Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Lễ hội đua bò Bảy Núi năm 2013.



Lễ hội đua bò Bảy Núi  
Ngày hội vui của người dân Khmer nhân lễ Sel Dolta  


Hình 1 : Các đôi bò thi đấu diễn hành trên sân.

Lễ hội đua bò Bảy Núi gắn liền với ngày lễ Sel Dolta là một tập tục lâu đời của người dân Khmer vùng Bảy Núi. Từ năm 1992, lễ hội được hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn  luân phiên tổ chức  tại chùa Thom Mít (huyện Tịnh Biên) và chùa Tà Miệt (huyện Tri Tôn). Đến năm 2009, đổi tên thành Lễ hội đua bò Bảy Núi tranh cúp Truyền hình An Giang. Những năm gần đây, lễ hội đua bò Bảy Núi mở rộng thu hút sự tham gia của  người kinh và một số tay đua ở các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL và nước bạn Campuchia. 
 Lễ hội đua bò Bảy Núi lần thứ 22 năm nay được tổ chức tại chùa Thom Mít huyện Tịnh Biên vào ngày 04/10/2013 với sự tham gia của 64 đôi bò đến từ các huyện trong tỉnh An Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng.  





Hình 2 : Người dân xem thi đấu trong trật tự.

Ngay từ sáng sớm, hơn mười ngàn người từ các nơi tập họp về sân thi đấu tại  chùa Thom-mít, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên để xem trận đấu và càng về trưa số lượng người đổ về ngày càng đông. Sân thi đấu là một khoảng đất trống phía sau chùa có chiều ngang khoảng 100m dài 200m, xung quanh được đắp bờ cao để người xem có thể trông rõ và cổ vũ cho cuộc đua. Đường đua có bề rộng khoảng 8 mét,  đào sâu xuống 10 cm, được trục sới nhiều lần để tạo mặt bằng tơi xốp. Trước cuộc đua, ban tổ chức còn cho bơm nước vào tạo nên một lớp sình mỏng giúp cho những đôi bò có thể chạy thỏa sức trên nền đất mềm. Vùng Bảy Núi có ưu điểm là lớp đất nền cứng, nhiều cát hơn thịt, không lún hoặc trơn trợt nên thích hợp cho cuộc đua hơn những vùng khác. Hai bên đường đua có cắm cờ hiệu và căng dây để giới hạn đường đua. 


Hình 3 : Các phóng viên ảnh tác nghiệp.
 
Các đôi bò được chia thành 2 bảng thi đấu theo phương thức loại trực tiếp. 4 đội nhất ở 2 bảng sẽ thi đấu ở vòng bán kết. Hai đôi thắng cuộc sẽ tranh giải nhất, nhì còn 2 đôi thua cuộc sẽ tranh giải ba, tư. Chính thể thức này tạo nên nhiều kịch tính trên sân thi đấu do người xem không thể nào đoán trước được kết quả.

 

Hình 4 : Bắt đầu cuộc thi.

Để tham dự cuộc đua, từng đôi bò được ách vào một chiếc bừa đặc biệt, giàn bừa là một tấm gỗ dày hơn 6cm, rộng 30cm, dài 90cm bên dưới là giàn răng bừa ngắn. Nài đua là những chàng trai trẻ người Khmer có vóc người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, tay cầm một khúc gỗ đầu có gắn một đinh nhọn gọi là Xà-Lul. Ở chặng nước rút, người nài một chân đứng trên giàn bừa còn chân kia đứng trên thanh gỗ nối gông cổ bò với giàn bừa , vung cây xà-lul liên tục chích vào mông bò, thúc dục đôi bò lao thẳng về phía trước.


 Hình 5 : Tranh tài quyết liệt.

Để rút ngắn thời gian thi đấu, năm nay phương thức tranh tài cũng có chút thay đổi. Đường đua được chia ra làm 2 phần : Phần đầu tiên khoảng 200m thi đấu vòng hô còn phần còn lại 120m  thi đấu vòng thả. Do xuất phát cách nhau 4 mét nên mức đến cũng cách nhau 4m để đảm bảo công bằng cho hai đôi bò thi đấu. Trong vòng thả, nếu đôi bò phía sau vượt trước hay chạm vào gian bừa của đôi đi trước thì sẽ xem như thắng cuộc. Yếu tố này đòi hỏi sự gan dạ và tài khéo léo của người nài nên các chủ bò chỉ dùng chiến thuật này ở trận bán kết hay chung kết để tránh cho đôi bò bị tổn thương. Nó cũng làm tăng thêm kịch tính ở vòng chung kết.



 

Hình 6 : Chỉ còn một mình, tội gì vội.

 

Hình 7 : Khán giả leo lên cây để xem cho đã.
Kết quả, Ban Tổ chức đã trao các giải thưởng nhất, nhì, ba, tư và 2 giải khuyến khích cho chủ nhân các đôi bò thắng cuộc đua. Ông Nguyễn Văn Lâm, thuộc xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, là chủ đôi bò mang số 16  đoạt  giải nhất mùa giải năm 2013 với phần thưởng là một chiếc Super Dream trị giá 19 triệu đồng, 1 tivi, 10 thùng nước giải khát Number One, đồng thời  vinh dự nhận Giải người điều khiển bò xuất sắc nhất với cờ , Cúp vô địch và tiền thưởng 10 triệu đồng.


Hình 8 : Chiêu ép đối thủ.


Hình 9 : Chiêu này vẫn hiệu quả trong cuộc thi.


Hình 10  Tăng tốc vể đích.


Hình 11 :  Đôi bò này bỏ đường đua chạy vòng trên sân.


Hình 11 : Bỏ xa đối thủ. 


Hình 12 : Chiêu này vẫn còn tác dụng.


Hình 13 : Phạm qui rồi.


Hình 14 : Bò về đích nhưng chú nài mất tiêu rồi.

 
Hình 15 : Chiến thắng rồi.

Được biết, chủ nhân 6 đôi bò đoạt giải tại Lễ hội đua bò Bảy Núi năm 2013 sẽ được tham dự Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc di sản văn hóa Việt Nam và Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, diễn ra ở Sơn Tây, Hà Nội từ 18 đến 24 tháng 11 năm 2013.
LÂM THANH QUANG




























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét