Chế độ tuyển chọn quan chức của triều đình nhà Nguyễn
qua hai sắc chỉ cấp cho Lê văn Sanh.
H01 : Lễ giỗ Lê văn Sanh tại Vệ Thủy miếu phường Vĩnh Mỹ,
TP Châu Đốc.
Lê văn Sanh nguyên quán tại chợ Tham Buôn thuộc xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang. Gia đình của ông gốc từ miền Trung vào đây lập nghiệp khi vùng đất Châu Đốc Tân Cương vừa mới được hình thành. Từ bến đò Rạch Gộc ta có thể đi đò ngang băng qua dòng sông Hậu sẽ gặp chợ Tham Buôn nằm kế bên sông.
H02 : Hộp chứa sắc chỉ.
Tiếp chúng tôi tại ngôi nhà thờ Phó Vệ Thủy Lê văn Sanh là ông Lê văn Khanh là cháu 6 đời của ngài Phó Vệ Thủy. Bên trong ngôi nhà có treo những tấm hoành phi và những câu đối được cẩn xà cừ trên nền gỗ quí. Đặc biệt là nơi đây còn lưu giữ bản sắc chỉ từ đời vua Thiệu Trị và Tự Đức được đặt bên trong một hộp bằng gỗ quí. Ông Khanh hướng dẫn chúng tôi đến thăm ngôi mộ của ngài Phó Vệ Thủy nằm giữa cánh đồng Tham Buôn. Ngày xưa khi ông mất, ngôi mộ của ông chỉ là ngôi mộ đất đơn sơ không có mộ bia để tránh sự dòm ngó của chính quyền Pháp thời đó. Mãi đến năm 1956 mới đem về cải táng tại gò đất của gia đình cách đó không xa. Những năm gần đây gia đình mới xây lại ngôi mộ bằng xi măng và gắn mộ bia để con cháu đời sau biết được lai lịch và công đức của ông.
Các đạo sắc chỉ cấp cho Lê văn Sanh trước đây được lưu giữ tại ngôi nhà thờ này. Khi miếu Vệ Thủy tại Vĩnh Mỹ được thành lập vào năm 1953, thể theo nguyên vọng của Ban Quí Tế tại Châu Đốc, gia đình mới bàn giao 2 sắc chỉ năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) và Tự Đức thứ 9 (1856) cho miếu Vệ Thủy tại Châu Đốc để thờ phụng. Gia đình chỉ giữ lại 2 tờ sắc chỉ vào năm Thiệu Trị thứ 6 và Tự Đức thứ 16 (1863) mà thôi. Tại nhà ông Lê văn Sức là chú Út của ông Lê văn Khanh, chúng tôi còn tiếp cận được sơ đồ gia phả của ông Lê văn Sanh. Ông là người con thứ tư của ông Lê văn Truyền ( Theo cách gọi của người miền Nam là thứ năm nên còn được gọi là ông Năm Sanh).
Khi nghiên cứu về ngài Phó vệ Thủy Lê văn Sanh hiện được thờ tại Vệ Thủy Miếu phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc, chúng tôi may mắn được tiếp cận với 2 đạo sắc chỉ của vua Thiệu Trị và Tự Đức cấp cho ông hiện được lưu giữ tại nhà của ông Lê Công Hội là người đã có công xây dựng lại ngôi miếu này vào năm 1953. Ông Lê Công Hội hiện nay đã mất, chỉ còn hai người con là ông Lê Công Thưởng và Lê Công Tuyết giữ nhiệm vụ bảo quản 2 đạo sắc chỉ này. Qua đó chúng tôi có dịp biết thêm về thân thế và sự nghiệp của ông Lê văn Sanh và chế độ tuyển chọn quan chức của Triều đình nhà Nguyễn thể hiện trong 2 sắc chỉ này.
Sắc chỉ đời Thiệu Trị cho Lê văn Sanh :
敕 安 江 右 奇 捌 隊 黎 文 笙 貫 安 江 省 新 城 府 東 川 縣 安 良
傯 美 會 東 村 前 經 有 㫖 以 隊 長 用 兹 該 省 員 聲 請 具 題 準 爾 補 授 伊 隊 隊 長 率 內 隊 兵 從 率 隊 員 差 派 公 務 若 所 事 弗 虔 有 軍 政 在
欽 哉.
绍 治 肆 年 玖 月 貳 拾 貳 日
Dịch âm:
Sắc An
Giang Hữu cơ, Bát đội
Lê văn Sanh quán
An Giang tỉnh, Tân Thành phủ, Đông Xuyên huyện, An Lương tổng , Mỹ Hội Đông thôn, tiền kinh hữu
chỉ dĩ
Đội trưởng dụng. Tư
cai tỉnh viên thanh thỉnh cụ đề chuẩn
nhĩ bổ thụ y đội Đội
trưởng suất Nội đội binh tòng suất đội viên sai phái công vụ. Nhược sở sự phất kiền hữu quân chánh tại
.
Khâm tai!
Thiệu Trị tứ niên , cửu ngoạt, nhị
thập nhị nhật.
(Dấu ấn Sắc Mệnh Chi Bảo)
Dịch nghĩa:
Sắc cho
Lê văn Sanh là Cai đội thuộc đội thứ Tám, cơ Hữu là người thôn Mỹ Hội Đông, tổng
An Lương, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang trước đây đã có chỉ bổ làm đội trưởng. nay Quan Cai Tỉnh nghe tiếng đề nghị chuẩn cho
ngươi chính thức giữ chức vụ Đội Trưởng của đội ấy, làm Đội Trưởng suất đội Nội
Binh. Theo đó cai quản các đội viên thi hành việc công. Nếu làm việc chẳng
siêng năng thì đã có quân pháp ở đây.
Hãy cung kính tuân theo!
Ngày 22 tháng 9 năm Thiệu Trị thứ 4 (02.11.1844
DL).
(Dấu ấn Sắc Mệnh chi bảo)
H03 : Sắc chỉ đời Thiệu Trị.
H04 Bản hiệu đính và dịch sắc chỉ đời Thiệu Trị cho ông Lê văn Sanh.
Sắc chỉ đời Tự Đức cho Lê văn Sanh.
敕 安 江 右 奇 捌 隊 正 隊 長 率 隊 黎 文 笙 前 經 察 核 預 在 平 項 兹 兵 部 彙 册 具 題 準 爾 陞 授 伊 隊 該 隊 率 内 隊 弁 兵 從 該 管 員 分 派 公 務
若 厥 職 弗 虔 有 軍 政 在
欽 哉.
嗣 德 玖 年 拾 貳 月 初 貳 日
Dịch âm:
Sắc An
Giang Hữu cơ Bát
đội Chánh Đội Trưởng Suất Đội Lê văn
Sanh tiền kinh sát hạch dự tại Bình hạng. Tư Binh Bộ vị sách cụ đề
chuẩn nhĩ thăng thụ y đội, Cai Đội Suất Nội đội Biền binh, tòng cai quản
viên phân phái công vụ. Nhược
quyết chức phất kiền hữu quân chánh tại.
Khâm
tai!
Tự Đức cửu niên, thập nhị ngoạt, sơ nhị nhật.
(Dấu ấn Sắc Mệnh Chi Bảo)
Dịch nghĩa:
Sắc cho
Chánh đội trưởng suất đội Lê văn Sanh
thuộc đội thứ Tám, cơ Hữu tại An Giang. Trước đây đã tham dự kỳ thi sát hạch và
đậu hạng Bình. Nay bộ Binh lập danh sách đề cử thăng cho ngươi chính thức giữ chức
vụ Cai Đội Suất Nội đội Biền binh, theo đó mà cai quản đội viên thi hành việc công. Nếu trong thời gian giữ chức mà chẳng
siêng năng làm việc thì đã có quân pháp ở đây.
Hãy cung kính tuân theo!
Ngày
mùng 2 tháng 12 năm Tự Đức thứ 9 (28.12.1856 DL).
H06. Bản hiệu đính và dịch sắc chỉ năm Tự Đức thứ 9 cho ông Lê văn Sanh.
Qua 2 tờ
sắc chỉ này, chúng ta có dịp hiểu biết thêm về chế độ tuyển chọn quan chức dưới
triều Nguyễn nhất là tuyển chọn các quan võ. Sau khi lên ngôi vào năm 1820, vua
Minh Mạng rất tôn trọng việc chiêu hiền đãi sĩ cả văn lẫn võ. Năm 1835 , nhà
vua cho xây dựng Võ miếu tại An Ninh Thượng, nay là thôn An Bình (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà,
Thừa Thiên Huế) sát bên cạnh Văn Thánh Miếu để thờ các bậc danh tướng triều
Nguyễn lập nhiều chiến công.
Năm 1837, khoa thi Hương võ và Hội võ lần đầu tiên được mở.
Theo đó, triều đình quy định lấy các năm Dần, Tỵ, Thân, Hợi mở khoa thi Hương
võ, các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu mở khoa thi Hội võ.
Trong khoa thi Hương võ, triều đình quy định người nào ba
kỳ đầu trúng là cử nhân võ, dự trúng 2 kỳ là tú tài võ. Đối với cử nhân võ thì
ngày xướng danh, phúc hạch, hỏi về 3-4 câu ở sách Võ kinh, Tứ tử, ai thông suốt
thì được xếp ở hạng đầu bảng. Các cuộc thi Hương võ thường được triều đình tổ
chức tại các trường thi võ ở Huế, Bình Định, Hà Nội, Thanh Hóa.
Riêng bộ Binh, cứ vài năm lại tổ chức một kỳ
thi sát hạch lại các võ quan từ đội trưởng đến Quản cơ. Ai trúng tuyển mới được
đề cử giữ chức vụ cũ, ai thi rớt thì sẽ bị cách chức, hạ bậc và chuyển sang làm
việc khác. Nhà vua sẽ cấp bằng cho những ai vượt qua kỳ thi sát hạch này. Chánh
đội trưởng sẽ mang hàm từ Chánh thất phẩm đến Tòng lục phẩm.
Lê văn Sanh đã xuất sắc tham dự kỳ thi sát hạch
do bộ Binh tổ chức dưới triều Tự Đức và đã đậu hạng Bình chứng tỏ ông là một
người văn võ song toàn. Là người phụ tá đắc lực của Chánh Vệ Thủy Đỗ Đăng Tào.
Hai ông đã cùng nhau dẹp giặc cướp , bảo vệ sông Châu Đốc. Khi quân Pháp đánh
chiếm thành Châu Đốc, ông cùng Đỗ Đăng Tào phục kích tàu Pháp trên sông Châu
Đốc ngay tại Mương Thủy nhưng không thành. Sau đó ông lui về quê nhà Tham Buôn và
mất tại đó.
H07. Sơ đồ phả hệ gia đình ông Lê văn Sanh.
Ngoài ra trong buổi hội thảo chúng tôi may mắn
được tiếp cận được ảnh chụp 2 sắc chỉ cấp cho ông Lê văn Sanh vào năm Thiệu Trị
thứ 6 (1846) và Tự Đức năm thứ 16 (1863) hiện đang được lưu giữ tại nhà ông Lê
văn Khanh tại Tham Buôn. Hai sắc chỉ này đã bị mất một số chữ do thời gian. Tuy
nhiên qua tổng hợp các sắc chỉ lại chúng tôi biết được là chức vụ sau cùng của
ông Lê văn Sanh là Bang Biện Phó Quản Cơ nắm giữ cơ Nội Biền binh là người giữ
gìn trật tự trên đường sông tại Châu Đốc. Như vậy truyền thuyết người dân gọi
hai ông Đỗ Đăng Tào và Lê văn Sanh là Chánh Cơ và Phó Cơ là đúng sự thật.
H08. Mộ ông Lê văn Sanh tại chợ Tham Buôn.
Các sắc chỉ trên được viết trên giấy dó đã gần
200 năm vốn là một di sản Hán Nôm quí giá mà chúng ta còn lưu giữ được để biết
về chế độ tuyển chọn quan võ và cách sử dụng hiền tài dưới triều nhà Nguyễn.
Hiện nay nó đã bị hư hỏng một phần và sẽ có nguy cơ bị hủy hoại theo thời gian
mặc dầu người bảo quản đã cố gắng duy trì chế độ bảo quản thật tốt. Sắc được
chứa trong một hộp bằng gỗ quí , trong hộp chứa nhiều hồ tiêu đã rang chín để
tránh mối mọt và nấm mốc. Trước lễ giỗ của ông vài ngày, sắc được đem ra phơi
để kiểm tra và tránh bị ẩm ướt. Việc phục chế các sắc chỉ này cũng là việc
chúng ta quan tâm để giữ gìn di sản của tiền nhân, đồng thời biểu thị tấm lòng
của người dân Châu Đốc đối với danh nhân được mọi người yêu mến này.
Lâm Thanh Quang.
Ghi chú :
Những chữ gạch dưới là những chữ bị bay mất nhưng được khôi
phục bằng cách tổng hợp nhiều tư liệu
khác nhau.
Tài liệu tham khảo :
01.Sắc chỉ của Lê văn Sanh hiện được lưu trữ tại nhà của
ông Lê Công Hội.
02 Ảnh chụp 2 sắc chỉ hiện được lưu trữ tại nhà ông Lê văn
Khanh ở Tham Buôn.
02. Khâm Định Đại Nam hội điển sử lệ tập 2.
Ghi chú :
Những chữ gạch dưới là những chữ bị bay mất nhưng được khôi
phục bằng cách tổng hợp nhiều tư liệu
khác nhau.
Tài liệu tham khảo :
01.Sắc chỉ của Lê văn Sanh hiện được lưu trữ tại nhà của
ông Lê Công Hội.
02. Khâm Định Đại Nam hội điển sử lệ tập 2.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét