạo cao
cấp không được bao nhiêu. Vì vậy thương lái vẫn tìm đến chúng tôi để mua loại
lúa này”.
Cuộc đời và sự nghiệp của Thomas
Hargroves còn đậm nhiều nét ly kỳ hơn. Ngoài việc làm với tư cách là chuyên gia
về nông nghiệp, được vinh danh nhiều lần bởi các tổ chức nông nghiệp và các
trường đại học, ông còn là một nhà báo viết về những khám phá và trãi nghiệm
của mình trong thời gian sinh sống tại Philippines và Việt Nam. Ông đã xuất bản
2 quyển sách : Bí ẩn của hồ Taal : Cuộc sống dưới nước của một thành phố
đã biến mất dưới lòng hồ núi lửa tại
Philippines (The Mysteries of Taal: A Philippine
Volcano and Lake, Her Sea Life and Lost Towns) và “ Một con rồng sống mãi : Chiến tranh và lúa
gạo tại đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam 1969-1971” (A Dragon Lives Forever:
War and Rice in Vietnam's Mekong Delta 1969-1991).
Năm
1991 Thomas Hargroves về làm việc cho Trung tâm Quốc Tế Nghiên cứu Nông nghiệp
Nhiệt đới tại Colombia. Trong lúc lái xe đi làm ngày 23 tháng 9 năm 1994, ông
bị du kích quân FARC bắt cóc trong 11 tháng. Trong thời gian sống chung với du
kích FARC, ông tranh thủ ghi lại nhật ký trên bất cứ những mảnh giấy tìm được.
Cuối cùng nhờ sự thương lượng của gia đình trả tiền chuộc nên ông mới được thả.
Quyển hồi ký Long March to Freedom của ông trở nên nổi tiếng khắp thế giới và
được dựng thành phim Proof of Life với diễn xuất của Meg Ryan và Russell Crowe
vào năm 2000.
Khi chúng tôi viết những dòng này
thì Thomas Hargroves đã qua đời cách nay 3 năm vào ngày 22 tháng 01 năm 2011 do
bị suy tim. Thông tin về anh ít được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông
của Việt Nam nên rất ít
người nông dân Việt Nam
biết được các giai thoại này. Có lẽ đã đến lúc cần để họ biết rõ hơn giai thoại về “ anh Tom” ,
một nhà khoa học đã dành suốt cuộc đời của mình để lai tạo những giống lúa mới,
giúp người dân nghèo tại Đông Nam Á có được những hạt gạo nuôi sống bản thân và
vươn lên thoát nghèo.
Hình 4 : Tác giả , GS Võ Tòng Xuân và nghệ nhân Phạm Phúc Giác.
LÂM THANH QUANG.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống là biết ơn những người đã giúp đở cho mình, nhất là sự giúp đở không vụ lợi. Thomas Hargroves đến với người dân Việt Nam vùng Tây Nam bộ với tư cách của một nhà khoa học, một chuyện gia về nông nghiệp chứ không phải là một người lính mặc dầu ông mang cấp bậc Trung úy trong quân đội Mỹ. Tuy những phương tiện truyền thông đại chúng của Việt Nam lại không nhắc nhở gì đến ông nhưng hình ảnh của ông vẫn sống mãi trong lòng người nông dân vùng Tây Nam Bộ. Hy vọng sau này ông sẽ được vinh danh cùng với những nhà khoa học khác đã góp phần vào việc phát triển đất nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Trả lờiXóa