NHỮNG NÉT VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO TRONG CỘNG
ĐỒNG NGƯỜI CHĂM ISLAM Ở AN GIANG
Người Chăm ở An Giang thường sống tập trung thành làng
ven các khu vực sông nước, thuộc các huyện An Phú, Tân Châu, Châu Phú, Phú Tân
và Châu Thành... Họ được gọi là người Chăm Islam vì theo đạo Hồi để phân biệt
với người Chăm Bà-ni ở Ninh Thuận theo đạo Bà La môn. Phần đông đồng bào Chăm ở
An Giang thường sống bằng nghề chài lưới, làm ruộng, buôn bán nhỏ và dệt thủ
công truyền thống. Họ có một nền văn hóa mang bản sắc rất riêng và có sức cuốn
hút đến lạ kỳ, dù trong đời thường hay các tập tục lễ, Tết, cưới xin… Chính vì thế, nên hầu hết các hãng lữ hành
quốc tế khi đưa khách nước ngoài đến An Giang, đều lồng ghép chương trình tham
quan làng Chăm, để du khách có dịp chiêm ngưỡng những sắc thái văn hóa độc đáo
mà không phải nơi nào cũng có được.
Hình 1 : Thánh đường Mubarak tại xã Châu Giang TX Tân Châu.
Thánh đường Mubarak thuộc xã Châu Giang, Thị xã Tân
Châu được xem là một trong những thánh đường Hồi giáo đẹp nhất, được mô phỏng
theo kiến trúc La Mã cổ. Đây là nơi mà những tín đồ Islam chăm chỉ đến cầu
nguyện – nhưng thường chỉ có nam giới được tham dự. Chung quanh đây, những cư
dân người Chăm sống hiền hòa với làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống được lưu
giữ từ những thế hệ xa xưa. Họ làm ra những sản phẩm từ chất liệu tơ tằm quý
giá, dùng để may những bộ lễ phục, áo cưới …với những hoa văn, họa tiết tinh
xảo khó ai bì. Du khách cũng thường đến đây để mua những sản phẩm làm bằng thổ
cẩm mang về, như ghi dấu chặng hành trình đầy ấn tượng đẹp đẽ của mình. Qua
những khung cửa sổ có rèm che, dáng những cô gái Chăm dịu dàng trong trang phục
truyền thống, khoát những chiếc khăn voan ngồi bên khung cửi, tay thoăn thoát
đưa thoi đã gợi lên bao nét đẹp mơ màng, huyền ảo.
Hình 2 : Cô gái Chăm bên khung cửi.
Hình 3 : Du khách nước ngoài mua sắm hàng thổ cẩm tại làng Chăm Đa Phước.
Nhưng như thế vẫn chưa sá gì nếu được đến tham quan lễ
cưới theo nghi thức truyền thống của những chàng trai, cô gái Chăm ở An Giang. Vào
buổi tối hôm trước ngày lễ chính thức, bạn gái của cô dâu đến chúc mừng rất
đông. Họ diện những bộ trang phục lộng lẫy, được may theo đúng kiểu truyền
thống với áo dài không xẻ tà, chất liệu sang trọng như gấm, nhung, có màu sắc
rực rỡ hài hòa, được đính thêm nhiều kim sa lấp lánh. Trên đầu đội những chiếc
khăn voan (khăn “khanh-ma-om”) xinh
xắn bỏ lửng qua vai, càng tăng thêm phần yêu kiều, đài cát. Đêm xuống trong ánh
đèn huyền ảo, nhìn dáng vẻ thanh tân với những bước đi uyển chuyển của các cô
gái Chăm xinh đẹp đến mừng lễ cưới, người ta thường có cảm giác bâng khuâng như
lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh, không biết rằng thực hay đang mơ về thế giới
của ngàn lẻ một đêm…
Người Chăm tiến hành nghi thức cưới theo tục đưa rể.
Khi nhà trai chuẩn bị rời nhà để đưa chú rể sang nhà gái, bạn bè của chú rể
cùng mọi người hát vang bài “La mệ - La mư” để từ giã cha mẹ với tình cảm thâm
trầm, xúc động. Tiệc cưới của người Chăm không kéo dài, mà chủ yếu là để thắt
chặt tình thân giữa gia đình, họ tộc. Trong các buổi tiệc của người Chăm Islam
không sử dụng rượu vì đây là điều cấm kỵ của đạo Hồi.
Hình 4 : Cô dâu người Chăm và các phù dâu.
Tuy nhiên, không vì thế mà người Chăm thiếu những món
ẩm thực truyền thống. Trái lại, họ có cả một kho tàng ẩm thực mà độ tinh túy
không thua kém bất cứ nhóm cư dân nào trên địa bàn. Đó là những món ăn thường
được các bà nội trợ khéo tay thi thố trong các dịp trọng đại như lễ Roya Phik Trok
sau khi kết thúc tháng chay Ramadan, lễ Roya Haji mừng năm mới v.v…
Món ăn được nhiều người quan tâm nhất có lẽ là món Cà-púa
– một loại cari rất đặc biệt đã làm thành món đặc sản của người Chăm An Giang. Nhiều
năm trước đây, món Cà-púa được bán tại khu đặc sản đường Nguyễn Văn Linh, thành
phố Hồ Chí Minh chính là do các nghệ nhân của làng Chăm Phú Hiệp (huyện Phú
Tân) đảm trách. Ngoài việc cung ứng cho thực khách trong nước, món Cà-púa của
bà con người Chăm xã Phú Hiệp đã nhiều lần “xuất khẩu” đi các nước, để làm vơi bớt nổi nhớ nhung quê nhà của những
người Chăm đi xa xứ.
Để nấu món Cà-púa, các món gia vị như nghệ, xã, hành,
tỏi đều được rang khô cho vàng và thơm trước khi dùng để ướp thịt bò phi-lê
được xắt thành từng miếng lớn. Riêng dừa khô sau khi nạo vắt nước cốt sẽ thắng
đến cô đặc. Dùng các loại gia vị đã rang vàng để xào với thịt cho đến khi chín,
nêm nếm, ướp thêm ca ri và bỏ vô nồi
nước cốt dừa đã thắng nấu thêm cho đến khi mềm rục.
Bấy giờ, chất cay nồng của gia vị, chất ngọt của thịt, chất béo của dừa cùng quến
lại, tạo nên một loại súp đặt sệt với hương thơm đầy quyến rũ. Chính cách nấu
này đã làm cho món Cà-púa để được rất lâu, nếu bảo quản kỹ trong tủ lạnh có thể
sử dụng hàng tháng, với đặc điểm là càng
lâu càng thấm và ngon hơn.
Về phong tục, tập quán, đây là món ăn mà hầu như gia
đình nào cũng nấu để dâng cúng tổ tiên sau khi kết thúc tháng chay Ramadan. Bấy
giờ, những người đi làm ăn xa đều quay về nhà để tận hưởng không khí ấm cúng,
sum vầy của lễ hội Royal. Khi khách quý
đến nhà, chủ nhân sẽ mời ăn món Cà-púa, như một cách thể hiện sự quý mến, chúc
phúc, chúc lộc cho nhau để cùng may mắn trong năm mới.
Hình 5 : Món ăn Cà Púa một đặc sản của người Chăm.
Về các loại bánh trái, người Chăm ở An Giang cũng có
những món bánh rất đặc trưng, xem như không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên
trong các dịp cưới xin, mừng năm mới. Một số
món bánh ngọt của đồng bào Chăm Châu Phong có cách làm rất tỉ mĩ, như
bánh Gừng (Pa-tờ-ngự), bánh Nghệ hay
bánh ba nhẫn (Ha Tpay Crah), bánh tổ chim … . Họ thường chọn loại
nếp tốt, ngâm, gút nước rồi giả kỹ cho đến khi thành một loại bột nhuyễn. Với
bánh Gừng, người ta nhồi bột với trứng rồi thắt thành hình ngôi sao năm cánh.
Đem bánh chiên chín, để ráo dầu rồi ướp đường. Sau khi bánh thấm đường và trở
nên ngọt, mới ướp tiếp lớp đường thứ hai bằng loại đường cát mịn làm cho bánh
có màu trắng tinh khôi, trông như một vì tinh tú thật sự.
Hình 6 : Bánh tổ chim của người Chăm.
Món bánh tổ chim mới thật là kỳ công. Để làm món bánh
này, nếp cũng vẫn phải đâm và rây thật nhuyễn rồi nhồi với trứng hoặc nước cho
lỏng vừa phải. Bắc chảo dầu sôi, rây bột qua một chiếc rây đặc biệt bằng gáo
dừa có đục những lỗ nhỏ li ti. Do được kết thành từng mãng với những sợi bột
nhỏ và cực mảnh, bánh rất mau vàng và có thể khét rất nhanh nên đòi hỏi người
làm bánh phải nhanh tay. Khi vừa đủ độ chín, sẽ dùng chiếc que tre sắp đôi bánh
lại như hình chiếc tổ chim. Vớt ra cho ráo dầu rồi thắng nước đường vẩy lên
bánh. Vì loại bánh này khó làm và đòi hỏi nhiều thời gian lẫn sự khéo tay, nên rất
kén người làm, và người ta chủ yếu chỉ thực hiện trong những ngày lễ quan
trọng, hoặc các dịp cưới hỏi.
Nền văn hóa của mỗi dân tộc đều có cái hay, cái đẹp
riêng. Bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống đó cũng chính là
cách để chúng ta giữ gìn kho tàng di sản tinh thần vô giá và giúp cho tinh hoa
của các dân tộc có điều kiện tỏa sáng.
LÂM THANH QUANG
Bài viết đã được đăng trên báo Văn Hóa ngày 24 tháng 1 năm 2014. Mọi trích dịch và sử dụng nguồn tư liệu này phải được sự đồng ý của tòa báo và tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét