Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Lễ cúng Trăng và dua ghe ngo, nét văn hóa độc đáo của người Khmer Nam Bộ.



LỄ CÚNG TRĂNG VÀ ĐUA GHE NGO
NÉT VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ.


Sống trong nền văn minh lúa nước mà nền tảng là Phật giáo Tiểu thừa, người Khmer quan niệm rằng những hạt gạo mình làm ra là do Trời Phật ban tặng. Vì vậy sau mùa thu hoạch khi nước đã rút khỏi cánh đồng, họ tổ chức lễ hội Ooc Bom Boc để dâng những hạt gạo mới lên cúng Trời Phật và mặt Trăng. Lồng trong lễ hội này là những loại hình văn hóa như là hát dù kê, thả đèn trời, đèn nước, thi nhảy bao, đập nồi.... nhưng độc đáo nhất là lễ hội đua nghe ngo được tổ chức tại những tỉnh có nhiều đồng bào Khmer sinh sống như Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau....


Hình 1 : Giàn nhạc ngũ âm nơi sân lễ.
 
 Hình 2 : Bàn thờ cúng trăng ngày lễ Ooc Om Bóc.

Lễ được tổ chức hằng năm vào ngày rằm tháng 10 âm lịch, chỉ những năm nhuận mới được cúng trước 1 tháng. Những hạt lúa nếp mới trong những chiếc cối đá được hai người luân phiên giã để  làm thành cốm dẹp. Sau khi đã loại bỏ sạch trấu, những hạt cốm dẹp được giữ gìn cẩn thận để chờ ngày đem ra cúng trăng. Công việc này được chuẩn bị hàng tháng trước ngày lễ Ooc Bom Boc. Vào đêm rằm, một mâm cỗ với đầy đủ lễ vật như trái cây, hương hoa mà món không thể thiếu là cốm dẹp trộn với dừa nạo sẳn được bày ở bàn hành lễ giữa sân chùa vào lúc mặt trăng chuẩn bị lên khỏi đỉnh đầu.  


Hình 3 : Nhà sư làm phép trước khi bắt đầu vào lễ.


Hình 4 : Du khách nước ngoài tham quan lễ cúng trăng.
 
Những em bé trong làng rủ nhau tập trung tại sân hành lễ để nghe À- Cha là vị trưởng làng lớn tuổi có uy tín được mọi người kính trọng giới thiệu ý nghĩa của lễ cúng trăng. Các nhà sư được mời đến để ban phúc cho mọi người . Tất cả cùng nhau thắp hương khấn vái cám ơn Trời Phật và mặt Trăng đã ban cho mình những hạt lúa mới và cầu xin cho mùa sau sẽ được nhiều hơn. Sau khi cúng xong lần lượt những người già cả, trẻ em sẽ được đút từng miếng cốm dẹp để tận hưởng hương vị ngọt ngào của hạt lúa mới.


 Hình 5 : Đút cốm dẹp và bánh cho các em bé.



Hình 6 : Đọ sức.
 
Ghe ngo là tài sản quí báu của những ngôi chùa trong các phum sóc. Mỗi địa phương như xã, thôn đều có một ngôi chùa riêng của mình để người dân thường xuyên đến cúng bái và đây cũng là nơi các thiếu niên đến học đạo. Đây là một tập tục lâu đời của người Khmer bởi vì họ quan niệm rằng trước khi đến tuổi trưởng thành người thanh niên phải đến chùa học đạo để rèn luyện đạo đức và trả ơn cha mẹ. Thời gian tu có thể là vài ba năm nhưng cũng có một số xin ở lại chùa để trở thành tu sĩ. Nhà chùa chính là nơi họ gởi gấm cả về tâm linh lẫn vật chất nên thường được xây dựng rất trang trọng và đây cũng là nơi lưu trữ và bảo quản những chiếc ghe ngo sau mùa lễ hội. Ghe ngo thường dài từ 20-30m trước đây được làm bằng thân cây sao được đục rỗng ruột nhưng sau này vì không tìm được cây lớn để làm ghe nên đành phải dùng ván sao ghép lại bằng nhiều mảnh.


Hình 7 : So kè.


Hình 8 : Về đích.
 
 Ghe được chế tạo mô phỏng theo thân hình của rắn thần Nagar mà theo truyền thuyết đã từng đưa Đức Phật Thích Ca qua sông với đầu ghe có hình đầu rắn còn hai bên lườn ghe được vẽ những hoa văn rực rở. Những hoa văn giúp người xem phân biệt là ghe của chùa và địa phương nào. Yếu tố quyết định hơn thua trong việc đua ghe chính là hình dạng mũi ghe để rẽ nước tốt và một thân cây được đặt dài từ đầu đến cuối ghe để giữ ghe thăng bằng mà dân trong nghề gọi là “ Cần câu”. Chiếc cần câu này giúp cho trọng tâm luôn đặt ở giữa ghe giúp ghe không bị lật khi đua ở tốc độ cao. Yếu tố thứ hai chính là người cầm nhịp ( Chi-khbal ) cho những tay chèo (Ch’rò-wa) ngồi ở hai bên thuyền. Những tay chèo này được chọn từ những thanh niên cường tráng trong phum sóc được tập luyện cả tháng trước khi vào cuộc đua. Trước đây chỉ có nam thanh niên mới được tham dự còn bây giờ mở rộng cho cả nữ giới. Yếu tố này làm cho cuộc đua thêm phần hào hứng.


Hình  8 : Vui mừng chiến thắng.

Festival Đua ghe ngo Đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cữu Long-Sóc Trăng nhân dịp lễ hội Ooc Om Boc tại tỉnh Sóc Trăng năm nay được tổ chức từ ngày 14 đến 17 tháng 11 năm 2013 tức nhằm ngày 12 đến 15 tháng 10 âm lịch. Ngoài việc tiến hành lễ cúng trăng và đua ghe ngo, tại đây còn diễn ra các lễ hội văn hóa khác nữa như hội diễn nghệ thuật Dù kê, trình diễn các trang phục dân tộc Kinh, Hoa, Khmer tại sân khấu công viên 30 tháng 4, thả đèn nước trên đoạn sông Maspero trong nội ô thành phố... Riêng đối với việc tranh tài đua ghe ngo, ban tổ chức đã xây dựng một khán đài rộng lớn bên dòng sông Maspero đi ngang qua thành phố Sóc Trăng là nơi diễn ra cuộc đua. Ngay từ sáng sớm người dân đã nô nức đi về nơi lễ dài để tìm cho mình một chỗ tốt để xem đua ghe mặc dầu đến giữa trưa chờ con nước đứng cuộc đua mới bắt đầu.  Những chiếc ghe ngo từ các đơn vị tham gia cuộc đua tranh thủ thời gian tập dợt trước khi vào cuộc đua chính. Tiếng vỗ tay cùng tiếng hò hét của các cổ động viên đi theo ủng hộ gà nhà khiến không gian thêm phần sôi động. Điều này làm các du khách nước ngoài tham dự lễ cũng vui lây và máy ảnh trên tay cứ thi nhau lóe sáng. Cũng không ít những chiếc áo vàng sậm của những nhà sư đi theo ủng hộ đội ghe ngo của chùa mình. Sự kết hợp giữa đạo và đời diễn ra một cách hài hòa và bình dị như tấm lòng của đồng bào Khmer sống trong vùng đất Nam Bộ này. 
Cuộc đua đã sôi nổi ngay từ đầu bởi vì mỗi đội đua đều muốn đem giải thưởng về cho đơn vị mình và mỗi vòng đấu ban tổ chức đều có giải thưởng riêng. Tiếng reo hò cổ vũ ca người xem khiến các tay đua thêm phần hưng phấn, các mái chèo tăng tốc tối đa theo hiệu lệnh của người cầm nhịp làm nước ở hai bên ghe văng tung tóe theo nhịp chèo. Đội đua nữ của chùa Ngan Dừa Bạc Liêu đã giành được huy chương vàng. Còn đội nam của huyện Càng Long Trà Vinh đứng đầu đội nam vượt qua đội chủ nhà. Mặc dầu vậy cả hai đội thắng và thua cùng vui vẻ bên nhau trong vũ điệu Lăm-thôn ngay tại lễ đài và giơ cao cờ chiến thắng. Trên khán đài khán giả cũng cùng nhau nhảy múa để mừng đội thắng cuộc. Đây là một nét văn hóa độc đáo của người Khmer sống trên sông nước ở vùng đất Nam bộ.
Mặc dầu giải thưởng chỉ mang tính khích lệ :  Đội về nhất được thưởng 200 triệu đồng còn đội về nhì là 150 triệu đồng nhưng đây là niềm tự hào lớn lao cho các vận động viên lẫn ngôi chùa và địa phương được giải. Một nữ vận động viên vốn là công nhân của một xí nghiệp chế biến thủy sản tại tỉnh Sóc Trăng tâm sự : vì đam mê mà em xin nghỉ làm tại xí nghiệp cả tháng nay để tham gia vào đội đua. Ngày mai em sẽ nộp đơn xin đi làm và em hy vọng rằng xí nghiệp sẽ thông cảm và nhận em vào làm việc trở lại.


Hình 9 : Trao giải cho đội nữ thắng cuộc.

Cuộc đua được khép lại trong niềm tiếc nuối của  những người dân tại địa phương cũng như từ nơi khác tới. Hẹn gặp lại các bạn tại lễ hội Festival đua ghe ngo lần tới sẽ có sự góp mặt của nhiều đơn vị đến từ các tỉnh bạn tham gia và tranh tài quyết liệt hơn năm nay. 

Hình 10 : Trao giải cho đội nam thắng cuộc.

Bảo vệ  di sản văn hóa phi vật thể này không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương tỉnh Sóc Trăng  mà còn là niềm mong mỏi của người dân Việt, Hoa và Khmer cùng sống chung với nhau trên sông nước của vùng đất Nam Bộ này.

LÂM THANH QUANG