Xây dựng “Làng Văn hóa cộng đồng 4 dân tộc”
phục vụ khách du lịch
Tỉnh An Giang
có một ưu điểm so với các tỉnh bạn là có 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer cùng
nhau sinh sống hòa đồng với nhau từ bao đời nay. Mỗi dân tộc có một văn hóa,
tín ngưỡng và sinh hoạt thường ngày khác nhau. Việc tìm hiểu về văn hóa và đời
sống của 4 dân tộc này là một đề tài thích thú của khách du lịch trong và ngoài
nước khi ghé thăm An Giang. Tuy nhiên muốn
đi thăm và tìm hiểu văn hóa và đời sống của 4 dân tộc này phải tốn rất nhiều thời
gian. Ý tưởng hình thành một ngôi làng văn hóa cộng đồng 4 dân tộc tại Khu Du lịch
núi Sam đã được chúng tôi đề xuất với chị Bùi Hồng Hà khi đó là Giám Đốc sở Du Lịch An Giang cách
nay gần 10 năm. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế và tình hình xã hội lúc đó nên ý
tưởng này chưa thể thực hiện được.
Để hình thành
ngôi làng văn hóa cộng đồng này cần phải có một diện tích khoảng 1 héc ta. Trên
đó chúng ta bố trí những ngôi nhà theo những mô hình đặc trưng của 4 dân tộc
đó.
H01 Thiếu nữ Chăm trong trang phục dân tộc.
Cụm nhà của
người Kinh là những ngôi nhà tranh vách lá với những luống rau cùng với các
loài cây trái như mít, ổi, mận, xoài…. Cổng rào làm bằng tre thể hiện cuộc sống
mộc mạc của người dân quê ở miền Tây Nam Bộ. Đến đây khách tham quan được dịp
thưởng thức những món như ăn gỏi cuốn, nem nướng cùng những loại bánh như bánh
qui, bánh da lợn, bánh bò… đặc trưng của Nam Bộ.
Ngôi nhà sàn
của người Chăm sẽ được xây dựng ở gần bên một bờ sông. Trên cửa sổ của ngôi nhà
là thiếu nữ Chăm đang ngồi dệt vải. Những món ăn đặc trưng của người Chăm như
Cà Púa, Tung lò mò.. cũng được bày bán ở đây cùng với các loại bánh như bánh bò
nướng, bánh Gừng (Pa-tờ-ngự), bánh
Nghệ hay bánh ba nhẫn (Ha Tpay Crah)…
Du khách có thể thưởng thức những món ăn này và mua những sản phẩm dệt của người
Chăm như xà rông, túi thổ cẩm….
H01 Thiếu nữ Chăm bên khung cửi.
Văn hóa của
người Hoa cũng được thể hiện ở đây qua các loại hình biểu diễn lân sư rồng và
các điệu múa với trang phục dân tộc… Những món ăn của người Hoa như Há cảo, Sủi cảo,
Xíu mại… cùng với các loại bánh như bánh bía, bánh lá liễu, lạp xưỡng… chắc chắn
sẽ thu hút khách tham quan muốn thưởng thức ẩm thực của người Hoa vốn nổi tiếng
trên thế giới.
H03. Múa Lân sư rồng của người Hoa.
Người Khmer
cũng không hề thua kém các dân tộc bạn với nghề dệt thổ cẩm và làm đường thốt nốt
nổi tiếng. Khách tham quan sẽ được thưởng thức tại chỗ những mẻ đường thốt nốt
vừa mới ra lò do các nghệ nhân đứng nấu cùng với bánh bò thốt nốt truyền thống
của ngưới Khmer. Các cô gái Khmer sẽ cùng với khách quây quần bên điệu múa Lâm
Thol với tiếng nhạc du dương của giàn nhạc ngũ âm.
Sau cùng, sự
kiện chắc chắn hấp dẫn đối với du khách là xem trình diễn lễ cưới của bốn dân tộc
và được mặc các trang phục dân tộc để chụp ảnh cùng cô dâu, chú rễ, hoặc mua các loại
trang phục dân tộc mang về như một món quà độc đáo.
H04 Đám cưới dân tộc Khmer.
H05 Đám cưới dân tộc Chăm.
Để thực hiện
ý tưởng này mặc dầu phải tốn rất nhiều công phu và cần có sự phối hợp của nhiều
ngành nhưng không phải là không thể thực hiện được. Đây là cách mà chúng ta giữ
được du khách ở lại lâu hơn khi sau khi tham quan miếu Bà Chúa Xứ núi Sam thay
vì để họ thẳng đường đến Hà Tiên hay
quay về lại quê nhà.
Những nghệ
nhân tham gia sinh hoạt trong làng văn hóa cộng đồng này sẽ được chọn từ các
nam nữ sinh viên đã qua khóa đào tạo về ngành du lịch tại trường Đại Học An
Giang. Đây cũng là cơ hội để cho các sinh viên tiếp xúc với thực tế những điều
đã học trong trường.
Chúng ta có
thể làm theo cách của thị xã Hội An là khách tham quan sau khi mua vé vào cổng
sẽ mua thêm các tích- kê để có thể mua những mặt hàng và thức ăn bán trong các
ngôi nhà dân tộc chứ không dùng tiền mặt.. Đến cuối ngày, các tích kê này sẽ được
thu lại để đánh giá sự năng động của các thành viên trong làng. Từ những đánh
giá này sẽ có những mức lương cụ thể cho các thành viên.
Việc xây dựng
“Làng Văn hóa cộng đồng 4 dân tộc” này sẽ là một bước đột phá cho ngành du lịch
của An Giang. Từ đó chúng ta có thể thu hút các du khách đến đây đông hơn, tạo
nền tảng cho việc xây dựng một nền du lịch sạch và xanh, thân thiện với môi trường.
Đó cũng là cách phát triển ngành du lịch của nhiều nước trên thế giới.
LÂM THANH QUANG.