Trang

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Thiền sư Đoàn Minh Huyên, người nối kết giữa Đạo và Đời.



THIỀN SƯ ĐOÀN MINH HUYÊN
NGƯỜI NỐI KẾT GIỮA ĐẠO VÀ ĐỜI.
LTQ
Nằm trong quần thể di tích văn hóa lịch sử núi Sam cách thị xã Châu Đốc 5km, chùa Tây An với kiến trúc mang phong cách Ấn Độ và dân gian cổ Việt Nam đã được bộ Văn Hóa xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 10 tháng 7 năm 1980. Tên Tây An tự do Tổng Đốc An Hà ( An Giang và Hà Tiên) Doãn Uẩn là người thành lập ngôi chùa đặt mang hàm ý trấn an bờ cõi ở phía Tây sau khi ông đánh thắng được quân Xiêm La sang quấy nhiểu ở nước ta.  Chùa còn là nơi thiền sư Đoàn Minh Huyên được người đời xưng tụng là đức Phật Thầy Tây An đã sống trong những ngày cuối đời và viên tịch tại đây.

 

Hình 1 : Chùa Tây An Cổ Tự Núi sam.
Đoàn Minh Huyên (1807 - 1856), đạo hiệu là Giác Linh, quê ở Tòng Sơn, Cái Tàu thượng, tổng An Thạnh thượng, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Sau khi ông đến tu tại chùa Tây An (núi Sam, Châu Đốc) được tín đồ gọi tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Cuộc đời của ông là cả một huyền thoại giữa hư và thật. Ngoài việc sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, ông còn là người tiên phong hướng dẫn các cư dân và tín đồ khai phá và thành lập nên 2 làng An Thới và Xuân Sơn ( tức xã Thới Sơn thuộc thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang hiện nay).


Hình 2 : Lễ Giỗ Đức Phật Thầy Tây An tại Núi Sam.

Hoàn cảnh xã hội lúc thiền sư sinh ra rất phức tạp. Sau khi được các thế lực trong và ngoài nước ủng hộ, Nguyễn Ánh đã đánh thắng được quân Tây Sơn và thống nhất nước nhà . Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long và đặt kinh đô tại Phú Xuân ( TP Huế ngày nay ). Để khôi phục lại vương quyền và xây dựng một nhà nước phong kiến, vua Gia Long giao cho các tướng lĩnh thân cận nắm giữ các nơi trọng yếu : Tiền Quân Nguyễn văn Thành trấn giữ Bắc Thành ( Hà Nội ngày nay), Tả quân Lê văn Duyệt trấn giữ Gia Định Thành là nơi nhà vua đã từng sống trước khi phục nghiệp. Những công trình giao thông và thủy lợi được tiến hành ở tỉnh An Giang như kinh Thoại Hà từ Long Xuyên đến Rạch Giá, kinh Vĩnh Tế từ Châu Đốc đến Giang Thành...giúp cho người dân thuận lợi trong việc đi lại và khai khẩn đất hoang. Tuy nhiên dịch bệnh cũng đã hoành hành tại các nơi này và là nỗi ám ảnh trong đời sống của người dân. Trong số hơn 5.000 người hy sinh trong việc đào kinh Vĩnh Tế từ năm 1819 đến năm 1825 đã có hơn 3.000 người chết vì bệnh dịch tả mà người đương thời gọi là bệnh thời khí do điều kiện sinh hoạt thiếu thốn và giữ gìn vệ sinh không tốt. Toàn miền Nam có hơn 30.000 người bị chết vì dịch tả chiếm hơn 5% dân số lúc đó. Ngoài dịch bệnh, người dân còn phải đối mặt với nạn cường hào tại các địa phương còn những vị quan thanh liêm thì bị vu cáo là lạm quyền và bị triều đình bức hại. Các vụ án như Nguyễn văn Thoại bị Tào hình Võ Du vu cáo , Lê văn Duyệt bị kết tội và xiềng mộ sau khi ông mất tại thành Gia Định và Nguyễn văn Thành bị ép tuẫn tiết tại Bắc Thành ... là một minh chứng cho việc cũng cố quyền lực của vua Minh Mạng đối với các vị đại thần đã từng theo giúp vua Gia Long phục quốc và là cơ sở để cho Lê văn Khôi nổi loạn giết quan Bố Chánh Bạch Xuân Nguyên, Tổng Đốc An Biên Nguyễn văn Quế và chiếm giữ thành Phiên An (Gia Định) từ năm 1833 đến năm 1835 .

 


Hình 3 : Mộ Đức Phật Thầy Tây An ở phía sau chùa Tây An, núi Sam.
 

Sau khi dẹp tan cuộc khởi binh của Lê văn Khôi, thành Phiên An bị san bằng, 1831 người bao gồm những nghĩa binh và người nhà trong thành bị giết chết và chôn tại “ đồng Mã Ngụy”(1), còn những cầm đầu cuộc nổi dậy thì bị giải về Phú Xuân để triều đình xử tội. Trong số những người này có hai nhân vật nổi bật là cố đạo Marchand ( còn được gọi là cố Du, Mã Song) giữ vai trò truyền đạo Gia Tô tại thành Gia Định và lảnh tụ của người Hoa tên là Lưu Hằng Tín ( còn gọi là Bốn Bang). Điều này cho thấy rằng đạo Gia Tô vẫn được tự do truyền giáo tại thành Gia Định dưới sự bảo trợ của Lê văn Duyệt mặc dầu vua Minh Mạng ra chỉ dụ cấm đạo Gia Tô, đuổi các thừa sai về nước và người Hoa nắm vai trò quan trọng trong nền kinh tế tại đây.
Đứng trước việc đối xử hà khắc của triều đình đối với những người dân Nam bộ mà phần lớn là dân ngũ Quảng (2) di cư , dân Hồi lương và Bắc thuận (3)... nhiều nhân sĩ ở miền Nam chọn con đường an phận là tìm đến những ngọn núi xa xôi hiểm trở như núi Cấm ở vùng Thất Sơn, thậm chí đến núi Tà Lơn ( Bokor) lúc đó còn thuộc quyền bảo hộ của Việt Nam để tu tiên học đạo chờ thời cơ. Một số khác thì chọn phương án “Nhập thế hành đạo”, chữa bệnh cho người dân bị mắc những chứng bệnh hiểm nghèo , đồng thời tuyên truyền đạo giáo mới phù hợp với điều kiện của người dân vốn khó khăn trong việc mưu sinh ; chống lại sự phát triển của đạo Gia Tô được xem như là ngoại lai và thói quen mê tín dị đoan trong dân chúng lan tỏa đến các chùa chiền của Phật giáo.
Năm Kỷ Dậu ( 1849), nhân dân trong vùng An Giang bị mắc bệnh dịch tả chết rất nhiều. Các lương y lẫn những pháp sư nổi tiếng trong vùng đều phải bó tay mặc cho căn bệnh trên hoành hành. Thiền sư Đoàn Minh Huyên chèo xuồng con ngược dòng sông Cái Tàu ra rạch Xẽo Môn đến làng Kiến Thạnh ( tức làng Long Kiến, tỉnh An Giang) để trị bệnh cho dân chúng. Tiếng lành đồn xa nên nhiều người từ các nơi đến gặp ông để xin trị bệnh. Sau đó thiền sư dời về cốc của ông đạo Kiến ( sau này dựng nên Tây An Cổ Tự). 

 


Hình 4 : Lễ giỗ Đức Phật Thầy Tây An tại chùa Thới Sơn.
 
Để  lý giải tại sao Thiền sư Đoàn Minh Huyên chỉ dùng nước cúng và hương hoa mà trị hết bệnh cho người dân lúc bấy giờ, một số nhà nghiên cứu về Bửu Sơn Kỳ Hương đưa ra giả thuyết như sau :

Trong số các pháp môn mà Đức Phật Thích Ca truyền lại cho các đệ tử bao gồm Mật Tông, Tịnh Tông và Thiền Tông.

Mật tông cũng gọi Chân ngôn tông là một tông phái lấy pháp tu trì bí mật làm yếu chỉ. Giáo phái này  không chọn việc thi hành Phật pháp bằng cách giảng dạy qua những kinh kệ mà bằng những mật ngữ, phù chú và ấn quyết mang tính chất huyền bí. Nó có năng lực đem lại sự an lành và và giải trừ những tai nạn đưa đến. Mật Tông này rất thịnh hành ở Trung Hoa vào đời Tùy Đường nhưng về sau thất truyền vì khó thực hiện. Ngày nay ở Tây Tạng , Nhật Bản và một vài nơi ở Trung Quốc vẫn còn những giáo phái tu theo lối mật tông này. Đạt Ma Tổ Sư người Thiên Trúc ( Ấn Độ) khi đến Trung Quốc đã triển khai pháp môn này bằng cách đứng trên một cây sậy để vượt biển. Tranh  “Bồ Đề Đạt Ma quá hải” được thờ rất nhiều trong các ngôi chùa của Phật Giáo. Ở Việt Nam, vào đời Lý có những vị cao tăng như Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh tu theo lối Mật tông, có nhiều phép mầu nhiệm, danh tiếng vẫn còn truyền đến ngày nay.

Để học được pháp môn này phải là người có cơ duyên, luyện tập công phu và nhất là phải có tư tưởng và đạo đức tốt, bằng không thì sẽ lâm vào sự mê tín dị đoan và làm hại cho bản thân và người khác.

Thiền sư Đoàn Minh Huyên là một bực chứng chân đắc pháp, nên không ngại dùng những thuật huyền bí của Mật giáo cứu độ chúng sinh. Gặp lúc dân chúng mặc nạn ôn dịch, ông đã dùng phép huyền diệu chữa trị cho người dân. Chỉ với một chung nước lã, thiền sư niệm chú rồi cho uống, thế mà trăm bịnh trăm lành. Ngoài ra, ông còn dùng phép huyền điệu chữa các bịnh tà như điên cuồng, trùng tang, mắc đàng dưới.... ; biến hiện nhiều diệu thuật khi bị nhà cầm quyền lúc bấy giờ thử thách. Nhờ những phép diệu cứu độ chúng sinh, mà người đời nhất là những người mắc bịnh được chữa lành, đều đem lòng tin tưởng, đi theo rất đông.



Hỉnh 5 : Đãi cơm chay tại Đình Thới Sơn .

Thật ra Mật tông chỉ là pháp môn mà thiền sư Đoàn Minh Huyên lựa chọn để dẫn dắt các tín đồ từ việc tin tưởng đi đến việc thực hiện và giữ gìn truyền thống của dân tộc trước sự phát triển của các tôn giáo ngoại lai và sự trà trộn của những phần tử xấu vào cửa thiền để tạo ra sự mê tín, dị đoan. Việc ông đưa ra thuyết Tứ Ân Hiếu Nghĩa chính là bước chuyển tiếp từ Mật Tông sang Tịnh Tông và Thiền Tông. Bốn ân đó là :
 - Ân Đất nước : giữ gìn truyền thống yêu nước của dân tộc,  không theo giặc, làm tôi mọi cho ngoại bang.
 - Ân Cha mẹ : bảo tồn và phát huy giá trị của chữ hiếu, một trong những đức tính hàng đầu của đạo Nho.
   - Ân Tam bảo : đề cao đời sống tinh thần, xác lập sự gắn bó giữa đạo và đời.
-  Ân đồng bào, nhân loại : tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa người và người, luôn luôn lấy lòng nhân làm gốc.
Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương được lập nên vào năm 1849 dựa trên nền tảng của Tứ Ân Hiếu Nghĩa để thuyết phục người dân gia nhập đạo. Theo học thuyết của giáo phái này, thì Bửu Sơn (núi báu) là Thất Sơn, mà linh thiêng nhất là núi Cấm. Kỳ hương tức là mùi hương lạ. Hội Long Hoa sau thời Mạt pháp sẽ được thành lập ở đó để đón nhận những ai biết tu hiền.
Trước thực trạng nghèo đói và bệnh tật triền miên, nghe nói hội Long Hoa, giống như cõi Tiên tại thế, mà việc hành đạo lại rất dễ dàng, nên người tin theo ngày càng đông. Có thể nói thiền sư Đoàn Minh Huyên là người thứ nhất báo hiệu và đánh thức người đời rằng thời kỳ Hạ ngươn sắp mãn để bước sang thời Thượng ngươn, tức là thời kỳ Đức Phật Di-Lặc hạ phàm lập nên hội Long Hoa. Những tín đồ theo đạo được cấp một “lòng phái” có ghi chữ Bửu Sơn Kỳ Hương để phân biệt với các tôn giáo khác. Những người này không đến chùa để xuất gia mà vẫn ở nhà tu theo chế độ cư sĩ (4), chỉ thờ trần điều màu đỏ chứ không thờ hình tượng và tự lực sản xuất để nuôi sống bản thân mình chứ không nhờ vào người khác. Đây là một điểm khác biệt của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương so với các chi phái khác của đạo Phật.
Chẳng những thực thi phép diệu mà thiền sư còn truyền cho môn nhân đệ tử để đi cứu đời độ thế. Những đệ tử của ông như Đạo Xuyến, Đạo Sang, Đình Tây, Đạo Lập… đều được truyền mật pháp mà đắc thần thông. Trong lúc thiền sư còn trụ thế cũng như sau lúc tịch diệt, các môn đệ phân nhau đi hóa độ khắp các tỉnh miền Nam và Cao miên. Các tỉnh miền Tây thì có Đạo Sang, Đạo Lập, Đạo Ngoạn, Đạo Thắng…, còn các tỉnh miền Đông thì có Đạo Xuyến. Riêng các tỉnh dọc theo ranh giới Cao miên thì có Bà Năm Chòm Dầu và cậu Hai Lãnh tục gọi cậu Hai Gò Sặc lãnh phần giáo độ.
Chẳng bao lâu sau khắp các tỉnh miền Nam, nơi nào cũng có đạo Bửu Sơn Kỳ Hương truyền bá đến. Có thể nói, nhờ thực thi các pháp huyền diệu của Mật giáo để cứu thế độ dân mà phái Bửu Sơn Kỳ Hương đem người đời từ chổ thiếu tin tưởng nơi tôn giáo, lâm vào mê tín dị đoan sang một tôn giáo mới rất gần gủi với cuộc sống thường ngày của họ.
Việc làm của thiền sư không sao tránh được những tai mắt của chính quyền thời bấy giờ. Họ sợ rằng nếu để cho tự do truyền bá đạo Bửu Sơn Kỳ Hương thì rất dễ xãy ra loạn Lê văn Khôi thứ hai, làm suy yếu quyền lực của nhà nước phong kiến. Chúng bắt ông vào nhà lao Châu Đốc nhưng xét không có bằng chứng thiền sư là gian đạo sĩ nên đành phải trả tự do. Thiền sư bị buộc phải qui y Phật theo phái Lâm Tế và chỉ định tu tại chùa Tây An (5) dưới chân núi Sam do Tổng Đốc Doãn Uẩn lập năm 1847. Từ đó người dân trong vùng tôn kính gọi thiền sư là Đức Phật Thầy Tây An.
Mặc dầu bị chỉ định nơi cư trú, song thiền sư vẫn thường đi lại khắp nơi, phổ biến đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đồng thời vận động dân nghèo đi khai hoang, lập thành 4 khu dinh điền lớn là Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp), Thới Sơn ( Tịnh Biên, An Giang), Láng Linh và Cái Dầu ( Châu Phú, An Giang)... Những vùng đất còn hoang sơ không dấu chân người dần dần biến thành những trại ruộng cò bay thẳng cánh. Tương truyền khi thành lập trại ruộng, ông bắt gặp bia đá do Mạc Thiên Tích để lại đề ghi niên hiệu Càn Long thứ 57 tại làng Bà Bài bên dòng kinh Vĩnh Tế. Thiền sư cho nhổ đi và sai đệ tử là Trần văn Thành dùng cây lào táo làm thành 4 cây thẻ cắm ở 4 hướng khác nhau :
-  Đông Phương Thanh Đế ở làng Vĩnh Hanh huyện Châu Thành ( ngày nay còn di tích là dinh ông Thẻ).
-   Bắc Phương Hắc Đế thuộc xã Vĩnh Thạnh Trung huyện Châu Phú.
-  Tây Phương Bạch Đế thuộc làng Bà Bài xã Vĩnh Tế cạnh chùa Bồng Lai.
-   Nam Phương Xích Đế tại Giồng Cát ( thuộc rừng Tràm ).
Riêng cây thẻ Trung ương Huỳnh Đế được làm bằng đá đặt tại núi Cấm, xã Văn Giáo huyện Tịnh Biên.
Những cây thẻ này hiện nay chỉ còn lại di tích như ở Bà Bài, Vĩnh Hanh... Riêng cây thẻ trung ương làm bằng đá cắm ở núi Cấm đến nay chưa rõ tung tích. Có giả thuyết cho rằng Đức Phật Thầy tây An là người hiểu biết huyền cơ, biết rõ người Pháp sẽ xâm lăng nước ta nên thành lập những trại ruộng này để trở thành những căn cứ chống Pháp. Giả thuyết này không có cơ sở vững chắc, lịch sử cho thấy rằng sau khi vua Thiệu Trị từ bỏ việc bảo hộ Cao Miên, ra lệnh cho Trương Minh Giảng và Nguyễn Tri Phương rút về thành Châu Đốc, đồng thời trả lại vùng đất trãi dài theo ven biển từ Hà Tiên đến Kompong Thom ( do Mạc Thiên Tích đã dâng tặng vào năm 1758) về cho Cao Miên ; thì quân Xiêm La ( Thái Lan ngày nay) thừa cơ đem quân sang quấy nhiểu vùng Châu Đốc nhiều lần. Khi triều đình hay tin đem quân cứu viện, chúng mới chịu rút về. Việc thành lập các trại ruộng giúp cho các tín đồ làm quen với lối làm ruộng theo kiểu tập thể, đồng thời bảo vệ lẫn nhau trước sự quấy nhiểu của quân Xiêm La. Từ đó nhân dân trong vùng sống trong no ấm không còn cảnh đói kém như trước đây. Tư tưởng Tứ Ân Hiếu Nghĩa là nền tảng cho các cuộc khởi nghĩa của các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương do đệ tử của ngài là Trần văn Thành và người sáng lập phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa Ba Chúc là Ngô Tự Lợi lãnh đạo chống Pháp khi chúng xâm chiếm nước ta sau này.


Hình 6 : Trại vỏng tại chùa Thới Sơn.
Thiền sư Đoàn Minh Huyên mất vào ngày 12 tháng 8 âm lịch năm 1856. Theo di nguyện của ông, ngôi mộ được xây đơn sơ không đắp thành nấm trên trên một mảnh đất nằm phía sau chùa Tây An, hàng ngày được các tín đồ quét dọn sạch sẻ. Hằng năm vào ngày giỗ, những tín đồ từ các nơi đến đây thắp hương trước khi đến làm lễ chùa Thới Sơn tại xã Thới Sơn thuộc thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên vốn được xem như là tổ đình của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Ngoài ra họ còn đến viếng đình Thới Sơn và trại ruộng là nơi thiền sư cùng với các đệ tử là ông Tăng chủ Bùi văn Thân và ông Đình Tây đã dày công khai phá. 


Hình 7 : Tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đến cúng bái tại trại ruộng Thới Sơn.

Số lượng người đến dự lễ giỗ này có hơn 30.000 người và là ngày hội lớn của các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương. Họ mang đến những sản vật do chính tay họ làm ra như gạo, đậu, rau quả... để đóng góp cho ngày lễ giỗ. Những sản vật này được các tín đồ nấu  cơm chay phục vụ cho mọi người đến dự lễ giỗ không phân biệt trong hay ngoài đạo. Tất cả những nghĩa cử đó xuất phát từ tư tưởng gắn liền giữa Đạo và Đời, một lối thiền dung dị mà bất cứ ai cũng có thể theo đuổi trong suốt cuộc đời mình để hướng đến chân thiện, mỹ mà thiền sư Đoàn Minh Huyên đã xây dựng cho tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương cách nay hơn 150 năm được giữ gìn đến ngày nay.
LÂM THANH QUANG


Chú thích :
1. Đồng mã Ngụy : hiện nay nằm ở khu Hòa Hưng thuộc phường 12,  Quận 3 TP HCM.
2. Ngũ Quảng : bao gồm 5 tỉnh : Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Tín ( Thừa Thiên ), Quảng Nam, Quảng Ngải.
3. Hồi lương và Bắc Thuận : là những người dân bị tội được cho hoàn lương và những người theo giặc bị bắt được tha nhưng phải chịu cảnh lưu đày xa quê hương.
4. Cư sĩ : chỉ những người tu tại gia vẫn có gia đình vợ con chứ không  “ Xuất gia cắt ái” như đạo Phật.
5.     Vị sư trụ trì đầu tiên là Hòa thượng Nguyễn Văn Giác (17881875), pháp hiệu Hải Tịnh, tu theo phái Lâm Tế, nên có người còn gọi chùa Tây An là chùa Lâm Tế .
Tài liệu tham khảo :
- Đức Phật Thầy Tây An của Nguyễn văn Hầu.
- Bửu Sơn Hỳ Hương của Vương Kim.
- Lê văn Khôi và sự biến thành Phiên An của Nguyễn Phan Quang.