Trang

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

TỪ MÁY TUỐT LÚA ĐẾN MÁY GẶT ĐẬP LIÊN HỢP.



TỪ MÁY TUỐT LÚA ĐẾN MÁY GẶT ĐẬP LIÊN HỢP
CUỘC CÁCH MẠNG VỀ CƠ GIỚI HÓA Ở AN GIANG.

Với diện tích gần 700.000 hécta cây lương thực trong đó hơn 600.000 hécta diện tích trồng lúa, An giang là một trong những tỉnh trọng điểm về sản xuất lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Những năm trước 1975 việc cơ giới hóa nông nghiệp ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hầu như chỉ tập trung vào việc cải tạo đất bằng các máy cày, máy xới mang nhãn hiệu John Deere, Kubota …. nằm trong chương trình viện trợ về nông nghiệp của Mỹ còn sau đó là các máy cày MTZ của Tiệp Khắc. Việc phát triển các loại máy thu hoạch và bảo tồn nông sản hầu như còn để ngỏ, chỉ phát triển mạnh sau khi chính sách về nông nghiệp được thay đổi theo đường lối mới từ sau năm 1985 đến nay.
Vào năm 1965, chiếc máy tuốt lúa đầu tiên xuất hiện trên đồng bằng sông Cửu Long tại hội chợ Triển Lãm Nông Nghiệp tổ chức tại An Giang nhân dịp lễ “Người Cày Có Ruộng” 26 tháng 3. Chiếc máy này do I.R.I ( Viện nghiên cứu Lúa Quốc Tế) thiết kế và được Nhật Bản chế tạo giới thiệu đến bà con nông dân. Kết cấu của máy này rất đơn giản bao gồm một trục bằng gỗ đặt trong một thùng cũng làm bằng gỗ. Trên trục có gắn những chiếc răng tuốt lúa là những thanh sắt hình trụ được uốn cong và gắn theo từng hàng dọc trục. Loại răng này những người thợ làm máy tuốt lúa gọi là răng nỏ. Máy được vận hành bằng cách đạp tương tự như máy may vốn phổ biến trong dân chúng. Một người vừa đạp vừa đưa lúa vào. Những chiếc răng bố trí trên trục quay sẽ tuốt những hạt lúa xuống thùng chứa ở bên dưới. Vì vậy nó được gọi là “ Máy tuốt lúa”.
Chiếc máy này thu hút được sự chú ý của những nông dân đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về đây tham gia hội chợ vì nó đã phá vỡ tập quán lâu đời của nông dân Việt Nam là đập và vê lúa bằng tay. Trong số những người quan tâm đến chiếc máy kỳ diệu này, có hai người nông dân mà về sau gắn bó cuộc đời mình với chiếc máy tuốt lúa : một người quê ở Vĩnh Long và một người ở An Giang tên Đặng văn Khoái mà sau này nổi tiếng với thương hiệu “ Máy tuốt lúa Ba Khoái”.
Từ đó, trong đầu hai người đã hình thành một ý nghĩ  là làm thế nào đưa cơ giới hóa vào để thay thế sức người và nâng cao năng suất của máy. Thế là chiếc máy tuốt lúa đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long ra đời ở An Giang với tên gọi “Máy tuốt lúa Ba Khoái” và hơn một năm sau chiếc máy tương tự xuất hiện ở Vĩnh Long mang tên “ Cơ Khí Vĩnh Long”.
Quá trình cải tiến từ chiếc máy tuốt lúa đầu tiên sang dạng máy gặt xếp dãy và máy gặt đập liên hợp  như hiện nay trãi qua nhiều giai đoạn. Nhìn chung có thể chia ra làm 6 giai đoạn chính như sau:
- Giai đoạn 1 : Cải tạo trục quay máy tuốt lúa và bàn gằn lúa.
- Giai đoạn 2 : Chuyển từ dạng tuốt lúa sang dạng đập lúa.
- Giai đọan 3 : Chuyển từ dạng đẩy sang dạng tự hành.
- Giai đoạn 4 : Cải tiến hệ thống sàng lọc và nhận lúa.
- Giai đoạn 5 : Cải tạo máy gặt xếp dãy từ nguyên mẫu của Nhật.
- Giai đoạn 6 : Chuyển từ máy đập lúa và máy gặt xếp dãy sang máy gặt đập liên hợp.

I. CẢI TẠO TRỤC QUAY MÁY TUỐT LÚA VÀ BÀN GẰN LÚA (1968-1974) :
Cải tạo đầu tiên của máy tuốt lúa là dùng động cơ nổ Kholer 4HP rất phổ biến trong người dân lúc đó để làm cơ cấu truyền lực thay  thế sức người. Động cơ được lắp trên một nền bằng cây và truyền động tới trục quay của máy tuốt lúa bằng sợi cu-roa.
 Máy này chỉ là dạng tuốt lúa chứ không phải là đập lúa như hiện nay vì người sử dụng vẫn phải cầm từng bó lúa đưa vào cho máy ăn còn trục quay thì được truyền động do máy. Năng suất của máy mỗi ngày chỉ  được chừng 3 đến 5 công .
Trục quay và thùng suốt được làm bằng gỗ còn hệ thống bàn gằn vẫn chưa hình thành. Những hạt lúa sau khi rơi xuống thùng chưa được phân loại phải vê lại bằng tay còn  những hạt còn sót lại trên rơm sẽ được những người khác xốc và rũ lại cho sạch.


H01 : Gia đình bác Ba Khoái bên trục máy đập lúa đầu tiên.

 


Điều này làm trăn trở người nông dân Ba Khoái. Sau nhiều lần mày mò chế tạo thử, chiếc máy tuốt lúa thứ hai ra đời vào năm 1969. Máy tuốt lúa này vẫn là loại máy ngang. Trên trục mang những răng làm bằng những thanh sắt dẹp có thể điều chỉnh được. Hạt lúa trước khi rơi xuống thùng sẽ qua một hệ thống gằn. Hệ thống này sẽ phân loại những hạt lúa chắc, lúa lép và rơm rạ dính theo. Hạt lúa chắc được rơi xuống thùng còn những hạt lép và rơm sẽ được một quạt gió hút ra ngoài. Điều này giúp giảm bớt công đoạn vê lúa và tăng năng suất tuốt lúa từ 3 công/ngày lên 10 công/ngày. Động cơ kéo tăng từ 4 HP lên 9 HP ( BS9) hoặc Yanmar F10 vì lúc này động cơ phải truyền động luôn cho hệ thống gằn. Đến năm 1973 ông  cải tiến máy tuốt lúa loại 1 trục lên 3 trục nằm thẳng hàng với nhau. Năng suất của máy tăng từ 10 công/ngày lên 15 công/ngày. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn còn một số khuyết điểm : lúa sau khi gặt xong phải được gom thành từng bó theo thứ tự ngọn và gốc, sau khi tuốt xong vẫn còn những hạt lúa dính theo rơm. Do đó cần phải có một số người theo máy làm nhiệm vụ xốc rơm và rũ sạch những hạt lúa này để tránh thất thoát lúa.Từ những khó khăn trong thực tế này giúp cho nông dân Ba Khoái có những ý nghĩ sáng tạo mang tính đột phá : người tuốt lúa không cần phải cầm từng bó đưa vào máy tuốt và chỉ cần dồn đại vào trong thùng. Hệ thống trục quay và bàn gằn sẽ tự tuốt và phân loại lúa, còn rơm sau khi tuốt xong sẽ được phóng ra xa. Thế là máy “đập lúa” một trục dọc đầu tiên ra đời vào năm 1974 mang tên “Ba Khoái” được nông dân hoan nghinh thay thế cho chiếc máy  “tuốt lúa” đã đi vào dĩ vãng (1). Người dân còn gọi máy này là máy nhai lúa bởi vì miệng đưa lúa vào trông giống như một hàm nhai.

II. CHUYỂN TỪ MÁY TUỐT LÚA SANG MÁY ĐẬP LÚA ( 1974-1983) :
Khác biệt giữa máy tuốt lúa và máy đập lúa là trục quay từ dạng nằm ngang chuyển sang dạng xuôi, lúa không cần phải sắp theo thứ tự đầu và gốc và kết cấu từ gỗ chuyền sang kim loại để tăng độ bền và năng suất. Đầu tiên, do không đủ điều kiện chế tạo trục quay có đường kính lớn nên ông dùng ống  nước có đường kính khoảng 120mm làm trục quay. Những chiếc răng dài bằng sắt dẹp được gắn xung quanh trục theo hình xoắn ốc. Người vận hành cho lúa vào một lỗ  ở một đầu, những bó lúa sau khi đưa vào sẽ được cuốn xung quanh trục theo hình xoắn ốc và bị các răng trên tuốt các hạt lúa. Ngoài ra do lực ly tâm nên những bó lúa trên sẽ bị va đập vào thành thùng. Chính lực va đập này sẽ làm cho những hạt lúa còn sót lại rơi qua lưới và rớt xuống bàn gằn đặt ở phía dưới thùng. Còn rơm ở cuối hành trình sẽ được phóng ra xa bằng một lỗ thoát đặt nghiêng 45° so với mặt phẳng ngang. Năng suất máy tăng từ 15 công/ ngày lên 30 công / ngày. Hệ thống bàn gằn vẫn không thay đổi so với trước đây nghĩa là dùng bàn gằn ngang và quạt hút. Hệ thống này vẫn còn một khuyết điểm là thường bị rơm quấn trên trục làm quá tải và làm tắt động cơ nhất là đối với loại lúa sạ mùa nước có thân dài.
Để khắc phục khuyết điểm trên, ông nghĩ cách dùng hai chai gió đá cắt đầu nối lại với nhau tạo thành một trục quay có đường kính khoảng 0,25 mét. Các răng ngắn hơn được sắp theo hình 5 dãy thẳng và có thể điều chỉnh góc độ tùy theo từng loại lúa. Hệ thống bàn gằn cũng được cải tạo lại thành gằn xuôi và dùng quạt thổi để tách rời các hạt lúa lép và bông cỏ ra khỏi những hạt lúa tốt. Rơm sau khi ra khỏi ống phóng đã được rũ sạch các hạt lúa và năng suất của máy tăng lên gấp 1,5 lần. Đây là một cải tiến quan trọng vì nó thỏa mãn được 3 yếu tố cơ bản : không cần sắp lúa theo thứ tự, lúa được phân loại chính xác và rơm được rũ sạch hạt trước khi được phóng ra xa. Đường kính trục quay được nâng lên từ 0,25 đến 0,35 mét bằng cách sử dụng 2 chai ga  nối đầu thay vì chai gió đá.

 

H02 : Bác Ba Khoái tại buổi hội thi máy đập lúa năm 1982.
 
Quá vui mừng trước sự thành công này, nhiều nơi cải tiến máy đập lúa từ 1 trục sang 2 trục rồi 3 trục. Năng suất tuy có tăng nhưng hiệu quả lại không cao vì phải dùng động cơ có công suất lớn ( từ 15HP đến 20HP) để kéo làm mất đi tính cơ động của máy đập lúa là phải di chuyển thường xuyên trên đồng ruộng có nhiều sình lầy và các bờ bao. Vì vậy, họ đành quay lại với phương án một trục quay vì đây là phương án tối ưu. Tùy theo điều kiện và tình hình từng vùng mà chiều dài trục quay thay đổi từ 1,6 mét đến hơn 2,2 mét. Răng tuốt được bố trí thành 3 dây xoắn thay vì 5 dây thẳng như lúc đầu. Giai đoạn này được xem là giai đoạn chính  mang tính đột phá trong quá trình hình thành máy đập lúa (2). Chiếc máy đập lúa “Ba Khoái” đời thứ hai này được phổ biến trên khắp đồng bằng sông Cửu Long và một nghề mới vừa được hình thành : nghề  “ đập lúa mướn” tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động vào cuối vụ mùa. Mỗi nhóm khoảng 4,5 người với một máy đập lúa đi khắp nơi trong vòng 3 tháng có thể đủ nuôi sống cho cả gia đình suốt cả năm. Máy đập lúa thương hiệu “ Ba Khoái” không những đến với nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long mà còn xuất khẩu sang nước bạn Campuchia đến tận biên giới Thái Lan.
Xí Nghiệp Cơ Khí tỉnh An Giang với những điều kiện thiết bị của mình đã thành công trong việc cuốn trục quay của máy đập lúa bằng tôl tấm giúp người thợ không cần phải dùng chai ga càng ngày càng hiếm trước nhu cầu tăng cao. Xí nghiệp cũng đã giới thiệu sản phẩm của mình đến các tỉnh ở miền Bắc và được mọi người ưa chuộng. Những mẫu máy đập lúa do xí nghiệp Cơ Khí An Giang sản xuất này xuất phát từ mô hình máy đập lúa một trục của bác Ba Khoái với một số cải tiến như cách bố trí răng, đường kính và chiều dài trục.
Phong trào sản xuất máy đập lúa từ chiếc máy thế hệ thứ hai của bác Ba Khoái lan rộng ra các huyện thị trong tỉnh An Giang và lan sang các tỉnh bạn như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Minh Hải ( bao gồm Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau bây giờ)…..
Trong cuộc hội thi giữa các nhà chế tạo máy đập lúa tổ chức vào năm 1981, máy đập lúa của bác Ba Khoái hơn hẳn các nơi khác như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Minh Hải….. về các tính năng như năng suất, độ sạch của lúa và mức thất thoát lúa…..Để khen thưởng sáng kiến của ông, năm 1983 Tổng Công Đoàn VN đã trao tặng ông bằng khen và một số phần thưởng. Dầu mang tính tượng trưng nhưng nó cũng đã góp phần động viên ông tiếp tục nghiên cứu cải tiến máy đập lúa ngày càng được tốt hơn để không phụ lòng kỳ vọng của nông dân và góp phần vào công cuộc cơ giới hóa nông nghiệp của đất nước bắt đầu vào thời kỳ đổi mới (3).

 

H03 : Trao tặng bằng khen cho bác Ba Khoái năm 1983.


III. CHUYỂN TỪ DẠNG ĐẨY SANG DẠNG TỰ HÀNH :(1983-1998)
Một yêu cầu không kém phần quan trọng khác là máy đập lúa phải có tính cơ động. Nghĩa là nó phải tự di chuyển trên  đường lộ cũng như trên đồng ruộng, vượt qua các bờ bao. Ý nghĩ đầu tiên của bác Ba Khoái là sử dụng khung gầm từ các xe ô tô 4 bánh nhỏ được các cơ quan nhà nước thanh lý vì đã quá hạn sử dụng. Thế nhưng loại khung gầm này không thích hợp với máy đập lúa vì nó có bề ngang quá rộng. Sau nhiều đêm suy nghĩ ông tự thiết kế khung gầm riêng cho máy đập lúa, chỉ sử dụng giàn cầu và mâm bánh từ máy ô tô. Thế là một loại xe mới chưa từng có trong lịch sử ngành ô tô ra đời : “Máy đập lúa tự hành” có thể di chuyển trên đường lộ  lẫn đường đồng. Mặc dầu tốc độ không cao bằng ô tô nhưng nó đã góp phần đưa máy đập lúa đi khắp nơi trên khắp đồng bằng sông Cữu Long. Nó cũng có thể được sử dụng để mang lúa từ đồng ruộng về nhà bằng những giá đỡ dọc theo hai bên hông. Từ một chiếc máy đập lúa chuyên dùng nó trở thành một công cụ đa năng giúp cho nhà nông vượt qua mọi khó khăn trong việc thu hoạch lúa.
Lúc đầu hệ thống tự hành chỉ sử dụng một cầu. Điều này thật bất tiện khi lên xuống ghe, chẹt để đến nơi làm việc vì với chiều cao quá mức nếu người lái không điều khiển khéo léo nó sẽ dễ dàng bị lật. Ngoài ra khi gặp đường ruộng nhiều sình lầy, nó có thể bị lún và không thể chạy được. Để khắc phục khuyết điểm này, các nhà chế tạo máy đập lúa cải tiến hệ thống tự hành từ một cầu sang hai cầu tương tự như xe Jeep dùng trong quân đội của Mỹ ở miền Nam. Nhờ vậy mà máy đập lúa có thể di chuyển khắp nơi trên mọi địa hình.
Trong giai đoạn này mọi sáng kiến cải tiến đều tập trung vào việc cải tiến răng trên trục cho phù hợp với nhiều loại lúa và hoàn chỉnh hệ thống tự hành. Thùng đập cũng được cải tiến từ dạng hai hông thẳng sang dạng bầu tròn.

IV.CẢI TIẾN HỆ THỐNG SÀNG LỌC VÀ NHẬN LÚA (1998-2003)
Trước đây, lúa sau khi qua hệ thống gằn và vê xong, người vận hành máy đập lúa phải hứng lúa bằng thúng vê, sau đó mới đổ vào bao. Việc này đòi hỏi hai nhân công, một người cầm miệng bao hứng lúa còn một người bưng lúa đổ vào. Để giảm số người trên chỉ còn một người, một sáng kiến mới được ứng dụng vào thực tế : chế tạo thêm bộ phận  đưa lúa ra ngoài. Người vận hành chỉ cần kê miệng bao vào máng đưa lúa ra để hứng lấy lúa.
Sáng kiến này được áp dụng từ mô hình các máy xay lúa lưu động rất phổ biến ở nông thôn. Đầu tiên, các nhà sản xuất máy đập lúa dùng hệ thống “bồ đài” ( loại băng tải có mang gàu xúc ) để đưa lúa từ buồng chứa ra ngoài. Tuy nhiên, hệ thống này rất cồng kềnh nên không phát huy được tác dụng. Không chịu lùi bước, nhà sản xuất chuyển sang dùng loại vít tải tương tự như cối xay cà phê. Sáng kiến này tỏ ra rất hiệu quả và nhanh chóng được ứng dụng vào máy đập lúa.
Từ lúc bắt đầu hình thành đến nay, máy đập lúa đã trãi qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Chính từ thực tế “ Cái khó ló cái khôn”, mà những người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long – Trong đó người có nhiều công lao nhất là bác Ba Khoái –  đã bằng khối óc và con tim của mình cải tạo chiếc máy tuốt lúa đơn giản đầu tiên trở thành chiếc máy đập lúa tương đối hoàn chỉnh như hiện nay. Máy đập lúa hiện nay không những chỉ đập được lúa mà còn có thể tách được hạt của các loại nông sản khác như đậu nành, mè và các hạt rau muống. Các máy đập lúa do Thái Lan sản xuất bắt chước từ máy đập lúa của Việt Nam xuất hiện trên thị trường Campuchia nhưng về tính năng không thể sánh bằng máy đập lúa của Việt Nam, giá thành của nó cũng cao hơn nên người dân Campuchia thích sử dụng máy đập lúa của Việt nam hơn .

V. CẢI TẠO MÁY CẮT LÚA XẾP DÃY TỪ NGUYÊN MẪU CỦA NHẬT BẢN (1990-2010):
Máy gặt xếp dãy của Nhật Bản xuất hiện trên thị trường Việt Nam vào đầu thập niên 80 của thế kỷ 20. Tuy nhiên nó chưa đi vào cuộc sống của người nông dân tại đồng bằng sông Cửu Long bởi vì giá thành quá cao và nhất là không thể gặt được đối với loại lúa ngã và hoạt động trên vùng đất nhiều sình lầy ở vùng Tây Nam Bộ. Để khắc phục những nhược điểm này, các kỹ sư tại Xí nghiệp Cơ khí An Giang đã nghiên cứu và cải tiến hoàn chỉnh máy gặt lúa xếp dãy đầu tiên của An Giang  có thể gặt được lúa ngã và lắp thêm bánh lồng vào để hoạt động trên những vùng đất sình lầy. Từ đó, máy gặt xếp dãy của XNCK An Giang đã đến với nông dân trong tỉnh và các tỉnh bạn rất được bà con nông dân ưa chuộng.   

 

H04 : Máy gặt xếp dãy của Công ty Cơ Khí An Giang tại hội chợ triển lãm Nông    Ngư Cơ năm 2014.    
 
VI . CHUYỂN TỪ MÁY ĐẬP LÚA VÀ MÁY GẶT XẾP DÃY SANG MÁY GẶT ĐẬP LIÊN HỢP (2003-2015) :
Ngay từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, nhiều xí nghiệp cơ khí và cơ sở tư nhân mong muốn có một sản phẩm máy gặt đập liên hợp “made in VietNam” để giải quyết nhu cầu thợ gặt ngày càng khan hiếm, nhất là lúc vào vụ lúa chín đều trên khắp cánh đồng. Các máy gặt đập liên hợp từ Liên Xô và các nước phương Tây vốn chỉ thu hoạch tốt với giống lúa mạch còn với lúa gạo ở châu Á thì chào thua vì cồng kềnh và không thể hoạt động ở những thửa ruộng nhiều bờ bao như ở Việt Nam. Một số nơi nhập các máy gặt đập liên hợp cũ từ Nhật Bản và Hàn Quốc về nghiên cứu để chế tạo nhưng không thành công bởi vì mức độ phức tạp của chúng. Năm 2003 anh Nguyễn văn Hoàng, ngụ tại ấp Bình An 2, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đã mua một máy gặt xếp dãy để đi cắt lúa mướn. Ý tưởng kết hợp máy gặt xếp dãy với máy đập lúa để trở thành máy gặt đập liên hợp hình thành trong đầu anh. Khi trình bày ý tưởng này đến các cơ sở cơ khí thì không ai chịu hợp tác vì không muốn phiêu lưu. Cuối cùng thì có một cơ sở cơ khí ở huyện Ô Môn nhận lời hỗ trợ và cử một công nhân giúp anh hoàn thành ý tưởng này. Chiếc máy gặt đập liên hợp đầu tiên tại An Giang ra đời và đi thu hoạch lúa tại nhiều nơi như huyện Hòn Đất ( Kiên Giang), huyện Châu Thành, Tri Tôn   ( An Giang). Ông Bảy Bụng, một chủ cơ sở sản xuất máy đập lúa tại xã Vĩnh An, huyện Châu Thành (An Giang) giúp anh sản xuất ra máy gặt đập liên hợp thứ 2 với cấu tạo gọn nhẹ hơn khắc phục những nhược điểm của máy gặt đập liên hợp đầu tiên. Sở Khoa Học và Công Nghệ An Giang đã phát hiện và hỗ trợ anh hoàn thiện đề tài này. Năng suất của máy này khoảng 3ha/ngày với tỉ lệ hao hụt chỉ hơn 1%.
Năm 2004 máy gặt đập liên hợp mini do I.R.I nghiên cứu chế tạo và giao cho tập đoàn Kubota sản xuất được đưa vào thử nghiệm trên cánh đồng An Giang . Tuy máy này có ưu điểm là gọn nhẹ ( trọng lượng chỉ khoảng hơn 500kg) thích hợp với đồng ruộng nhỏ lẻ nhưng vẫn không được người dân ưa chuộng bởi vì để giảm trọng lượng và hạ giá thành nên khung sườn máy mỏng manh dễ hư hỏng khi đang hoạt động ngoài đồng (4).

 
 

H05 : Máy gặt đập liên hợp đang hoạt động trên đồng.
 
Hiện nay máy gặt đập liên hợp đã thay thế dần máy đập lúa và máy gặt xếp dãy và đi vào cuộc sống của người dân. Đời sống của nông dân giờ đã ổn định và có điều kiện đầu tư các máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Nhiều thương hiệu máy gặt đập liên hợp của Việt Nam được ưa chuộng nhưng máy gặt đập liên hợp nhập từ nước ngoài như KUBOTA của Nhật Bản và các nhãn hiệu máy gặt đập của Trung Quốc như dòng máy GĐLH của Tập đoàn FOTON - Trung Quốc sản xuất, dòng máy GĐLH nhãn hiệu 4LZ-160B (Tập đoàn Liễu Lâm, Trung Quốc sản xuất)…. vẫn chiếm lĩnh trên thị trường. Những máy này được lấy từ các mẫu máy gặt đập của Việt Nam sau khi cải tiến một số chi tiết và gia công theo dây chuyền sản xuất hiện đại sẽ được nhập trở lại để bán cho nông dân Việt Nam. Lý do chính là chúng ta chưa có một công trình nào có tầm cỡ của các nhà khoa học nghiên cứu về chủng loại của dòng máy này để sản xuất đại trà và hạ giá thành sản xuất. Các máy gặt đập của tư nhân sản xuất hiện nay các linh kiện chưa được đồng bộ hóa nên gặp khó khăn khi tìm các chi tiết thay thế lúc hư hỏng. Nhiều máy mang thương hiệu của Việt Nam nhưng thực chất chỉ gia công lắp ráp một số chi tiết đơn giản còn thành phần chính của chi tiết máy vẫn phải nhập từ nước ngoài. Đó cũng là lý do mà chúng ta thua ngay trên sân nhà.
Mong muốn của nông dân An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung là nhà nước nên tập trung các nhà khoa học cùng ngồi lại với người nông dân để tìm ra phương án tháo gỡ những bế tắc nói trên và tìm cho mình một máy gặt đập liên hợp “made in VN” bởi vì chính chúng ta là người khởi xướng nhưng lại đánh mất đi những thuận lợi của mình để rồi trở thành người gia công cho các hãng sản xuất từ nước ngoài. Làm được như vậy chúng ta mới không phụ lòng của những người đi trước, những “kỹ sư chân đất” dù không có trình độ học thức cao nhưng vẫn mày mò để tìm ra một hướng đột phá cho ngành nông nghiệp của Việt Nam. Cánh đồng mẫu của An Giang sẽ là nơi phát huy tác dụng cho việc cơ giới hóa trong nông nghiệp để đưa nước nhà trở thành một cường quốc về xuất khẩu lúa gạo trên thế giới.

LÂM THANH QUANG
Chú thích :
(1) : Năm 1985 khi nước Việt Nam bắt đầu mở cửa quan hệ với thế giới bên ngoài ; tại Hội chợ triển lãm Quang Trung TP HCM, Nhật Bản đem sang Việt Nam máy tuốt lúa với kiểu dáng tương tự như kiểu năm 1972. Do thiếu thông tin nên họ nghĩ rằng ngành cơ giới hóa nông nghiệp Việt Nam còn lạc hậu. Họ đâu biết rằng mặc dầu trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng ngành cơ giới hóa nông nghiệp đã có một bước tiến khá xa.
(2) : Có một giai thoại về sự ra đời của máy đập lúa mang tên Ba Khoái này. Khi ông nghiên cứu và sản xuất đại trà máy đập lúa dạng phóng , bộ Nông Nghiệp thời đó đưa nhiều tay kỹ sư cơ khí nông nghiệp đến " ăn dầm nằm dề " tại nhà của ông để vẽ lại bản thiết kế máy đập lúa này. Lúc đó vấn đề bảo hộ bản quyền chưa được đặt ra và cơ sở của ông là dạng sản xuất kiểu gia đình trong thời kỳ bao cấp nên ông nào dám hó hé điều gì bởi vì nếu phản đối thì sẽ bị chụp mũ là tư sản. Vẽ xong bản thiết kế họ hí hửng mang về miền Bắc sản xuất đại trà cho các hợp tác xã nông nghiệp ngoài đó. Kết quả là bị nông dân chê quá trời bởi vì lúa còn sót quá nhiều. Mặt của các kỹ sư này méo xẹo không biết vì sao mà sử dụng ở miền Nam được nhưng đem ra Bắc lại không xài được. Lô hàng máy đập lúa đó đành phải bán ve chai và được các xí nghiệp cơ khí ở miền Nam mua về cải tiến lại. Các kỹ sư đó đâu có ngờ rằng trên trục máy đập lúa có một chiếc răng đặc biệt gọi là răng khôn chỉ được hàn sau khi bán cho nông dân và thử nghiệm thực tế ngoài đồng . Chiếc răng này có nhiệm vụ giữ lúa lại trong một thời gian ngắn đủ để tuốt sạch lúa. Vì vậy rơm sau khi được phóng ra sẽ không còn hạt lúa đi theo. Bài học trên cho thấy những cải tiến của người nông dân bắt nguồn từ  những kinh nghiệm thực tế chứ không phải là ở trên bàn giấy.
(3) : Ngoài bằng khen ra ông chỉ được thưởng một đồng hồ để bàn của Liên Xô trị giá hơn 15 đồng thời bấy giờ. Đầu thập niên 80 của thế kỷ 20 khi các chuyên gia về nông nghiệp Ba Lan sang thăm Việt Nam. Họ nghĩ rằng để sản xuất máy đập lúa này cần phải có sự đầu tư của Viện Nông Nghiệp cùng với nhiều kỹ sư giỏi cùng làm chứ đâu có ngờ rằng máy này chỉ do một người có trình độ lớp 3 trường làng làm ra. Họ nói rằng nếu được bảo hộ bản quyền thì ông sẽ sống sung túc suốt cả đời. Năm 2004 GSTS Võ Tòng Xuân khi đó là Hiệu Trưởng trường Đại Học An Giang nhờ các luật sư lập hồ sơ xin bảo hộ bản quyền cho chiếc máy đập lúa thương hiệu Ba Khoái thì mới vở lẻ ra đã hết thời gian bảo hộ bản quyền.
(4)        : Từ những kinh nghiệm thực tế trên đồng ruộng Việt Nam của máy gặt đập liên hợp này chỉ trong vài năm sau  Tập đoàn Kubota đã có chiến lược thành lập nhà máy sản xuất máy gặt đập liên hợp tại Trung Quốc cung cấp cho các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Campuchia , Philippin và ngay cả các tỉnh ở miền Nam Trung Quốc với cấu tạo chắc chắn hơn và hệ thống thủy lực để nâng hạ giàn cắt cũng hoàn chỉnh hơn. Mặc dầu giá thành cao hơn các thương hiệu khác nhưng nó vẫn được nông dân ưa chuông nhờ vào độ bền và tính năng linh hoạt của nó.

Bài viết đã được đăng trong quyển kỷ yếu Hội thảo Khoa học  An Giang 40 năm xây dựng và phát triển ngày 16 tháng 5 năm 2015. Mọi trích dịch và sử dụng tài liệu này phải có sự đồng ý của tác giả để tránh mọi phiền phức về sau. Xin chân  thành cảm ơn.